Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất tuyển chọn

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc ca hân hoan về cuộc sống lao động của những người miền biển khơi. Để có thể cảm nhận thêm về nhiều giá trị khác của bài thơ, các em có thể tham khảo bài Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
    1. Bài mẫu số 1.
    2. Bài mẫu số 2.

phan tich kho cuoi doan thuyen danh ca

Bài văn mẫu Cảm nhận của em về khổ thơ cuối của bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất


I. Dàn ý Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Huy Cận, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá và khổ thơ cuối.

2. Thân bài

a. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá quay trở về:

- Thời gian: Sáng sớm
- Không gian: Biển cả mênh mông
- Đoàn thuyền đánh cá trở về trong niềm vui hân hoan khi thu được những mẻ cá bội thu.
- Khoang nặng đầy cá nhưng thuyền vẫn lướt đi phơi phới như đang chạy đua với mặt trời "Đoàn thuyền chạy đua với mặt trời".
- "Câu hát căng buồm cùng gió khơi": tiếng hát hân hoan, rộn rã đưa con thuyền trở về.
=> Câu hát là sức mạnh cùng với ngọn gió làm căng buồm cho thuyền lướt nhanh trở về như đang thi với thiên nhiên.

b. Cảnh bình minh huy hoàng

- Bình minh lên "mặt trời đội biển" nhô lên trong một ngày mới tạo nên vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ kỳ vĩ, tráng lệ.
- Nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ hoàng hôn đến bình minh cũng là thời gian của chuyến ra khơi rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá.

- Thành quả lao động.
+ "Mắt cá huy hoàng": thể hiện thành quả lao động suốt hành trình muôn dặm ngoài biển khơi.
+ Niềm tự hào, vui say trong lao động với hy vọng một cuộc sống tươi đẹp huy hoàng trước mắt.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của khổ thơ, bài thơ.

 

II. Đoạn văn Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất: 

Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" là sáng tác tiêu biểu của Huy Cận viết về cuộc sống lao động của người dân chài. Đặc biệt, ở khổ thơ cuối, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về. Sau một đêm lao động vất vả, những người dân chài lại cất lên lời ca tiếng hát của mình "Câu hát căng buồm với gió khơi". Đó là câu hát thể hiện niềm vui, niềm hân hoan, chào đón một ngày mới của những người dân chài. Hình ảnh nhân hóa "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời" đã làm nổi bật tốc độ di chuyển của con thuyền. Nó phi nhanh, mạnh mẽ và không gì có thể ngăn cản được. Con thuyền nhỏ bé giờ đây được đặt ngang với cái cái hùng vĩ của thiên nhiên, vũ trụ. Còn hình ảnh "Mặt trời đội biển nhô màu mới" gợi vẻ kì vĩ, tráng lệ của thiên nhiên. Dường như, lúc này thiên nhiên và con người như hòa vào làm một. Tạo nên một bức tranh về cuộc sống lao động thật đẹp. Và sau mỗi chuyến ra khơi, người ngư dân đã thu về được những mẻ cá đầy ghe. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc kết hợp với những hình ảnh thơ tiêu biểu, nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong niềm vui ngập tràn. Qua đây, tác giả như muốn ngợi ca vẻ đẹp của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. 


III. Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận ngắn gọn siêu hay (Chuẩn)


1. Bài văn phân tích Nội dung khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá hay nhất - Mẫu số 1

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là khúc ca lao động đầy hào hùng của những người ngư dân khi hòa mình vào không khí lao động mới của đất nước. Bài thơ đã tái hiện sống động công việc lao động của người ngư dân trên biển, trong đó hai khổ thơ đầu diễn tả cảnh lên đường, những khổ tiếp theo là hoạt động của đoàn thuyền giữa biển trời đêm, cho đến khổ cuối ta được thấy cảnh đoàn thuyền bội thu trở về trong buổi bình minh lên.

"Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua với mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Giống như một bài ca lao động, đã trải qua những khúc dạo đầu, đoạn điệp khúc và giờ là khúc cuối ngân nga, vang vọng. Mở đầu bài thơ là câu hát của người dân lao động - ngư dân làng chài, đến khi kết thúc bài thơ vẫn là câu hát ngân vang, tha thiết ấy. Khi đoàn thuyền đánh cá trở về, câu hát một lần nữa cất lên thể hiện cho niềm vui phơi phới, hạnh phúc dâng trào vì chuyến ra khơi trải qua một đêm vất vả trên biển đã được an toàn, bội thu trở về. Mặc cho khoang thuyền đã nặng đầy cá nhưng thuyền vẫn lướt đi lướt nhanh trên mặt biển như "chạy đua cùng mặt trời". Những câu hát của ngư dân cùng với ngọn gió làm căng buồm cho thuyền lướt nhanh trở về như đang chạy đua với thiên nhiên. Hình ảnh con người lao động trong tư thế làm chủ, dưới khung cảnh hùng vĩ, bao la của biển cả trở nên thật đẹp đẽ, huy hoàng.

Hình ảnh "mặt trời đội biển nhô màu mới" một lần nữa được xuất hiện tạo ra sự hô ứng thú vị với hình ảnh "mặt trời xuống biển" ở phần đầu bài thơ. Nếu như khổ đầu là hình ảnh mặt trời của buổi chiều hoàng hôn, tia nắng đã sắp tàn chỉ còn lại hòn than rực hồng, thì tới khổ thơ cuối, mặt trời ấy là của buổi sớm bình minh ngày hôm sau. Bình minh lên, mặt trời đội biển nhô lên trong một ngày mới tạo nên vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ kỳ vĩ, tráng lệ. Mặt trời đã có màu mới, tượng trưng cho ánh sáng mới, cuộc sống mới tươi đẹp, rực rỡ và tráng lệ. Nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ hoàng hôn đến bình minh cũng là thời gian của chuyến ra khơi rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá. Hình ảnh "mắt cá huy hoàng" thể hiện cho thành quả lao động suốt hành trình muôn dặm ngoài biển khơi, cũng là thể hiện sự tự hào trước những thành quả trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Mắt của những con cá được ánh mặt trời chiếu rọi vào, lóe lên rực rỡ điểm tô cho thành quả lao động cực nhọc, dường như mỗi mắt cá lại là một mặt trời, là mặt trời huy hoàng của cuộc sống, của tương lai đất nước. Ta thấy rõ niềm tự hào, vui say trong lao động với hy vọng một cuộc sống tươi đẹp huy hoàng trước mắt của người dân làng chài trên đoàn thuyền đánh cá.

Bằng những hình ảnh đẹp, mới mẻ và nhiều màu sắc, khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận giống như lời ca ngợi ngân vang và bay bổng, từng câu thơ, từng hình ảnh đã gói gọn cả một hành trình lao động sản xuất yêu nước của người dân làng chài. Chỉ là một đoàn thuyền đánh cá nhưng đã góp phần vào công cuộc phát triển và xây dựng đất nước, mỗi ngư dân đều đang đóng góp sức mình làm cho ngày mai của đất nước ngày càng tươi sáng hơn.


2. Bài văn Phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá hay nhất tuyển chọn - Mẫu số 2

2.1. Dàn ý Phân tích khổ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá.
2.1.1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát nội dung khổ cuối.
2.1.2. Thân bài:
a) Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về:

- "Câu hát căng buồm với gió khơi": Tiếng hát hân hoan, vui sướng khi con thuyền trở về sau một buổi lao động chăm chỉ.
- "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời": Tốc độ nhanh chóng của những con thuyền. -> Tầm vóc của con thuyền sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ.
=> Tinh thần hăng say của người lao động. 
b) Cảnh bình minh trên biển:
- "Mặt trời đội biển nhô màu mới": Nhấn mạnh vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của một ngày mới trên biển. 
- "Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi": Thành quả lao động của những người ra khơi. 
c) Nghệ thuật: 
- Tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa đặc sắc.
- Hình ảnh thơ đặc sắc. 
2.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ cuối.

