Thuyết minh về cố đô Huế

Huế là nơi có cảnh vật hữu tình, nơi địa linh nhân kiệt, được nhiều đời vua lựa chọn làm kinh thành, nơi đóng đô. Để dễ dàng cảm nhận nét đặc sắc của cố đô Huế và làm tốt đề văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh, các em cần tham khảo các bài văn thuyết minh về cố đô Huế hay, ấn tượng dưới đây.

Đề bài: Thuyết minh về cố đô Huế

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

thuyet minh ve co do hue

Văn mẫu thuyết minh về cố đô Huế hay, đặc sắc


I. Dàn ý Thuyết minh về cố đô Huế (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về quần thể di tích cố đô Huế.

2. Thân bài:

a. Vị trí, lịch sử hình thành và phát triển:
- Nằm bên cạnh dòng sông Hương, giữa trung tâm thành phố Huế, với diện tích khoảng hơn 500 ha.
- Từng là kinh đô của cả nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
- Được các thời vua Nguyễn liên tục xây dựng và trùng tu nhiều công trình kiến trúc, tạo nên một tổng thể kinh thành đồ sộ và tráng lệ.
- Đặc điểm: Chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Huế, tuân theo các nguyên tắc phong thủy của phương Đông, lối bố trí kiểu kết hợp nhà vườn, cân bằng, hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và tự nhiên.

b. Kết cấu:

- Gồm ba bộ phận chính là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, với ba vòng thành tương ứng.

* Kinh thành Huế:
- Là vòng ngoài cùng bao gồm một số công trình phụ và các lăng tẩm được xây dựng rải rác khắp nơi qua các đời vua.
- Được khởi công xây dựng vào năm 1805, dưới thời vua Gia Long, nằm trên hai chi Bạch Yến và Kim Long của dòng sông Hương.
- Được xây dựng trên một mặt bằng gần vuông hơi khum hình cánh cung, bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống tường thành có chu vi 10571 mét.
- Một số kiến trúc nổi bật: Kỳ Đài trường, Trường Quốc Tử giám, Điện Long An, Hồ Tịnh tâm, đình Phú Xuân.

* Hoàng thành:
- Còn gọi là Đại Nội được xây dựng vào năm 1804, trên một mặt bằng hình vuông với diện tích khoảng 36 ha, được bao bọc xung quanh bởi tường thành.
- Ngọ Môn quan là cửa chính và lớn nhất, chỉ dành riêng cho vua và các sứ thần đi lại, nằm ở hướng Nam, có bình diện kiểu đài chữ U, bên trên đài đặt lầu Ngũ Phụng.
- Các công trình trong Đại Nội được đặt theo trục dọc đối xứng, các công trình dành cho vua thì đặt chính giữa, các công trình phụ đặt hai bên.

* Tử Cấm thành:
- Các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt của hoàng tộc như điện Cần Chánh, cung Trường Thọ, cung Khôn Thái, viện Thái Y, điện Quang Minh, Điện Trinh Minh, Điện Trung Hòa,...
- Công trình phục vụ việc thờ tự như Thế Miếu, Triệu Tổ Miếu, Hoàng Khảo Miếu, điện Hoàng Nhân...

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cố đô Huế (Chuẩn)

"Tứ bề núi phủ mây phong, mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên", chính là ý văn phù hợp nhất khi nói về cố đô Huế, về quần thể di tích với tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đã từng chứng kiến một thời vàng son huy hoàng rực nhất của triều đại nhà Nguyễn, đồng thời cũng là chứng nhân cho sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế trong lịch sử phong kiến kéo dài suốt mấy ngàn năm của Việt Nam ta. Với dáng vẻ cổ kính và là nơi hội tụ nhiều những công trình kiến trúc độc đáo, cố đô Huế là nơi cuối cùng còn thể hiện được gần như hoàn chỉnh lối sống của các bậc vua chúa xưa. Ngày nay, cố đô Huế là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng và thu hút một lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước.

Cố đô Huế là một quần thể di tích lớn nằm bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng, ngay giữa trung tâm thành phố Huế với diện tích khoảng hơn 500 ha. Ban đầu Huế được chọn làm kinh đô của nhà Tây Sơn trong khoảng 14 năm, sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thì Huế trở thành kinh đô của nhà Nguyễn và kéo dài suốt 142 năm sau đó. Sau khi chọn Huế làm kinh đô, các thời vua Nguyễn liên tục xây dựng và trùng tu nhiều công trình kiến trúc, tạo nên một tổng thể kinh thành đồ sộ và tráng lệ, vẻ vang soi bóng bên dòng sông Hương dịu hiền. Các công trình trong cố đô Huế chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Huế cộng với sự ảnh hưởng của phong cách bố trí từ Trung Quốc và một chút kiến trúc Vauban phương Tây. Nhưng tổng hòa lại cố đô Huế vẫn tuân theo các nguyên tắc phong thủy của phương Đông, lối bố trí kiểu kết hợp nhà vườn, cân bằng, hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và tự nhiên. Mãi về sau khi đến những đời vua cuối của nhà Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại, lối kiến trúc Pháp cũng trở nên phổ biến hơn ở Huế, tạo nên những công trình kiến trúc mới mẻ, vượt xa khỏi khuôn khổ xây dựng cung điện truyền thống như tòa Khâm sứ, An Định cung, Ứng lăng, mộ vua Đồng Khánh,...

Cố đô gồm ba bộ phận chính là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, với ba vòng thành tương ứng. Kinh thành Huế là vòng ngoài cùng bao gồm một số công trình phụ và các lăng tẩm được xây dựng rải rác khắp nơi qua các đời vua. Được khởi công xây dựng vào năm 1805, dưới thời vua Gia Long, nằm trên hai chi Bạch Yến và Kim Long của dòng sông Hương. Quá trình xây dựng kéo dài mãi đến năm 1823 mới tạm gọi là hoàn thành.

Kinh thành Huế được xây dựng trên một mặt bằng gần vuông hơi khum hình cánh cung, bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống tường thành có chu vi 10571 mét theo lối kiến trúc Vauban kết hợp với 24 pháo đài phòng thủ, 10 cửa chính và một cửa phụ, cùng với hệ thống hào nước phòng thủ uốn quanh chân thành. Một trong số những kiến trúc nổi bật ở vòng Kinh thành Huế phải kể đến Kỳ Đài trường thường gọi là cột cờ, nằm đối diện với Ngọ Môn quan, nơi đã chứng kiến biết bao đổi thay của lịch sử dân tộc. Tiếp theo đó là Trường Quốc Tử giám, trường đại học phong kiến duy nhất còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Ngoài ra đáng chú ý còn có Điện Long An được đánh giá là một trong những công trình cung điện đẹp nhất của cố đô Huế, đặc trưng bởi lối kiến trúc thanh nhã, nhưng vẫn đảm bảo được sự lộng lẫy, nguy nga của hoàng gia, là nơi dừng nghỉ của các đời vua Nguyễn sau mỗi lần tiến hành lễ Tịch Điền. Ngoài ra Hồ Tịnh tâm với cảnh hoa sen trắng nở rộ mùi hương khắp mặt hồ, hay đình Phú Xuân với nét cổ kính rêu phong cũng là một trong số những công trình phụ nổi bật của Kinh thành Huế.

Bên trong Kinh thành chính là Hoàng thành Huế hay còn gọi với tên phổ biến là Đại Nội được xây dựng vào năm 1804 trên một mặt bằng hình vuông, diện tích khoảng 36 ha. Đại Nội được bao bọc xung quanh bởi tường thành, với 4 cửa ra vào bao gồm Ngọ Môn, Hòa Bình, Hiển Nhân, Chương Đức. Trong đó Ngọ Môn quan là cửa chính và lớn nhất, chỉ dành riêng cho vua và các sứ thần đi lại, đồng thời đây cũng được xem là biểu tượng của cả Đại Nội Huế. Cổng nằm ở hướng Nam, có bình diện kiểu đài chữ U, bên trên đài đặt lầu Ngũ Phụng, được chạm trổ tinh xảo, với bộ khung toàn gỗ lim 100 cột chẵn, mái chính lợp bằng ngói lưu ly vàng, mái phụ lợp bằng mái lưu ly xanh, tạo cảm giác thanh thoát, tao nhã, nhưng vẫn có dáng vẻ sang trọng, uy nghiêm nơi cung cấm. Các công trình trong Đại Nội được đặt theo trục dọc đối xứng, các công trình dành cho vua thì đặt chính giữa, các công trình phụ đặt hai bên. Từ Ngọ Môn quan bước vào là Thái Hòa điện, được coi là trung tâm quyền lực dưới thời Nguyễn, đây là nơi diễn ra các buổi thượng triều nghị sự, hay tổ chức các lễ nghi quan trọng.

Ngay sau điện Thái Hòa chính là Tử Cấm thành, bao gồm các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt của hoàng tộc như điện Cần Chánh, cung Trường Thọ, cung Khôn Thái, viện Thái Y, điện Quang Minh, Điện Trinh Minh, Điện Trung Hòa,... Ngoài ra còn có một số công trình phục vụ việc thờ tự như Thế Miếu, Triệu Tổ Miếu, Hoàng Khảo Miếu, điện Hoàng Nhân. Có thể nói rằng hầu hết các công trình trọng yếu của cố đô đều được hoàn thành trong thời vua Gia Long. Đến thời vua Minh Mạng, ông cũng tiếp tục cho bổ sung và hoàn thành nốt những công trình phụ khác như lầu Minh Viễn, sở Thượng Thiện, Đông Các, nhà hát Duyệt Thị, đúc Cửu Đỉnh... Đến thời Thiệu Trị, có thêm một số công trình như vườn Cơ Hạ, nhà hát Tịnh Quan, hoàn chỉnh Lục Viện và cung Trường Sanh.

Bên cạnh những công trình nằm trong Kinh thành Huế, thì quần thể di tích cố đô còn bao gồm các lăng tẩm với lối kiến thức độc đáo như Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức, Lăng Khải Định,... Trong đó lăng Gia Long được đánh giá là lăng tẩm có kiến trúc đồ sộ nhất, với sự phối trí cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và rộng lớn, tuy nhiên nơi đây không thực sự thu hút khách du lịch tới thăm quan bởi lẽ điều kiện địa lý xa xôi, phần vì giá trị kiến trúc còn chưa đạt tới độ tinh xảo như các lăng Tự Đức, Khải Định.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từng chứng kiến sự huy hoàng, rực rỡ và sụp đổ của cả một triều đại, bị bom đạn chiến tranh tàn phá nghiêm trọng, tuy không còn giữ được dáng vẻ nguyên sơ của mình nhưng quần thể di tích cố đô vẫn luôn mang trong mình nguyên những giá trị văn hóa, lịch sử, là biểu tượng cho chế độ phong kiến đã kết thúc cách đây hàng trăm năm. Hỏi du khách đã một lần ghé về xứ Huế mộng mơ, làm sao có thể làm ngơ trước vẻ cổ kính, sự uy nghiêm từng trải qua nhiều đau thương của cố đô?

--------------------HẾT--------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-co-do-hue-62837n.aspx
Cố đô Huế với những công trình kiến trúc mang đậm vẻ đẹp truyền thống của dân tộc là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó Việt Nam ta còn rất những công trình kiến trúc độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử sâu sắc khác như chùa Trấn Quốc, quảng trường Ba Đình. Để tìm hiểu thêm về các công trình nêu trên mời các em tham khảo các bài viết Thuyết minh về chùa Trấn Quốc, Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình, Thuyết minh về Hồ Gươm, Thuyết minh về Nhà thờ Đức Bà.

Tác giả: Phương Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Thuyết minh về Hồ Gươm
Thuyết minh về chùa Thiên Mụ
Phân tích Ca Huế trên sông Hương
Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn ở Huế giá rẻ, tự túc
Thuyết minh về một món ăn
Từ khoá liên quan:

thuyet minh ve co do hue

, thuyet minh ve di tich lich su co do hue, thuyet minh ve quan the di tich co do hue,

SOFT LIÊN QUAN
  • Thuyết minh về một giống vật nuôi

    Hướng dẫn làm văn thuyết minh

    Với bài viết hướng dẫn Thuyết minh về một giống vật nuôi dưới đây, chúng tôi sẽ cùng giới thiệu đến các em loài vật vô cùng gắn bó, gần gũi và thân thiết với chúng ta trong đời sống hằng ngày. Ngoài gợi ý này, các em cũng có thể lựa chọn những con vật nuôi khác mà em yêu thích để giúp người đọc hiểu hơn về loài vật đó.

Tin Mới