Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo

Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học sẽ giúp em nắm chắc nội dung và hình thức nghệ thuật. Tham khảo bài văn mẫu Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì I dưới đây để có những ý tưởng phù hợp cho bài viết của mình.

Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo

phan tich danh gia mot bai tho ngu van 10 chan troi sang tao

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích, đánh giá Thơ duyên

 

Đề bài số 1: Phân tích, đánh giá Thơ duyên


I. Dàn ý phân tích, đánh giá Thơ duyên

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nêu nhận xét khái quát về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.

2. Thân bài

Lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:

* Xác định chủ đề của bài thơ: phác họa bức tranh thiên nhiên mùa thu, qua đó cho thấy sự gắn bó tự nhiên giữa duyên "anh" và "em".

* Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ:

- Vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên mùa thu.

- Sự giao duyên, gặp gỡ giữa "anh" và "em".

* Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ:

- Sử dụng các biện pháp tu từ đặc sắc.

- Xây dựng hình ảnh độc đáo.

- Từ ngữ có sức gợi cảm.

- Giọng thơ dạt dào cảm xúc.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu phân tích, đánh giá Thơ duyên:

Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết". Quả thực như vậy, đọc thơ Xuân Diệu, ta luôn lâng lâng cảm xúc yêu thương say đắm cùng tâm hồn tràn trề nhựa sống. Đặc biệt, đến với tác phẩm "Thơ duyên", người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của tiết trời mùa thu mà còn là mối quan hệ, giao hòa đầy duyên tình giữa "anh" và "em".

Trước hết, nhan đề bài thơ gợi bao suy tư, tình cảm. "Duyên" ở đây chỉ sự giao duyên, gắn bó giữa thiên nhiên với thiên nhiên, thiên nhiên với con người và con người với con người trên nền bức tranh thu. Như vậy, bài thơ là những nét phác họa về cảnh sắc mùa thu cùng duyên tình của "anh" và "em". Qua đó, "Thơ duyên" cũng thể hiện sâu sắc khát khao giao cảm với thiên nhiên, cuộc đời mãnh liệt ở thi sĩ Xuân Diệu.

Bài thơ mở đầy bằng những hình ảnh trong trẻo vô ngần:

"Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền."

Trong thời điểm chiều thu, khung cảnh thật nên thơ, chan chứa cái mộng ảo. Mọi thứ như vấn vương, giao hòa trên nhánh cây duyên dáng, mềm mại. Nhà thơ cũng thật tinh tế, nhạy cảm khi miêu tả cảnh vật bằng tất cả các giác quan. Phía trên cây me kia, từng cặp chim vừa chuyền cành, vừa líu lo hót vang như hò rèo, chào đón thu tới. Từ láy "ríu rít" đã gợi tả rõ nét sự sống động, vui nhộn ấy. Cùng lúc đó, bầu trời với màu xanh ngọc đang "đổ" xuống muôn vàn lá cây, tạo nên một khoảng không gian tươi mát, dịu êm. Lắng nghe, ngắm nhìn và tận hưởng bức tranh mùa thu trong trẻo như vậy, nhà thơ không khỏi cảm thấy "nơi nơi động tiếng huyền". Mùa thu đến không chỉ mang lại cảnh sắc hài hòa, êm ả mà còn gợi những âm vang rộn rã giống tiếng nhạc, tiếng đàn. Dường như, cảnh vật đã thấm đẫm tình thu của hồn thơ Xuân Diệu:

"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang nắng trở chiều;

Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn

Lần đầu rung động nỗi thương yêu."

Bằng các từ láy "nhỏ nhỏ", "xiêu xiêu", "lả lả", mọi vật trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Tất cả đều đang sóng đôi, giao duyên cùng nhau. Đó là con đường nho nhỏ đắm mình trong làn gió. Đó còn là cành lá lả lơi buông rủ trong nắng chiều. Đứng giữa khung cảnh đậm chất thu, tình thu, chủ thể trữ tình không khỏi bồi hồi nhớ về "Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn". Phải chăng, vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời đã hấp dẫn tâm hồn con người. Từ đây, con người lại thổn thức nỗi niềm "Lần đầu rung động nỗi thương yêu". Có thể thấy, đoạn thơ vừa khơi gợi sự gắn bó giữa con người và tự nhiên, vừa mở ra mối duyên tình của con người với con người. Thật sâu lắng, tha thiết làm sao!

