Đề bài: Phân tích khổ thơ sau trong bài Đây mùa thu tới: "Hơn một loài hoa... xương mỏng manh"
Phần 1: Dàn ý phân tích khổ thơ sau trong bài Đây mùa thu tới: "Hơn một loài hoa... xương mỏng manh"
Phần 2: Bài văn mẫu Phân tích khổ thơ sau trong bài Đây mùa thu tới: "Hơn một loài hoa... xương mỏng manh"
Bài làm:
Khác với mùa xuân vui tươi, mùa hè rực rỡ hay mùa đông heo hắt, u buồn thì mùa thu lại ưa khoác lên cho mình tấm áo lặng lẽ, thâm trầm hơn cả. Bấy lâu nay các thi văn, nghệ sĩ vẫn rất thích lấy mùa thu làm đề tài cho tác phẩm của mình, bởi đơn giản mùa thu là mùa dễ gây cho con người ta nhiều cảm xúc hơn cả. Kể sơ đã thấy Nguyễn Khuyến có chùm thơ thu ba bài: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Lưu Trọng Lư có bài Tiếng thu, Hữu Thỉnh có bài Sang thu, Nguyễn Bính cũng có bài Bắt gặp mùa thu,... Và còn nhiều tác giả khác nữa cũng thích viết về thu, riêng Xuân Diệu nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân đôi lúc cũng ghé sang thu để rồi viết nên bài thơ Đây mùa thu tới với những cảm giác thật mới, thật buồn man mác, khác hẳn với cái nét rạo rực nồng nàn trong Vội vàng.
Đọc Đây mùa thu tới của Xuân Diệu đã nhiều lần, và lần nào tôi cũng đọc lại mấy câu sau, bởi sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về mùa thu với cảnh vật.
"Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh."
Sau cái hình ảnh hàng liễu buồn đứng rũ tóc, thả bóng thu về, Xuân Diệu theo ngọn gió thu vào mảnh vườn thu với những cảnh sắc thật phong tình, lãng mạn và hơn cả đó là nỗi buồn cô đơn man mác, len lỏi trong cảnh vật. Mùa xuân, mùa hè vốn là thời gian mà đủ thứ hoa bung dáng, khoe sắc rực rỡ, thì thu về chỉ còn lại nàng cúc lặng lẽ nở những đóa vàng, đóa cam tô điểm. Và rồi những loài hoa đã quá mùa khoe sắc cũng lác đác rơi rụng, mỗi ngày đôi ba đóa, một vẻ đẹp của sự lụi tàn, không quá xơ xác tiêu điều, mà ngấm dần trong cảnh vật, trong vần thơ. Chẳng thế mà Xuân Diệu lại tinh tế diễn đạt cái sự rơi rụng từ từ ấy bằng cụm "Hơn một loài hoa", "hơn một" có nghĩa là nhiều, nhưng không chỉ rõ có bao nhiêu, bởi biết bao nhiêu loài thi nhau rơi rụng, diễn đạt như thế để đem lại tính thi vị, cũng như truyền đạt đủ cái cảm xúc hào hoa, nho nhã của mùa thu.
Câu "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh", sự tinh tế trong cảm nhận về sắc thu của Xuân Diệu lại càng được thể hiện rõ. Sắc đỏ ở đây chẳng phải là màu của loài hoa rực rỡ nào mà đó là sắc chuyển của lá khi thu về. Thu cứ về lặng lẽ, những đốm đỏ hiện diện trên từng cái lá xanh tự bao giờ chẳng ai hay biết, ngày này qua ngày khác, màu đỏ ấy loang dần, lang dần mãi, nhuộm đỏ, nhuộm vàng cả vườn cây vốn chỉ một màu xanh ngắt. Sự thu hóa ấy diễn ra một cách từ từ tiềm ẩn, chứ chẳng phải thoắt cái vườn xanh đã chuyển vàng như nhiều người thường nói, tinh tế là tinh tế ở chỗ đó. Xét lại, Xuân Diệu nói sắc đỏ thay vì nói sắc vàng theo thực tế, chắc bởi ông vốn yêu màu đỏ của lá phong hoặc chỉ để làm nổi bật cái sự tương quan đối lập giữa hai màu xanh và đỏ trên một mặt lá, để từ đấy khiến độc giả phải thấy ấn tượng mạnh về cái sự chuyển đổi rất đỗi dịu dàng của mùa thu.
Một cơn gió nhẹ thổi qua, làm từng chiếc lá xanh xanh đỏ đỏ tựa như có sức sống, có linh hồn cũng phải "run rẩy", "rung rinh", cơn gió thu ấy vừa có chút lạnh lẽo lại cũng rất đỗi dịu dàng, trìu mến, mơn trớn, vuốt ve từng chiếc lá thu. Và rồi lá say gió, lá rơi, lá rụng để lại "Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh", đó là cái dáng thu gầy guộc, mỏng manh, cô đơn, quạnh hiu. Dáng vẻ của mùa thu được gợi lên từ những nhánh cây trơ trụi, rụng hết lá, một cảm giác xơ xác, lại tiêu điều. Dường như cảnh vật đã dần cạn kiệt sức sống, những từ "khô", "gầy" mang đến cảm giác kiệt quệ, khô héo của một hồn thu xơ xác tàn tạ, rồi cả cái gió lạnh hiu hiu thổi khiến cây lá phải "run rẩy", lại càng tăng thêm vẻ cô đơn, lạc lõng của mùa thu, của hồn người.
Đây mùa thu tới của Xuân Diệu là một bài thơ hay và gợi nhiều cảm xúc, cũng khác hẳn với cái hồn thơ, tình thơ thường thấy của Xuân Diệu, tuy nhiên sự lãng mạn, hào hoa trong thơ của ông vẫn còn đó. Bao trùm cả bài thơ là điệu buồn trầm lặng, man mác của mùa thu, từ đó gợi nên cái cô đơn, lẻ loi trong hồn người. Đặc biệt bằng những quan sát và cảm nhận tinh tế cảnh sắc mùa thu biến chuyển trong bài được Xuân Diệu diễn tả rất tài tình, thi vị, tuy buồn đấy nhưng lãng mạn, hào hoa cũng chẳng thể thiếu đi phân nào.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-tho-sau-trong-bai-day-mua-thu-toi-hon-mot-loai-hoa-xuong-mong-manh-42218n.aspx