Nhân vật cô công chúa trong Vua chích chòe quả là người kiêu căng, ngạo mạn và ngôn cuồng. Hãy cùng Taimienphi.vn viết Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe, Ngữ văn 6, Kết nối tri thức, học kì II theo những gợi ý dưới đây.
Đề bài: Viết đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình về hành động tính cách của cô công chúa.
Dàn ý và đoạn văn mẫu bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe
I. Dàn ý bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu nhân vật công chúa.
2. Thân đoạn: nêu cảm nhận về nhân vật:
* Xuất thân cao quý: là con gái duy nhất của nhà vua.
* Ngoại hình: xinh đẹp tuyệt trần.
* Tính cách, phẩm chất:
- Kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng:
+ Giễu cợt vẻ bề ngoài của tất cả mọi người có mặt trong buổi kén chọn phò mã.
+ Tự nhận bản thân là cô gái dịu hiền.
+ Chê bai gia cảnh của chồng.
- Biết thay đổi thái độ sống của bản thân:
+ Nghe theo lời của người chồng, tự mình làm việc để kiếm sống: đan sọt, quay sợi, buôn nồi và bát đĩa ở ngoài chợ, làm phụ bếp trong cung vua.
+ Tự nhận ra lỗi lầm của chính bản thân, cảm thấy mình không đủ tư cách làm vợ Vua chích chòe.
=> Thông qua nhân vật này, tác giả dân gian gửi gắm bài học về việc sống hòa đồng, thân thiện với mọi người. Đồng thời, khuyên răn chúng ta không nên kiêu ngạo, tự cao quá mức.
3. Kết đoạn:
- Nêu suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật.
II. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chính chòe tham khảo
1. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe - mẫu số 1
Nhân vật công chúa chảnh chọe trong truyện "Vua chích chòe" đã để lại cho nhiều ấn tượng. Trước hết, nàng có xuất thân vô cùng cao quý - con gái duy nhất của vua cha. Ngoài sống trong nhung lụa, giàu sang, nàng còn được bao bọc trong sự nuông chiều. Bởi vậy, nàng thường tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn, không để ai vào mắt. Chính tính cách xấu xí này đã làm hại bản thân nàng. Khi nhà vua tổ chức buổi xem mắt, cô công chúa không ngớt lời giễu cợt, dè bỉu ngoại hình đối phương "mảnh khảnh thế thì gió thổi bay", "nhợt nhạt như chết đuối",... Tính kiêu ngạo của công chúa còn được khắc họa thông qua lời nói lố bịch "Tôi cô gái dịu hiền đáng thương/ Đáng ra nên lấy ông Vua chích chòe". Nàng chẳng thèm suy nghĩ về việc bản thân đã lớn tiếng chê bai Vua chích chòe trước đó "anh ta có cái cằm chẳng khác gì chim chích chòe có mỏ". Theo thời gian, tính cách của cô công chúa cũng đã có sự biến chuyển. Từ ngày sống cùng người chồng là kẻ hát rong, công chúa phải tự tay làm rất nhiều việc để kiếm sống. Nàng dậy sớm làm việc nhà, ra chợ bán hàng. Có thể thấy, công chúa đã biết thay đổi thái độ sống của bản thân, không còn tỏ ra ngông cuồng, tùy hứng như khi còn sống trong cung. Thông qua nhân vật này, người xưa muốn nhắn nhủ chúng ta không nên có thói kiêu căng, nhạo báng người khác. Đồng thời, phải tự biết nhận ra sai lầm và sửa lỗi kịp thời, cố gắng hoàn thiện chính mình để phù hợp với hoàn cảnh sống.
Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe của học sinh giỏi hay nhất
2. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe - mẫu số 2
Khi đọc truyện "Vua chích chòe", em cảm thấy nhân vật cô công chúa là một người ngông cuồng. Là con gái duy nhất của nhà vua, công chúa luôn được nâng niu, cưng chiều hết mực. Dựa vào vẻ bề ngoài xinh đẹp tuyệt trần, nàng thường tỏ ra kênh kiệu, tùy hứng, "mắt cao hơn đầu". Chẳng một ai có thể lọt vào mắt xanh của nàng. Khi vua cha tổ chức buổi tiệc kén chọn phò mã, công chúa đã dùng những lời nói khiếm nhã để nhạo báng, dè bỉu ngoại hình các chàng trai. Sau này, công chúa kiêu căng cũng phải nếm trải cảm giác bị người khác chê cười. Từ ngày lấy anh chàng hát rong, nàng đã dần dần từng bước thay đổi thái độ sống. Nếu như ban đầu nàng ra tỏ ra chê bai "Trời ơi, nhà gì mà bé ẩm ương" thì về sau, nàng không còn kiêu ngạo nữa. Nàng cùng người hát rong sống trong căn nhà bé, làm nhiều công việc để kiếm sống. Thậm chí, khi đống hàng sành sứ bị vỡ nát, nàng tỏ ra buồn tủi, lo lắng mà thốt lên rằng "Trời, khổ thân tôi thế này, còn mặt mũi nào mà nhìn chồng nữa". Có thể thấy, nàng công chúa tự cao, ngạo mạn đã biết buông bỏ cái "tôi", biết sửa đổi cho hòa hợp với hoàn cảnh sống mới. Câu nói của nàng ở cuối câu chuyện "Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh" cũng là một minh chứng rõ nét. Thông qua nhân vật này, tác giả dân gian muốn nhắn nhủ chúng ta không nên nhạo báng, khinh thường người khác. Đồng thời, cần sống hòa nhã, thân thiện hơn. Đọc tác phẩm, ta còn thấy được tấm lòng yêu thương, bao dung của người xưa dành cho những người biết quay đầu, sửa sai kịp thời.
3. Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về cô công chúa trong Vua chích chòe - mẫu số 3
Trong truyện "Vua chích chòe", nhân vật cô công chúa quả là một người kiêu căng, ngông cuồng. Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy sự đối lập giữa vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật này. Nàng là người xinh đẹp tuyệt trần song tính cách lại vô cùng xấu xí. Để làm nổi bật tính tình ấy, tác giả dân gian đã tập trung vào việc khắc họa hành động của nhân vật cô công chúa. Trong buổi xem mắt chọn phò mã, tuy là chủ nhà nhưng công chúa lại có thái độ chê bai, nhạo báng khách khứa. Cô chẳng lấy làm vừa lòng, thuận mắt chàng trai nào. Ai nấy đều không thể tránh khỏi lời nói khó nghe của nàng công chúa kiêu ngạo. May thay, sau này, nàng đã có sự thay đổi về nhận thức và tính tình. Vì bị vua cha gả cho người hát rong nên nàng phải theo đối phương rời khỏi cung. Trong quá trình chung sống với chồng, để kiếm tiền nuôi sống gia đình, nàng đã tự tay làm tất thảy mọi việc. Giờ đây, cô công chúa được ăn sung mặc sướng, ngông cuồng ngày nào phải đan sọt, quay sợi, buôn nồi, bán đĩa và làm phụ bếp ở cung vua. Cuối cùng, công chúa cũng nhận ra hành vi sai lầm của chính mình "Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh". Cô cảm thấy bản thân không đủ tư cách làm vợ Vua chích chòe - một người lễ độ, cư xử đúng mực. Có thể thấy, nhờ sự uốn nắn kịp thời của người hát rong cùng những thay đổi tích cực về thái độ sống, công chúa đã trở nên trưởng thành hơn. Như vậy, từ hình tượng nhân vật cô công chúa, người xưa khéo léo khuyên răn con người cần sống hòa nhã, thân thiện, không nên tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn. Đồng thời, biết thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm của bản thân để sửa đổi đúng lúc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-bay-to-suy-nghi-ve-co-cong-chua-trong-vua-chich-choe-74266n.aspx
Đối với dạng đề này, trước khi viết, em cần đọc kĩ văn bản và tìm ra một số chi tiết tiêu biểu gắn liền với nhân vật. Sau đó, viết bài cảm nhận dựa trên các nội dung đã tìm được. Để có những chuẩn bị tốt nhất cho bài học tiếp theo, em hãy tham khảo thêm văn mẫu lớp 6 khác:
- Kể lại truyện Cây khế bằng lời của người em
- Đóng vai Thạch Sanh kể lại câu chuyện Thạch Sanh