Trao duyên là một đoạn trích đặc sắc trong Truyện Kiều, tuy nhiên đây cũng là đoạn trích nặng về tâm lí nhân vật và có sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng nên rất nhiều bạn học sinh gặp khó khăn trong việc phân tích. Để có bài phân tích hay, hấp dẫn nhất, các bạn hãy cùng tham khảo dàn ý phân tích bài thơ trao duyên, mẫu số 3 dưới đây nhé!
Dàn ý: Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ Trao duyên
1. Mở bài
- Giới thiệu về Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”
- Giới thiệu về đoạn trích “Trao duyên”.
2.Thân bài
* Nêu vị trí của đoạn trích: Từ câu 723 - 756.
* Nội dung chính: Thúy Kiều trao duyên lại cho Thúy Vân để em giúp mình nối duyên với Kim Trọng. Đồng thời, đoạn trích cũng thể hiện những tâm trạng đau đớn, dằn vặt của Thuý Kiều khi tình yêu với chàng Kim không thành.
a. Lời trao duyên của Thúy Kiều (12 câu thơ đầu)
- 2 câu thơ đầu: Thúy Kiều dùng những lời lẽ (“cậy,” “chịu lời”) và hành động trang trọng (“lạy”, “thưa”) để bày tỏ lời khẩn cầu, nhờ cậy của mình đối với Thúy Vân.
+ “Cậy”: Tin tưởng Thúy Vân sẽ giúp mình.
+ “Chịu lời”: Không thể từ chối lời nhờ cậy của Thúy Kiều.
+ “Lạy”, “thưa”: Hành động trang trọng của những bậc bề dưới đối với các bậc bề trên đồng thời đó cũng là hành động của người mang ơn đối với người làm ơn.
- 6 câu thơ tiếp theo: Nàng chia sẻ, giãi bày chuyện tình yêu của mình và Kim Trọng với Thúy Vân để em có thể thấu hiểu được hoàn cảnh mà mình đang gặp phải.
+ “Gánh tương tư”: Tình yêu của Thúy Kiều - Kim Trọng. Vì gia đình gặp biến cố nên Kiều đã hi sinh chữ “tình” để làm tròn chữ “hiếu”. Động từ “đứt” diễn tả sự tan vỡ đầy bất ngờ.
+ “Mặc em”: Phó thác cho em gánh vác mối tơ duyên của mình nhưng thực chất là lời nài ép em nhận lời giúp đỡ.
+ “Quạt ước”, “chén thề”: Những hình ảnh gợi nhớ đến cuộc thề nguyền của hai người.
- 4 câu tiếp theo: Thúy Kiều nhắc đến “ngày xuân”, “tình máu mủ” để thuyết phục Thúy Vân. Chỉ cần Thúy Vân nhận lời nối mối tơ duyên thì dù xuống cõi chết nàng vẫn “ngậm cười” và mang ơn Thúy Vân.
-> Đoạn thơ có sự kết hợp hài hòa giữa các từ ngữ trang trọng (“keo loan”) và các từ ngữ dân gian (“tình máu mủ”, “lời nước non”, “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”)
b. Thúy Kiều trao những kỉ vật tình yêu của mình cho Thúy Vân (14 câu thơ tiếp theo)
- “Chiếc vành”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền”: Những kỉ vật tình yêu thiêng liêng của Thúy Kiều và Kim Trọng, thể hiện mối tình sâu đậm, gắn bó.
- Kiều nghĩ đến cái chết và sự bạc mệnh của mình:
+ Kiều tưởng tượng đến cảnh sau này Thúy Vân - Kim Trọng nên duyên vợ chồng chung sống hạnh phúc và tự nhận mình là “người mệnh bạc”.
+ “Dạ đài”, “nát thân bồ liễu”,”hồn”, “thác oan”: Là những từ ngữ chỉ cái chết.
+ Nàng chỉ cho Vân biết cách nhận ra linh hồn mình trở về => Khiến Vân không thể từ chối lời cậy nhờ.
+ Kỉ vật đã trao nhưng tình duyên thì muốn giữ lại. Kiều đau khổ, xót xa cho thân phận của chính mình.
c. Lời độc thoại với chính mình và lời từ giã Kim Trọng.
- Nàng ý thức về thực tại (“trâm gãy bình tan”, “phận bạc như vôi”, “hoa trôi lỡ làng”): Tình yêu tan vỡ, nàng rơi vào bi kịch, tuyệt vọng.
- Nàng tự nhận mình là kẻ có lỗi, chính mình là kẻ phụ tình, là kẻ thất hứa.
- Lời từ biệt tình lang, từ biệt tình yêu của mình vang lên đầy đau đớn.
-> Giọng thơ xót xa ẩn chứa bao quằn quại trong nội tâm nhân vật Thúy Kiều.
-> Nàng là người biết hi sinh vì người khác, sống trọng tình nghĩa.
* Nguyễn Du đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại và độc thoại được kết hợp một cách hợp lí đã thể hiện được những diễn biến tâm lí của Thúy Kiều.
* Thể thơ lục bát truyền thống cùng những đặc trưng riêng của nó đã tạo thuận lợi cho nhà thơ trong việc miêu tả lại cuộc trao duyên của Thúy Kiều.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của đoạn trích trong toàn thiên kiệt tác “Truyện Kiều”.
https://thuthuat.taimienphi.vn/dan-y-phan-tich-bai-tho-trao-duyen-mau-so-3-46781n.aspx
Xem bài mẫu: Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên.