Đề bài: Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ
Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
a. Khái niệm:
- Là một hành vi mang tính tiêu cực và có phần hơi hèn kém, tiểu nhân.
- Nịnh bợ là một hành vi dùng những lời nói dễ nghe, hoa mỹ, tốt đẹp một cách quá mức, thậm chí là đưa ra những lời khen tặng tiểu tiết hoặc không có thật, chấp nhận dối trá để bợ đỡ những người ở vị trí cao hơn, nhằm đạt được những lợi ích cho riêng mình.
b. Biểu hiện và tác hại:
* Biểu hiện:
- Trong môi trường giáo dục:
+ Một học sinh biết cách nói khéo lấy lòng thầy cô giáo thì thường được yêu quý và đôi khi còn nhận được sự "châm chước".
=> Ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các học sinh khác, dễ gây đến sự xích mích, xung đột giữa các học sinh, hay sự chán nản trong học tập.
- Trong môi trường công sở, hành chính:
+ Nguyên nhân: Người lãnh đạo ở vị trí cao hơn nắm vai trò lãnh đạo thường có một số tâm lý phổ biến như không thích bị chỉ trích, ghét ai vượt quyền và tỏ ra xuất sắc hơn mình, luôn mong muốn những cảm giác được tôn sùng, và thường bảo thủ. => Chính điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ giỏi nịnh bợ.
+ Người được khen sẽ thường có cái nhìn thiện chí hơn với những kẻ quen nịnh bợ, sẽ dành ra cho họ những sự ưu ái nhất định, còn những người có năng lực thật sự lại không được trọng dụng gây chán nản trong nhân viên.
=> Ảnh hưởng đến uy tín của cấp trên, người lãnh đạo khó nhận được sự tin phục từ nhân viên, cũng như mất đi khả năng phán đoán và nhận định năng lực khi đã chìm quá sâu vào sự nịnh bợ.
* Tác hại:
- Mang đến những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm rối loạn môi trường học tập, giáo dục, hành chính công,...
- Vùi lấp những giá trị đích thực, cản trở việc nhận ra sai lầm và sự sửa chữa sai của nhiều cán bộ, công chức, ...
- Làm mất đi giá trị của lời khen tặng, sự tán dương giữa con người với nhau, khiến cuộc sống trở nên quá bóng bẩy, con người luôn sống trong những ảo tưởng kém thực tế, không tự hoàn thiện mình được.
- Đối với kẻ quen đi nịnh bợ:
+ Phải sống trong cái vỏ bọc giả dối, dù đạt được được những mục đích cho riêng mình thế nhưng lại luôn phải sống trong trái với suy nghĩ của bản thân.
+ Không bao giờ đạt được sự tin cẩn hay kính yêu của những người khác.
Nêu nhận định chung.
"Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đó là một câu ca dao, một bài học đã có từ rất lâu đời của cha ông ta khuyên dạy con người nên cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, biết nói những lời hay ý đẹp để thành công trong quan hệ xã hội. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay nhiều người đã quên đi ý nghĩa thực sự của lời dạy trên mà chỉ chăm chăm nói những "lời hay ý đẹp" bất chấp đó là những lời giả dối hay trái với lòng mình để đạt được những mục đích riêng. Dần dà tạo thành một thói quen xấu ấy là sự xu nịnh bợ đỡ hiện hữu khắp mọi nơi, khiến con người chìm vào mộng tưởng tốt đẹp mà không hề biết được những sự thật đang bị che lấp bởi những lời hoa mỹ của kẻ khác. Đồng thời sự khen tặng trở nên ngày càng rẻ mạt và vô giá trị, điều đó dấy lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ trăn trở.
Đầu tiên nói về sự nịnh bợ, phải khẳng định rằng đây là một hành vi mang tính tiêu cực và có phần hơi hèn kém, tiểu nhân. Nịnh bợ là một hành vi đã có từ xa xưa, khi mà con người bắt đầu có những chế độ hành chính, phân chia cấp bậc trong xã hội, những kẻ ở vị trí thấp hơn thường dùng những lời nói dễ nghe, hoa mỹ, tốt đẹp một cách quá mức, thậm chí là đưa ra những lời khen tặng tiểu tiết hoặc không có thật, chấp nhận dối trá để bợ đỡ những người ở vị trí cao hơn, nhằm đạt được những lợi ích cho riêng mình. Mục tiêu của sự nịnh bợ là đánh và tâm lý tình cảm của những người ham hư vinh, thích nghe những lời nói bóng bẩy, tự ảo tưởng về bản thân, không phân biệt được thật giả, hoặc là có biết nhưng vờ như không thấy để thỏa mãn thói xấu của bản thân chìm trong cảm giác được hoan nghênh, tán tụng.
Ngày nay ta thấy sự nịnh bợ diễn ra ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, chỉ cần ở nơi đâu có sự phân cấp thì sự xu nịnh đều sẽ xuất hiện. Tuy nó không phải là một căn bệnh truyền nhiễm, thế nhưng sự nịnh bợ thường đem đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ xã hội cũng như việc đánh giá năng lực có nhân một cách công bằng. Ví như trong môi trường giáo dục, một học sinh biết cách nói khéo lấy lòng thầy cô giáo thì thường được yêu quý và đôi khi còn nhận được sự "châm chước" trong một số trường hợp thi cử, hoặc được ưu tiên quan tâm nhiều hơn, được bỏ qua một số lỗi phạm phải. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các học sinh khác, khi họ cho rằng bản thân bị đối xử không công bằng, năng lực của bản thân không được công nhận, dễ gây đến sự xích mích, xung đột giữa các học sinh, hay sự chán nản trong học tập.
Trong môi trường công sở, hành chính sự xu nịnh xảy ra một cách thường xuyên và thậm chí còn trở thành "truyền thống" của dân văn phòng hành chính. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân người lãnh đạo ở vị trí cao hơn nắm vai trò lãnh đạo thường có một số tâm lý phổ biến như không thích bị chỉ trích, ghét ai vượt quyền và tỏ ra xuất sắc hơn mình, luôn mong muốn những cảm giác được tôn sùng, và thường bảo thủ với các ý kiến của mình (dù có thể trong một số trường hợp nó không hợp lý). Chính điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ giỏi nịnh bợ, bởi lẽ trông những người này khá nghe lời, dễ điều khiển, đặc biệt lại biết nói lời hay, đáp ứng được hết các yêu cầu của những người lãnh đạo ưa nịnh bợ. Thành thử trong môi trường công sở, hành chính ta thường thấy việc nịnh bợ xảy ra thường xuyên, kẻ khen sếp có chiếc cà vạt đẹp, người khen con sếp học giỏi, khen vợ sếp đẹp, hoặc dùng những câu từ lộ liễu có vẻ dí dỏm như "chuyện gì sếp cũng tuyệt vời, chỉ có một điều là sếp toàn năng quá khiến bọn nhân viên chúng em xấu hổ vì không có tài cán được như sếp",... và nhiều những câu khen thừa thãi vô bổ khác. Vì đánh vào tâm lý nên người được khen sẽ thường có cái nhìn thiện chí hơn với những kẻ quen nịnh bợ, sẽ dành ra cho họ những sự ưu ái nhất định, còn những người có năng lực thật sự lại không được trọng dụng gây chán nản trong nhân viên. Ảnh hưởng đến uy tín của cấp trên, người lãnh đạo khó nhận được sự tin phục từ nhân viên, cũng như mất đi khả năng phán đoán và nhận định năng lực khi đã chìm quá sâu vào sự nịnh bợ.
Có thể nhấn mạnh rằng sự nịnh bợ là một kiểu băng hoại đạo đức mang diện mạo tử tế khiến người ta dễ trầm mê và bị thao túng, thậm chí nó trở thành một mối họa khôn lường. Cứ soi chiếu vào lịch sử của nước ta cũng như Trung Quốc, có biết bao nhiêu triều đại lung lay vì nạn nịnh thần, thời Càn Long có Hòa Thân, thời Đường Minh Hoàng có Dương Quốc Trung, đều là những tên giỏi mồm mép, bên trên làm mờ mắt hoàng đế, bên dưới thì ra sức đục khoét làm việc nhũng nhiễu dân chúng khiến người đời căm phẫn. Ở Việt Nam, thời vua Trần Dụ Tông, vua bất tài ham mê tửu sắc, để nịnh thần lộng quyền, Chu Văn Văn 7 lần dâng sớ xin trảm những tên này nhưng đều bị bác bỏ, kết cục là nhà Trần rơi vào cảnh diệt vong.
Có thể so với lịch thì nạn xu nịnh ngày hôm nay không còn để lại những hậu quả ghê gớm nhưng nó cũng mang đến những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm rối loạn môi trường học tập, giáo dục, hành chính công,... Vùi lấp những giá trị đích thực, cản trở việc nhận ra sai lầm và sự sửa chữa sai của nhiều cán bộ, công chức, làm mất đi giá trị của lời khen tặng, sự tán dương giữa con người với nhau, khiến cuộc sống trở nên quá bóng bẩy, con người luôn sống trong những ảo tưởng kém thực tế, không tự hoàn thiện mình được. Còn đối với kẻ quen đi nịnh bợ người khác, thì lúc nào cũng phải sống trong cái vỏ bọc giả dối, trở thành tấm "áo cười" cho người khác, dù đạt được được những mục đích cho riêng mình thế nhưng lại luôn phải sống trong trái với suy nghĩ của bản thân, đến độ quên mất cả cách nói thật. Những người xung quanh bạn sẽ luôn sống với thái độ dè chừng, cẩn trọng với những lời nói mà bạn dành cho họ, bạn không bao giờ đạt được sự tin cẩn hay kính yêu của những người khác. Đặc biệt khi sự xu nịnh hợm hĩnh bị bóc trần, thì lập tức bạn sẽ không còn gì cả, lập tức trở thành kẻ tiểu nhân bị bỏ rơi.
Chính vì thế trên cuộc đời học gì cũng đừng cố học lấy thói xu nịnh, hãy sống thật với mình, làm sao cho mỗi lời nói của bản thân đều có giá trị, khen thực lòng, khéo léo chỉ ra khuyết điểm của người khác, khiêm tốn khi nhận được lời tán dương, chấp nhận những lời nhận xét chỉ ra khuyết điểm của mình và nghiêm túc suy nghĩ sửa đổi. Hãy nhớ một câu nói của Tuân Tử rằng: "Người ta chê mà chê phải là thầy của ta vì hơn ta tầm hiểu biết. Người ta khen mà khen phải là bạn vì hiểu được ta. Người vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy".
------------------------HẾT-------------------------
Bài văn mẫu Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ là một số những suy nghĩ, đánh giá về bản chất, tác hại của thói quen nịnh bợ trong cuộc sống ngày hôm nay, để tìm hiểu thêm một số những vấn đề gây nhiều trăn trở khác mời các em tham khảo thêm các bài viết Nghị luận về thói hám danh, hám lợi, Nghị luận xã hội về tự ti và tự phụ, Nghị luận xã hội về thói vô trách nhiệm , Nghị luận về tác hại của việc nói dối.