Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí

Khi phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí các em đã thấy được tấm lòng đồng cảm, trân trọng của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh, tìm hiểu chi tiết về bài thơ ta còn cảm nhận được tiếng khóc thương của Nguyễn Du cho kiếp tài hoa bạc mệnh của chính mình và cũng là những người nghệ sĩ như ông trong xã hội đương thời. Các em cùng tham khảo Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để có những cảm nhận sâu sắc nhất nhé.

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để thấy được những tâm sự, nỗi lòng thầm kín của đại thi hào.

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
    1. Mở bài
    2. Thân bài
    3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

tieng khoc cua nguyen du trong bai tho doc tieu thanh ki

Bài văn tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí 


I. Dàn ý Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Du, một đại thi hào, một nhà văn hóa, nhà nhân đạo lỗi lạc với tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng sâu sắc
+ "Độc tiểu thanh kí" là nỗi đồng cảm, xót thương cho một kiếp người tài hoa bạc mệnh.

2. Thân bài

- Khái quát về hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
+ "Độc Tiểu Thanh kí" được sáng tác trong khoảng trước hoặc sau khi tác giả đi sứ Trung Quốc.
+ Bài thơ là lời xót thương cho Tiểu Thanh, một người con gái đẹp nhưng bạc mệnh.
+ Nguyễn Du thấu hiểu, cảm thông với tất cả những vấn đề ấy để tri âm với nàng qua bài thơ của mình.

- Phân tích từng câu thơ để làm rõ tiếng khóc đồng cảm của Nguyễn Du dành cho nàng Tiểu Thanh

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

+ Lời thơ của Nguyễn Du ẩn chứa nỗi tiếc nuối, sự xót xa trước vẻ lụi tàn của cái đẹp. Vật đổi sao dời, biến thiên dâu bể, con người tài sắc một thời đã hóa cát bụi từ bao giờ.

Chi phấn hữu thần liệu tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

+ Son phấn tượng trưng cho nhan sắc, văn chương hình tượng của tâm hồn, tài năng.
→ Nhan sắc thì bị vùi dập, văn chương bị thiêu hủy, cả hai hình ảnh đã nói lên cuộc đời đầy oan khốc, phũ phàng của nàng Tiểu Thanh, một số phận trớ trêu, ngang trái, bi kịch.
→ Nhà thơ bày tỏ niềm tiếc thương, xót đau vô hạn cho cái tài, cái đẹp của con người, để rồi cùng thương, cùng đau, lại cùng oán trách, bất bình trước những kẻ đã chà đạp lên cái tài, cái đẹp ấy

Cổ kim vận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư

+ "Hận" để chỉ nỗi đau tột cùng không thể sẻ chia, không thể giải tỏa khi những giá trị, những phẩm giá con người bị quên lãng.
+ "Oan" là sự tự ý thức của con người khi bị chà đạp, bị kết tội một cách vô lý.
→ Ở đây, Nguyễn Du không chỉ nêu ra nỗi hận, nỗi oan của con người mà còn tìm cách lý giải nguyên nhân của nỗi oan ấy. Xã hội bất công tàn ác chà đạp con người.

Bất tri tam bách sư tiên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như?

+ Ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh mất, Nguyễn Du đã đến đọc thơ và tri âm cùng nàng. Câu thơ là lời để ngỏ nỗi khắc khoải của nhà thơ, ai sẽ là người khóc cho những nỗi đau mà kiếp này ông đã từng trải.


3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề.

 

II. Bài văn mẫu Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí

Nguyễn Du, một đại thi hào, một nhà văn hóa, nhà nhân đạo lỗi lạc với tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng sâu sắc. Sống một cuộc đời bi kịch và đau thương, Nguyễn Du có một sự đồng cảm, lòng trắc ẩn với những mảnh đời bất hạnh. Chính vì thế, trong lòng ông luôn băn khoăn, trăn trở về sự đồng cảm. Cả đời vì nghệ thuật, đến khi mất đi, nỗi day dứt nhất trong lòng nhà thơ là liệu rằng, hậu thế có ai là tri âm, tri kỉ. "Độc tiểu thanh kí" là tiếng khóc, là nỗi lòng của một nhân tài kiệt xuất nhưng khổ đau, đơn độc. Không chỉ khóc cho mình, đó còn là tiếng khóc cho những người tài hoa mà bạc mệnh, bạc phận như nàng Tiểu Thanh trong tác phẩm.

