Những mưu mô, thủ đoạn của tri huyện trong đoạn trích Huyện đường cũng là chiêu trò, mánh khóe của một số quan lại chốn nha môn phong kiến. Hãy cùng tìm hiểu văn bản qua bài soạn Huyện đường, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I dưới đây, các em nhé!
Soạn bài Huyện đường ngắn nhất, Ngữ văn 10 - KNTT
Soạn bài Huyện đường đầy đủ
I. Trước văn bản đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi trước văn bản đọc:
1. Bạn đã xem biểu diễn tuồng bao giờ chưa? Bạn nghĩ sao khi loại nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp khó khăn trên con đường đến với khán giả hiện đại?
- Em chưa từng/ đã từng xem biểu diễn tuồng.
- Nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp khó khăn trên con đường đến với khán giả hiện đại, em nghĩ rằng chúng ta cần phải quảng bá nhiều hơn nữa các tác phẩm tuồng để thu hút được mọi người.
2. Hãy tìm xem trên internet toàn bộ hoặc từng trích đoạn của vở tuồng này.
Học sinh tìm xem/đọc vở tuồng.
II. Trong văn bản đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi trong văn bản đọc:
1. Cách bài trí nơi huyện đường - những chỉ dẫn cho việc thiết kế sân khấu.
- Những chi tiết bài trí nơi huyện đường - chỉ dẫn cho việc thiết kế sân khấu:
+ "Trên tường chính giữa là bức hoành phi đề hai chữ "Huyện đường". Hai bên có hai câu đối. Bên cạnh câu đối phái trái có cửa nhà vào trong.".
+ "Một chiếc bàn to để chính giữa làm bàn giấy của tri huyện, trên có ống bút, nghiên mực, điếu bình. Bên trái, bàn giấy của viên đề lại để xây mặt ra khán giả phía phải của sân khấu, trên bàn cũng có nghiên bút và một chồng đơn từ.".
2. Lưu ý cách tự giới thiệu của nhân vật trong tuồng.
Cách tự giới thiệu của nhân vật trong tuồng: nêu chức vụ, gia cảnh, tính cách.
3. Chú ý sự hể hả, trắng trợn của tri huyện khi "tự thưởng thức" những mưu mô của mình.
Sự hả hê, trắng trợn của tri huyện khi "tự thưởng thức" những mưu mô của mình:
- "Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể "ấy" được.".
- "Phải nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu. (cười khoái trá)".
4. Hoạt động ăn ý giữa tri huyện và đề lại.
Chúng cười khoái trá, bàn mưu tính kế với nhau để kiếm lợi từ Trùm Sò.
5. Điều gì sẽ xảy ra sau lời nói này của lính lệ A?
Điều sẽ xảy ra sau lời nói của lính lệ A là: Trùm Sò và Thị Hến cùng nhau vào huyện đường để được phân xử.
Soạn bài Huyện Đường ngắn gọn nhất
III. Sau văn bản đọc:
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau văn bản đọc:
Câu hỏi số 1 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
Các sự việc trong đoạn trích:
- Tri huyện và đề lại bàn mưu tính kế để moi tiền của những người thưa kiện.
- Lính lệ ra gọi Nguyễn Sò vào hầu, cả bên nguyên, bên bị, nhân chứng.
Câu hỏi số 2 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
Những lời thoại cho thấy sự tương đồng về bản chất, thủ đoạn giữa các nhân vật ở huyện đường, từ tri huyện đến đề lại và lính lệ:
- Tri huyện:
+ "Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể "ấy" được.".
+ "Phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu. ".
+ "Ăn thua là những chỗ khó đấy đấy, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào lại chả được. Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội, vì xử Hến thì phải xử Sò.".
- Đề lại:
+ "Vâng, ta cứ bảo là để tra cứu đã. Thưa còn thằng Ốc, thằng Nghêu, lí trưởng, Thị Hến thì liệu xử cho xong, bọn này toàn đầu trọc cả.".
+ "Bẩm quan xử thật sâu sắc, nhưng đã xử Nghêu và Ốc rồi thì lấy lí gì mà không xử Sò và Hến được.".
+ "Vâng ạ, quan xử hay lắm.".
