Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến

Đề bài: Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến.

Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, đặc sắc

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.


I. Dàn ý Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Quang Dũng, bài thơ "Tây Tiến" và hình ảnh người lính trong bài thơ.

2. Thân bài
- Vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây Tiến:
+ Vượt qua điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, gian khổ
+ Thái độ và tư thế người lính trước những thử thách
- Hình ảnh người lính Tây Tiến lãng mạn, hào hoa
+ Ngây ngất đắm say vẻ đẹp con người và văn hoá miền Tây
+ Khát vọng tình yêu và giấc mơ đôi lứa trong tâm hồn người lính...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích nét mới lạ về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (Chuẩn)

 

1. Bài văn Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến hay nhất số 1

Quang Dũng - một nhà thơ, người nghệ sĩ đa tài và ông cũng đã từng là một người chiến sĩ cách mạng (đại đội trưởng của đoàn quân Tây Tiến). Quang Dũng sáng tác bài thơ "Tây Tiến" tại Phù Lưu Chanh, khi Quang Dũng rời binh đoàn Tây Tiến, chuẩn bị đến nhận công tác ở một đơn vị khác, "Tây Tiến" đối với nhà thơ là một thời đáng nhớ, một thời kì gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng. Và "Tây Tiến" còn gắn liền với những đồng đội của ông, đó là những chiến binh Tây Tiến hào hoa, bi tráng.

Không khó để người đọc có thể nhận ra vẻ đẹp hào hùng, oai phong và hiên ngang của những người lính Tây Tiến. Bởi ngay từ những câu thơ đầu tác giả đã nói về hoàn cảnh sống và chiến đấu của chiến sĩ, những người lính Tây Tiến sống và chiến đấu trong điều kiện đầy gian khổ, khắc nghiệt, trải qua và đương đầu với vô vàn khó khăn thử thách. Đó là sự khắc nghiệt của địa bàn hoạt động hiểm trở

"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời"

Tác giả đã sử dụng các từ láy có sức gợi rất hiệu quả "khúc khuỷu" diễn tả con đường nhỏ vắt qua những sườn núi cao chênh vênh, đường đi ngoắt ngoéo, gập ghềnh, "thăm thẳm" mô tả độ cao của con dốc và độ sâu của vực núi, thêm vào đó là không gian "heo hút" hoang vu, quạnh quẽ thiếu bóng dáng con người. Điệp từ "dốc" lặp lại giống như diễn tả những con dốc cứ liên tiếp hiện ra tương ứng với những thử thách đối với người lính. Không chỉ địa hình khắc nghiệt mà thời tiết nơi miền núi Tây Bắc cũng khắc nghiệt:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

Trong hoàn cảnh bị bệnh tật hoành hành đặc biệt là bệnh sốt rét rừng khiến cho các chiến sĩ bị rụng tóc, ốm yếu xanh xao như màu lá, hơn thế lại luôn phải đối mặt với thú dữ rình rập. Khắc nghiệt là vậy nhưng người lính Tây Tiến vẫn giữ vững tư thế hiên ngang bất khuất trước những thử thách "Mường lát hoa về trong đêm hơi" là hình ảnh tưởng tượng của người lính tô đậm tâm hồn lãng mạn của người lính, "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người" cho thấy thái độ ngạo nghễ, hiên ngang đối mặt với những thú rừng nguy hiểm. Có thể nói người lính đã hoà nhập vào cuộc sống hoang dã nơi này, hoà nhập với thái độ chủ động, tinh thần lạc quan, yêu đời. Quang Dũng mang đến cho chúng ta một cái nhìn thật mới mẻ và độc đáo về người lính, đó không chỉ là vẻ đẹp kiêu hùng, bất khuất còn là sự hào hoa lãng mạn, tâm hồn thơ mộng.

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

Trước vẻ đẹp của con người và văn hoá miền Tây Bắc Tổ quốc đã khiến những người lính Tây Tiến ngây ngất đắm say. Doanh trại là nơi gắn liền với những quy định, kỉ luật nghiêm khắc nhưng nay lại tràn ngập ánh sáng và màu sắc lãng mạn với hội đuốc hoa. Hình ảnh các thiếu nữ vùng sơn cước xúng xính trong những bộ váy xiêm y khiến người như bị choáng ngợp trong những cảm xúc lãng mạn. Người lính không chỉ ngỡ ngàng mà còn đắm say thưởng thức vẻ đẹp ấy với trí tưởng tượng của tình yêu, cuộc sống.

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Trong tâm hồn người lính có mộng và mơ, mộng là giấc mộng công danh, khát vọng lập công xuất phát từ lòng yêu nước. Còn mơ ấy là giấc mơ gửi về mảnh đất quê nhà, gửi đến các thiếu nữ hà thành duyên dáng mang khát vọng về tình yêu đôi lứa xuất phát từ khát vọng hạnh phúc của tuổi trẻ. Như vậy người lính Tây Tiến mang khát vọng tình yêu đôi lứa vẫn luôn hướng tới khát vọng hoà bình của dân tộc. Có lẽ chẳng ai nói về người lính mà lại nhắc đến cái chết nhiều như Quang Dũng, nhưng chính điều đó đã khẳng định vẻ đẹp đậm chất bi tráng của người lính Tây Tiến:

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

"Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Mặc dù cái chết là điều khắc nghiệt nhất của chiến tranh nhưng tác giả không những không né tránh mà còn đề cập rất nhiều lần. Phải chăng với Quang Dũng cái chết đã không còn là thảm hoạ ám ảnh nữa mà trở thành nhiệm vụ tất yếu thiêng liêng và cao cả. "Không bước nữa" không phải không bước được nữa, "bỏ quên đời" không phải bị đời bỏ quên mà là chủ động dừng bước, chủ động đón nhận cái chết với tư thế sẵn sàng, coi như hoàn thành nhiệm vụ tất yếu. Những từ Hán Việt như "biên cương", "mồ", "viễn xứ", "áo bào", "khúc độc hành" cùng nói đến một thực tế rằng người lính khi hi sinh phải gửi thân mình dưới lòng đất với những nấm mồ vô chủ rải rác nơi biên cương hoang lạnh. Đó là sự bất hạnh và khốc liệt của chiến tranh và tác giả gửi vào đó sự kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi cao cả của đồng đội. Người lính khi đối diện với cái chết hoàn toàn bình thản, chủ động "Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh". Người lính dứt khoát, không đắn đo hay lưu luyến, tiếc nuối điều gì, không ham sống sợ chết mà sẵn lòng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "anh về đất" coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, chết cũng giống như bao nhiệm vụ khác. Để làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp độc đáo và mới lạ tác giả đã tận dụng tối đa sức biểu đạt của phép tương phản giữa hoàn cảnh chiến đấu với thái độ, tư thế và phẩm chất người lính. Bên cạnh đó việc sử dụng từ chỉ địa danh đã gợi tả vùng đất xa xôi, gợi kỉ niệm về một thời chiến đấu gian khổ. Ngoài ra còn rất nhiều những từ láy tượng hình tô đậm vẻ đẹp người lính, phép điệp từ, điệp vần và hình ảnh nhân hoá.

Trong bài thơ "Tây Tiến" Quang Dũng đã có những tái hiện đầy tinh tế về vẻ đẹp của hình tượng người lính, những câu thơ nói về người lính vừa lãng mạn, vừa đậm chất sử thi mang âm điệu hào hùng rắn rỏi. Nhờ đó mà hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên trong lòng người đọc trở nên đẹp lí tưởng, vừa hào hùng, hào hoa lại đậm chất bi tráng.

 

2. Bài văn Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến siêu hay số 2

2.1. Dàn ý Vẻ đẹp độc đáo của người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng ngắn nhất:
2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ "Tây Tiến" và tác giả Quang Dũng.
- Giới thiệu về hình tượng độc đáo của người lính trong bài thơ.
2.1.2. Thân bài:
a) Khái quát về hình tượng người lính trong thơ ca nói chung:
- "Đồng chí": Người lính xuất thân từ những làng quê nghèo khó. Rời xa quê hương vì chung mục đích bảo vệ Tổ quốc. Có tình cảm gắn bó tri kỉ với đồng đội, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Tư thế chủ động hiên ngang chờ giặc tới.
- "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": Người lính luôn lạc quan, yêu đời mặc mưa bom bão đạn, mặc cho những thiếu thốn về vật chất. Họ vẫn giữ vững mục tiêu và lí tưởng bảo vệ Tổ quốc. 
=> Vẻ đẹp chung: Anh dũng, kiên cường, bất khuất, không ngại khó khăn gian khổ, lạc quan, yêu đời.
b) Nét đặc sắc, độc đáo của người lính Tây Tiến:
- Sống và chiến đấu trên địa bàn rừng núi. Vậy nên, ngoài chiến trường ác liệt, họ phải đối mặt với chặng đường hành quân đầy hiểm nguy với dốc núi cheo leo, với các loài thú nơi rừng thiêng nước độc => Khó khăn nhân lên bội phần khi phải sống và chiến đấu tại miền đất xa xôi, hoang dã, nhất là đối với những thanh niên trẻ.
- Đã có lúc, những người lính đã kiệt sức và chết trên chặng đường hành quân.
- Bị bệnh tật giày vò khiến cho thân thể trở nên xơ xác, tiều tụy.
- Vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn, thanh lịch của những chàng trai Hà Nội. 
- Cái chết không hề bi lụy mà rất hào hùng.
c) Đánh giá:
- Người lính trong bài thơ "Tây Tiến" được khắc họa chân thực, rõ nét. Tác giả không hề tô hồng hiện thực mà thẳng thắn viết lên những khó khăn, bi thương mà những người lính phải chịu => Thể hiện bản lĩnh, nét hào hoa của người lính; khái quát được khoảng thời gian trường kì kháng chiến đầy khó khăn của dân tộc.
- Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng giúp cho hình ảnh người lính được thể hiện độc đáo, khác lạ. 
- Tuy đã có thời gian "Tây Tiến" bị coi là "ủy mị", "rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản", bị đứng ngoài rìa của những tác phẩm văn học nhưng sau này, bài thơ đã được khôi phục vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại, được lưu truyền rộng rãi trong bộ đội thời kì chống Pháp, có sức sống mãnh liệt và lâu đời trong lòng độc giả.
2.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại về nét độc đáo, mới lạ của hình ảnh người lính trong bài thơ.

2.2. Bài mẫu Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến.

Trong thời kì kháng chiến, văn học Việt Nam có rất nhiều người vừa tham gia chiến đấu, vừa sáng tác văn học phục vụ. Một trong số đó là Quang Dũng, người nghệ sĩ có tâm hồn tài hoa, phóng khoáng. Điều đó đã được thể hiện trong các tác phẩm của ông, nhất là bài thơ "Tây Tiến". Hình tượng người lính trong bài thơ vừa có nét độc đáo, mới mẻ lại rất chân thực. 

Đề tài người lính và chiến tranh cực kì quen thuộc trong thơ ca Cách mạng Việt Nam. Tuy mỗi bài thơ đều có nét đặc sắc riêng, không trộn lẫn vào nhau nhưng hình tượng người lính vẫn có những phẩm chất chung. Trong "Đồng chí" của Chính Hữu, ta biết được hoàn cảnh xuất thân của người chiến sĩ là ở những vùng quê nghèo. Họ rời xa quê hương để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì những điểm chung nên những người lính đã có sự liên kết, gắn bó với nhau như tri kỉ. Họ cùng nhau vượt qua những khó khăn, gian khổ trên mặt trận và hiên ngang chờ giặc tới. Người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật cũng có một tinh thần lạc quan, yêu đời. Họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ lái xe cứu trợ, chi viện cho miền Nam mặc dù chiếc xe đã trở nên tồi tàn, hỏng hóc. Nhìn chung, hình tượng người lính trong thơ ca luôn là những người anh hùng cách mạng kiên cường, bất khuất, lạc quan, yêu đời, không ngại khó khăn gian khổ.

Ở bài thơ "Tây Tiến", Quang Dũng đã kể về binh đoàn Tây Tiến. Họ sống và chiến đấu trên địa bàn rừng núi. Nhiệm vụ của họ là tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng, kết hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ biên giới phía Tây Bắc. Chính vì hoàn cảnh như vậy, người lính Tây Tiến phải đối mặt với cả chiến trường ác liệt, vừa phải băng qua những chặng hành quân đầy gian nan. Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều hiểm nguy. Đó là dốc núi cheo leo thách thức con người, là màn sương mờ ảo làm giảm tầm nhìn, là âm thanh đáng sợ của chốn rừng thiêng nước độc và những loài thú dữ luôn rình mò trêu chọc con người. Tất cả đều mang tới muôn vàn thách thức cho những người lính trẻ tại binh đoàn Tây Tiến. Đã có lúc họ kiệt sức, gục ngã trên chặng đường hành quân "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Thế nhưng, họ luôn luôn giữ cho mình một tinh thần thép, một lí tưởng vững vàng "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Người chiến sĩ sẵn sàng hiến dâng cả tuổi xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hình tượng người lính Tây Tiến đã được Quang Dũng thể hiện rất chân thực. Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng trong mỗi người vẫn giữ vững được cho mình khát vọng cao cả, đẹp đẽ cùng lí tưởng cống hiến, không màng gian khổ

Không những thế, điều kiện thiếu thốn trong sinh hoạt cũng khiến người chiến sĩ mắc nhiều bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét rừng. Những cơn sốt rét khiến cả đoàn binh rụng hết tóc. Làn da ai trông cũng gầy gò, xanh xao, ốm yếu. Thế nhưng họ đều rất lạc quan, tích cực, biến khó khăn thành động lực để tiếp tục cố gắng. Những người lính tự cho rằng ngoại hình kì dị đó là để "dữ oai hùm", thể hiện sức mạnh và tư thế chủ động của họ trước kẻ thù. 

Đặc biệt, Quang Dũng đã thể hiện nét hào hoa, lãng mạn, hiếm khi xuất hiện ở hình tượng người lính trong văn học. Chỉ bằng một câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", tác giả đã cho ta thấy được tâm hồn trẻ trung, thơ mộng của người lính Tây Tiến. Đa số họ đều là những thanh niên Hà Nội, nhập ngũ khi còn ở độ tuổi học sinh viên. Thế nên, khi ra đi, trong lòng mỗi người đều mang trong mình một "dáng kiều thơm".  Bóng dáng xinh đẹp, thanh lịch, duyên dáng của người con gái chính là sức mạnh, là động lực để họ chiến đấu, đối mặt với vô vàn vất vả gian lao nơi chiến trường ác liệt. Từ đó, ta thấy được nét hào hoa, lãng mạn, thanh lịch của người lính Tây Tiến. Đồng thời, cũng là điểm độc đáo khác lạ trong hình tượng người lính mà Quang Dũng xây dựng. 

Đặc biệt hơn, tinh thần bi tráng đặc trưng của bài thơ đã giúp cho tác giả viết về sự hi sinh của người lính một cách đầu kiêu hãnh, oai hùng. "Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Sự hi sinh này không mang lại nhiều nỗi đau thương, day dứt mà các tác phẩm văn học thường đem đến. Đọc hai câu thơ, ta thấy được sắc thái trang trọng. Cái chết của người lính được ví như sự ra đi của một người anh hùng có chiến công lẫy lừng, có áo bào trên vai, được mọi người và cả núi sông tiễn biệt. Hai từ "gầm lên" thể hiện cảm xúc đau đớn, bi thương nhưng lại vang dội vào lòng người, tạo cho ta cảm giác trầm buồn nhưng hùng tráng, oai phong. 

Vậy, hình tượng người lính trong bài thơ đã được tác giả Quang Dũng khắc họa, chân thực rõ nét. Ông không hề tô hồng hiện thực mà thẳng thắn viết ra những nỗi đau mà người lính phải chịu. Từ đó làm đòn bẩy cho sức mạnh bản lĩnh, vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch giữa nơi bom đạn. Ngoài ra, việc miêu tả hiện thực cũng cho người đọc thấy được khoảng thời gian kháng chiến trường kì đầu khó khăn của dân tộc. Tuy đã có thời gian bài thơ "Tây Tiến" bị chối bỏ, bị coi là "ủy mị", "rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản", bị đứng ra ngoài rìa văn học. Thế nhưng sau này, bài thơ đã khôi phục lại vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại, được yêu thích vì sự chân thực, sống động mà tác phẩm này đem lại.

Hình tượng độc đáo, mới mẻ của người lính Tây Tiến chính là một trong những lí do khiến bài thơ có sức sống riêng mãnh liệt trong lòng độc giả. Dù chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ đã được sống trong hòa bình nhưng mỗi khi đọc "Tây Tiến", ta lại nhớ đến hình tượng người anh hùng kiên cường, bất khuất, dám đương đầu với mọi thử thách nhưng cũng có một trái tim tràn đầy tình yêu. 

------------------HẾT-----------------

Hình tượng người lính trong "Tây Tiến" là một bức chân dung mới mẻ, độc đáo, khác biệt với những tác phẩm khác cùng đề tài vì sự lãng mạn và tính bi tráng của riêng bài thơ. Qua bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung bi tráng, hào hùng cũng đầy mới lạ về người lính Tây Tiến. Để tìm hiểu chi tiết về những nét đặc sắc này, các em có thể tham khảo thêm các bài phân tích bài Tây Tiến khác như Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: Doanh trại bừng lên... khúc độc hành, Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến, Phân tích 8 câu thơ đầu Tây Tiến, Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến,...

Người lính và chiến tranh là đề tài rất quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thế nhưng, để có một chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả, mỗi tác phẩm đều phải có nét độc đáo riêng biệt. Mời em tham khảo phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến trên Taimienphi.vn để có thêm kiến thức về nội dung này.



Nét đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Tây Tiến
Phân tích khổ 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc
Phân tích khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Phân tích từ Hoa trong bài Tây Tiến
Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh... lên khúc độc hành"

ĐỌC NHIỀU