1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và nhân vật A Sử.
2. Thân bài
* Xuất thân:
- Sinh ra trong gia đình quyền quý
- Là con trai của thống lí Pá Tra, người nắm quyền lực lớn nhất của một vùng
* Tính cách:
- A Sử là kẻ hống hách, coi thường và ức hiếp người khác:
+ Thấy Mị xinh đẹp, hắn đã bắt Mị về làm vợ à Hủy đi nhân duyên tốt đẹp, tự do và sức sống của Mị.
+ Đánh nhau với A Phủ, dùng quyền lực của cha để đẩy A Phủ vào bước đường cùng, trở thành người ở không công cho gia đình hắn.
- A Sử còn là một người chồng độc ác, vũ phu, tàn nhẫn đến vô lí:
+ Giam giữ tự do, chà đạp, bóc lột sức lao động của Mị: bắt Mị làm việc quần quật ngày đêm, buộc Mị ở trong căn phòng nhỏ bé, tù túng.
+ Tước bỏ những quyền lợi chính đáng của Mị: "Không năm nào A Sử cho Mị đi chơi"
+ Trói đứng Mị vào cột nhà khi Mị có ý định đi chơi.
+ Dùng chân đạp vào mặt Mị khi Mị mệt quá ngủ quên.
- Chơi bời lêu lổng, trăng hoa:
+ Có những cuộc chơi xuyên đêm cùng đám bạn.
+ Hắn muốn rình bắt nhiều người con gái đẹp nữa về làm vợ "Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ"
- Nhận xét:
+ Bản chất độc ác, nhẫn tâm, là một con "quỷ dữ" không có tình thương.
+ Hắn tự cho mình quyền chà đạp, hành hạ người khác
3. Kết bài
Nhận xét chung về nhân vật
1.1. Dàn ý Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về nhân vật A Sử.
1.1.2. Thân bài:
a, Xuất thân:
- Con trai thống lí Pá Tra.
- Nhà thuộc dạng quyền quý, giàu có bậc nhất vùng.
=> Cơ sở để hình thành nên một con người kiêu căng, hống hách.
b, Tính cách, con người:
- Một tên ác bá hống hách, kiêu căng, luôn coi thường và ức hiếp kẻ khác:
+ Tự ý bắt Mị về làm vợ -> Khiến Mị mất đi hạnh phúc, tự do.
+ Khi đi tìm đám chơi, thấy nhà người ta đi ngủ rồi thì bàn nhau dọa đánh người, ném đá vào vách nhà.
+ Kéo bè kéo phái tùy ý đi gây sự với người khác.
+ Không đánh lại A Phủ nên lợi dụng quyền lực để bắt A Phủ chịu đòn, bắt nộp vạ, không nộp được thì phải làm người ở không công trong nhà thống lí.
=> Cậy có quyền lực, tiền tài của cha, A Sử không coi ai ra gì.
=> Đại diện cho tầng lớp thống trị, bọn thực dân, chúa đất lúc bấy giờ: luôn chèn ép, hành hạ người dân lương thiện.
- Một người chồng vũ phu, bạo lực, trăng hoa:
+ Giam giữ, coi Mị như người ở.
+ Tước bỏ những quyền lợi chính đáng của Mị: "không năm nào A Sử cho Mị đi chơi".
+ Khi thấy Mị có ý định đi chơi trong đêm tình mùa xuân, A Sử nắm tóc, trói đứng Mị vào cột nhà.
+ Có những hành động dã man: dùng chân đạp vào mặt, đánh đập, chửi mắng Mị.
+ Luôn có những cuộc ăn chơi, lêu lổng xuyên đêm cùng đám bạn.
+ Muốn rình bắt thêm những người con gái đẹp khác về làm vợ.
c, Đánh giá chung:
- A Sử là đại diện cho tầng lớp thống trị trên vùng cao.
- Nhân vật không được miêu tả chi tiết ngoại hình mà hiện lên chủ yếu qua hành động, lời nói.
- Xuất thân cao sang, quyền quý nhưng thực chất không khác gì một con quỷ hút máu với bản chất dã man, tàn ác.
- Luôn tự cho mình cái quyền hành hạ, chà đạp người khác.
=> Thái độ phê phán, lên án của tác giả với giai cấp thống trị, chúa đất lúc bấy giờ.
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nghệ thuật của việc xây dựng hình tượng A Sử.
- Liên hệ mở rộng.
1.2. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật A Sử trong Vợ chồng A Phủ:
Trong văn học, ta đã bắt gặp rất nhiều hình tượng nhân vật đặc sắc, độc đáo. Đó có thể là những vị anh hùng, người lao động,... được xây dựng để ca ngợi, đề cao vẻ đẹp của con người. Tô Hoài cũng là một trong số các tác giả vô cùng thành công ở mảng xây dựng nhân vật. Rõ nét nhất có thể kể đến truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Nếu như Mị và A Phủ là đại diện cho những con người lương thiện với sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ thì A Sử lại chính là hình tượng tiêu biểu cho tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Qua nhân vật A Sử, Tô Hoài đã lên án gay gắt tội ác của bọn thực dân, chúa đất ngày ngày chèn ép, hành hạ, áp bức nhân dân.
Bàn về xuất thân, có thể nói A Sử chính là con nhà hào môn. Ngay từ đầu, độc giả đã được thấy gia thế của hắn: "nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đông Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng". Là con trai nhà đó, dĩ nhiên A Sử như "sống trong nhung lụa", không phải lo nghĩ gì về cuộc sống. Nhưng với xuất thân giàu có, quyền thế như vậy, A Sử lại không có tấm lòng nhân hậu, cảm thông. Thay vào đó, con người hắn được khắc họa như một loài thú dữ tàn ác, vô nhân tính. Như vậy, hoàn cảnh gia đình, thời thế chính là cơ sở hình thành lên một A Sử kiêu căng, hống hách, sẵn sàng chà đạp lên thân thể, danh dự và tinh thần của người khác.
Trước tiên, A Sử chính là một tên ác bá luôn coi mình là trung tâm và sẵn sàng hạ thấp những ai không theo mình. Bằng quyền lực, hắn tự ý bắt Mị về làm vợ. Điều này không chỉ cướp đi hạnh phúc, tự do của Mị mà còn đẩy cô vào một cuộc sống bế tắc, ngục tù. Sự hống hách của A Sử thể hiện ngay cả sau khi đã bắt Mị về, hắn ta ngạo nghễ mà lên mặt với bố Mị. Cũng bởi hắn, Mị đã từ một cô gái vui tươi, trẻ trung, yêu đời bị biến thành người đàn bà cam chịu, lúc nào cũng im lặng, làm những công việc lặp đi lặp lại một cách chán nản, "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Với người dân trong làng và cả các làng bên, hắn vẫn chẳng coi ai ra gì. Một lần đi chơi đám, thấy nhà người ta đi ngủ rồi, hắn bực tức mà bàn bạc với đám bạn đi đánh nhau, ném cả đá vào vách nhà người ta. Việc kéo bè kéo phái đi gây sự dường như đã trở thành thói quen của A Sử. Hắn cho rằng sẽ không ai dám làm gì mình. Vậy nên khi bị A Phủ đánh cho một trận nhớ đời, A Sử đã tìm mọi cách để hành hạ chàng trai đáng thương kia. Hắn lợi dụng quyền lực của cha để bắt trói A Phủ, bắt anh ta chịu đòn, nộp vạ, rồi thì làm người ở không công để hắn tùy ý sai khiến. Chỉ một vài chi tiết thoáng qua như vậy thôi cũng đủ giúp độc giả thấy rõ được bộ mặt của bọn thống trị lúc bấy giờ. Chúng không ngại mọi thủ đoạn để chèn ép, hành hạ, bóc lột người dân lương thiện.
Không chỉ vậy, A Sử còn hiện lên là một người chồng vũ phu, bạo lực, lại có thói trăng hoa. Tuy lấy Mị về làm vợ nhưng hắn coi Mị không khác gì một người ở trong nhà. A Sử giam Mị trong cái không gian tù túng, bắt Mị làm việc bất kể đêm ngày. Đến mức, Mị từng nghĩ bản thân mình còn chẳng bằng con trâu, con ngựa. A Sử tước bỏ tất cả những quyền lợi chính đáng của Mị: "Không năm nào A Sử cho Mị đi chơi". Thậm chí, trong đêm tình mùa xuân, bản thân A Sử "sửa soạn đi chơi", "thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu" để chuẩn bị "rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ". Nhưng khi hắn thấy Mị cũng sửa soạn đi chơi, ngay lập tức hắn "lấy thắt lưng trói hai tay Mị", "xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà". Một loạt hành động dứt khoát, thành thạo như thể hắn đã làm việc này cả trăm lần rồi. Sự ích kỉ ấy không chỉ gần như dập tắt mọi hi vọng sống vừa le lói trong tâm hồn Mị mà còn gây phẫn nộ đối với độc giả. Xuyên suốt câu chuyện, chẳng ít lần người đọc thấy những chi tiết A Sử đánh đập, mắng nhiếc, đạp cả vào mặt Mị. Như vậy, có thể thấy phần nhân tính trong A Sử đã bị vùi lấp bởi quyền lực, tiền tài và các cuộc vui. Hắn đã mất hết phần người, trở thành một tên độc tài, ác bá, luôn tự cho mình cái quyền hành hạ, chà đạp, hạ nhục người khác.
Tuy chỉ là một nhân vật phụ nhưng A Sử đã nói lên được thái độ phê phán của tác giả đối với giai cấp thống trị trong chế độ thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Không được miêu tả quá chi tiết về ngoại hình, hắn chỉ hiện lên qua những hành động, lời nói. Nhưng như vậy cũng đủ để độc giả hình dung ra được bộ mặt của những "con quỷ hút máu" đang ngày đêm lợi dụng quyền thế để chèn ép người dân lương thiện.
Với hình tượng nhân vật A Sử, Tô Hoài đã làm phong phú thêm tuyến nhân vật trong tác phẩm của mình. Qua đó, ông cũng thể hiện thái độ, sự lên án, tố cáo nhắm đến bọn thực dân, chúa đất trên miền núi Tây Bắc. Điều này cũng phần nào làm rõ tư tưởng nhân đạo sâu sắc, cao cả cùng tình yêu thương, lòng đồng cảm của nhà văn dành cho bà con đồng bào vùng cao. Đó chính là lí do tác phẩm đã, đang và sẽ giữ vững được vị thế của mình trong dòng chảy văn học.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có thể nói, tài năng của Tô Hoài không chỉ dừng lại ở việc khắc họa các hình tượng nhân vật độc đáo, tiêu biểu. Mời em ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo thêm các bài viết khác cùng chủ đề nhé: Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài; Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ.
Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài viết về cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo Tây Bắc dưới sự cai trị của cường quyền và thần quyền miền núi. Trong truyện, nếu Mị và A Phủ là đại diện cho những người nông dân nghèo bị giai cấp thống trị áp bức, chà đạp thì thống lí Pá Tra và A Sử lại là đại diện cho cường quyền tàn bạo, bất nhân. Đặc biệt, A Sử là người chồng độc ác cũng là người gây ra mọi đau khổ, bất hạnh cho cuộc đời Mị.
A Sử là con trai thống lí Pá Tra, sinh ra trong gia đình quý tộc có cha là thống lí một vùng, bởi vậy mà từ nhỏ hắn đã tỏ ra hống hách, coi thường và ức hiếp người khác. A Sử không để ai vào mắt và làm mọi điều hắn muốn một cách ngang ngược, vô lí. Thấy Mị xinh đẹp, hắn đã bắt Mị về làm vợ, nhẫn tâm hủy hoại đi nhân duyên tốt đẹp, tự do và cả khát khao sống của một cô gái vốn rạng rỡ, yêu đời như Mị. Từ khi về làm vợ A Phủ, Mị bị coi như "con trâu, con ngựa", làm việc quần quật ngày đêm. A Sử không coi Mị là vợ mà chỉ là một người làm không công thấp kém trong gia đình hắn. Hắn chà đạp, hủy hoại cuộc đời Mị, khiến Mị từ một cô gái trẻ trung, yêu đời trở thành một người lầm lũi, cam chịu như con rùa nuôi trong xó cửa. Sự hống hách, ngông cuồng của A Sử còn được thể hiện thông qua lần đi chơi mùa xuân. Khi không có được cô gái mình yêu thích, A Sử sẵn sàng gây sự, phá đám trai làng khác. Hắn cùng đám người nhà đánh nhau với đám trai làng, khi đánh không lại hắn lại mượn quyền thế của cha để đẩy người ta vào bước đường cùng. Đây cũng chính là lí do khiến A Phủ- một chàng trai khỏe mạnh, tự do, yêu lao động trở thành người làm không công cho nhà thống lí vì tội đánh con quan.
Không chỉ ngang ngược, vô lí, cậy cường quyền để bắt nạt, áp bức những người dân lương thiện, thấp cổ bé họng, A Sử còn là một người chồng độc ác, vũ phu, tàn nhẫn đến vô lí. Từ khi ép Mị làm vợ, hắn chưa một lần coi Mị như một người vợ mà đối xử, với hắn Mị cũng chỉ là một "kẻ hầu người hạ" phải nghe lời và phục tùng hắn. A Sử không chỉ đày đọa Mị về thể xác khi bắt Mị lao động quần quật ngày đêm mà còn giam hãm, bức ép Mị về tinh thần. Hắn bắt Mị ở trong một căn phòng nhỏ hẹp, chỉ có một ô cửa sổ nhỏ mà "lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng".
Dù đã có vợ nhưng A Sử vẫn đi chơi cùng đám bạn, hắn muốn rình bắt nhiều người con gái đẹp nữa về làm vợ "Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ". Hắn tự cho mình quyền chơi bời lêu lổng, trăng hoa nhưng hắn tước bỏ mọi quyền tự do của Mị, cả những quyền lợi chính đáng nhất "Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi". Trong đêm tình mùa xuân, khi biết Mị muốn đi chơi, hắn đã hỏi Mị bằng giọng điệu lạnh lùng "Mày muốn đi chơi à?". Độc ác, tàn nhẫn hơn nữa là khi thấy Mị bước đi, hắn không nói không rằng mà " bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa". Hành động vũ phu, độc ác đến cực điểm, hắn ra tay độc ác không một chút nhân tính với người vợ đầu gối tay ấp của mình. Sau khi trói Mị, hắn vẫn có thể bình thản mặc áo và bước ra ngoài, dường như đây không phải lần đầu hắn đối xử với Mị như vậy. Sẽ chẳng có người chồng nào đủ nhẫn tâm trói đánh vợ xong mà vẫn ung dung ra ngoài như vậy "Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại".
Sự độc ác, vô lí của A Sử được thể hiện rõ nét nhất ở chi tiết Mị chăm sóc suốt đêm khi hẳn bị thương, thế nhưng khi tỉnh lại, thứ hắn đáp trả cho Mị lại là hành động vũ phu, tàn nhẫn không gì tả nổi, hắn giơ chân "đạp chân vào mặt Mị". Có thể thấy sự độc ác, tàn nhẫn đã ăn sâu vào máu thịt của A Sử, đó là bản chất của một con "quỷ dữ" không có tình thương. Hắn tự cho mình quyền chà đạp, hành hạ người khác, những hành động quan tâm, chăm sóc của Mị hắn không mảy may cảm động mà cho rằng đó là bổn phận nên có của Mị. Để khi Mị vì mệt quá thiếp đi thì hắn không do dự mà trừng phạt mị bằng cú "đạp chân" tàn nhân.
A Sử không phải nhân vật trung tâm nhưng qua một vài chi tiết, người đọc có thể hình dung chi tiết về bản chất độc ác, bất nhân của con người này. Thông qua nhân vật A Sử, nhà văn Tô Hoài cũng mạnh mẽ lên án sự bất công, tàn bạo của chế độ thống trị miền núi, đó chính là thế lực gây ra mọi đau đớn, khổ đau cho những con người bất hạnh.
---------------HẾT------------------
Để thấy hết sự độc ác, bạo tàn của giai cấp thống trị cũng như nỗi khổ cùng cực của những người dân nghèo bất hạnh sống dưới chế độ ấy, bên cạnh bài Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ, Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.