Xuất thân danh gia vọng tộc, nhà có truyền thống làm quan đã làm nên một hồn thơ Nguyễn Du có sự trí tuệ, học thức. Tuy nhiên, cuộc đời gian nan, phiêu bạt, đã có những lúc phải sống chui lủi, trốn chạy, tiếng thơ của ông có sự từng trải, xót xa. "Độc Tiểu Thanh kí" được sáng tác trong khoảng trước hoặc sau khi tác giả đi sứ Trung Quốc. Bài thơ là lời xót thương cho Tiểu Thanh, một người con gái đẹp nhưng bạc mệnh. Có sắc, có tài thơ ca, 16 tuổi nàng đã bị bắt đi làm vợ lẽ cho một nhà giàu, bị vợ cả đánh ghen, bắt lên núi sống một mình. Chẳng bao lâu, nàng mang tâm bệnh mà qua đời khi mới chỉ 18 tuổi. Khi còn sống, nàng viết thơ bày tỏ lời gan ruột của mình. Sau khi nàng chết, người vợ cả đốt hết những bài thơ ấy, chỉ còn sót lại một số lượng nhỏ. Nguyễn Du thấu hiểu, cảm thông với tất cả những vấn đề ấy để tri âm với nàng qua bài thơ của mình.

Mở đầu bài thơ là những dòng xúc cảm cuộn trào của tác giả khi lần đầu gặp gỡ một tâm hồn đồng điệu:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)

Cảnh Tây Hồ vốn đẹp đẽ, thơ mộng nay đã "hóa gò hoang", một sự biến đổi khốc liệt, kinh hoàng của cảnh. Từ một vườn hoa Tây Hồ rực rỡ, mĩ lệ trở thành gò hoang trơ trụi, hoang tàn. Cảnh sắc gợi nhắc đến số phận con người, số phận bất hạnh, nghiệt ngã của nàng Tiểu Thanh. Lời thơ của Nguyễn Du ẩn chứa nỗi tiếc nuối, sự xót xa trước vẻ lụi tàn của cái đẹp. Vật đổi sao dời, biến thiên dâu bể, con người tài sắc một thời đã hóa cát bụi từ bao giờ. Chỉ còn lại một tập sách để "viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ", nhà thơ thấu hiểu được sự bất hạnh của một kiếp người tài hoa. Bản dịch thơ có thêm từ "thổn thức" để làm nổi bật được nỗi lòng xót xa. Trước một cuộc đời như Tiểu Thanh, ta còn biết làm gì ngoài việc đọc thơ nàng để hiểu được những kí thác, tâm sự. Câu thơ "độc điếu song tiền nhất chỉ thư" ngắn gọn mà hàm súc, chứa đựng bao ý tình. Tập sách mỏng manh như chính sự mỏng manh của đời người, là cầu nối tri âm giữa người xưa và thực tại. Phải chăng, đó là sự tri âm của những tâm hồn đồng điệu, sự giao cảm hài hòa giữa người đọc thơ và người viết thơ, người còn sống và người đã khuất.

Tiếng khóc của Nguyễn Du được thể hiện qua hình ảnh "son phấn" và "văn chương".

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

(Son phấn có phần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)

Son phấn tượng trưng cho nhan sắc, văn chương hình tượng của tâm hồn, tài năng. Nhan sắc thì bị vùi dập, văn chương bị thiêu hủy, cả hai hình ảnh đã nói lên cuộc đời đầy oan khốc, phũ phàng của nàng Tiểu Thanh, một số phận trớ trêu, ngang trái, bi kịch. Nhà thơ bày tỏ niềm tiếc thương, xót đau vô hạn cho cái tài, cái đẹp của con người, để rồi cùng thương, cùng đau, lại cùng oán trách, bất bình trước những kẻ đã chà đạp lên cái tài, cái đẹp ấy. Tuy vậy, người ta nhận ra được sự tồn tại vĩnh hằng của cái đẹp, "Son phấn" nếu có thần vẫn phải xót xa, "văn chương" vô tri để rồi cũng biết cất lên tiếng kêu ai oán. Nàng Tiểu Thanh không còn nữa, nhưng cái tài, cái đẹp vẫn bất tử. Tài hoa, nhan sắc có sức sống tự thân của nó, trường tồn vĩnh hằng. Qua câu thơ, Nguyễn Du đã cất lên tiếng thương đồng cảm, tiếng nói tri âm sâu sắc với số phận khổ đau oan khuất của nàng Tiểu Thanh.