Đến với khổ thơ thứ ba, ta thấy có sự chuyển biến, thay đổi trong cách xưng hô:

"Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững đững chẳng theo gần

Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu

Anh với em như một cặp vần."

Chủ thể trữ tình, hay chính là "anh" xao xuyến nhớ về những rung động đầu đời. Khi ấy, "em" điềm nhiên bước đi trên con đường mà "không vướng chân" còn "anh" lại "lững đững chẳng theo gần". "Em" một bước, "anh" một bước, khoảng cách đôi ta không xa cũng chẳng gần. Tưởng chừng là đối lập, khác biệt nhưng hai ta đã có sự gần gũi thân thiết "như một cặp vần" không thể tách rời. Như vậy, những ràng buộc mỏng manh, vô hình đã kéo "anh" và "em" đến sát bên nhau. Đất trời trở thành sợi dây tơ duyên, buộc hai người xa lạ, "vô tâm" thành một cặp không chia lìa.

Qua đôi mắt của chủ thể trữ tình, bức tranh thiên nhiên tiếp tục được mở rộng:

"Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần."

Không còn là sự nhẹ nhàng, êm ái, cảnh vật đã bắt đầu bước vào trạng thái vội vã, gấp gáp. Trên bầu trời cao xa, từng đám mây biếc màu đang "gấp gấp" bay, chuẩn bị nhường chỗ cho ánh chiều tàn. Ngoài ruộng đồng, đàn cò cũng "phân vân" nên tiếp tục ở lại hay không. Dịch chuyển tầm mắt, không khó để phát hiện ra những chú chim giang rộng đôi cánh, tìm về tổ ấm. Dưới mặt đất, hoa cỏ đã hòa trong cái lạnh lẽo của sương chiều. Hoạt động dồn dập của vạn vật gợi một cảm giác gì đó vừa thúc giục, hối hả, vừa xao xuyến, bâng khuâng ở "anh":

"Ai hay tuy lặng bước thu êm

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em."

Đứng trước cảnh đẹp của bức tranh thu, "anh" và "em" trở nên hòa hợp, đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc yêu thương mà chẳng cần "băng nhân" - những ông tơ bà nguyệt se kết duyên tình. Mặc dù tâm tư, lời nói chân tình chưa được gửi gắm nhưng "anh" vẫn cảm thấy hạnh phúc bởi "Lòng anh thôi đã cưới được lòng em". Mọi tình cảm diễn ra trong "ngấm ngầm" như một cuộc đính ước có thiên nhiên, cây cỏ, đất trời làm chứng.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của bài thơ còn đến từ đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Bằng việc sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hóa "chim nghe trời rộng", so sánh "Anh với em như một cặp vần" kết hợp cùng các từ ngữ giàu sức gợi "liêu xiêu", "lả lả",... đã góp phần khắc họa sinh động vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu. Không chỉ vậy, Xuân Diệu còn rất tài hoa trong xây dựng hình ảnh độc đáo "chiều mộng hòa thơ", "hoa lạnh chiều thưa". Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cũng giúp cảm xúc, tâm tư tình cảm của "anh" được bộc lộ rõ ràng và sắc nét.

Qua bài thơ "Thơ duyên", Xuân Diệu đã đem tới cho người đọc khung cảnh chiều thu êm ái, dịu dàng với những đường nét, màu sắc tươi sáng, âm thanh rộn rã. Đồng thời, ta cũng cảm nhận được sự giao duyên, hòa hợp giữa vạn vật trong đất trời.

