Qua truyện ngắn Tôi đi học, Thanh Tịnh đã đưa độc giả trở về với những cảm xúc khó quên của ngày đầu đến trường. Những kỉ niệm thân quen được kể lại qua dòng cảm xúc dạt dào, tha thiết của nhà văn đã làm cho tác phẩm mang đậm màu sắc trữ tình. Các em hãy cùng phân tích văn bản Tôi đi học để cảm nhận được Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh nhé.
Đề bài: Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh
Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh
I. Dàn ý Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Tịnh (đặc điểm sáng tác, các sáng tác chính của ông,...)
- Giới thiệu khái quát về văn bản Tôi đi học (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...)
- Nêu vấn đề: Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học.
2. Thân bài
a. Chất trữ tình là gì?
- Chất trữ tình của tác phẩm văn học chính là vẻ đẹp của tư tưởng, tình cảm, cảm xúc chủ quan của con người.
- Điều ấy được thể hiện qua cách xây dựng, lựa chọn tình huống truyện,...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh tại đây.
II. Bài văn mẫu Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh (Chuẩn)
Thanh Tịnh là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam với những tác phẩm toát lên vẻ đằm thắm và tình cảm dịu nhẹ, tha thiết. Và có thể nói, "Tôi đi học" là một trong số những tác phẩm tiêu biểu cho đặc điểm sáng tác ấy của ông. Đọc truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh người đọc sẽ cảm nhận được chất trữ tình đằm thắm ẩn sâu trong từng con chữ.
Chất trữ tình là một thuật ngữ quen thuộc với mỗi người chúng ta. Vậy nên hiểu như thế nào là chất trữ tình? Hiểu một cách chung nhất, chất trữ tình là khái niệm dùng để chỉ một đặc điểm nổi bật, đặc sắc của tác phẩm văn học. Chất trữ tình của tác phẩm văn học chính là việc nó thể hiện những trạng thái tính cảm, cảm xúc chủ quan của con người. Điều ấy được thể hiện qua cách xây dựng, lựa chọn tình huống truyện, cách miêu tả thiên nhiên, nghệ thuật xây dựng, miêu tả tâm lí nhân vật và việc sử dụng từ ngữ, các hình ảnh so sánh. Và với cách hiểu như vậy, truyện ngắn "Tôi đi học" là tác phẩm thể hiện chất trữ tình sâu sắc.
Trước hết, chất trữ tình trong văn bản "Tôi đi học" thể hiện ở kết cấu của tác phẩm. Đọc tôi đi học, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra toàn bộ tác phẩm được kể theo dòng hồi tưởng của nhân vật "tôi" với những dòng cảm xúc, những diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật chứ không có cốt truyện. Những dòng hồi ức, những kỉ niệm ấy như gọi nhau ùa về trong tâm trí nhân vật "tôi" là cho tác phẩm như một khúc ca trữ tình của những cảm xúc. Mở đầu tác phẩm đó chính là tâm trạng của nhân vật "tôi" trên đường cùng mẹ tới trường - đó chính là cái cảm giác vừa quen vừa lạ, là thấy trong chính mình đang có một sự thay đổi lớn. Tiếp đến đó chính là cảm xúc bỡ ngỡ, rụt rè, vừa nghiêm trang vừa lo lắng khi đứng ở sân trường chờ gọi lên vào lớp. Và để rồi, kết thúc tác phẩm đó chính là cảm xúc của nhân vật tôi khi vào trong lớp học. Như vậy, tác phẩm Tôi đi học đã đi sâu vào việc diễn tả những dòng cảm xúc của nhân vật và tất cả mọi thứ đều được tái hiện lại một cách chân thực qua dòng hồi tưởng cùng những dòng cảm xúc của nhân vật tôi.
