Truyện ngắn Chiếc lược ngà có nhân vật bé Thu được tác giả Nguyễn Quang Sáng xây dựng hình tượng rất đặc sắc. Hãy cùng Taimienphi.vn tìm hiểu kĩ hơn về nhân vật này qua bài Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, học kì I nhé!
Đề bài: Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà.
Dàn ý và bài văn mẫu phân tích nhân vật bé Thu qua đoạn trích ngắn gọn
I. Dàn ý Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về nhân vật bé Thu.
2. Thân bài:
2.1. Nội dung:
a) Giới thiệu qua về hoàn cảnh của bé Thu:
- Ba đi bộ đội từ khi cô bé còn chưa đầy một tuổi.
- Chỉ được nhìn thấy ba qua bức hình chụp chung với má.
b) Khi mới gặp ba:
- Trong lần gặp đầu tiên:
+ Lạ lẫm, ngơ ngác. Không biết người đàn ông này là ai.
+ Sợ hãi, vụt chạy và kêu thét lên gọi má.
- Lúc anh Sáu ở nhà:
+ Nói trổng khi má bảo kêu ba vào ăn cơm.
+ Khi cần nhờ sự giúp đỡ của anh Sáu mà không được -> Tự mình làm.
+ Hất miếng trứng cá ra khỏi bát.
=> Mạnh mẽ, quyết liệt, ngang bướng với người không phải là cha mình.
c) Khi biết anh Sáu là ba mình:
- Khi được bà giải thích cho: "Nằm im và lăn lộn, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn".
- Nhất định không chịu gọi người khác là ba mình vì tình yêu và sự tôn trọng dành cho ba => Rất yêu thương ba.
- Khi chia tay ba:
+ Kêu thét lên: "Ba...a.a...ba".
+ Hôn ba cùng khắp.
+ Tay siết chặt lấy cổ ba, không cho ba đi.
+ Vừa nói vừa nấc.
=> Tình yêu thương ba mãnh liệt, quấn quýt không rời.
2.2. Nghệ thuật:
- Lối kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị.
- Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi, chân thực mà không kém phần độc đáo.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà".
II. Viết đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu trong Đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà ngắn gọn:
Bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một nhân vật có tính cách rất thú vị. Bé Thu là một cô bé mạnh mẽ và có phần ngang bướng, lì lợm. Cô bé cho rằng người trước mặt không phải ba mình nên nhất định không gọi tiếng ba" dù mọi người đã tìm đủ mọi cách: Má bảo con bé gọi ba vào ăn cơm, con bé không gọi khiến má nó nổi giận. Khi gọi cũng toàn nói "trổng" để không nhắc đến tiếng "ba". Lúc cần người giúp chắt nước sôi, vì để không gọi "ba" mà con bé đã tự lấy vá múc từng vá nước ra ngoài. Trong bữa cơm, Thu lại hẩy miếng trứng cá mà người đàn ông gắp cho, con bé bị đánh, nhưng dù thế Thu vẫn không rơi một giọt nước mắt nào. Chỉ ngồi im lặng lẽ rồi bỏ đi. Sự gan lì đó của cô bé khiến mọi người phải nể phục. Thu yêu người ba trong bức ảnh, đinh ninh rằng đó mới là ba thật sự chứ không phải người có vết sẹo dài trước mặt. Thế nên những hành động kể trên cũng chỉ là cách một cô bé thể hiện tình yêu thương ba mà thôi. Khi biết rằng mình đã sai, bé Thu đã thể hiện sự quấn quýt, yêu thương ba vào thời khắc chia tay. Con bé thét lên tiếng "ba" khi anh Sáu chào tạm biệt nó để ra chiến trường. Tiếng "ba" ấy khiến anh không kìm được xúc động, nước mắt tuôn dài trên mặt. Bé Thu cũng chạy lại bên ba, tình phụ tử giữa hai cha con phải kìm nén bấy lâu giờ đã được giải tỏa bằng những cái ôm, cái hôn cùng khắp của bé Thu. Câu chuyện về một cô bé Thu mạnh mẽ, gan lì với tình yêu ba nồng cháy luôn luôn là điều mà ta nhớ đến khi nhắc về truyện ngắn "Chiếc lược ngà".
--------------------------
Em hãy xem thêm các bài văn mẫu liên quan đến văn bản Chiếc lược ngà ở đây nhé: Cảm nhận tình cha con qua truyện ngắn Chiếc lược ngà; Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà; Đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà; Đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà....
Top Phân tích nhân vật bé Thu qua đoạn trích Chiếc lược ngà siêu hay ngắn gọn
III. Bài văn Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hay nhất
Tình phụ tử thiêng liêng cao đẹp là đề tài muôn thuở trong thơ ca, với mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ có những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với thời đại đó. Tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã kể câu chuyện về tình phụ tử trong chiến tranh đầy xúc động. Bé Thu, nhân vật người con, chính là điểm sáng trong câu truyện này
Ba bé Thu đi chiến trường từ em còn chưa đầy 1 tuổi, cũng vì thế mà em gần như chẳng có ký ức nào về ba. Cô bé cũng không nhớ rõ mặt ba, chỉ được nhìn trong tấm ảnh ba chụp chung với má. Hình ảnh người đàn ông trẻ trung, khuôn mặt rạng ngời đứng bên má đó cũng là ấn tượng duy nhất của em về ba.
Khi ông Sáu, ba của bé Thu được về nhà, tưởng như hai cha con sẽ rất yêu thương, quấn quýt nhau nhưng cô bé không chịu nhận cha. Trong lần gặp đầu tiên, khi ba bé Thu đang xúc động chỉ muốn chạy đến ôm chầm lấy nó thì nó bỗng hoảng sợ, hét lên và chạy vụt đi. Trong những ngày ông Sáu ở nhà, dù mọi người có làm cách nào thi con bé cũng không chịu gọi "ba". Khi má bảo gọi ba vào ăn cơm, con bé chỉ nói trổng "vô ăn cơm". Thậm chí khi má nổi giận quơ đũa định đánh, bé Thu vẫn nhất định không chịu gọi một tiếng "ba". Hay lúc bị dồn vào thế bí, dáng người nhỏ bé của Thu không thể bê nồi cơm để chắt nước, em quyết không gọi "ba" mà vẫn nói trổng. Nhờ không được, con bé lì lợm đành lấy cái vá múc từng vá nước ra ngoài. Không những không gọi cha, Thu còn khước từ sự quan tâm của ông Sáu. Ông Sáu đã gắp miếng trứng cá ngon nhất vào bát nó nhưng nó lại hẩy ra, khiến ba nó tức giận đánh đòn, nó vẫn im im rồi bỏ đi. Tất cả những hành động đó cho thấy Thu là một cô bé mạnh mẽ, cá tính, gan lì. Em không gọi người đàn ông trước mặt là ba vì em vẫn đinh ninh người trong tấm ảnh chụp với má mới chính là người ba thực sự. Đó là người còn trẻ trung và không có vết thẹo dài trên mặt cơ. Tất cả mọi việc làm của bé Thu đều để chứng minh cho tình yêu ba sâu sắc, mãnh liệt. Cũng chính vì lẽ đó, em đã vô tình làm tổn thương ba mình.
Khi nhận ra ông Sáu chính là ba mình thì cũng là lúc ông Sáu lên phải lên đường. Em đã hét gọi ba. Tiếng nói từ tận trong tim ấy đã dồn nén bao nhiêu năm rồi được bật ra vào thời khắc chia tay. Tiếng thét gọi như cứa vào tâm can của ông Sáu và của cả mọi người. Tiếng ba đó tuôn ra cùng những cái ôm, cái hôn yêu thương quấn quýt không muốn ba đi chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tình cảm của bé Thu dành cho ba. Không thể giữ ba ở lại bên mình, con bé chỉ biết ôm siết ba mình thật chặt rồi mếu máo "Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba". Đây không chỉ là một yêu cầu về món quà giữa hai cha con mà điều bé Thu mong muốn hơn nữa là ba mình sẽ sống sót trở về từ chiến trường. Từ đây, ta thấy được Thu là cô bé thông minh, hiểu chuyện. Tuy rất yêu thương và nhớ ba nhưng vẫn quyết định tạm biệt để ba trở về với đồng đội.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng hình tượng bé Thu rất thành công, bằng giọng văn gần gũi giản dị, bé Thu hiện lên là một cô bé mạnh mẽ, bướng bỉnh nhưng lại yêu thương ba tha thiết sau này đã trở thành một cô giao liên dũng cảm, tiếp bước cha bảo vệ dân tộc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-vat-be-thu-trong-doan-trich-truyen-ngan-chiec-luoc-nga-hay-nhat-75865n.aspx
Bé Thu là một cô bé có tính cách bướng bỉnh, mạnh mẽ nhưng lại rất yêu thương cha của mình. Cô bé đã tiếp bước cha trở thành một cô giao liên dũng cảm, góp phần bảo vệ đất nước.