1. Mở bài:
- Giới thiệu câu nói: "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới".
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- Sách: Công cụ để con người cất giữ và lưu truyền tri thức dưới dạng viết từ đời này qua đời khác.
- Chân trời mới: Những bài học mới mẻ mang đến cho chúng ta nhiều giá trị hữu ích trong cuộc sống. Nó có thể đại diện cho tri thức hoặc cảm xúc, nhân cách con người.
b) Vì sao sách mở ra những chân trời mới?
- Sách là kinh nghiệm từ bao đời cha ông ta đã đúc rút ra, là kho tàng quý báu của nhân loại, cung cấp rất nhiều tri thức cho con người.
- Sách có vô vàn chủ đề, đề tài cho chúng ta khám phá. Nội dung của sách ngày càng phong phú, phục vụ nhu cầu tìm kiếm tri thức của người đọc.
- Đọc sách không chỉ tiếp thu tri thức mà còn rèn cho ta tính kiên nhẫn, tư duy phản biện.
- Các câu truyện trong sách dạy ta cách đối nhân xử thế, mang đến nhiều bài học quý báu.
c) Mở rộng:
- Cách đọc sách đúng đắn:
+ Lên kế hoạch đọc sách phù hợp với thời gian của bản thân. Mỗi ngày nên đọc ít nhất từ ba mươi phút đến một tiếng. Sau đó suy nghĩ, nghiền ngẫm về những điều được viết trong cuốn sách.
+ Chọn những đầu sách phù hợp với trình độ và khả năng đọc của mình.
+ Đọc sách theo hệ thống từ sách cơ bản đến sách chuyên sâu, nâng cao.
- Cách để phát triển văn hóa đọc:
+ Nhà trường, các cơ quan nên tổ chức ngày hội sách, ngày văn hóa đọc, tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách hay,...
+ Bố mẹ nên rèn luyện và bồi dưỡng cho con tình yêu đọc sách từ nhỏ.
+ Xây dựng tủ sách, thư viện ở những vùng khó khăn để bất cứ ai cũng có thể được đọc sách.
3. Kết bài:
- Khái quát lại giá trị của sách.
Maxim Gorki là nhà văn vĩ đại người Nga, ông quan niệm: "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới". Câu nói này có thể cắt nghĩa rằng: Sách là công cụ lưu giữ tất cả kiến thức, văn hóa của nhân loại dưới dạng ngôn ngữ viết, được truyền từ đời này sang đời khác. "Chân trời mới" là từ dùng để chỉ những bài học mới mẻ mang, mang đến cho con người nhiều giá trị. Cả câu nói này có nghĩa rằng tác giả coi sách như phương tiện để học hỏi. Đây là điều đúng đắn vì sự hiểu biết của con người là hữu hạn mà kiến thức thì vô hạn. Đọc càng nhiều, ta sẽ càng thấy nhiều điều thú vị . Không chỉ lưu giữ tri thức, những câu chuyện trong sách còn dạy ta cách đối nhân xử thế, mang lại nhiều bài học quý báu. Ngoài ra, việc đọc sách còn rèn luyện cho ta tính kiên nhẫn, cái nhìn đa chiều về những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải sách nào cũng hay, cũng đáng đọc. Có những cuốn mang nội dung tiêu cực, tư tưởng xấu hoặc nội dung tạp nham, không được chắt lọc. Vậy nên mỗi người cần phải có kĩ năng lựa chọn sao cho đúng, tránh mất thời gian, sức lực và tiền bạc vào những quyển sách không có ích. Sách là công cụ rất quan trọng của con người trong quá trình phát triển và xây dựng xã hội. Hãy chăm chỉ đọc sách để tìm ra những chân trời mới, mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.
-----------------------------------------
Các em hãy tham khảo thêm các bài văn khác trên Taimienphi.vn nhé: Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách, Nghị luận về sự tử tế; Nghị luận về cách nhìn nhận đánh giá người khác, Nghị luận về sự sẻ chia....
"Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới" là câu nói rất nổi tiếng của đại văn hào Maxim Gorki. Câu nói này cho ta thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách. Có thể hiểu sách là công cụ lưu giữ và truyền bá tri thức của con người từ ngàn đời nay. Khi đọc sách, con người có thể lĩnh hội được rất nhiều kiến thức ở đa dạng các lĩnh vực khác nhau. Đó chính là những "chân trời mới" mà tác giả muốn nhắc đến. Thật vậy, nếu không đọc sách, ta sẽ không biết được thế giới thú vị ra sao. Có lẽ, con đường nhanh và ngắn nhất để biết thêm về thế giới là đọc sách, trải nghiệm qua con chữ. Không những thế, sách còn có vô vàn chủ đề: công nghệ, y học, vũ trụ, văn học,... đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của con người. Ngoài ra, ta có thể học được rất nhiều bài học quý báu hay cách đối nhân xử thế qua những trang sách. Chỉ một câu truyện cổ tích quen thuộc như "Ông lão đánh cá và con cá vàng" cũng dạy cho ta đạo lí: Làm người phải biết thế nào là đủ, không được quá tham lam độc ác. Sách có rất nhiều lợi ích, vậy nên hãy lan tỏa sở thích đọc đến nhiều người. Ta hãy để đọc sách trở thành một phong trào, một nét văn hóa hiện đại. Các nhà trường, cơ quan hay đoàn thể có thể tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách hay, ngày hội sách hay giờ đọc sách, ngày đọc sách,... Chúng ta cũng cần xây dựng thêm nhiều tủ sách, thư viện, nhất là ở những vùng khó khăn để bất cứ ai cũng có thể được tiếp cận với nguồn tri thức vô giá này. Sách là người bạn thân của con người. Hãy nuôi dưỡng tình yêu với sách trong ta, để nó lớn dần theo thời gian, dẫn lối ta tới những chân trời mới.
Maxim Gorki có một tuổi thơ nghèo khó, mồ côi bố mẹ. Ấy vậy mà sau này ông đã trở thành đại thi hào nổi tiếng muôn đời của nước Nga. Có lẽ đó là do tinh thần say mê với việc học, việc đọc. Ông đã có một câu nói nổi tiếng thức tỉnh mọi người rèn luyện sự tự học và tinh thần ham đọc sách là: "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới".
Đây là câu nói khá dễ hiểu. Sách là một công cụ để con người cất giữ và lưu truyền những kiến thức, kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ bao đời nay. Chân trời trong thực tế chính là đường tiếp giáp giữa bầu trời với mặt biển. Ở câu nói này, "chân trời mới" có nghĩa là những giá trị hữu ích, những bài học mới mẻ mà ta chưa hề biết đến trong cuộc sống. Chân trời mới có thể là tri thức, cũng có thể đại diện cho cảm xúc hoặc những phẩm chất, nhân cách của con người.
Là học sinh, ta chưa có quá nhiều trải nghiệm thực tế nên nếu không đọc sách, ta không thể biết được về thế giới ngoài kia. Sách cho ta biết được nhiều phong tục tập quán đặc trưng của người dân trên nhiều vùng đất, giải thích các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ,... Đó là những kiến thức thường thấy trong sách, tất cả mọi người đều có thể tìm đọc và nâng cao hiểu biết của mình. Ngoài ra, sách còn bồi dưỡng cho chúng ta nhiều cảm xúc, phẩm chất tốt đẹp, nhất là ở thể loại văn học. Có ai đọc truyện cổ tích "Nàng tiên cá" mà không buồn, tiếc thay cho cô công chúa người cá xinh đẹp, nhân hậu, dũng cảm theo đuổi tình yêu nhưng lại phải hóa thành bọt biển. Những cuốn sách như "Hạt giống tâm hồn", "Đắc nhân tâm" cũng dạy cho chúng ta rất nhiều bài học về cách đối nhân xử thế, cách phát triển cuộc sống theo hướng tích cực. Khi đọc sách, ta cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn, tư duy logic, tư duy phản biện. Đặc biệt, khi tiếp xúc với sách, vốn ngôn ngữ của bản thân sẽ được mở rộng, khả năng giao tiếp được cải thiện đáng kể.
Để thật sự tìm thấy những "chân trời mới", ta cần có cách đọc sách đúng đắn. Hãy lên kế hoạch đọc sách phù hợp với thời gian của bản thân, cố gắng duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Khi đọc cũng cần suy nghĩ, nghiền ngẫm về những ý nghĩa, thông điệp mà cuốn sách đó truyền tải. Sau khi đọc xong nên có sự so sánh, liên hệ với những cuốn có cùng đề tài, nội dung mình đã đọc để nhận thấy sự khác biệt và giá trị của mỗi cuốn sách.
Đọc sách không phải để hoàn thành chỉ tiêu tiếp thu kiến thức mà hãy coi nó như một cái thú, một niềm vui lúc rảnh rỗi. Có như vậy bạn mới thật sự chú tâm vào sách và tìm thấy nhiều điều thú vị. Hãy cố gắng tìm thật nhiều "chân trời mới" để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của bản thân mình cũng như đóng góp cho xã hội.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
"Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới" là một câu danh ngôn hay, hi vọng bài nghị luận này đã giúp em hiểu hơn về câu nói đó