Nghị luận về cho và nhận hay nhất, ngắn gọn

Đề bài: Nghị luận về cho và nhận

Nghị luận xã hội ý nghĩa của cho và nhận trong cuộc sống

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
III. Bài văn mẫu.

 

I. Dàn ý Nghị luận về cho và nhận:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: cho và nhận.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Cho: trao đi, chia sẻ một cách chủ động.
- Nhận: nhận lại, tiếp nhận.
=> Cho và nhận là hai yếu tố liên kết chặt chẽ với nhau.
b, Biểu hiện:
- Những phong trào tình nguyện trên vùng cao hàng năm.
- Trong dịch Covid, nhiều hàng quán phát đồ ăn miễn phí cho mọi người; các cây ATM gạo được dựng lên;...
- Những người biết trao đi sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng.
c, Ý nghĩa:
- Giúp mỗi cá nhân rèn luyện sự nhân ái, vị tha.
- Gắn kết mọi người trong xã hội.
- Giúp những người gặp khó khăn có được cuộc sống tốt hơn, thêm niềm tin vào cuộc sống.
d, Liên hệ thực tế:
- Còn nhiều người sống khá vô cảm, chưa biết sẻ chia.
- Có người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi cho bản thân, chỉ biết nhận chứ không biết cho.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Giữ cho bản thân sự yêu thương, lòng vị tha.
- Lan tỏa những điều tốt đẹp đến thế giới.
- Lên án, phê phán những trường hợp sống ích kỉ, không biết chia sẻ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề cần bàn luận.

 

II. Đoạn văn Nghị luận về cho và nhận lớp 9 hay nhất, ngắn gọn:

 

1. Viết đoạn văn ngắn về cho và nhận hay - mẫu số 1:

Trong cuộc sống, ai cũng cần phải biết cho và nhận. Đó là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết, liên kết chặt chẽ với nhau. Con người có "cho" thì sẽ có "nhận". Đó là khi họ trao đi một điều gì đó, cũng là khi được thu lại kết quả, sự đền đáp tương xứng. Điều này không đơn giản chỉ liên quan đến những thứ vật chất cụ thể mà còn liên quan đến cả yếu tố tinh thần. Một vài ví dụ có thể kể đến phong trào tình nguyện, từ thiện để giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số ở vùng gặp khó khăn; những mạnh thường quân quyên góp của cải, vật chất, đóng góp cho công cuộc chống dịch của nước nhà;... Tất cả hành động đó đều đã mang đến bao giá trị tốt đẹp, lan tỏa tình yêu thương và gắn kết cả cộng đồng lại với nhau. Ấy vậy nhưng vẫn còn xuất hiện một vài trường hợp sống ích kỉ, vụ lợi, không biết quan tâm đến người khác. Những người như vậy cần được nhắc nhở, góp ý và sửa đổi nhanh chóng, tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Mỗi người hãy tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức, góp phần đưa sự văn minh, tốt đẹp tới cộng đồng. Có như vậy, thực tại mới trở nên đáng sống hơn, đem niềm vui và hạnh phúc đến với mọi người.

------------------------------

Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9 khác trên Taimienphi.vn nhé: Nghị luận về tinh thần học hỏi, Nghị luận về trò chơi điện tử; Nghị luận về đức tính khiêm nhường, Nghị luận về vai trò của sách....

 

2. Đoạn văn Nghị luận về cho và nhận - mẫu số 2:

Cho và nhận là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam từ bao đời nay. Chúng có mối quan hệ vô cùng mật thiết, liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như "cho" là trao đi thì "nhận" chính là có được, nhận về. Điều này luôn hiện hữu trong cuộc sống. Từ những hành động rất đơn giản như chia sẻ đồ ăn với bạn bè đến những điều lớn lao hơn như quyên góp, làm từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Dù ít hay nhiều, chúng đều được xuất phát từ tình yêu thương không chút vụ lợi, mang đến rất nhiều giá trị cho xã hội. Đôi lúc con người cho đi, thứ nhận lại được chỉ là một lời cảm ơn, một nụ cười chứ không phải thứ của cải vật chất giá trị nào. Nhưng thế cũng là đủ để bản thân cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc trong việc san sẻ. Điều này vừa giúp gắn kết các mối quan hệ, vừa lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn trường hợp sống khá ích kỉ. Những người đó chỉ muốn nhận lại chứ không chịu cho đi. Họ làm đủ mọi việc có lợi cho bản thân mà không quan tâm chúng có phù hợp với quy chuẩn đạo đức của xã hội hay không. Đó là những kẻ đáng phê phán, gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển chung của cộng đồng. Vậy nên, mỗi người hãy rèn luyện bản thân thật tốt. Hãy giữ cho mình lòng yêu thương, bao dung và sẻ chia, mang những điều tích cực đến cho bản thân và xã hội. Nhờ điều đó, cuộc sống con người sẽ trở nên ý nghĩa và có giá trị hơn rất nhiều.

