Đề bài: Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy
Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ "Từ ấy" và trích dẫn khổ thơ đầu
2. Thân bài
- Hai câu thơ đầu:
+ Đánh dấu mốc thời gian đáng nhớ được bước vào hàng ngũ của Đảng "Từ ấy"
+ Ca ngợi Đảng và lí tưởng của Đảng "Mặt trời chân lí"
+ Tình cảm và sự trân trọng, biết ơn của nhà thơ đối với Đảng "chói qua tim"...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy tại đây.
Nhà thơ Tố Hữu - một lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với những vần thơ mang đậm tính trữ tình, chính trị và hơn thế đó là tính dân tộc. Bài thơ "Từ ấy" được trích từ một tập thơ cùng tên in trong phần "Máu lửa", bài thơ được viết khi Tố Hữu còn là một cậu thanh niên mười tám đôi mươi vinh dự được đứng trong hàng ngũ dưới lá cờ của Đảng. Bài thơ không chỉ thể hiện nhận thức về lẽ sống và những chuyển biến trong tư tưởng tình cảm của Tố Hữu mà trước hết ta thấy được đó là niềm vui sướng, hạnh phúc khi được đón nhận lí tưởng của Đảng trong khổ thơ đầu bài thơ:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Chàng trai trẻ Tố Hữu đã không thể giấu được niềm vui sướng khôn cùng khi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ở hai câu thơ đầu ta thấy được sự tin tưởng, tự hào mà nhà thơ dành cho lí tưởng của Đảng, lí tưởng của Cách mạng:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lí chói qua tim"
Mở đầu bằng một mốc thời gian "Từ ấy", đó chính là mốc thời gian tháng 7 năm 1938 đáng nhớ, là kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời của nhà thơ, vào thời điểm đó Tố Hữu được kết nạp vào Đảng, đứng dưới lá cờ Đảng tuyên thệ lời thề son sắt nguyện hi sinh cho lí tưởng của Đảng, sự nghiệp của cách mạng. Hình ảnh "bừng nắng hạ" là hình ảnh ẩn dụ cho ánh sáng của lí tưởng Đảng, lí tưởng cách mạng cộng sản, đó là ánh sáng tươi mới, rực rỡ và mãnh liệt. Hình ảnh "Mặt trời chân lí chói qua tim" đã khẳng định và nhấn mạnh lí tưởng của Đảng như ánh mặt trời, mặt trời của chân lí đã soi rọi trái tim, chiếu rọi vào tâm hồn của nhà thơ, các động từ mạnh như "bừng", "chói" đã gợi tả một nguồn ánh sáng mạnh xua tan mây mù che mắt của lớp tiểu tư sản, khiến nhà thơ bừng tỉnh, giác ngộ. Từ đó tâm hồn nhà thơ như bừng dậy một sức sống mới:
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
Với bút pháp trữ tình lãng mạn kết hợp hình ảnh so sánh rất độc đáo "Hồn tôi là một vườn hoa lá", đã thể hiện một tâm trạng phấn khích, yêu đời và niềm say mê khôn xiết của nhà thơ, tâm hồn nhà thơ bỗng chốc trở thành một mảnh vườn đang đâm hoa kết trái, rộn ràng và náo nức "Rất đậm hương và rộn tiếng chim". Tâm hồn nhà thơ khi ấy là vườn cây cối xanh tươi hoa lá chim chóc rộn rã, đối với mảnh vườn ấy có gì quý hơn ánh sáng mặt trời và đối với tâm hồn còn non trẻ, ngây dại của nhà thơ, còn gì quý hơn được lí tưởng cao đẹp dẫn dắt, niềm sung sướng, say mê của Tố Hữu là niềm sung sướng của cây cối được đón ánh mặt trời. Nhờ có lí tưởng cách mạng mà cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa, thêm yêu đời và khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước, cho cuộc đời.
Qua khổ thơ đầu bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu, ta cảm nhận được niềm vui sướng khi bắt gặp lí tưởng đúng đắn, đồng thời đó cũng phần nào bộc lộ sự chân thành của người thanh niên cộng sản đối với Đảng và cách mạng. Lí tưởng của Đảng đã mở ra một chân trời mới cho chàng thanh niên Tố Hữu, một chân trời hoàn toàn mới mẻ của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
---------------HẾT----------------
Trên đây là nội dung bài Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy, để tìm hiểu về nội dung và những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ, các em có thể tham khảo: Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy, Trình bày sự chuyển biến trong tình cảm của cái tôi trữ tình trong bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng, Cảm nhận bài thơ Từ ấy.