Chuyen de phan tich tho

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi

 

Đề bài số 2: Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi

 

I. Dàn ý Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi

1. Mở bài:

- Giới thiệu bài thơ và tác giả.

- Nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

2. Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:

- Xác định chủ đề bài thơ: phác họa khung cảnh thiên nhiên mùa đông, đồng thời bộc lộ tình cảm của chủ thể trữ tình với người "em ở xa nhà".

- Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ:

+ Cảnh sắc thiên nhiên mùa đông.

+ Tâm trạng nhớ thương của chủ thể trữ tình với người "em" ở nơi phương xa.

- Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ:

+ Xây dựng hình ảnh quen thuộc.

+ Sử dụng các biện pháp tu từ.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu: Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi

"Nắng đã hanh rồi" của nhà thơ Vũ Quần Phương là một tác phẩm hay và giàu ý nghĩa, được trích từ tập "Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian". Với những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại trong lòng bạn đọc bao rung cảm sâu sắc.

Đọc tựa đề, ta dễ dàng hình dung ra khoảng thời gian mà tác giả muốn đề cập đến. Nắng hanh - hiện tượng thời tiết đặc trưng chỉ có ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mỗi khi mùa đông tới. Đây là thời điểm trời vừa lạnh vừa nóng, mang đến cảm giác giá lạnh và hanh khô. Mượn hình ảnh "nắng hanh", Vũ Quần Phương đã phác họa sinh động bức tranh mùa đông trên nền không gian rộng lớn, qua đó, bộc lộ nỗi nhớ thương da diết của "anh".

Mở đầu bài thơ là hình ảnh:

"Nắng đã vàng hanh như phấn bay

Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày

Trước sân mây trắng về đông lắm

Em ở xa nhà, em có hay"

Với đôi mắt tinh tế cùng giác quan nhạy bén, nhà thơ dễ dàng nhận ra trạng thái ở nắng "vàng hanh như phấn bay". Nắng bao trùm mọi không gian, trăng trắng như màu của phấn và nhẹ nhàng rơi xuống "như phấn bay". Không chỉ quan sát cảnh vật thông qua hình ảnh, đường nét, Vũ Quần Phương còn cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác. Tiếng sếu kêu ngoài bờ sông như vọng lại thứ âm thanh da diết, khắc khoải. Ngoài kia, dòng sông tươi mát, trong trẻo ngày hè nay đã cạn kiệt sức sống, trở nên gầy mòn, ốm yếu. Vạn vật giờ đây đã nhuốm màu sắc u buồn, lẻ loi. Đám mây hôm nay cũng chỉ còn là sắc trắng nhạt nhòa, giăng kín bầu trời cao xa. Không biết mây kia có nhắn rủ tới "em" lời tâm tình thủ thỉ "Em ở xa nhà, em có hay"? Câu thơ vừa nhấn mạnh hiện thực "em" đang ở xa nhà, vừa là lời hỏi thăm của "anh" với chính mình và "em" nơi phương xa.

Thu lại tầm nhìn, chủ thể trữ tình nhạy bén phát hiện ra khung cảnh nên thơ:

"Em có hình dung những mái tranh

Nắng lên khói ủ mộng yên lành

Vườn sau tre mía xôn xao lá

Anh chẳng là cây cũng trĩu cành"

Chủ thể trữ tình nhắc lại cho "em" hình ảnh thân quen, yên bình nơi quê nhà "những mái tranh". Ngôi nhà đơn sơ được làm từ rơm rạ, tre nứa, bùn đất là nơi chất chứa bao kỉ niệm, khoảnh khắc vui buồn của "anh" và "em". Giờ đây, nắng hanh trời đông thức giấc cùng ngọn khói mềm mại, bao trùm lên ngôi nhà thân thương ấy. Ở phía sau vườn nhà, tre mía cũng trở nên ồn ào bởi cành lá đang đung đưa, xao động. Không gian yên tĩnh, trầm mặc quanh nhà như bị phá vỡ bởi âm thanh "xôn xao lá". Ngắm nhìn cây cối ngoài kia, "anh" lại cảm thấy lòng mình bồi hồi nhớ thương "Anh chẳng là cây cũng trĩu cành".

