Những câu tục ngữ ngắn gọn từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của nhân dân ta. Đến với bài soạn Một số câu tục ngữ Việt Nam trang 12, Ngữ văn 7, Kết nối tri thức, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn, ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của một số câu tục ngữ nhé!
Soạn bài Một số câu tục ngữ Việt Nam, Ngữ văn 7 - Kết nối tri thức
Soạn văn 7 Kết nối tri thức ngắn nhất
I. Trước khi đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần trước khi đọc:
Câu 1 trang 11 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Trong một vài cuộc trò chuyện ngoài đời, em đã từng sử dụng các câu tục ngữ như: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, học thầy không tày học bạn.
- Khi nói về tấm lòng biết ơn thế hệ ông cha, em luôn nhắc nhở bản thân phải khắc sâu đạo lí "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
- Khi nói tới vấn đề học tập, em luôn ghi nhớ: bên cạnh việc học kiến thức từ thầy cô giáo, em cũng cần học tập từ bạn bè của mình "học thầy không tày học bạn".
Câu 2 trang 11 SGK Ngữ văn 7 - tập 2
- Để thể hiện kinh nghiệm về một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
- Giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn.
II. Đọc văn bản:
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản:
1. Theo dõi: Những chủ đề được thể hiện qua các câu tục ngữ.
- Câu 1 - 5: Thiên nhiên.
- Câu 6 - 8: Kinh nghiệm lao động sản xuất.
- Câu 9 - 15: Con người và xã hội.
2. Suy luận: Nét chung nhất về hình thức của các câu tục ngữ.
- Rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc.
- Thường có vần điệu nhịp nhàng.
Soạn bài Một số câu tục ngữ Việt Nam, Ngữ văn 7 - Kết nối tri thức đầy đủ và ngắn gọn nhất
III. Sau khi đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu hỏi 1 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Trong 15 câu tục ngữ ở bài đọc:
- Câu ngắn nhất chỉ có 5 tiếng (câu 9), câu dài nhất có 16 tiếng (câu 3).
- Đa số các câu sẽ có 6 - 8 tiếng (câu 1, 5, 6, 7, 10, 11, 12, 13, 14).
=> Các câu tục ngữ đều có hình thức rất ngắn gọn.
Câu hỏi 2 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Những câu tục ngữ có gieo vần: Trong 15 câu tục ngữ, chỉ có câu số 14 (Ăn quả nhớ kẻ trồng cây) là không gieo vần.
- Tác dụng: Việc gieo vần giúp cho câu tục ngữ thêm nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Nó tạo tính nghệ thuật, mang đến sự chặt chẽ cho kết cấu của câu. Ngoài ra, nó còn khiến câu trở nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn rất nhiều.
Câu hỏi 3 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" có hình thức của thể thơ lục bát. Đây là thể thơ quen thuộc, được dùng rất nhiều trong ca dao của người Việt.
- Hai câu tục ngữ có hình thức tương tự:
+ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng".
+ "Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".
Câu hỏi 4 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Tính chất cân đối trong cấu trúc ngôn từ được thể hiện rất đa dạng trong 15 câu tục ngữ:
+ Sự cân đối giữa các vế trong một câu.
VD: "Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Người sống hơn đống vàng"; "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống";...
+ Sự cân đối giữa các dòng trong câu.
VD: "Kiến cánh vỡ tổ bay ra/Bão táp mưa sa gần tới"; "Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng/Ngày tháng Mười chưa cười đã tối";...
+ Sự cân đối thể hiện qua những hình ảnh tương đồng hoặc trái ngược nhau.
VD: "Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang, mây kéo lên ngàn thì mưa như trút"; "Làm ruộng ba năm không bằng chăm tằm một lứa";...
+ Sự cân đối thể hiện qua vị trí đặt các từ loại ở các vế câu giống nhau.
VD: "Nắng chóng trưa, mưa chóng tối"; "Học thầy không tày học bạn";...