- Lính lệ:
+ "Nhắc lại ông Trùm, anh xã và chị Hến biết rằng hôm nay quan bận lắm, tôi bẩm mãi quan mới chịu xử vụ này đấy.".
Câu hỏi số 3 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
- Tri huyện và đề lại không cần phải giữ ý với nhau vì hai nhân vật này có sự tương đồng về bản chất. Hai người đã cấu kết với nhau để moi tiền của người thưa kiện trong thời gian dài.
- Sự hô ứng nhịp nhàng trong lời thoại giữa hai nhân vật:
+ Tri huyện phàn nàn về việc "dân xã không đấu cáo", đề lại đáp "vâng, hôm nay chả thấy ai kiện cáo gì cả".
+ Tri huyện xử án, đề lại khen hay.
=> Mỗi lời tri huyện nói đều được đáp lại bằng tiếng "vâng" và ngược lại, lời thưa của đề lại nhanh chóng được xác nhận bằng tiếng "phải" của tri huyện.
Câu hỏi số 4 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
Qua theo dõi cảnh tuồng "Huyện đường", em thấy được:
- Thái độ châm biếm, mỉa mai, khinh bỉ của người dân xưa.
- Cách nhìn nhận: Chốn "cửa quan" là nơi bọn quan lại ô hợp, mưu mô để vơ vét người dân và làm hại những người "thấp cổ bé họng".
Câu hỏi số 5 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
- Lời tự giới thiệu (qua hình thức nói lối) của nhân vật tri huyện đã giúp người xem, người đọc hiểu được bản chất tham lam, mưu mô, toan tính của tên quan huyện.
- So sánh lời tự giới thiệu của nhân vật cụ thể trong tuồng với lời tự giới thiệu thường gặp trong đời sống:
* Điểm giống: đều giới thiệu cho người nghe về tên tuổi, xuất thân, tính cách của người nói.
* Điểm khác:
- Trong đời sống: mọi người chủ yếu giới thiệu những nét đẹp về tính cách, phẩm chất, năng lực của bản thân nhằm tạo được ấn tượng tốt với người khác.
- Nhân vật trong tuồng: lời thoại mang tính ước lệ, tự phơi bày những cái xấu của bản thân. Đây không phải ngôn ngữ tự nhiên của nhân vật mà là ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ này đảm nhiệm các chức năng diễn xuất theo tích trò đã định sẵn và định hướng suy nghĩ, cảm nhận của khán giả về sự việc đang diễn ra.
Câu hỏi số 6 (trang 136 SGK Ngữ văn 10 KNTT - tập 1):
- Nếu được tham gia dựng lại cảnh "Huyện đường" trên sân khấu, em sẽ lưu ý về vấn đề biểu cảm và giọng nói của diễn viên vì:
+ Đây là những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thành công cho buổi diễn.
+ Thể hiện được tính cách, đặc điểm của nhân vật.
IV. Kết nối đọc viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích.
Trả lời:
Tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích "Huyện đường" đã để lại cho em nhiều suy ngẫm. Tiếng cười ấy được tạo nên một cách hết sức tự nhiên nhưng cũng vô cùng sâu cay, sâu sắc. Không cần dùng bất cứ lời phán xét nào, tác giả vẫn khiến người đọc nhận ra được bản chất xấu xa của tên quan huyện bằng cách để hắn tự giới thiệu về bản thân "Làm quan nhờ lỗ khẩu/ Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền/ Dân xã nếu không kiêng/ Bỏ xuống lao giam kĩ". Qua cuộc đối thoại giữa tên tri huyện với đề lại, em càng thấy rõ hơn được những mưu mô, thủ đoạn của bọn chức sắc trong xã hội cũ. Có thể nói, tác giả dân gian đã sử dụng tiếng cười trào phúng để phê phán tầng lớp quan lại, phơi bày bộ mặt lừa lọc, vô nhân tính của xã hội cũ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-huyen-duong-ngu-van-lop-10-kntt-73626n.aspx
Đoạn trích Huyện đường là một trong những cảnh đặc sắc của vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Các em hãy tham khảo ngay một số bài văn mẫu lớp 10 về văn bản như:
- Phân tích Huyện đường
- Phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường
- Đoạn văn trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm thể hiện qua đoạn trích Huyện đường