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống

 

III. Bài mẫu Nghị luận về cho và nhận hay nhất:

"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Câu thơ này của Tố Hữu đã đề cập đến một mối quan hệ tất yếu trong cuộc sống, đó chính là cho và nhận. Những yếu tố này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và phát triển nhân cách của con người.

Cho và nhận được coi như quy luật hiển nhiên, vốn có của cuộc sống. "Cho" là sự trao đi một cách chủ động, sẻ chia thứ của mình, đưa nó đến với những người khác. Còn "nhận" là lấy, tiếp nhận món quà, lòng tốt của người khác gửi đến mình. Giữa hai yếu tố này có mối liên kết chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Việc cho và nhận được biểu hiện qua rất nhiều hành động trong cuộc sống. Con người có thể trao cho nhau những thứ vật chất cụ thể như tiền bạc, quần áo, đồ dùng,... bằng các hình thức quyên góp, ủng hộ. Hoặc họ cũng có thể giúp đỡ người khác về mặt tinh thần bằng cách lắng nghe, dùng hành động để sẻ chia, động viên. Dù là cách nào thì chúng đều xuất phát từ tình yêu thương chân thành, tự nguyện của mỗi cá nhân. Chỉ khi không mong cầu, vụ lợi, sự cho đi mới thực sự mang lại ý nghĩa.

Khi biết cho đi, ắt hẳn sẽ được nhận lại. Chính điều đó là "chất keo" gắn kết mối quan hệ giữa người với người. Chúng giúp mỗi cá nhân ngày một nhân ái, vị tha hơn, đồng thời có được sự tôn trọng, yêu mến của cộng đồng. Có thể kể đến những ví dụ rất đẹp như hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng ở quận Bình Tân, nhiều bình trà đá miễn phí đặt ven đường Sài Gòn, những cây ATM gạo trong khoảng thời gian dịch Covid hoành hành,... Tất cả đã đem đến bao giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Trên thực tế, bên cạnh rất nhiều người tốt, vẫn còn tồn tại những trường hợp chỉ muốn nhận chứ không chịu cho đi. Họ sống vị kỉ, coi chính mình là quan trọng nhất, không mảy may quan tâm đến cộng đồng. Thậm chí, có kẻ còn lợi dụng lòng tốt của người khác nhằm trục lợi cho bản thân. Những hành động như vậy đã gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.

Vậy nên, mỗi cá nhân hãy giữ tình yêu thương, sự vị tha cho bản thân, lan tỏa chúng đến với những người xung quanh. Đồng thời, phê phán lối sống ích kỉ, vụ lợi. Chỉ cần cả cộng đồng cùng cố gắng, xã hội sẽ phát triển ngày càng văn minh và tiến bộ hơn.

Nhìn chung, cho và nhận là những yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống con người. Hãy biết sử dụng chúng một cách thông minh, phù hợp, đóng góp thêm nhiều giá trị tốt đẹp cho nhân loại.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Sống trong một cộng đồng, con người cần biết cho và nhận, trao đi yêu thương để nhận lại những giá trị tốt đẹp. 

Nghị luận về cho và nhận, Ngữ văn 9, học kì II là đề bài bàn luận về một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người. Em hãy tham khảo những mẫu sau trên Taimienphi.vn để có thêm ý tưởng hoàn thành bài viết cho bản thân nhé!
Nghị luận về trang phục và văn hóa hay nhất, ngắn gọn
Nghị luận về lắng nghe và thấu hiểu hay nhất, ngắn gọn
Nghị luận về lối sống giản dị, top bài văn hay nhất, ngắn gọn
Bài văn Nghị luận về sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống hay nhất, ngắn gọn
Nghị luận về sửa chữa lỗi lầm ngắn gọn, hay nhất
Nghị luận về niềm tin vào bản thân hay nhất, ngắn gọn

ĐỌC NHIỀU