2.2. Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối trong bài Đoàn thuyền đánh cá siêu hay của HSG:

Hồn thơ Huy Cận được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn trước 1945, thơ của ông mang màu sắc u buồn, ảm đạm. Nhưng từ sau cách mạng tháng Tám, thơ ông mang âm hưởng tươi vui hơn. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác sau cách mạng phải kể đến tác phẩm "Đoàn thuyền đánh cá". Bài thơ là lời ngợi ca của tác giả về công cuộc lao động sản xuất của con người. Đặc biệt ở khổ cuối, tác giả đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về sau ngày dài ra khơi.

Hình ảnh con thuyền trở về được Huy Cận khắc họa rõ nét qua 

"Câu hát căng buồm với gió khơi"

Một lần nữa câu hát căng buồm lại vang lên giống với khổ thơ thứ nhất. Nếu câu hát ở khổ thơ thứ nhất thể hiện niềm mong ước cho chuyến ra khơi thuận lợi thì câu hát ở khổ này lại mang ý nghĩa khác. Đó là lời ca thể hiện niềm vui, niềm hứng khởi của ngư dân sau một buổi lao động vất vả, tôm cá chất đầy khoang thuyền. Câu hát ngân vang như một điệp khúc trong bài ca dao lao động. Từ niềm vui đó, họ hân hoan tận hưởng cảnh bình minh trên biển:

"Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

 Mặt trời đội biển nhô màu mới 

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi"

Hình ảnh mặt trời lặp lại nhưng vào hai thời điểm khác nhau. Ở đoạn đầu của bài thơ, tác giả nhắc đến mặt trời trong buổi hoàng hôn. Thế nhưng trong khổ thơ này, mặt trời lại đại diện cho buổi bình minh, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Hình ảnh con thuyền nhỏ bé được so sánh với mặt trời của thiên nhiên. Dường như đoàn thuyền đang cố gắng chạy đua với mặt trời để khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt đất thì thuyền cũng về tới đất liền. Hay nói cách khác hình ảnh đoàn thuyền trở về với một tư thế khỏe khoắn, hiên ngang vì người dân đã làm chủ được thiên nhiên, làm chủ thành quả lao động. Trong cuộc chạy đua với mặt trời, con người đã giành chiến thắng. "Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi" là ý thơ giúp ta cảm nhận được muôn vàn mắt cá sáng lên lấp lánh trong buổi bình minh. Không chỉ vậy qua đó, nhà thơ còn muốn gửi gắm một niềm tin, niềm tự hào về quê hương đất nước đang trên con đường thay đổi.  

Đoàn thuyền đánh cá là một bức tranh thơ lung linh những sắc màu lộng lẫy, vừa có vẻ đẹp của cuộc sống con người, vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên kì vĩ, lớn lao. Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, nhà thơ Huy Cận đã diễn tả thật cụ thể hình ảnh đoàn thuyền ra khơi khi trở về đất liền. Từ đó, ông muốn ca ngợi hành trình lao động của con người trên khắp mọi miền đất nước. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-cuoi-doan-thuyen-danh-ca-69595n.aspx
Phân tích khổ cuối bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong cảnh bình minh tuyệt đẹp. Bên cạnh những bài phân tích khổ thơ, còn có những bài cảm nhận nội dung hay phân tích nghệ thuật trong bài thơ. Các em có thể tham khảo trong một số bài như: Cảm nhận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Đoạn văn phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá, Đóng vai ngư dân kể lại bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.

Tác giả: Thuỳ Dương     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất ngắn gọn
Đoạn văn phân tích khổ 1 bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất ngắn gọn
Đoạn văn phân tích khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá
Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay nhất
Đặc sắc nghệ thuật trong khổ thơ đầu và cuối bài Đoàn thuyền đánh cá
Từ khoá liên quan:

phan tich kho cuoi doan thuyen danh ca

, dan y kho cuoi doan thuyen danh ca hay nhat ngan gon, van mau lop 9 phan tich kho cuoi bai tho doan thuyen danh ca,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến

    Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

    Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu b ...

Tin Mới