Nỗi đau day dứt của nàng Tiểu Thanh được Nguyễn Du khắc họa trong hai câu thơ luận:

Cổ kim vấn sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư

(Nỗi hận kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)

Hai câu thơ đầu ám ảnh và gây băn khoăn cho người đọc, có nhiều phiên bản dịch khác nhau. Đào Duy Anh viết:

(Nỗi hận cổ kim khó hỏi trời
Oan lạ của người phong vận ta cũng tự thấy có mình)

Hay Vũ Tam Tập dịch ý:

(Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được
Ta tự coi là kẻ cùng một hội với con người phong vận mắc nỗi oan lạ lùng)

Các bản dịch về cơ bản đều gặp gỡ nhau ở chung một điểm, bàn về hai chữ "hận" và "oan". Nỗi đau, nỗi uất hận của con người, đặc biệt là những bậc kì tài tuyệt sắc xưa nay không bao giờ chấm dứt. Chữ "hận" và "oan" là những thứ thường được dùng trong văn chương trung đại, các cổ nhân xưa thường dùng để chỉ nỗi buồn thời thế, nhân thế. "Hận" để chỉ nỗi đau tột cùng không thể sẻ chia, không thể giải tỏa khi những giá trị, những phẩm giá con người bị quên lãng. "Oan" là sự tự ý thức của con người khi bị chà đạp, bị kết tội một cách vô lý. Người "tài tình" thường mắc vào nỗi hận, nỗi oan "Tài mệnh tương đố", "hồng nhan đa truân". Nỗi hận của nàng Tiểu Thanh trong cảm nhận của Nguyễn Du đã trở thành nỗi hận muôn đời. Ở đây, Nguyễn Du không chỉ nêu ra nỗi hận, nỗi oan của con người mà còn tìm cách lý giải nguyên nhân của nỗi oan ấy. Xã hội bất công tàn ác chà đạp con người. Nguyễn Du tự coi mình là người cùng chịu nỗi oan với Tiểu Thanh, cho dù giữa ông và nàng về thời gian, không gian đều không cùng một thời điểm. Nguyễn Du tự nhận mình là người "cùng hội cùng thuyền" với nàng Tiểu Thanh, thêm một lần nữa, sự đồng cảm ấy lại trở nên rõ nét.

Tiếng khóc ai oán của Nguyễn Du kéo dài đến hai câu kết

"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khóc Tố Như?"

Ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh mất, Nguyễn Du đã đến đọc thơ và tri âm cùng nàng. Còn Nguyễn Du, ba trăm năm sau này, ai sẽ khóc cho ông đây? Nước mắt lặn vào trong lòng bởi đó là tiếng khóc tri âm, câu thơ cuối cất lên đau đáu, khắc khoải, vừa thể hiện niềm khao khát, kiếm tìm người đồng cảm, vừa là nỗi cô đơn bất lực của Nguyễn Du trước cuộc đời đen bạc. Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Du không tìm được tri âm ở hiện tại nên đành kí thác, hi vọng tìm được tri kỉ ở thế hệ sau. Khát vọng tri âm là khát vọng muôn đời của con người, trong sự nghiệp thơ ca, Nguyễn Du cũng nhiều lần nhắc đến khát khao ấy:

Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai

Quả thực, trên đời này, khó nhất chính là sự gặp gỡ, mà gặp gỡ để thành tri kỉ lại càng khó hơn. Câu thơ là lời để ngỏ nỗi khắc khoải của nhà thơ, ai sẽ là người khóc cho những nỗi đau mà kiếp này ông đã từng trải. Và thật may sao, trong lễ kỉ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, Tố Hữu đã viết:

Tiếng thơ lay động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt phổ biến cùng giọng thơ đầy ai oán, khắc khoải, tiếng khóc Tố Như, tiếng khóc của một đại thi hào xuất chúng nhưng bất hạnh, khổ cực cất lên đầy ai oán. Khóc cho mình, khóc cho người, khóc cho những số phận tài hoa nhưng bạc mệnh, bị cuộc đời chà đạp, vùi dập. Người đọc như cảm nhận được tiếng lòng của nhà thơ, để rồi cùng thấu hiểu, tri âm cho một kiếp người nghệ sĩ.

-------------------HẾT------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/tieng-khoc-cua-nguyen-du-trong-bai-tho-doc-tieu-thanh-ki-48017n.aspx
"Độc Tiểu Thanh kí" là tiếng nói đồng cảm, tiếng khóc đầy xót xa của Nguyễn Du với người con gái tài hoa bạc mệnh Tiểu Thanh, tìm hiểu chi tiết về bài thơ, bên cạnh bài Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Cảm hứng nhân đạo trong Độc Tiểu Thanh kí, Cảm nghĩ về nhân vật Tiểu Thanh qua bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du, Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

Tác giả: Nguyễn Hải Sơn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý cảm nghĩ về nhân vật Tiểu Thanh qua bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí để làm sáng tỏ nhận định sau đây: "Bài thơ Độc... phong kiến"
Đọc hiểu Độc tiểu thanh kí
Sơ đồ tư duy bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Soạn bài Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
Từ khoá liên quan:

Tieng khoc cua Nguyen Du trong bai tho Doc Tieu Thanh ki

, cam nhan cua em ve Tieng khoc cua Nguyen Du trong bai tho Doc Tieu Thanh ki,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới