Cà phê đang là loại nông sản được xuất khẩu nhiều nhất tại Việt Nam. Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên sẽ giúp các em có thêm hiểu biết về nguồn gốc, đặc điểm, nơi phân bố cũng như giá trị kinh tế mà cây cà phê mang lại.
Đề bài: Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên
Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên
I. Dàn ý Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề
2. Thân bài:
a. Nguồn gốc:
- Là chi thuộc họ thiên thảo
- Được du nhập vào Việt Nam từ 1857 do người Pháp mang tới
- Trồng đầu tiên ở các nhà thờ phía bắc, sau lan xuống miền trung rồi tới Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
- Người ta phát hiện ra cà phê rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Nguyên, từ đó hình thành lên giống cà phê Tây Nguyên.
b. Đặc điểm cấu tạo:
- Thân:
+ Cao tù 6-10m, cành thon dài, lá cuống ngắn, có hình oval, màu xanh đậm.
+ Rễ: cọc, cắm sâu vào lòng đất tới 2,5m, cùng với các rễ phụ bao quanh hút chất dinh dưỡng.
- Hoa:
+ Có màu trắng, màu trắng, nở thành chùm hai, chùm ba.
+ Nở trong vòng 3,4 ngày, thời gian thụ phấn 3,4 tháng
+ Một cây cà phê trưởng thành có thể cho 30.000-40.000 hoa
- Quả:
+ Có hình bầu dục, giống quả anh đào
+ Quả chưa chín màu xanh, quả chín màu đỏ
+ Một quả thường có hai hạt, nằm ép sát nhau, hình tròn hoặc dài.
c. Phân loại và điều kiện sống
- Phân loại: gốm cà phê vối và cà phê chè là chủ yếu
+ Cà phê vối: chiếm 61% cà phê trên thế giới
+ Cà phê chè: chiếm 39% lượng cà phê trên thế giới
+ Ở Tây Nguyên chủ yếu là cà phê vối, chiếm 80% sản lượng cà phê việt Nam, dùng để làm cà phê hoà tan.
- Điều kiện sống: Cà phê sinh trưởng tốt trên đất bazan, tơi xốp, giữ nước tốt.
d. Vai trò và tác dụng của cà phê:
- Tác dụng:
+ Giúp tinh thần tỉnh táo, giảm căng thẳng
+ Cung cấp nguồn chống oxi hoá cho cơ thể
+ Phủ xanh đồi trọc, đất đai
- Trong kinh tế:
+ Cà phê chiếm 8% sản lượng nông sản của Việt Nam, 25% Giá trị xuất khẩu.
+ Mang lại nguồn thu nhập ổn định, việc làm cho người dân Tây Nguyên
+ Góp phần ổn định cuộc sống của những người dân tộc ở Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa.
- Trong văn hoá: Cây cà phê đã trở thành biểu tượng của con người Tây Nguyên.
3. Kết bài:
Cây cà phê trở thành cây nông sản được xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên (Chuẩn)
Nhắc tới vùng đất Tây Nguyên là nhắc tới một vùng đất bạt ngàn cao su và cà phê. Thương hiệu cà phê Việt với những cây cà phê được trồng ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đã được quảng bá tới người dân thế giới. Và Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Vậy cây cà phê Tây Nguyên của nước ta như thế nào, có gì đặc biệt so với các loại cà phê khác ở những vùng miền khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới?
Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1857 khi mà người Pháp truyền giáo đến Đông Dương. Họ đã mang loài cây này đến trồng ở vùng đất mà họ định khai phá. Ban đầu, họ chỉ thử nghiệm nó ở các nhà thờ công giáo ở các tỉnh phía Bắc, sau được lan dần tới các tỉnh miền Trung, sau cùng mới được mang tới Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ. Không ai có thể nghĩ rằng, cây cà phê lại thích hợp với loại đất đỏ bazan cằn cỗi ở Tây Nguyên, vùng đất nóng ẩm cùng với cái nắng kinh người. Và từ đó, hình thành lên một loại cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên - giống cà phê Tây Nguyên nổi tiếng.