- Tác dụng: Tạo sự cân xứng cho câu, khiến câu trở nên có vần, có nhịp, dễ dàng ghi nhớ hơn. Ngoài ra, sự cân đối về bố cục, hình ảnh còn khiến câu trở nên hấp dẫn, sinh động và chặt chẽ hơn.
Câu hỏi 5 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Có thể chia các câu tục ngữ trong bài thành 3 chủ đề chính:
- Tục ngữ về thiên nhiên.
- Tục ngữ về kinh nghiệm lao động sản xuất.
- Tục ngữ về con người và xã hội.
Câu hỏi 6 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Những câu tục ngữ thể hiện ý nghĩa trực tiếp: Câu 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 11, 12, 13.
- Những câu tục ngữ thể hiện ý nghĩa qua hình ảnh ẩn dụ: Câu 4, 9, 10, 14, 15.
Câu hỏi 7 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
- Ý nghĩa của hai câu tục ngữ số 11 (Không thầy đố mày làm nên) và số 12 (Học thầy không tày học bạn) không hề loại trừ mà còn bổ sung cho nhau:
+ Câu 11: Đề cao vai trò của người thầy. Thầy cô là những người dẫn đường, góp phần quan trọng trong việc dạy dỗ và định hướng cho ta trên con đường trưởng thành.
+ Câu 12: Đề cao việc học tập bạn bè. Việc học hỏi từ những người đồng trang lứa sẽ dễ dàng và tiện lợi hơn.
- Bài học rút ra: Chúng ta nên tích cực học tập từ mọi người xung quanh. Dù là thầy cô hay bạn bè thì họ đem đến được cho ta những bài học quý giá, không chỉ về kiến thức mà còn là kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.
Câu hỏi 8 trang 13 Sgk Ngữ văn 7 - tập 2:
Nhiều câu tục ngữ về đời sống xã hội từ thuở xa xưa nhưng vẫn còn giá trị đối với con người ngày nay là bởi vì:
- Cho dù xã hội có thay đổi thì có những giá trị đạo đức, tinh thần vẫn luôn trường tồn với thời gian: tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, tình cảm gia đình,...
- Xã hội càng phát triển thì những giá trị đó càng cần được gìn giữ và phát triển.
* Gợi ý trả lời phần viết kết nối với đọc:
Đề bài: Ghi lại một cuộc đối thoại (giả định) giữa hai người (khoảng 5 - 7 câu), trong đó, một người có dùng câu tục ngữ: Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi.
Bài tham khảo:
Hôm nay, Nam vừa nhận được một công việc mới. Vì chưa quen nên anh hay bị lúng túng, phải nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp rất nhiều. Một hôm, Nam tâm sự với sếp của mình:
- Một tháng rồi mà em làm gì cũng chưa đến nơi đến chốn, lại còn sai sót nhiều, chắc em không đủ năng lực để làm công việc này rồi anh ạ.
Sếp nghe vậy bèn vỗ vai Nam và bảo rằng:
- Cậu mới vào thôi nên đừng lo lắng quá. Các cụ bảo rồi: muốn lành nghề, chớ nề học hỏi. Cậu càng làm nhiều, càng rút ra nhiều bài học thì mới tiến bộ được. Cứ chậm rãi mà làm quen thôi. Cố lên!
Nam nghe xong như được tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin, vội vã cảm ơn sếp rồi quay trở lại làm việc với một tâm trạng thoải mái hơn.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-mot-so-cau-tuc-ngu-viet-nam-ngu-van-7-kntt-74255n.aspx
Những câu tục ngữ ngắn gọn, cô đọng là một phần không thể thiếu để xây dựng nên kho tàng văn học dân gian đồ sộ của dân tộc ta. Mỗi câu đều ẩn chứa bài học quý báu mà ông cha ta để lại về thiên nhiên, con người và cuộc sống. Hãy cùng tham khảo thêm những bài soạn, văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn nhé:
- Soạn bài Con hổ có nghĩa
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 13