Tâm tư giấu kín trong nỗi lòng đã được "anh" trực tiếp bày tỏ qua lời mời mọc:

"Em có cùng anh lên núi không

Có nghe thầm thĩ tiếng rừng thông

Nắng chiều ngả bóng thông in đất

Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong"

Ở khổ thơ này, không gian đã có sự mở rộng. Bức tranh thiên nhiên như được trải dài vô tận, thêm cao và thêm xa. Câu thơ "Em có cùng anh lên núi không" đâu chỉ đơn thuần là lời mời mà còn là những khao khát có "em" gần bên. Dạo bước trong rừng thông, "anh" nghe thấy âm thanh thầm thì của núi non, của quê hương ta. Không biết ở nơi xa xôi ấy, "em" có nghe thấy chăng? Và ở nơi đó, em có thấy "nắng chiều ngả bóng thông in đất"? Điểm tựa của nắng là cây thông, điểm tựa của thông là mặt đất, còn điểm tựa của anh thì đang ở rất xa. Có thể nói, không gian rộng lớn đã khắc họa chân thực tình cảnh cô đơn, lẻ loi ở "anh". Ngay giây phút này, chủ thể trữ tình đang rạo rực thương nhớ, yêu thương nhưng lại không biết "ngả vào đâu nỗi nhớ mong".

Ngày qua ngày, "anh" vẫn chờ mong và hy vọng:

"Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua

Một năm năm tới, lại năm qua

Mà sao nắng cứ như tơ ấy

Rung tự trời cao xuống ngõ xa"

Rồi mùa đông sẽ qua đi, nhường chỗ cho trời xuân ấm áp. Điệp từ "xuân sắp" đã khắc họa sự phấn khởi, ngóng trông của chủ thể trữ tình. "Anh" mong rằng xuân đến cũng là lúc đôi ta được sum họp, đoàn tụ. Thế nhưng, ngước nhìn trời cao, "anh" thấy nắng vẫn đang buông xuống như mấy sợi tơ mềm mại. Lòng "anh" thì nóng vội mà thời gian lại chậm chạp.

Bằng việc sử dụng các hình ảnh gần gũi "mái tranh", "nắng hanh", "sông gày", "mây trắng",... kết hợp với những biện pháp tu từ như đảo ngữ "Vườn sau tre mía xôn xao", so sánh "Mà sao nắng cứ như tơ ấy", nhà thơ đã gợi tả sinh động bức tranh thiên nhiên mùa đông tĩnh lặng, yên bình, có chút man mác buồn. Không chỉ vậy, lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cũng giúp người đọc thêm thấu hiểu tâm tư, tình cảm nhớ thương của chủ thể trữ tình.

Bài thơ "Nắng đã hanh rồi" đã gửi gắm tới tất cả chúng ta bài học ý nghĩa về việc sống giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương đã mang đến một tác phẩm ý nghĩa và giàu cảm xúc như vậy.

 

Đề bài số 3: Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

 

I. Dàn ý Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nêu nhận xét khái quát về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.

2. Thân bài

Lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những độc đáo về nghệ thuật của bài thơ:

* Xác định chủ đề của bài thơ: ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Hương Sơn, đồng thời bộc lộ sự tự hào, yêu quý về cảnh sắc quê hương, đất nước.

* Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ:

- Vẻ đẹp phong cảnh Hương Sơn được phác họa qua:

+ Cảm nhận cùng cảm xúc của chủ thể trữ tình khi vừa đặt chân đến Hương Sơn.

+ Những quan sát, khám phá của chủ thể trữ tình nhập vai "khách tang hải" thăm thú cảnh sắc Hương Sơn.

- Tình cảm yêu mến, tự hào của nhà thơ với quê hương, đất nước

* Phân tích, đánh giá một số nét độc đáo về hình thức nghệ thuật của bài thơ:

- Sử dụng các biện pháp tu từ.

