Đề bài: Cảm nhận và phân tích đoạn thơ thứ hai trong bài Tây Tiến
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về nội dung khổ thơ thứ hai.
2. Thân bài:
2.1. Khái quát chung:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, lúc này Quang Dũng bị chuyển sang đơn vị khác.
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Nỗi nhớ về đoàn binh Tây Tiến.
2.2. Phân tích đoạn thơ:
- "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa": Gợi sự bừng sáng của ánh lửa đêm liên hoan văn nghệ.
- "Kìa em xiêm áo tự bao giờ": Hình ảnh những cô thôn nữ miền Tây.
- "Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ": Âm thanh của tiếng khèn, tiếng nhạc khiến cho không khí nơi đây thêm nhộn nhịp, sinh động.
- "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy": Nhớ về con người miền Tây.
- "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ": Gợi sự mênh mông, bao la của thiên nhiên nơi đây.
- "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa":
+ Động từ "trôi": gợi cảm giác lênh đênh, miên man.
+ Hình ảnh: "dòng nước lũ" - "hoa đong đưa" -> Tưởng như đối lập mà lại hài hòa, lãng mạn.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật:
+ Nội dung: Những kỉ niệm ấm áp đêm liên hoan văn nghệ và bức tranh thiên nhiên sông nước miền Tây.
+ Nghệ thuật: Đoạn thơ giàu chất nhạc, chất họa, những hình ảnh thơ giàu sức gợi.
Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài, ông có thể vẽ tranh, soạn nhạc, làm thơ. Nhưng trước hết, ông là nhà thơ với ngòi bút phóng khoáng, lãng mạn. Tiêu biểu cho phong cách đó là tác phẩm "Tây Tiến" viết về hình ảnh những người lính hào hùng, dũng cảm. Đặc biệt ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã làm nổi bật những kỉ niệm ấm áp đêm liên hoan văn nghệ của người lính.
Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" vào một chiều mưa năm 1948 ở Phù Lưu Chanh, một ngôi làng nhỏ ven bờ sông Đáy hiền hòa. Ở nơi đây, tác giả nhớ về đồng đội, nhớ khói trời miền Tây. Đoàn binh Tây Tiến được thành lập vào mùa xuân năm 1947. Thành phần tham gia phần đông là những thanh niên Hà Thành trí thức, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc để tham gia kháng chiến. Họ mang vào cuộc chiến không chỉ là hành trang của người lính và nhiệt huyết cháy bỏng mà còn có cả khí chất lịch lãm, hào hoa của những con người sinh ra trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Trong dòng hồi tưởng, nhà thơ nhớ về những đêm văn nghệ có đồng bào miền Tây đến góp vui:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa"
Sau những ngày dài hành quân, người lính dừng chân bên doanh trại để nghỉ ngơi. Đó là phút giây ngắn ngủi và tươi đẹp trong kỉ niệm của mỗi người. Chữ "bừng" là nhãn tự của câu thơ. Nó gợi ánh sáng mạnh mẽ của lửa trại đột ngột bừng lên, xua tan cái lạnh lẽo của màn đêm nơi rừng già. Không chỉ vậy còn gợi không khí náo nhiệt, tưng bừng của đêm liên hoan. Phải chăng đó là sự hân hoan trong lòng người lính Tây Tiến. Dường như lúc này mọi nhọc nhằn, âu lo đều được rũ bỏ và người lính như hòa bình vào không khí vui tươi, sôi nổi của đêm lửa trại. Cụm từ "hội đuốc hoa" gợi ra một nét nghĩa rất phong tình. Đuốc hoa là ngọn đuốc trong đêm tân hôn, là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa. Nhưng trong thơ Quang Dũng lại trở thành biểu tượng của tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân thắm thiết.
Chung vui trong đêm liên hoan văn nghệ còn xuất hiện các cô thôn nữ:
"Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"
Trong không khí nhộn nhịp của đêm hội xuất hiện hình ảnh những cô thôn nữ với vẻ đẹp quyến rũ khiến người lính không khỏi ngạc nhiên. Hai tiếng "Kìa em" như tiếng reo vui, hạnh phúc. Những cô sơn nữ miền Tây xuất hiện với điệu múa, lời hát du dương. Người con gái không hề vồ vập mà kín đáo, nhẹ nhàng, e ấp. Cảnh vật và con người như hòa làm một. Lúc này âm thanh của bom đạn chiến tranh như tan biến hết mà chỉ còn có những "hồn thơ" lãng mạn, yêu đời.
Những câu thơ tiếp theo là nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh sông nước miền Tây:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ"
Trong cảm nhận của nhà thơ Quang Dũng, sông nước miền Tây hiện ra trong một buổi chiều sương. Màn sương huyền ảo tạo nên vẻ đẹp lãng mạn. Ở đây không còn là sương lấp, sương che mà là sương giăng. Hai bên bờ sông xuất hiện những dãy lau gợi lên một không gian tĩnh lặng. Hồn của bông lau phải chăng cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Qua đây, người đọc cảm nhận được nhà thơ Quang Dũng là người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết.
Hai câu thơ cuối nhà thơ Quang Dũng đã làm nổi bật sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên:
"Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
Bóng dáng con người thướt tha trên độc mộc gợi sự nhẹ nhàng. Ở đây, Quang Dũng còn tạo nên sự đối lập giữa hình ảnh "dòng nước lũ" và "hoa đong đưa". Dòng nước thì cứ cuồn cuộn chảy còn những bông hoa vẫn đang trôi đi chậm, thực chậm. Điều đó giúp cho bức tranh thiên nhiên hiện lên thật độc đáo và gợi cảm. Ở khổ thơ này, tác giả sử dụng cấu trúc "có thấy, có nhớ" giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thiết tha nhà thơ dành cho nơi đây.
Bằng lối viết đầy tài hoa kết hợp với việc sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc, nhà thơ Quang Dũng đã làm nổi bật bức tranh kỉ niệm đêm liên hoan văn nghệ lung linh. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được sâu sắc hơn tinh thần lãng mạn, hào hoa của những người lính Hà Thành.
Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, hấp dẫn
Cả đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên diễm lệ có sức hòa hợp diệu kỳ giữa thiên nhiên và con người. Cảnh trí miền Tây ở khổ thơ dường như được tạo hình theo thi pháp truyền thống: "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc". Một miền Tây thơ mộng thi vị giàu sức cuốn hút. Đoạn thơ thứ 2 này được xem là đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Quang Dũng.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
"Bừng lên" vừa đột ngột, bất ngờ vừa thú vị. Cả cảnh vật và lòng người đều bừng sáng lên. Chất hào hoa trong bút pháp thể hiện của Quang Dũng đã bộc lộ ngay từ câu thơ đầu. Hai cụm từ "bừng lên" "hội đuốc hoa" thể hiện sự tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ của Quang Dũng. Hai cụm từ này vừa có tính tả thực vừa đậm chất lãng mạn. "Bừng lên" vừa có nghĩa bừng sáng lung linh vừa như bừng tỉnh.
"Hội đuốc hoa" đây là cảnh thực. Đêm liên hoan văn nghệ diễn ra dưới những cánh rừng, người đến dự đều cầm trên tay ngọn đuốc, gió thổi làm những ngọn đuốc lung linh phát ra những tia lửa. Cảnh tượng này trong đêm quả thật nhìn như hoa đuốc. Cảm nhận của Quang Dũng vừa tinh tế vừa lãng mạn, câu thơ gợi sức liên tưởng, tưởng tượng cho người đọc. Trên cái nền không gian ấy "em" xuất hiện. "Em" xuất hiện lập tức trở thành trung điểm của mọi điểm nhìn.
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
"Kìa em" lời chào đón đầy ngạc nhiên sung sướng đến ngỡ ngàng. Lời chào đón mang tính phát hiện. Em lạ mà quen, quen mà lạ. Quang Dũng phát hiện ra vẻ đẹp rực rỡ của cô gái bằng cả niềm yêu, niềm say đến cảm phục. Yêu say từ vóc dáng đến trang phục. Chính trang phục truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của các thiếu nữ Tây Bắc càng tôn vinh lên vẻ đẹp của họ Quang Dũng không khỏi không thán phục đến ngạc nhiên trước vẻ đẹp ấy. Em trở thành hạt nhân của bức tranh với vẻ đẹp xứ lạ phương xa. Câu thơ thứ ba xuất hiện lập tức khổ thơ như tràn đầy âm nhạc.
Khèn lên man điệu nàng e ấp.
Những âm thanh phát ra từ nhạc cụ của đồng bào Tây Bắc đối với người lính Tây Tiến vừa lạ vừa có vẻ hoang dại mang tính sơ khai mà đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chính cái lạ ấy làm đắm say tâm hồn những chàng trai Tây Tiến gốc Hà Nội hào hoa. Từ "man điệu" mà Quang Dũng sử dụng ở đây cũng rất tài hoa. Người đọc như được chứng kiến những vũ khúc hoang sơ của văn hóa Âu Lạc. Vũ khúc ấy hòa với vũ điệu Em duyên dáng, e ấp, tình tứ. Ta chú ý tác giả sử dụng từ : Ban đầu là "em" tiếp đến là "nàng" rồi sau lại là "em". Từ cách sử dụng ấy ta cảm nhận được em như một nàng tiên kiều diễm và ta như lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngây ngất. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến thực sự ngất ngây trước người và cảnh.
Sẽ rất thiếu sót nếu như chúng ta dừng lại ở đây. Bởi lẽ bốn câu sau của đoạn thơ mới thực sự thi vị. Cả bốn câu là cảnh sắc Tây Bắc gợi cảm giác mênh mang, huyền ảo:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Một không gian bảng lảng khói sương như trong cõi mộng cứ thế hiện ra. Cái thực của khí trời Tây Bắc, cái mộng của không khí bảng lảng sương khói hiện lên như một miền cổ tích. Ta nhớ rằng Quang Dũng là một họa sĩ bởi vậy đoạn thơ đậm màu sắc hội họa. Nét bút phác thảo của Quang Dũng thật là tài hoa. Chỉ một vài nét chấm phá vậy mà cái hồn của cảnh vật và con người hiện lên thật sinh động đầy sức cuốn hút.
Không gian dòng sông buổi chiều giăng mắc một màu sương, sông nước bến bờ hoang dại như một bờ tiền sử. "Hồn lau" những cây lau không còn vô tri vô giác mà có linh hồn. Phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn mới cảm nhận được hồn lau đang dăng mắc dọc nẻo bến bờ. Không gian nên thơ ấy làm nền cho người thơ xuất hiện:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Câu thơ không tả mà gợi, gợi cái dáng mềm mại uyển chuyển của cô gái trên chiếc thuyền độc mộc. Cảnh rất thơ và người cũng rất tình. Bởi vậy tác giả như ngây ngất đắm say trước cảnh và người, ở đây cảnh như làm duyên với người.
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Duyên dáng đến độ và tình tứ cũng hết lời: Bông hoa rừng cũng đong đưa làm duyên với người. Cảnh và người hòa quyện đồng điệu, tình tứ đến mê say trong cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Ta có cảm nhận đây là thế giới của cõi mộng, cõi mơ, cõi thơ và cõi nhạc. Thơ và nhạc là hai yếu tố tạo nên bức tranh Tây Bắc nên thơ, mĩ lệ. Ai nói rằng Tây Bắc là xứ rừng thiêng nước độc xin hãy một lần để cho tâm hồn mình lắng lại để chất thơ Tây Bắc ngấm vào hồn.
Đoạn thơ bộc lộ chất tài hoa, chất lãng mạn của Quang Dũng đến tuyệt vời. Cảm ơn nhà thơ đã cho ta một chuyến hành trình về với Tây Bắc thơ mộng để khám phá Tây Bắc và yêu Tây Bắc.
--------------- Hết ---------------
Khi viết bài văn cảm nhận và phân tích đoạn thơ thứ hai trong bài Tây Tiến, người đọc sẽ cảm nhận được những kỉ niệm ấm áp của cuộc đời người lính. Bên cạnh cảm nhận và phân tích đoạn thơ thứ hai trong bài Tây Tiến các em học sinh cần tìm hiểu thêm những bài văn Phân tích từ Hoa trong bài Tây Tiến hay phần Hình ảnh miền Tây Tổ Quốc qua bài thơ Tây Tiến để ôn tập, củng cố kiến thức của mình.