Đề bài: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh)
Cách làm bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi
A. Dàn ý thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi ngắn gọn
I. Mở đầu:
- Lời chào.
- Khái quát về vấn đề định nói.
II. Triển khai:
- Tại sao em lại lựa chọn vấn đề đó.
- Vấn đề đó đang diễn ra như thế nào.
- Trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề.
III. Kết thúc:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Lời cảm ơn.
B. Bài mẫu tham khảo thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi hay nhất
I. Bài mẫu khảo thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu số 1:
1. Dàn ý về trách nhiệm của học sinh với việc xây dựng và phát triển đất nước.
a) Mở đầu:
- Lời chào.
- Khái quát vấn đề cần thảo luận: Trách nhiệm của học sinh với việc xây dựng và phát triển đất nước.
b) Triển khai:
- Tại sao thế hệ trẻ lại có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước:
+ Có sức khỏe.
+ Có nhiệt huyết, đam mê.
+ Bắt kịp xu hướng của thời đại.
- Thế hệ trẻ cần làm gì để xây dựng đất nước:
+ Nghe lời ông, bà, cha mẹ, lễ phép với thầy cô.
+ Luôn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh.
+ Nỗ lực học tập thật tốt, tích cực rèn luyện cả để trở thành con ngoan, trò giỏi.
+ Năng động, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, xã hội.
c) Kết thúc:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Lời cảm ơn.
2. Bài nói tham khảo:
Xin chào cô và các bạn, mình là Ngọc Ánh. Trong buổi học ngày hôm nay, mình sẽ nói cho mọi người nghe về trách nhiệm của học sinh với việc xây dựng và phát triển đất nước.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói " Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Lời căn dặn của Bác như một lời khẳng định về vai trò của người trẻ đối với sự phát triển của đất nước. Người mong mỏi những thế hệ trẻ được cắp sách đến trường sẽ ra sức cố gắng học tập, vươn lên tiếp thu những thành tựu của khoa học - kĩ thuật để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Bất cứ độ tuổi nào cũng cần có trách nhiệm đối với đất nước. Nhưng thế hệ trẻ chính là lứa tuổi tiên phong đi đầu trong công cuộc đó. Bởi lẽ, tuổi trẻ là quãng thời gian ta có nhiều sức khỏe, nhiệt huyết, đam mê nhất để thực hiện ước mơ của mình. Vậy thì, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần góp sức mình cho đất nước như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Đó là nghe lời ông, bà, cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Không chỉ vậy, là những người trẻ chúng ta cần không ngừng nỗ lực học tập thật tốt, tích cực rèn luyện cả để trở thành con ngoan, trò giỏi. Ngoài ra, người học còn cần năng động, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, xã hội. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có một số bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với đất nước, chỉ biết đến bản thân mình. Đất nước Việt Nam là của chung chúng ta. Vậy nên chúng ta cần có ý thức góp sức vào sự nghiệp chung của đất nước.
Mỗi học sinh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phát triển đi lên. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy cố gắng để có thể đạt được nhiều thành tích trong học tập nhé!
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong có thể được nghe góp ý từ tất cả mọi người.
II. Bài mẫu khảo thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu số 2:
1. Dàn ý về trách nhiệm của học sinh với vấn đề bảo vệ môi trường
a) Mở đầu:
- Lời chào.
- Khái quát vấn đề cần thảo luận: Trách nhiệm của học sinh với vấn đề bảo vệ môi trường.
b) Triển khai:
- Khái quát về hậu quả của ô nhiễm môi trường:
+ Ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
+ Ảnh hưởng đến môi trường sống của động, thực vật.
- Trách nhiệm của học sinh:
+ Vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh trường, lớp sạch sẽ.
+ Tích cực tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng do trường, lớp tổ chức.
+ Tiết kiệm điện, nước cũng là việc làm góp phần bảo vệ môi trường.
+ Tích cực tuyên truyền tới tất cả mọi người cần có ý thức giữ gìn môi trường.
c) Kết thúc:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Lời cảm ơn.
2. Bài nói tham khảo:
Lời đầu tiên, em xin phép gửi lời chào đến cô và các bạn. Em tên là Thanh Hương. Sau đây, em sẽ trình bày cho mọi người nghe vấn đề: Học sinh cần có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường?
Hiện nay, môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng. Điều đó đã gây ra hậu quả nặng nề cho con người và Trái Đất. Chắc em không cần nói thì mọi người cũng biết về những tác động của nó đối với sức khỏe con người. Không chỉ ảnh ảnh hưởng đến con người, ô nhiễm môi trường còn khiến cho các loài động vật dần tuyệt chủng. Tóm lại, vấn đề đó hiện đang rất đáng quan ngại.
Đứng trước vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra trầm trọng như hiện nay, chúng ta cần cùng nhau góp sức. Việc bảo vệ môi trường sống không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là trách nhiệm của chính mỗi cá nhân. Vậy nên, chúng ta cần nâng cao ý thức để chung tay bảo vệ môi trường. Đầu tiên, ta cần vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh trường, lớp sạch sẽ. Điều đó sẽ giúp mỗi người có môi trường học tập thân thiện, tích cực. Không chỉ vậy, chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng do trường, lớp tổ chức. Tiết kiệm điện, nước cũng là việc làm góp phần bảo vệ môi trường. Song song với những việc làm đó, ta cần tích cực tuyên truyền tới tất cả mọi người cần có ý thức giữ gìn môi trường.
Có rất nhiều cách để chúng ta chung tay giúp môi trường thêm xanh, sạch, đẹp. Mục đích cuối cùng trong hoạt động đó là nâng cao ý thức của tất cả mọi người. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ ngôi nhà chung và sự sống này.
Trên đây là bài nói của mình về trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường. Hi vọng bài nói vừa rồi sẽ giúp mọi người hiểu hơn về vai trò của mình đối với môi trường sống.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Bài văn hay về chủ đề Thảo luận về một vấn đề trong đời sống
III. Bài mẫu khảo thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - mẫu số 3:
1. Dàn ý về trách nhiệm của học sinh với vấn đề bạo lực học đường
a) Mở đầu:
- Lời chào.
- Khái quát vấn đề cần thảo luận: Trách nhiệm của học sinh với vấn đề bạo lực học đường.
b) Triển khai:
- Hậu quả của bạo lực học đường:
+ Gây tổn hại về cả thể xác và tinh thần của người bị hại.
+ Ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai, gây nguy hiểm cho xã hội.
- Nguyên nhân của bạo lực học đường:
+ Do một số bạn có cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình.
+ Thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, chiều chuộng quá đáng.
+ Nhà trường còn chưa có hình thức xử phạt nghiêm khiến tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra.
- Trách nhiệm của học sinh với vấn đề bạo lực học đường:
+ Học sinh cần nâng cao ý thức để xây dựng một môi trường học tập văn minh, lành mạnh.
+ Người học cần tự trang bị thêm nhiều bài học về kĩ năng sống.
+ Thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình.
+ Biết giúp đỡ bạn bè xung quanh.
+ Khi biết những trường hợp cố tình gây bạo lực thì cần báo cho nhà trường để kịp thời xử lí.
c) Kết thúc:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Lời cảm ơn.
2. Bài nói tham khảo:
Xin chào cô và các bạn. Em là Mai Phương. Sau đây, em sẽ trình bày cho mọi người nghe về trách nhiệm của học sinh với vấn đề bạo lực học đường. Mong rằng bài nói của em sẽ mang đến nhiều điều ý nghĩa cho mọi người.
Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn mà ta thấy vẫn đang diễn ra đó là bạo lực học đường.
Bạo lực học đường là hành vi xúc phạm, ngược đãi, xâm phạm đến thân thể của bạn. Nó xuất phát từ việc các học sinh ghen ghét, đố kị lẫn nhau và giải quyết bằng con đường bạo lực. Hoặc có trường hợp, một số bạn lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự bạn bè. Những việc làm đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người bị hại sẽ tổn thương về cả thể xác và tinh thần. Có một số bạn bị bạo lực mà không còn dám đi học nữa, bị ám ảnh tâm lí nặng nề. Bạo lực còn gây ra sự bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường, đến xã hội. Hơn nữa, việc đó còn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai, gây nguy hiểm cho xã hội. Thế mới nói, vấn đề này rất đáng quan ngại trong xã hội hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có thể do một số bạn có cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Vậy nên khi thấy người khác giỏi hơn thì ghen tị và gây ra hiềm khích. Không chỉ vậy, môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động đến tư tưởng và tình cảm của mỗi người. Có một số bậc phụ huynh thường chạy đua theo các lợi ích của xã hội mà quên mất việc dành tình cảm cho con. Cũng vì do ít được cha, mẹ quan tâm nên trẻ thường thiếu thốn tình cảm dẫn đến không hình thành hoàn chỉnh tính cách tích cực cho bản thân mình. Nhà trường cũng chưa có hình thức xử phạt nghiêm khiến tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra.
Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Mỗi học sinh cần nâng cao ý thức để xây dựng một môi trường học tập văn minh, lành mạnh. Học sinh cần tự trang bị thêm nhiều bài học về kĩ năng sống. Chúng ta cần có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình, biết giúp đỡ bạn bè xung quanh. Khi biết những trường hợp cố tình gây bạo lực thì cần báo cho nhà trường để kịp thời xử lí.
Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người cần phải có nhận thức đúng đắn để không vướng vào những tệ nạn xã hội. Chúng ta hãy rèn luyện bản thân thật tốt, sống vui vẻ, hòa đồng với bạn bè để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những góp ý từ mọi người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/thao-luan-ve-mot-van-de-trong-doi-song-phu-hop-voi-lua-tuoi-76630n.aspx
Khi thảo luận về một vấn đề trong đời sống, các em cần chú ý đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 8 khác trên Taimienphi.vn như: Nghị luận về vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước),, Viết đoạn văn song song và phối hợp theo chủ đề tự chọn.