- Xây dựng hình ảnh độc đáo.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét độc đáo về nghệ thuật của bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

"Hương Sơn phong cảnh" là một trong các sáng tác tiêu biểu của thi sĩ Chu Mạnh Trinh Bài thơ với những độc đáo về chủ đề và hình thức nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc trước bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.

Nhà thơ thật tinh tế và khéo léo khi khắc họa cảnh đẹp Hương Sơn qua vỏn vẹn 19 câu thơ. Ông cũng vận dụng linh hoạt thể hát nói truyền thống trong việc làm nổi bật chủ đề, từ đó bộc lộ cảm xúc tự hào, yêu mến về quê hương, đất nước.

Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp cảnh tượng:

"Bầu trời cảnh Bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay"

Đặt chân tới Hương Sơn, nhà thơ như lạc vào cõi tiên bụt. Bầu trời mờ mờ, ảo ảo, khoác trên mình màu sắc huyền diệu của chốn bồng lai. Nơi đây quả thật giống lời tương truyền, vô cùng đẹp đẽ, bình yên, không khỏi hút hồn vị khách ghé thăm. Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng ấy, người khách mới bừng tỉnh nhận ra "Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay". Có thể thấy, niềm khao khát được tới thăm Hương Sơn đã trở thành chấp niệm của vị khách.

Càng ngắm nhìn, nhà thơ càng cảm thấy ngạc nhiên:

"Kìa non non, nước nước, mây mây

"Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?"

Hình ảnh núi non hòa trong mây trời như tô đậm sự bồng bềnh, nhẹ nhàng cảnh vật. Biện pháp liệt kê cùng từ láy "non non", "nước nước". "mây mây" đã cho thấy Hương Sơn có không gian vô cùng rộng lớn, trải dài thành tầng tầng, lớp lớp, trập trùng cao thấp. Đứng trước phong cảnh tuyệt sắc ấy, nhà thơ không khỏi thảng thốt "Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?". Câu hỏi tu từ cùng biện pháp đảo ngữ không chỉ bộc lộ tâm trạng lâng lâng, vui sướng của thi sĩ mà còn khẳng định Hương Sơn xứng đáng là "đệ nhất động".

Đi sâu tìm hiểu phía bên trong, chủ thể trữ tình nhập vai "khách tang hải" khám phá ra:

"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"

Núi rừng Hương Sơn hiện lên thật sinh động nhờ sự hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh. Trong rừng mai, từng đàn chim đang thỏ thẻ nhỏ nhẹ "chim cúng trái". Bên khe Yến, cá mải mê nghe giảng kinh Phật "cá nghe kinh". Nhờ biện pháp nhân hóa kết hợp với đảo ngữ, từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ", thiên nhiên và con người hòa hợp hơn bao giờ hết. Dường như, sống nơi đất Phật, những loài vật này cũng được bồi dưỡng chân lí hướng thiện, giá trị cao đẹp. Giọng thơ trở nên nhịp nhàng, sâu lắng như bước chân ung dung, khoan thai ngắm nhìn cảnh sắc của vị khách. Và rồi, vị khách ấy ngỡ mình đang mơ một giấc mộng. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng chày kinh nơi nhà chùa, chủ thể trữ tình mới bừng tỉnh "giật mình trong giấc mộng". Hóa ra, đây là vẻ đẹp đời thực chứ không phải ảo ảnh xa vời.

Vị khách tang hải tiếp tục thả hồn trong chốn bồng lai tiên cảnh.

"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt."

Vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ, phong phú vô ngần nơi Hương Sơn được gợi nhắc qua "suối Giải Oan", "chùa Cửa Võng", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quỳnh". Khung cảnh hoàn mĩ ấy mang đến cảm giác "nhác trông lên ai khéo họa hình". Vị khách cũng thật tinh tường khi phát hiện cảnh tượng "đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt". Viên nào viên nấy đều lung linh màu sắc, mềm mại, trong trẻo. Bên cạnh đó, hình ảnh "mấy lối uốn thang mây" đã phác họa chân thực vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ của núi rừng cheo leo. Hòa mình với không khí trong lành cùng khung cảnh tươi mát, vị khách phương xa như rũ bỏ bụi trần tầm thường, tìm về nơi bình yên, trầm lặng. Sau giây phút tĩnh tâm ấy, chủ thể trữ tình đã trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, tình cảm bản thân "Chừng giang sơn còn đợi ai đây". Cảnh sắc tuyệt mỹ của quê hương, đất nước cần đến những đôi tay tài ba, biết giữ gìn và phát huy vẻ đẹp vốn có.

Tới thăm ngưỡng cửa nhà Phật, chủ thể trữ tình không quên bày tỏ tấm lòng kính cẩn:

"Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật

Cửa từ bi công đức biết là bao!

Càng trông phong cảnh càng yêu."

Vị khách phương xa thành tâm kính Phật, gột rửa và rũ bỏ vướng bận bên ngoài để hướng tới tâm hồn an yên. Đất Phật giúp con người trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng khói lửa nhân gian. Nơi đây cũng nhắn nhủ đạo lí sống tốt đẹp, chân - thiện - mỹ, yêu thương, nhân ái "Cửa từ bi công đức biết là bao!". Với cặp quan hệ từ "càng-càng", nhà thơ như muốn nhấn mạnh phong cảnh sơn thủy hữu tình ở Hương Sơn, đồng thời khẳng định tấm lòng yêu quý tha thiết của bản thân.

Độc đáo về hình thức nghệ thuật cũng là yếu tố chi phối và làm nên thành công của tác phẩm. Bằng ngòi bút tài hoa, thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã xây dựng nên rất nhiều hình ảnh đặc sắc "chim cúng trái", "lững lờ khe Yến", "hang lồng bóng nguyệt", "mấy lối uốn thang mây",... Các biện pháp nghệ thuật như so sánh "long lanh như gấm dệt", điệp ngữ "này" kết hợp với những từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ", "long lanh", "gập ghềnh" cũng góp phần tô đậm cảnh sắc nơi đây. Tất cả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên Hương Sơn vừa kì vĩ vừa thơ mộng.

Bài thơ "Hương Sơn phong cảnh" sẽ mãi để lại dấu ấn sâu đậm cho người đọc về phong cảnh hài hòa, yên bình nơi Hương Sơn. Qua đây, nhà thơ còn khéo léo bày tỏ sự yêu mến, tấm lòng tự hào tha thiết với quê hương, đất nước.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Trên đây là một số nội dung tham khảo cho bài văn mẫu Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo. Để việc viết bài trở nên dễ dàng, em cần nắm chắc những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm đó. Nếu gặp khó khăn khi học Ngữ văn, em hãy ghé thăm Taimienphi.vn để nhanh chóng cập nhật bài soạn và văn mẫu chất lượng nhé!

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-danh-gia-mot-bai-tho-ngu-van-10-chan-troi-sang-tao-71883n.aspx
Các bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Phân tích, đánh giá Thơ duyên
- Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo
Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồi
Phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm truyện
Phân tích Thị Mầu lên chùa
Giải Toán lớp 6 sách Chân trời sáng tạo
Từ khoá liên quan:

viet bai van phan tich danh gia mot bai tho Ngu van 10 Chan troi sang tao

, van mau viet bai van phan tich danh gia mot bai tho Ngu van 10 Chan troi sang tao, bai van phan tich danh gia mot bai tho Ngu van 10 Chan troi sang tao,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Chân trời sáng tạo

    File sách mềm Chân trời sáng tạo cho học sinh

    Bộ Sách Chân trời sáng tạo là một trong những bộ sách giáo khoa mới được phát triển theo chương trình mới do Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra. Tương tự như các bộ sách khác, bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo này cũng được ...

Tin Mới