Bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư

Ngoài việc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đêm trăng lãng mạn, tĩnh mịch, khi đọc bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, ta còn thấy được bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư một cách tinh tế, khéo léo.

Đề bài: Bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư

buc tranh tam trang cua nguoi thi si duoc the hien qua bai tho tinh da tu

 

Phần 1: Dàn ý bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư

Xem chi tiết Dàn ý bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư tại đây
 

Phần 2: Bài văn mẫu Bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư

Bài làm:

"Thi tiên Lý Bạch", một tên tuổi lừng lẫy của thơ ca cổ điển Trung Quốc, một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn luôn phơi trải cùng thiên nhiên. Thơ ông thường gắn liền với hình ảnh màn đêm thanh tĩnh, với ánh trăng vằng vặc trên bầu trời, với tình cảm da diết dành cho đời, cho người, cho quê hương. "Tĩnh dạ tứ", một trong số những tác phẩm nổi bật nhất của ông, bài thơ có sự hòa quyện giữa trăng, người và tình, khắc họa bức tranh tâm trạng từ thơ mộng, liêu trai đến nỗi nhớ quê hương mặn nồng, cay đắng.

"Tĩnh dạ tứ" được sáng tác khi nhà thơ đang phiêu bạt nơi quê người, vào một đêm thanh cảnh, trời trong gió mát, ánh trăng sáng vằng vặc trên trời cao. Một đêm trăng đẹp như vậy, ắt hẳn tâm hồn nhà thơ phải có sự rung động, nhưng buồn thay, cái rung động ấy lại là sự tương tư, bồi hồi nhớ thương về quê hương. Bức tranh tâm trạng từ thơ mộng cùng trăng trở nên bẽ bàng, ngậm ngùi, cô liêu.

Mở đầu bài thơ là dòng cảm xúc đậm chất thơ, khi người và trăng gặp gỡ nhau, giao hòa cùng nhau:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương

Không phải cảnh tượng uống trà thưởng trăng, cũng không phải buổi ngắm trăng vịnh thơ thường thấy trong những bài thơ Đường, ánh trăng giờ đây xuất hiện nơi "đầu giường", "sàng tiền". Trăng như người khách lạ gõ cửa, lùa qua cửa sổ, soi rọi vào nơi nghỉ chân của hiệp khách phương xa nghỉ ngơi tại quán trọ đông đúc. Giữa chốn thị phi, xô bồ vào náo nhiệt ấy, thi sĩ vẫn cảm được cái thanh thoát và tinh tế của trăng. Đêm nay, trăng như người bạn lâu năm gặp lại nơi đất khách quê người, trăng thanh cao và dung dị, phủ một lớp màn bạc khiến người "ngỡ mặt đất phủ sương". Lớp sương mờ ảo gợi cảm giác có cái gì đó vừa thực vừa ảo, vừa là hiện tại, vừa đan xen với quá khứ, vừa ma mị, vừa chân thật. Phải chăng, ánh trăng kia mang cả những kỉ niệm xưa cũ tới tìm người hiệp khách những mong được sẻ chia, trò chuyện. Trăng với người tìm thấy tri âm tri kỉ, người và trăng tỏ lòng cùng nhau. Cảm giác thân thuộc, gần gũi khi đang ở một nơi xa xôi khiến nhà thơ rung cảm, thiên nhiên đẹp đi vào lòng người. Lớp sương trắng mỏng tang trên nền đất ấy, hay chính là tâm hồn nhà thơ được phủ một tấm màn ảo diệu. Không gian lãng mạn, tình tự, có người đây với tấm chân tình, có trăng kia với vẻ đẹp huyễn hoặc, cảm xúc trào dâng trước cảnh đẹp tự nhiên, để rồi bộc phát thành thơ, thành lời.

Buồn thương thay, cái bâng khuâng, ngỡ ngàng chẳng được bao lâu, tâm trạng nhà thơ bỗng trở nên cô tịch khi nhớ về quê cũ. Cảm giác tri âm với trăng, trăng như người bạn lâu ngày gặp lại giờ đây lại là nỗi buồn, buồn khi nhắc lại chuyện quá khứ:

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Tư thế người ngắm trăng bắt đầu có sự thay đổi theo trật tự tuyến tính. Phút trước còn "ngẩng đầu" chiêm ngưỡng vẻ đẹp mĩ miều của trăng, lát sau đã "cúi đầu" buồn bã khi hoài niệm về "cố hương". Ánh trăng như con tàu thời gian đưa nhà thơ về với những kỉ niệm cũ, mảnh đất thôn quê dấu yêu đã bao lâu không gặp lại. Tư thế "cúi đầu" nhớ về cố hương khiến người đọc cảm nhận được sự buồn thương, tiếc nuối đến tột cùng. Bao nhiêu năm rồi người hiệp khách này không thăm nhà, bao nhiêu lâu nữa mới có dịp quay lại chốn xưa. Ngắm trăng thanh nhớ cảnh yên bình, phải chăng vầng trăng kia chính là cố nhân, là đồng hương từng cùng thi sĩ gắn bó những ngày còn được ở nơi chôn rau cắt rốn. Hình tượng "cố hương" đắng cay, xót xa, xót cho cả thân phận lang bạt, nay đây mai đó để tìm kiếm mục đích sống, sống cho trọn chí làm trai. Trăng từ nàng thơ đằm thắm dịu dàng trở nên thê lương, cô tịch, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", lòng nhà thơ buồn, trăng cũng phủ lên một màu buồn man mác.

Bức tranh tâm trạng của nhà thơ qua "Tĩnh dạ tứ" mang màu sắc vừa tình tự, mơ màng lại vừa dạt dào, tha thiết hồi tưởng. Thể thơ ngũ ngôn cổ điển lãng mạn, hình ảnh nàng trăng quen thuộc trong thơ Đường cùng bút lực tài ba, tả cảnh ngụ tình, gửi tình vào trong cảnh, tác giả đã gửi gắm những dòng cảm xúc nhớ thương quê cũ bùi ngùi, xốn xang, đồng thời tô vẽ hình ảnh ánh trăng như một con người nhạy cảm, biết lắng nghe, biết sẻ chia. Lòng yêu cái đẹp và tâm hồn thi vị đã làm nên một tuyệt tác văn chương, thổi vào từng con chữ cái hồn, cái tình nồng thắm thiết tha của con người.

https://thuthuat.taimienphi.vn/buc-tranh-tam-trang-cua-nguoi-thi-si-duoc-the-hien-qua-bai-tho-tinh-da-tu-47762n.aspx

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về vẻ đẹp của con người Hàn Mạc Tử qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Phân tích tâm trạng Nguyễn Khuyến qua Thu điếu
Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông
Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
Từ khoá liên quan:

Buc tranh tam trang cua nguoi thi si duoc the hien qua bai tho Tinh da tu

, Bức tranh tâm trạng của người thi sĩ được thể hiện qua bài thơ Tĩnh dạ tư,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới