Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc
Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc
1. Mở bài
Dẫn dắt, trích dẫn câu nói và nêu vấn đề về "học vấn" và quê hương, Tổ quốc
2. Thân bài
a, Giải thích
- "Học vấn" là kho tàng tinh hoa của nhân loại, được tiếp thu qua quá trình học tập, rèn luyện
- "Học vấn không có quê hương": Tri thức của nhân loại được tích lũy qua nhiều thời kỳ, từ khắp mọi nơi trên thế giới, không có khởi nguồn cũng không có kết thúc. Tri thức là vô cùng vô tận, việc học là quá trình lâu dài, không giới hạn phạm vi không gian hay thời gian.
- "Tổ quốc": Là quê hương, là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, là duy nhất trong cuộc đời mỗi người
- "Nhưng người học phải có Tổ quốc": Nhắc nhở về vị trí và vai trò của quê hương, Tổ quốc...(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc đầy đủ tại đây.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, tình yêu nước luôn là tình cảm tốt đẹp mà cha ông ta đời đời ngợi ca, nhắc nhở. Có rất nhiều câu chuyện, có rất nhiều bài thơ và rất nhiều câu nói gợi nhắc về tình cảm thiêng liêng cao quý đó. Tuy nhiên, câu nói của nhà bác học Louis Pasteur "Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc" đã thực sự gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ sâu xa.
Trong câu nói của mình, L.Pasteur đã nhắc đến "Học vấn" "quê hương" và "Tổ quốc". Học vấn là những kiến thức mà con người có thể tiếp thu được qua quá trình học tập và rèn luyện từ nhiều nguồn khác nhau. Nó thực chất là những giá trị tri thức, tinh thần được nhân loại tích lũy từ thuở sơ khai đến thời điểm hiện tại. "Tổ quốc" là quê hương, đất nước, là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi ấy có gia đình và những người thân yêu nhất của chúng ta. "Học vấn" và "Tổ quốc" đều giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và tương lai.
Câu nói của L.Pasteur quả thật sâu sắc và đúng đắn. Trước tiên, ông khẳng định "Học vấn không có quê hương". Nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của loài người cũng như thực tế cuộc sống, những giá trị tri thức tinh hoa của con người không bắt nguồn từ một địa danh cụ thể nào mà có từ rất nhiều nơi trên thế giới. Nó khởi nguồn từ những nơi khác nhau, rồi gặp nhau để cùng tạo nên những giá trị to lớn hơn. Nó vượt qua khỏi giới hạn thời gian và không gian, không có điểm xuất phát cũng không có điểm kết thúc. Biết bao thành tựu tri thức và văn hóa từ thời cổ đại được lưu giữ đến ngày hôm nay, trở thành một trong những thành tựu văn minh vĩ đại nhất của nhân loại. Công cụ lao động bằng sắt, bằng đồng vốn đã xuất hiện từ thời nguyên thủy, nhưng đến mãi sau này con người mới chế tạo ra những thiết bị máy móc hiện đại tiên tiến hơn. Vậy đâu mới là quê hương của sự sáng tạo đó? Những phương tiện giao thông như máy bay, tàu điện ngầm,... phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nhiều thế hệ nhà bác học ở nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành nghiên cứu và và sáng tạo mới có thể hoàn thành.
Học vấn vốn là là kho tàng vô cùng vô tận, còn sự học của con người thì giống như Lênin từng nói "Học, học nữa, học mãi", suốt đời cũng không chắc có thể trọn vẹn. Mỗi quốc gia, mỗi địa danh với nền văn minh khác nhau lại mang đến cho ta những vốn tri thức khác nhau. Nhiều người lựa chọn con đường du học, rời xa quê hương để đi đến những đất nước văn minh, có nền giáo dục tiên tiến và hiện đại được đánh giá cao trên thế giới. Thế nhưng dù đi bao xa đi chăng nữa, nơi mà chúng ta trở về sau cùng vẫn là quê hương, là Tổ quốc thân yêu. Bởi "Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc".
Chúng ta sinh ra và lớn lên tại một vùng đất được gọi tên bằng hai chữ "quê hương" "Tổ quốc". Đó là nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, chập chững những bước đi đầu tiên. Đó là nơi cha ông ta, tổ tiên ta khai thiên lập địa, phải hi sinh bao nhiêu mồ hôi công sức, phải hi sinh bao nhiêu máu xương tính mạng kiên quyết bảo vệ và dựng xây. Nơi ấy không chỉ có gia đình, những người cùng chung một dòng máu với chúng ta mà còn có cả những người anh em đồng bào. Con người học tập để nâng cao vốn tri thức, nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Không chỉ vì mục tiêu thành công, không chỉ vì tương lai của bản thân mà còn để phục vụ cho quê hương, đất nước.
Bạn có thể đi đến khắp mọi nơi trên thế giới, tìm đến những những miền đất vang danh với vốn học vấn nổi tiếng của nhân loại. Cùng một lĩnh vực học vấn, có rất nhiều trường học trên thế giới cùng đào tạo, không học tập ở môi trường này bạn có thể lựa chọn môi trường khác. Giống như lĩnh vực truyền thông, ngoài châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt trên thế giới.
Tuy nhiên, quê hương, Tổ quốc thì mỗi người chỉ có một mà thôi. Đó là điểm tựa chắc cho chúng ta có thể bay cao bay xa. Khi khôn lớn trưởng thành, chúng ta có thể rời xa quê hương để tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân, từng bước xây dựng tương lai và cuộc sống của mình. Có người rời những vùng nông thôn để lên thành phố học tập, có người rời xa cả đất nước để đến những quốc gia khác. Trong số họ, có những người vì mải mê cuộc sống ở những nơi xa xôi mà quên đi cội nguồn của mình, xuất ngoại rồi có lẽ sẽ không quay trở về quê hương nữa. Nhưng cũng có rất nhiều người, dù đi bao xa vẫn nhớ về quê hương của mình. Họ nỗ lực học tập và làm việc ở những mảnh đất xa xôi, dù phải lo cho cuộc sống của bản thân vẫn không quên quay trở lại hoặc góp phần xây dựng quê hương, Tổ quốc bằng năng lực của bản thân mình. Có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu như chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Lịch sử dân tộc đã khắc ghi câu chuyện về cuộc đời người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, rời xa quê hương với hai bàn tay trắng, vượt năm châu bốn biển, đi đến nhiều quốc gia trên thế giới để học hỏi và và tìm ra con đường cứu nước. Sau nhiều năm bôn ba xứ lạ, Người vẫn không quên nỗi đau và hiểm cảnh mà dân tộc đang phải gánh chịu. Vượt bao chông gai và thử thách, Người luôn một lòng hướng về quê hương và quyết tâm quay trở lại để lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nền độc lập, tự do của Tổ quốc ta ngày hôm nay, cuộc sống yên bình mà chúng ta đang được hưởng thụ sẽ không thể tồn tại nếu như người thanh niên năm ấy rời xa Việt Nam mà không quay trở lại.
Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần hiểu rằng, trong suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã phải hy sinh rất nhiều để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc khỏi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết bao người đã ngã xuống, để lại sau lưng tuổi thanh xuân và niềm đau vô tận của gia đình để chiến đấu vì quê hương vì Tổ quốc. Nếu không có họ, thế hệ chúng ta hôm nay liệu có cơ hội được học tập và sinh sống, được tự do để đi đến nhiều miền đất, tiếp thu thêm nhiều vốn kiến thức và tinh hoa văn hóa của nhân loại hay không? Đó là câu hỏi mà ai cũng dễ dàng có được đáp án cho mình.
Như vậy, có thể kết luận rằng câu nói của L.Pasteur là vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ nhắc nhở chúng ta về con đường học vấn vô tận, mà còn nhắc nhở cả về giá trị thiêng liêng của Tổ quốc, của quê hương. Từ đó, mang đến cho người đọc những bài học sâu sắc. Chúng ta cần có trách nhiệm và ý thức để học hỏi không ngừng, tiếp thu vốn tinh hoa văn hóa vô cùng vô tận của nhân loại. Đồng thời cần phải ghi nhớ ý nghĩa của quê hương, ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân với quê hương.
Học tập để nâng cao vốn hiểu biết của bản thân, để trở thành người có ích, để đạt được những mục tiêu và vươn tới thành công. Học tập còn để góp phần dựng xây quê hương và đất nước. Hãy luôn ghi nhớ ý nghĩa của quê hương, ghi nhớ cội nguồn của mình. Đừng đi quá nhanh mà vô tình đánh mất đi những giá trị đích thực của cuộc sống bởi: "Quê hương mỗi người chỉ một mà thôi".
------------------------HẾT--------------------------
Trong tuyển tập những bài văn hay lớp 12, bên cạnh Suy nghĩ về câu nói: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc, chúng tôi còn hướng dẫn các em hoàn thành một số đề văn khác như: Suy nghĩ về câu nói: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất những giá trị thực, Suy nghĩ về câu nói: Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người..., Suy nghĩ về câu nói: Một tấc đất, tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc xâm chiếm, Suy nghĩ về câu nói: Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân...