Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Đề bài : Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Mẹo Cách cảm nhận một tác phẩm thơ, văn

Bài làm:

Đồng cảm và xót thương trước cái chết bi thảm của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Lor-ca, Thanh Thảo đã viết bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca với một nỗi niềm tiếc thương vô hạn. Cả bài thơ là không khí tang thương, hình ảnh người nghệ sĩ được tác giả gây dựng lên trong âm điệu của tiếng đàn ghi ta, của ánh trăng, của tiếng hát nghêu ngao, tất cả như tiễn đưa người nghệ sĩ về chốn an nghỉ yên bình. Lor-ca chết nhưng tiếng đàn của ông còn mãi với thời gian, trong lòng người dân Tây Ban Nha thời bấy giờ, người ta sẽ mãi nhớ đến ông như một vị anh hùng của tinh thần tự do bất khuất, hiên ngang lẫm liệt. Bài thơ cũng lên án chế độ độc ác, bất công của bè lũ phát-xít, đã dã man giết hại một người nghệ sĩ vô tội, đẩy nhân dân Tây Ban Nha vào con đường cùng cực cuộc sống lầm than, ai oán, tạo nên làn sóng phẫn nộ trong khắp các tầng lớp nhân dân thời bấy giờ.

Lor-ca luôn tồn tại một sự ám ảnh về cái chết của mình, ông viết “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”, chẳng ai hiểu tại sao người nghệ sĩ ấy lại có suy nghĩ lạ đời như thế, trong khi ông vẫn đang sống và ngân nga những dòng thơ tuyệt tác của mình. Nhưng đấy lại chính là tài năng của người nghệ sĩ, ông bước đi trước thời cuộc, lời của ông như một bức di chúc cuối cùng, cả đời người sống vì nghệ thuật, đến chết ông cũng muốn được mang theo thứ mà cả đời ông trân trọng – cây đàn ghi ta.
Mở đầu bài thơ là tiếng đàn ghi ta trầm bổng được Thanh Thảo miêu tả như “bọt nước”, tạo cảm giác nhẹ nhàng, nhưng sôi động. Hình ảnh tấm áo choàng với màu “đỏ gắt” là biểu tượng văn hóa của Tây Ban Nha với lễ hội đấu bò tót gay cấn, những kỵ sĩ dũng cảm khoác tấm áo màu đỏ phấp phới oai hùng trong trận đấu không cân sức với lũ bò tót hung hãn (hiện thân của bè lũ phát xít phản động), thể hiện niềm kiêu hãnh tự hào dân tộc. Tiếng hát ngân nga, cùng tiếng đàn “li-la-li-la-li-la”, mang âm hưởng vui tươi nhộn nhịp, niềm yêu đời, khao khát tự do với thanh sắc trầm bổng, tưởng như trước mắt là người nghệ sĩ ôm cây đàn gẩy lên những thanh âm vang vọng cả phố phường. Người nghệ sĩ tài hoa ấy ôm cây đàn lang thang khắp phố phường, phiêu bạt, sống tự do với những vần thơ, bài hát, con đường của Lor-ca là con đường của thánh nhân, của anh hùng nên nó chỉ in dấu chân Lor-ca, ông độc hành trong công cuộc tìm kiếm tự do, khát vọng đánh đổ chế độ bất công bằng thứ vũ khí tài hoa của mình. Hình ảnh “vầng trăng chếch choáng”, đem lại cảm giác nghiêng ngả, chập chờn, có lẽ người nghệ sĩ đang mỏi mệt hay tuyệt vọng “trên yên ngựa mỏi mòn”, có lẽ Lor-ca cảm thấy đơn độc, con đường ông đi chông gai quá chăng? Nhưng anh hùng thời nào cũng thế họ luôn mang trong mình nỗi cô đơn, ai sẽ hiểu?

Ôi, kinh hoàng làm sao, người nghệ sĩ lang thang với cây đàn, nay bị lũ phát xít đem ra xử bắn, ông đi như kẻ mộng du, có lẽ đã liệu trước được ngày này, người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, phải sớm kết thúc cuộc sống phiêu diêu, tự tại về với miền cực lạc. Kết thúc cái hoài bão mang về tự do cho dân tộc, người nghệ sĩ ấy cảm thấy thật bất lực, bất lực trước thời cuộc, ông chẳng sợ chết, chỉ buồn cho cái lý tưởng còn dang dở. Cái chết của ông thảm khốc quá, hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ”, là máu của người nghệ sĩ hòa lẫn với màu đỏ của tấm áo anh hùng, ông chết một cách oai phong, cái chết của một anh hùng. Nhưng đớn đau quá, chúng đối xử tàn nhẫn với người nghệ sĩ của chúng ta quá, chẳng để ông có nổi một nơi chôn cất tử tế. Lor-ca chết đàn ghi ta vang lên khúc nhạc dồn dập, những âm thanh vang vọng, thứ âm thanh mang màu “nâu”, trầm ấm, mộc mạc chân thành, tha thiết quá, mang trọn những cung bậc cảm xúc vui tươi, dồn dập nhiệt huyết, rồi tiếng ghi ta thảm thiết, máu chảy ròng ròng. Chỉ vài câu thơ ngắn ngủi nhưng tiếng ghi ta như khắc sâu vào tâm trí người đọc, người nghe, ám ảnh với “tiếng ghi ta” cứ lặp đi lặp lại, như tâm hồn bất tử của người nghệ sĩ đang hòa quyện với tiếng ghi-ta, vốn là vật ông trân trọng nhất. Trong bài thơ tác giả đã hô biến đàn ghi thành một vật có tri giác, cảm xúc, Lor-ca xem đàn ghi ta là người bạn tri kỷ gắn bó, lúc ông lìa đời người bạn ấy đã cất lên khúc buồn ai oán, như để tiễn đưa ông miền cực lạc. Đây cũng là lời đưa tiễn đầy đau xót của Thanh Thảo dành cho người nghệ sĩ đa tài. Thanh Thảo viết “không ai chôn cất tiếng đàn”, một hình ảnh nhân hóa rất lạ, tiếng đàn vốn vô hình thì chôn cất sao được? Nhưng đây lại chính là cái hay của của bài thơ, tiếng đàn chính là hình ảnh thay thế cho người nghệ sĩ, tâm hồn bất tử của ông sẽ còn sống mãi, quanh quẩn trong tâm trí những người dân Tây Ban Nha, lan tràn “như cỏ mọc hoang”, đi về khắp chốn, xanh tươi, rậm rạp. “Giọt nước mắt vầng trăng” một hình ảnh siêu thực, vừa lãng mạn vừa đẹp đẽ, cái chết của ông khiến cả thiên nhiên phải đau xót, giọt nước mắt ấy rơi vào đáy giếng, nơi ông táng thân, thật lung linh, phủ lên người nghệ sĩ, tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng xinh đẹp. Mong rằng kiếp sau người nghệ sĩ ấy có một cuộc sống tốt đẹp hơn, để tiếp tục đem lại cho đời nhiều tuyệt tác. Hình ảnh “đường chỉ tay đã đứt”, cái chết của người nghệ sĩ vốn đã được báo trước bằng đường sinh mệnh trên đôi bàn tay bị đứt ngang, âu đây cũng là số phận và người nghệ sĩ chấp nhận số phận ấy, ông cùng cây đàn ghi ta “màu bạc”, “bơi sang ngang”, trên dòng sông “rộng vô cùng”, chẳng có gì có thể ngăn cản được sự dũng cảm, bất khuất lòng kiên trì của Lor-ca. Ông buông bỏ tất cả kể cả “lá bùa của cô gái Di-gan”, ông từ bỏ cả tình yêu sâu thẳm trong trái tim mình, tất cả đều trôi theo dòng nước, có vẻ Lor-ca tuyệt tình, nhưng xét lại, người anh hùng luôn cô độc, có lẽ ông muốn để trái tim mình được thanh thản, không vương vấn bất kì điều gì trên đời, để có thể tiếp tục thể hiện khát khao tự do, ước muốn cao cả qua những tác phẩm của mình. Cuối bài tiếng đàn man mác buồn “li-la-li-la-li-la” vang lên, day dứt, xa xăm như giã từ người nghệ sĩ tài hoa có một cuộc đời thật buồn, thật tiếc nuối.

Bài thơ là lời giã biệt đầy cảm xúc tiếc thương mà Thanh Thảo dành cho Lor-ca bằng tấm lòng đồng cảm sâu sắc. Đồng thời qua cái chết thảm của Lor-ca ông đã đặc biệt lên án chế độc tài phát xít tàn ác đã cướp đi Lor-ca con người tài năng, bạc mệnh. Tuy bài thơ mang màu sắc buồn nhưng vẫn đậm chất lãng mạn, tác giả rất tinh tế tài tình khi đưa vào những biện pháp, nhân hóa, ẩn dụ, dùng những hình ảnh siêu thực để khắc họa lên Lor-ca, người anh hùng của dân tộc Tây Ban Nha. Đồng thời Thanh Thảo cũng ca ngợi tấm lòng khao khát tự do, ý chí đấu tranh kiên hùng của người nghệ sĩ trước những con bò tót khổng lồ, hung hăng của chế độ phát xít để giành lại tự do cho dân tộc, đất nước. Lor-ca mãi là biểu tượng anh hùng trong lòng người dân Tây Ban Nha.

-------------------HẾT-----------------------

Bên cạnh Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca hay phần Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca nhằm củng cố kiến thức của mình.

Đàn ghi ta của Lorca là lời ngợi ca trân trọng cũng tựa như tiếng khóc thương đầy xót xa của nhà thơ Thanh Thảo với sự nghiệp vĩ đại và cuộc đời đầy bi thảm của Lorca. Cảm nhận bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được sự ngưỡng mộ, niềm cảm mến của Thanh Thảo với tài năng, nhân cách và nỗi sự xót thương trước cuộc đời oan khuất của người nghệ sĩ, hiệp sĩ Lorca.
Phân tích hình tượng nhân vật Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo
Mở bài bài thơ Đàn ghi ta của Lorca
Chứng minh nhận định: Tiếng đàn là sức sống và cũng là nghệ thuật bất tử của Lorca
Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo
Nêu cảm nhận của em về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca
Trình bày cảm nhận về cái chết oan khuất của Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

ĐỌC NHIỀU