Cà phê là một chi thuộc họ Thiên Thảo. Cây cà phê là giống cây lâu năm với thân cao từ 6 -10m, cành thon dài. Những chiếc lá với cuống ngắn có hình oval màu xanh đậm. Cây cà phê có rễ cọc, cắm sâu vào trong đất đến tận 2,5m để hút chất dinh dưỡng cùng với bộ rễ phụ bao quanh. Hoa cà phê có màu trắng, có năm cánh, nở thành chùm. Mỗi cây cà phê có thể cho từ 30.000 đến 40.000 hoa trong thời kì trưởng thành của nó. Hoa cà phê nở nhanh, chỉ khoảng ba đến bốn ngày, vậy nên thời gian thụ phấn cho hoa chỉ tầm vài ba tháng, nhanh hơn so với các loài cây khác cùng họ.
Quả cà phê phụ thuộc vào số lượng hoa được thụ phấn, thưởng mọc chi chít trên thân cây thành từng chùm. Quả cà phê có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ. Mỗi quả cà phê cho từ một đến hai hạt cà phê nhỏ, nằm bên trong ép sát vào nhau. Hạt cà phê có hình bầu dục, giống như quả anh đào, nhưng có màu nâu sẫm. Thứ cà phê chúng ta uống hàng ngày được lấy từ những hạt cà phê đã chín, được phơi khô và xay nhuyễn.
Về phân loại, cà phê có nhiều loại khác nhau và không phải loại cà phê nào cũng cho ra những hạt có thể làm ra thứ thức uống quen thuộc. Thế nhưng trên thế giới vẫn có chủ yếu gồm hai loại là cà phê vối và cà phê chè. Hiện nay, sản lượng cà phê chè đang chiếm 61% sản lượng cà phê thế giới, còn cà phê vối chiếm 39%. Ở Tây Nguyên, loại cà phê được trồng phổ biến là cà phê vối, chiếm 80% sản lượng của cà phê Việt Nam, cho sản lượng nhiều, chất lượng tốt, có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cây cà phê là loài cây có thể sinh trưởng tốt trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, thích hợp với khí hậu nóng ẩm, nơi có lượng mưa nhiều >2000mm/ năm và độ ẩm bão hoà. Loại đất yêu cầu khi trồng cà phê phải tơi xốp, có độ thoát nước tốt cũng như có độ dốc phù hợp với cây cà phê với của Tây Nguyên. Thời vụ trồng bắt đầu từ mùa mưa và kết thúc trước khi vào vụ khô trước một đến hai tháng.
Là một thứ thức uống ngon, cây cà phê mang lại cả giá trị về tinh thần và vật chất cho con người. Không chỉ giúp con người tỉnh táo hơn, sảng khoái hơn sau những giờ lao động căng thẳng, nó còn giúp con người tập trung cũng như kích thích giúp con người làm việc hiệu quả. Cà phê cũng là nguồn cung cấp các chất chống oxi hoá cho con người.
Trong kinh tế, cây cà phê Tây Nguyên đã giúp cho những người nông dân ở vùng đất này có việc làm ổn định cũng như tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân. Với tỷ trọng chiếm tới 25% giá trị xuất khẩu, 8% sản lượng nông sản của VIệt Nam, cây cà phê đang là một trong những loài cây mang lại thu nhập tốt nhất cho người dân Việt. Và cũng từ đó, cây cà phê đã trở thành một phần của vùng đất Tây Nguyên, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của nơi đây, để bất cứ ai khi nhắc về mảnh đất này đều không thể quên hương vị cà phê đậm đà của Tây Nguyên.
Có thể nói, cây cà phê ở Tây Nguyên đã giúp người dân ở những vùng xa xôi, những vùng dân tộc thiểu số có được cuộc sống ổn định, phủ xanh được những trảng đất đỏ. Mong rằng cây cà phê Tây Nguyên sẽ giữ nguyên được thế mạnh của mình để vững vàng với vị thế số một thế giới.
----------------HẾT-----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-cay-ca-phe-o-tay-nguyen-65561n.aspx
Ngoài cà phê, Việt Nam còn rất nhiều loại nông sản khác đang được đầu tư để xuất khẩu ra thế giới như thanh long, nhãn, vải, mít, ... Chúng ta hãy tìm hiểu các bài viết khác như Thuyết minh về cây Thanh long, Thuyết minh về cây vải ở quê em, Thuyết minh về cây bưởi, Thuyết minh về cây ngô để tìm hiểu thêm về những loại cây đặc trưng của Việt Nam nhé!