1. Mở bài
· Giới thiệu về tác giả Tô Hoài: Một trong số những nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách nghệ thuật rất riêng, độc đáo và hấp dẫn
· Giới thiệu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ: Là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông
· Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Thân bài
a) Cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ
· Khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn "thản nhiên ngồi sưởi lửa"
· Khi nhìn thấy "dòng nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen của A phủ" Mị đã hoàn toàn thay đổi
· Mị thấy "chúng nó thật ác".
· Mị nảy ra ý định cứu A Phủ, nhưng lại sợ "Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể đến một lúc nào, biết đâu A Sử chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy, bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liến phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy...(Còn tiếp).
>>Dàn ý Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ đầy đủ.
1.1. Dàn ý liên hệ giữa truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Hai đứa trẻ:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về mối liên hệ giữa hai tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" và "Hai đứa trẻ".
1.1.2. Thân bài:
1.1.2.1. Hình ảnh nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ:
* Ban đầu:
- Không quá để tâm.
- "Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay".
- "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi".
=> Ở lâu trong cái khổ, Mị đã chai sạn với nỗi đau. Từ đó, trở nên vô cảm với nỗi đau của những người khác.
* Sau khi nhìn thấy dòng nước mắt lăn trên má A Phủ:
- Mị chợt nhớ lại bản thân cũng từng rơi vào hoàn cảnh như thế:
+ "Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia".
+ "Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được".
- Mị phẫn nộ, uất ức vì tội ác của cha con thống lí:
+ "Chúng nó bắt trói đến chết người đàn bà trước cũng ở trong cái nhà này".
+ "Chúng nó thật độc ác".
- Mị thấy đắng cay cho hoàn cảnh của mình, đồng thời cũng thấy thương cảm cho hoàn cảnh của A Phủ:
+ "Ta là thân đàn bà … chờ ngày rũ xương ở đây thôi".
+ "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết".
+ "Người kia việc gì mà phải chết thế".
+ Mị nghĩ về cái cảnh A Phủ trốn được, rồi cha con thống lí sẽ bắt Mị trói thay vào đấy.
=> Mị thương người, cũng thương cho cả bản thân mình.
=> Mị quyết định cắt dây trói cho A Phủ.
* Sau khi cắt dây trói cho A Phủ:
- Mị đứng lặng trong bóng tối.
- Sức sống tiềm tàng trong người thôi thúc Mị vụt chạy theo A Phủ.
=> Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình, tinh tế, thể hiện được tấm lòng yêu thương Tô Hoài dành cho những số phận bé nhỏ bị áp bức.
1.1.2.2. Hình ảnh đợi tàu của hai chị em Liên:
* Lí do hai chị em Liên chờ tàu:
- Không phải để bán hàng, không phải vì hiếu kì.
- Việc chờ tàu như một nhu cầu tinh thần hàng đêm của hai chị em cũng như người dân nơi phố huyện.
- Chuyến tàu chính là những kí ức tươi đẹp của hai chị em trong quá khứ, giúp hai chị em Liên và An cảm nhận lại được cuộc sống khi xưa trong giây lát.
=> Hai chị em luôn đợi tàu trong tâm trạng háo hức, bồi hồi.
* Hình ảnh đoàn tàu:
- Đoàn tàu đến trong sự mong đợi của hai chị em Liên và cả những người dân ở nơi phố huyện nghèo.
- Đoàn tàu chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi lại vụt rời đi.
=> Việc đợi tàu như một niềm khao khát về một thế giới khác tươi sáng hơn.
=> Thạch Lam đã thể hiện tấm lòng yêu thương và sự trân trọng với những khát khao bình dị, chính đáng của những người dân nghèo nơi phố huyện ảm đạm.
1.1.2.3. Đánh giá chung:
* Điểm chung:
- Phản ánh một cách chân thực về cuộc sống khổ cực, nghèo khó của những con người lao động.
- Thể hiện cái nhìn đồng cảm, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của con người cùng những ước mơ, khát khao của họ về một tương lai tươi sáng hơn.
=> Cả hai nhà văn đều có tấm lòng nhân đạo cùng tình yêu thương sâu sắc dành cho con người.
* Điểm riêng:
- "Vợ chồng A Phủ": Khám phá và khẳng định sức sống, sức phản kháng mạnh mẽ, tiềm ẩn trong mỗi con người để tự đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp, tự do.
- "Hai đứa trẻ": Thương cảm, xót xa cho những con người nghèo khổ nơi phố huyện. Họ vẫn ngày đêm sống mòn mỏi, khổ cực với niềm hi vọng về tương lai gửi gắm qua những chuyến tàu đêm.
=> Hai phong cách nghệ thuật khác nhau.
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại mối liên hệ và giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
1.2. Bài văn mẫu Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ:
Lòng nhân đạo luôn là mạch nguồn cảm xúc vô tận trong văn học. Hai nhà văn lớn Tô Hoài và Thạch Lam cũng đã gặp gỡ nhau ở khía cạnh này. Cả hai tác giả đều thể hiện được tình yêu thương, sự đồng cảm với những con người bé nhỏ trong các tác phẩm của mình. Tiêu biểu cho sự đồng nhất này chính là điểm chung giữa cảnh Mị cởi trói cho A Phủ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" và cảnh đợi tàu của hai chị em Liên trong "Hai đứa trẻ".
Đến với tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, độc giả được thấy cái nhìn đầy bao dung, nhân đạo mà tác giả dành cho bà con đồng bào miền núi. Truyện kể về Mị - một cô gái dân tộc xinh đẹp, trẻ trung, lại có tài thổi sáo. Ấy vậy nhưng vì món nợ của gia đình, Mị buộc phải đi làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Nói là làm dâu nhưng thực chất, Mị chẳng khác nào người ở trong gia đình, thậm chí còn không bằng cả con trâu, con ngựa. Bị bóc lột, chèn ép suốt mấy năm liền, cảm xúc của Mị dường như đã chai sạn. Từ đó, Mị cũng ngày một vô cảm hơn trước nỗi đau của những người khác. Khi thấy A Phủ bị trói đứng vào cột, Mị chẳng mảy may quan tâm, "vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay". Cô cho rằng: "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi". Như vậy, cái khổ, cái đau đớn đã bào mòn tâm hồn người con gái, khiến cô giống như một cái máy, không có chút sức sống, hi vọng nào.
Vậy nhưng, khi nhìn thấy dòng nước mắt lăn trên má A Phủ, Mị dường như bừng tỉnh. Cô chợt nhớ lại về cái đêm mùa xuân năm trước, chính bản thân mình "cũng phải trói đứng thế kia", "nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được". Nhìn bản thân, nhìn A Phủ đang chết dần chết mòn, Mị phẫn uất vô cùng. Cô nghĩ đến tội ác của cha con thống lí: "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết", "chúng nó bắt trói đến chết người đàn bà trước cũng ở trong cái nhà này". Cô thảng thốt mà lên án: "Chúng nó thật độc ác". Mị cảm thấy cay đắng, xót xa cho chính mình, cho cả chàng A Phủ tội nghiệp. Cô thương cho bản thân đã phải làm trâu làm ngựa cho cái nhà này suốt bao năm, thương A Phủ "chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Vậy là sức phản kháng trong Mị đã trỗi dậy, bùng phát thành hành động cắt dây trói. Khi A Phủ chạy, Mị đứng lặng trong bóng tối rồi cũng vụt chạy theo. Có thể nói, ở đoạn này, Tô Hoài đã miêu tả tâm lí nhân vật một cách vô cùng tinh tế. Ông không chỉ bộc lộ được sức sống, sức phản kháng mãnh liệt luôn tiềm ẩn trong những con người bé nhỏ mà còn thể hiện tấm lòng yêu thương, cảm thông cho số phận của họ.
Từ chi tiết cắt dây trói trong "Vợ chồng A Phủ", ta đến với cảnh đợi tàu của hai chị em Liên và An trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ". Việc đợi tàu không phải một hành động ngẫu nhiên, tò mò hay để bán hàng kiếm thêm chút tiền nhỏ. Nó đã trở thành một thói quen, một nhu cầu tinh thần của hai chị em Liên cũng như cả những người dân nơi phố huyện nghèo nàn, ảm đạm. Con tàu đến mang theo ánh sáng, soi rọi và xua tan bóng tối u ám của chốn này. Nó chính là tượng trưng cho những kí ức tươi đẹp, hạnh phúc của hai chị em Liên, giúp chúng cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống trong kí ức mơ hồ. Hình ảnh đoàn tàu đến trong sự mong đợi, nhưng cũng chỉ xuất hiện một lát rồi lại vụt đi mất vào bóng tối, trả lại cái ảm đạm vốn có cho khu phố huyện. Cảnh đợi tàu đã được Thạch Lam khéo léo miêu tả, trở thành một niềm khao khát, một ước mơ về tương lai tươi sáng, đầy đủ và hạnh phúc hơn của những người lao động nghèo.
Như vậy, có thể thấy hai chi tiết tuy thuộc hai tác phẩm khác nhau nhưng đều thể hiện những giá trị tốt đẹp rất chung. Chúng phản ánh hiện thực cuộc sống vô cùng rõ nét. Không hề che giấu cái nghèo, cái khổ, cả Tô Hoài và Thạch Lam đều sẵn sàng đưa hoàn cảnh éo le đó vào để làm nổi bật vẻ đẹp đáng trân trọng của con người. Từ đó, thể hiện cái nhìn đầy đồng cảm cùng tình yêu thương sâu sắc của mình dành cho những người lao động, những số phận nhỏ bé, bất hạnh. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm cũng có những nét riêng không thể trộn lẫn. Ở "Vợ chồng A Phủ", đó là sự khám phá và khẳng định sức sống, sức phản kháng mạnh mẽ luôn tiềm tàng trong mỗi cá thể. Họ dám đứng lên lật đổ cường quyền, tìm kiếm cho mình cuộc sống tự do, hạnh phúc. Còn trong "Hai đứa trẻ", Thạch Lam lại bày tỏ lòng thương cảm, xót xa cho những con người nơi phố huyện. Họ vẫn cứ ngày ngày lao động mòn mỏi, chỉ có thể gửi gắm ước mơ của mình vào những chuyến tàu đêm. Và đó cũng chính là điểm đặc sắc, là cái tôi cá nhân riêng biệt của hai phong cách nghệ thuật Tô Hoài - Thạch Lam.
Tựu chung lại, cả hai truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" và "Hai đứa trẻ" đều thành công khắc họa hình tượng con người nhỏ bé với những ước mơ, khát vọng cao đẹp. Các tác phẩm đã khẳng định tài năng cùng tấm lòng nhân đạo đáng quý của những người nghệ sĩ tài hoa. Họ sáng tác không chỉ bằng tri thức, bằng sự tìm hiểu mà còn bằng cả trái tim. Từ đó, làm giàu và làm đẹp thêm cho nền văn học nước nhà.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có thể nói, cả Tô Hoài và Thạch Lam đều là những người nghệ sĩ tài hoa với tấm lòng nhân hậu đáng quý. Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết liên quan nhé: Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ; Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
Tô Hoài là một trong số những nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách nghệ thuật rất riêng, độc đáo và hấp dẫn. Và có thể nói, Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Đọc Vợ chồng A Phủ, người đọc sẽ không thể nào quên hình ảnh của nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ. Đồng thời, thông qua nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ cùng tâm trạng của chị em Liên đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, chúng ta có thêm cách cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm của nhà văn đối với người lao động trong xã hội cũ.
Như chúng ta đã biết, Mị là con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra và cũng kể từ ngày về làm dâu, Mị như mất hết đi sức sống, tê liệt hoàn toàn về mặt cảm xúc. Nhưng khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng trong đêm, dường như đã khiến Mị thay đổi và sức sống tiềm tàng trong Mị lại trỗi dậy.
Thoạt đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn "thản nhiên ngồi sưởi lửa". Mị vô tâm, thản nhiên như thế cũng dễ hiểu thôi, bởi trong nhà Pá Trá từ trước đến nay điều đó đâu có gì lạ lẫm. Những tưởng, Mị vẫn sẽ thản nhiên ngồi sưởi lửa như thế, nhưng không, khi nhìn thấy "dòng nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen của A phủ" Mị đã hoàn toàn thay đổi. Giọt nước mắt ấy của A Phủ đã đánh thức trong Mị bao nỗi niềm xúc cảm. Mị thấy thương, thấy đồng cảm với A Phủ và thương cho chính cả số phận của mình nữa. Để rồi, Mị nghĩ và Mị thấy "chúng nó thật ác".
Có lẽ, trong cuộc đời mình, suốt trong những tháng ngày sống kiếp trâu ngựa, Mị chưa bao giờ biết yêu, biết ghét nhưng giờ đây, Mị cảm nhận thấy nhà Pá Tra thật ác, rồi Mị nảy ra ý định cứu A Phủ, nhưng lại sợ "Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể đến một lúc nào, biết đâu A Sử chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy, bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liến phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này, làm sao Mị không thấy sợ..." . Mị sợ cũng là điều dễ hiểu, nhưng rồi đến cùng, tình thương đã lấn át mọi nỗi sợ hãi và Mị quyết định giải cứu A Phủ, cũng như quyết định bỏ trốn cùng A Phủ. Mị cắt đứt sợi dây để giải cứu cho A Phủ và cũng chính là giải cứu cho cuộc sống tù túng, bị giam hãm của mình. Hành động ấy của Mị không phải là bộc phát mà là một tất yếu, phù hợp với logic phát triển tâm lí của nhân vật. Đồng thời, qua việc miêu tả Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ, chúng ta cảm nhận được tài năng miêu tả tâm lí, cách sử dụng từ ngữ độc đáo và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn Tô Hoài đối với những người lao động nghèo khổ, bị áp bức trong xã hội xưa.
Thêm vào đó, từ việc phân tích nhân vật Mị trong đêm giải cứu cho A Phủ, chúng ta nhớ tới hình ảnh của chị em Liên trong cảnh đợi tàu ở truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Có lẽ, với chị em Liên nói riêng, những người dân nơi phố huyện nghèo nói chung, đợi chuyến tàu đi qua mỗi đêm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Đêm nào cũng vậy, chị em Liên cũng thức để đợi chuyến tàu đêm đi qua với một tâm trạng háo hức bởi lẽ, đấy là chuyến tàu từ Hà Nội về. Chuyến tàu ấy gợi lại trong chị em Liên biết bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ nhưng hơn hết còn bởi, chuyến tàu ấy đi qua và "mang theo một thứ ánh sáng khác". Đó là ánh sáng của những ngày mai tươi sáng, của những điều tốt đẹp mà những người dân phố huyện và cả chị em Liên hằng ao ước. Chính vì thế, tâm trạng háo hức đợi tàu mỗi đêm của chị em Liên xét đến cùng là niềm khao khát về một thế giới mới, một cuộc sống mới và về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Đồng thời, qua cảnh đợi tàu, chúng ta nhận thấy tấm lòng yêu thương và sự trân trọng của nhà văn Thạch Lam với những khát khao bình dị, chính đáng của những người dân nơi phố huyện nghèo.
Như vậy, ta thấy rằng cả nhà văn Tô Hoài và nhà văn Thạch Lam đều viết rất hay, rất độc đáo và phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của những người lao động khốn khổ trong xã hội. Đồng thời, viết về họ, cả hai nhà văn đều thể hiện cái nhìn đồng cảm sâu sắc và sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp tâm hồn và những khát khao, những ước mơ tươi sáng của họ. Tuy nhiên, ta cũng nhận thấy, mỗi nhà văn cũng có những điểm khác nhau, tạo nên nét độc đáo riêng trong sáng tác của họ. Nếu như trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, nhà văn Thạch Lam dành cái nhìn thương cảm, xót xa cho những người dân phố huyện nghèo, sống mòn mỏi, khổ cực và luôn chờ đợi cuộc sống khác từ những chuyến tàu đêm thì với nhà văn Tô Hoài, ông đã khám phá và khẳng định sức sống tiềm tàng, khả năng phản kháng và sự đấu tranh để tự giải phóng mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn của những người lao động nghèo khổ.
Sở dĩ, cả hai nhà văn đều có những điểm gặp gỡ nhau trong phản ánh hiện thực và thể hiện tình cảm với các nhân vật bởi cả hai đều là những nhà văn có tấm lòng nhân đạo và tình cảm yêu thương con người sâu sắc. Song, ở hai ông vẫn có những điểm khác biệt. Sự khác biệt ấy xuất phát từ đặc trưng của văn học - văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, nó không cho phép sự lặp lại. Thêm vào đó, mỗi nhà văn có một phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau, tạo nên dấu ấn riêng của mỗi người.
Tóm lại, tuy cách viết khác nhau và ở hai giai đoạn văn học khác nhau, nhưng qua cách xây dựng tâm trạng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ của Tô Hoài và tâm trạng chị em Liên trong cảnh đợi tàu của Thạch Lam, người đọc hiểu hơn về tấm lòng trân trọng của nhà văn với ước mong giản dị, cao đẹp của con người trong xã hội xưa.
----------------------HẾT----------------------
Bên cạnh bài văn mẫu Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ, các em có thể củng cố kiến thức về 2 truyện ngắn qua việc tham khảo: Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong Hai đứa trẻ, Thông điệp và ý nghĩa cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ, tóm tắt Vợ chồng A Phủ, mở bài Vợ chồng A Phủ, phân tích Vợ chồng A Phủ, ...