Thêm vào đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện ở khung cảnh thiên nhiên và cảnh vật trong ngày tựu trường đầu tiên của nhân vật tôi. Mở đầu tác phẩm là một câu văn miêu tả thiên nhiên đầy xúc cảm của nhân vật tôi "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..." Dường như, câu văn ấy đã gợi lên bao nhiêu cảm xúc trong nhân vật tôi và cả những cô cậu học trò, để rồi từng nhịp kỉ niệm cứ thế theo nhau ùa về trong kí ức. Không dừng lại ở đó, khung cảnh thiên nhiên trong buổi sớm mai tựu trường cũng được nhân vật tôi tái hiện lại bằng những câu văn thật dạt dào "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." Đó còn là khung cảnh của lũ học trò nhỏ khi đứng giữa sân trường chờ được gọi tên vào lớp "Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi thẳng vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. ... Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp." Tất cả, tất cả những khung cảnh ấy hiện lên thật đẹp qua những dòng xúc cảm, qua cảm nhận của chính nhân vật tôi.
Không dừng lại ở đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện rõ nét qua cách tác giả xây dựng nhân vật với những mối quan hệ, những tình cảm bình dị, thân thương song rất dịu dàng, đẹp đẽ và đang trân quý. Đó là người thầy "với cặp mắt hiền từ và cảm động". Là những người bạn thuở ấu thơ với biết bao kỉ niệm khó quên và cả những người bạn mới quen - những người bạn cũng bỡ ngỡ, cũng rụt rè trong ngày tựu trường đầu tiên. Và có lẽ, đặc biệt hơn cả đó là hình ảnh người mẹ, là tình mẹ. Đọc toàn bộ tác phẩm Tôi đi học, người đọc sẽ thấy rằng hình ảnh bàn tay mẹ được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm - "mẹ tôi ân cần nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng", bàn tay mẹ cầm bút thước, cặp sách cho con khi đến trường,... Và có lẽ, tất cả những hình ảnh ấy đã gợi lên trong chúng ta một người mẹ với tình yêu thương con vô bờ bến, điều đó được thể hiện rõ nét qua những cảm nhận và cách miêu tả tinh tế, dạt dào cảm xúc của chính tác giả.
Và cuối cùng, việc sử dụng những câu văn giàu cảm xúc với giọng điệu nhẹ nhàng, những hình ảnh so sánh độc đáo và việc sử dụng hàng loạt các từ láy chính là một trong số những biểu hiện của chất trữ tình trong tác phẩm. Trước hết, trong tác phẩm, tác giả đã sử dụng hàng loạt câu văn với những hình ảnh so sánh hấp dẫn "...như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng", "...như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi", "...như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ"... Những hình ảnh ấy không những làm cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn mà còn góp phần to lớn vào việc diễn tả, thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thêm vào đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện rõ nét qua việc tác giả sử dụng hàng loạt các từ láy. Đó là những từ tượng hình để gợi nên khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật mơ mộng, trữ tình "bàng bạc", "quang đãng", "trang trọng", "đứng đắn", "tươm tất", "nhí nhảnh", "sạch sẽ", "sáng sủa"... Và đặc biệt, đó còn là hàng loạt các từ láy có giá trị, vai trò to lớn trong việc diễn tả tâm trạng rụt rè, bỡ ngỡ, xen chút lo lắng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường tựu trường đầu tiên "rụt rè", "vẩn vơ", "run run", "lúng túng", "nặng nề", "ngập ngừng", "lưng lẻo", "quyến luyến",... Tất cả, tất cả những hình ảnh so sánh cùng việc sử dụng hàng loạt các từ láy đã làm cho những câu văn của "Tôi đi học" trở nên giàu tính nhạc, giàu chất thơ và giàu tính trữ tình.
Tóm lại, "Tôi đi học" của Thanh Tịnh là một câu chuyện chân thực, sâu sắc. Tác phẩm ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc không chỉ bởi những ý nghĩa về mặt nội dung mà còn bởi đọc tác phẩm người đọc có thể cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc chất thơ, chất trữ tình bàng bạc ẩn chứa trong từng con chữ.
-----------------HẾT-----------------
"Tôi đi học" là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thanh Tịnh viết về những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên khi lần đầu đến trường. Cùng với bài Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh, các em có thể khám phá những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của văn bản qua việc tham khảo: Phân tích truyện ngắn Tôi đi học, Hình ảnh chú bé - nhân vật "tôi" tại buổi tựu trường trong văn bản Tôi đi học, Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường qua truyện ngắn Tôi đi học, Cảm nghĩ về những dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học
https://thuthuat.taimienphi.vn/chat-tru-tinh-trong-van-ban-toi-di-hoc-cua-thanh-tinh-51426n.aspx