Ô nhiễm không khí là gì? nguyên nhân, tác hại
1. Ô nhiễm không khí là gì?
Ô nhiễm không khí (tiếng Anh là air polution) là tình trạng môi trường bị nhiễm các loại hoá chất, hợp chất độc hại làm giảm chất lượng không khí hoặc gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sức khoẻ của con người. Ô nhiễm không khí có lẽ là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
2. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Các hoạt động của con người như khai thác, xây dựng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, luyện kim, v.v.
- Thảm hoạ tự nhiên như núi lửa phun trào, cháy rừng, ...
Các chất hoá học độc hại được xem là có hại cho môi trường là:
- Cacbon đi-ô-xít (CO2) được thải ra từ các quá trình đốt cháy, hoạt động của vi sinh vật, hô hấp của thực vật.
- Sulfur oxit ( SOx) đặc biệt là SO2, khí độc được tạo ra bởi hoạt động núi lửa, các quá trình công nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch.
- Oxit nitơ
- Carbon monoxit
- Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs): mêtan(CH4), toluene và xylene, benzen thơm, ....
- Các hạt mịn (PM) được sản sinh từ các hoạt động núi lửa, cháy rừng, nhiên liệu hóa thạch, khai thác, đúc, v.v.
- Thuỷ ngân và chì từ các hoạt động công nghiệp, khai thác, đúc,....
- Khí Chlorofluorocarbons
- Amoniac
- Chất phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân, vụ nổ chiến tranh, v.v.
3. Hậu quả của ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng xấu đến trái đất. Một số hậu quả nghiêm trọng nhất phải kể đến là:
Ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và động, thực vật: Thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí, con người dễ gặp các vấn đề sức khoẻ về hô hấp và tim mạch như viêm phổi, hen suyễn, ung thư, suy tim, xoang, bệnh liên quan đến tai, mũi họng... Cũng giống như con người, động vật cũng phải đối mặt với một số tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí. Hóa chất độc hại có trong không khí có thể khiến các loài động vật hoang dã phải di chuyển đến môi trường mới và thay đổi môi trường sống của chúng. Các chất ô nhiễm độc hại lắng đọng trên bề mặt nước cũng có thể ảnh hưởng đến động vật biển.
Trái đất nóng lên: Một tác động trực tiếp khác của ô nhiễm không khí là khiến trái đất nóng lên. Với nhiệt độ tăng trên toàn thế giới, mực nước biển tăng và băng tan từ các vùng lạnh và băng trôi, con người sẽ phải đối mặt với các thảm hoạ tự nhiên, gây thiệt hại về người và của cải.
Mưa axit: Các khí độc hại như nitơ oxit và lưu huỳnh oxit được thải vào khí quyển trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Khi trời mưa, các giọt nước mưa kết hợp với các chất ô nhiễm không khí này tạo nên axit và sau đó rơi xuống đất dưới dạng mưa axit. Mưa axit có thể gây thiệt hại lớn cho người, động vật và cây trồng.
Suy giảm tầng ozone: Ozone nằm trong tầng bình lưu của Trái đất và có chức năng là bảo vệ con người khỏi các tia cực tím (tia UV) có hại. Tầng ozone của Trái đất đang bị suy giảm vì nhiều khí chlorofluorocarbons, hydrochlorofluorocarbons trong khí quyển. Khi tầng ozone mỏng đi, nó sẽ phát ra các tia có hại trên trái đất gây ra các vấn đề liên quan đến da và mắt. Tia UV cũng có ảnh hưởng xấu đến cây trồng và động vật.
4. Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam
Việt Nam là đất nước đang phát triển và còn phụ thuộc nhiều vào nhiều vào các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Do vậy, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu đô thị.
Những ngày gần đây, sau khi khảo sát chỉ số ô nhiễm không khí (hay còn gọi là chỉ số chất lượng không khí) ở một số thành phố lớn trên thế giới và ở Việt Nam, mọi người đều cảm thấy ái ngại về tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội và ô nhiễm không khí tại TPHCM. Đáng chú ý nhất là Hà Nội, sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, Hà Nội bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Bạn đọc tham khảo cách kiểm tra chất lượng không khí trên PC tại đây.
5. Giải pháp khắc phục và phòng ngừa ô nhiễm không khí
Giải pháp hàng đầu để phòng ngừa và khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí là mỗi người trong chúng ta nên nâng cao ý thức bảo vệ không khí. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về ô nhiễm không khí đến cộng đồng cũng là rất quan trọng. Để góp phần tạo dựng bầu không khí trong sạch và lành mạnh, mọi người được khuyến cáo:
Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Thay vì sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ô tô, mọi người nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt để góp phần làm giảm các khí thải độc hại ra môi trường. Đi chung xe với bạn bè, người thân, đồng nghiệp,..cũng là một giải pháp hay góp phần làm giảm tắc đường và khí thải. Các giải pháp này còn giúp bạn tiết kiệm chi phí đi lại rất nhiều
Tiết kiệm năng lượng: Hãy tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt các thiết bị điện tử như đèn, quạt, ....trước khi ra ngoài để hạn chế tình trạng cháy nổ, gây ô nhiễm không khí.
Tái sử dụng, tái chế: Chúng ta không nên vứt đồ đi mà hãy xem xét xem những đồ đó có thể tái chế và tái sử dụng được không. Việc này sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên cho trái đất và tiết kiệm tiền của cho chính bạn.
Sử dụng các nguồn năng lượng sạch và thiết bị sử dụng năng lượng sạch
Các nguồn năng lượng như năng lượng mặt trời, gió, nước, điện...được xem là những nguồn năng lượng sạch vì chúng ít gây ra ô nhiễm không khí. Do vậy bạn nên tận dụng tối đa các nguồn năng lượng này bằng cách sử dụng các thiết bị như bình nóng lạnh năng lượng mặt trời, xe điện,... để bảo vệ không khí và tiết kiệm tiền bạc.