Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc hay chọn lọc

Đề bài: Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về thiên nhiên và con người Việt Nam qua bài Việt Bắc

 

I. Dàn ý Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc ngắn gọn (Chuẩn)


1. Mở bài

- Tố Hữu là nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam, mỗi một chặng đường thơ của ông đều luôn gắn bó mật thiết với các chặng đường cách mạng dân tộc.
- Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao của nền thơ kháng chiến chống Pháp, trong đó hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc đã hiện lên thật đẹp đẽ và nhiều ý nghĩa gói gọn trong mười câu thơ từ câu số 43 đến câu 52.

2. Thân bài

* Bức tranh mùa đông:
- Bút pháp chấm phá, gợi mà không tả, màu xanh thẫm của núi rừng Tây Bắc tạo cảm giác lạnh lẽo, âm u.
- Màu đỏ tươi của hoa chuối và màu vàng nhạt của nắng góp phần làm giảm bớt đi cái lạnh lẽo giúp bức tranh trở nên ấm áp và ấn tượng hơn...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc tại đây

 

II. Bài văn mẫu Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc hay nhất của học sinh giỏi (Chuẩn)


1. Bài văn Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc ngắn hay số 1

1.1 Dàn ý cảm nhận vẻ đẹp cảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc.

1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ "Việt Bắc".
1.1.2. Thân bài: 
1.1.2.1. Khái quát chung:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 10 - 1954, thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Khi ấy, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định rời căn cứ từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy Tố Hữu đã xúc động viết bài thơ. 
- Chủ đề: Bài thơ vừa là bản hùng ca để tổng kết về một giai đoạn lịch sử gian nan vừa là bản tình ca tươi xanh ngợi ca nghĩa tình cách mạng. 
1.1.2.2. Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ "Việt Bắc": 
a, Bức tranh mùa đông: 
- Thiên nhiên: "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi":
+ Cả một rừng xanh bạt ngàn với màu đỏ của hoa chuối.
+ "Đỏ tươi" không chỉ là tính từ chỉ màu sắc mà còn chứa đựng cả sự bừng thức của một thoáng rung động rất đỗi thi nhân.
- Con người: "Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng": 
+ Con người xuất hiện trên đỉnh đèo cao.
+ Tâm thế hiên ngang làm chủ cuộc sống.
b, Bức tranh mùa xuân: 
- Thiên nhiên: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng":
+ Những bông hoa mơ với sắc trắng bạt ngàn khắp khu rừng
+ "Mơ nở": Gợi sự sống đang căng tràn. 
- Con người: "Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang": 
+ Con người hiện lên trong công việc đan nón đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận.
+ Nỗi nhớ về con người.
c, Bức tranh mùa hạ: 
- Thiên nhiên: "Ve kêu rừng phách đổ vàng": 
+ Tiếng ve kêu âm thanh đặc trưng báo hiệu mùa hè đến. 
+ Ve kêu làm rừng phách đổ vàng => Sự chuyển màu của thảo mộc. 
- Con người: "Nhớ cô em gái hái măng một mình": 
+ Cô sơn nữ hiện lên trong công việc hái măng.
=> Thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con người lao động. 
d, Bức tranh thiên nhiên mùa thu: 
- Thiên nhiên: "Rừng thu trăng rọi hòa bình":
+ Ánh trăng viên mãn, tròn đầy soi sáng. 
+ Ánh trăng tượng trưng cho độc lập, tự do của cả dân tộc. 
- Con người: "Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung": 
+ Tiếng hát chân thành, thủy chung, ngợi ca nghĩa tình cách mạng.
+ Tiếng hát ân tình khép lại khổ thơ để nhấn mạnh rằng tiếng lòng giữa người đi - kẻ ở vẫn đang vang vọng mãi. 
1.1.3. Kết bài: 
- Khẳng định lại vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong tác phẩm:
+ Giá trị nội dung: Cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng Việt Bắc và hình ảnh con người chịu thương, chịu khó, nghĩa tình. 
+ Giá trị nghệ thuật: Các hình ảnh thơ gần gũi, tạo nhiều sự liên tưởng, cách gieo vần, ngắt nhịp tinh tế, tạo sự nhịp nhàng cho từng lời thơ. 
- Liên hệ mở rộng. 

1.2. Bài văn Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:

Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Là người trực tiếp tham gia cách mạng, những sáng tác của ông thường tái hiện lại chính những gì bản thân đã trải qua. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bài thơ "Việt Bắc". Tác phẩm đã thành công vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh nhất về khung cảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc. 

Bài thơ "Việt Bắc" được viết vào tháng 10 - 1954, thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Khi ấy, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định rời căn cứ từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã xúc động viết nên tác phẩm. Đây vừa là bản hùng ca để tổng kết về một giai đoạn lịch sử gian nan, vừa là bản tình ca tươi xanh ngợi ca nghĩa tình cách mạng. 

Trong "Việt Bắc", Tố Hữu đã miêu tả cảnh thiên nhiên bốn mùa và hình ảnh con người nơi đây. Đầu tiên, nhà thơ đã mở ra bức tranh mùa đông với màu xanh căng tràn sức sống:

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng"

Người đọc có thể cảm nhận được khung cảnh mùa đông với gam màu xanh trải dài trên diện rộng. Đó là màu xanh của cành lá đâm chồi nảy lộc, của sự sống ngập tràn. Dường như cái sức sống mãnh liệt đó đã xua tan đi cái lạnh lẽo của rừng già. Điểm vào không gian xanh đó là những chấm đỏ của hoa chuối. "Đỏ tươi" không chỉ là tính từ chỉ màu sắc mà còn chứa đựng cả sự bừng thức của một thoáng rung động rất đỗi thi nhân. Chỉ bằng vài nét bút, Tố Hữu đã giúp độc giả cảm nhận được bức tranh đông ấm áp chứ không hề lạnh lẽo và u ám. Trên nền bức tranh đông đó xuất hiện hình ảnh con người: "đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng". Lúc này, họ như chiếm lĩnh đỉnh cao của cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình. Con người với dáng vẻ khỏe khoắn và đầy tự tin đó đã và đang miệt mài cống hiến cho quê hương, đất nước. 

Sau bức tranh mùa đông, nhà thơ đã mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh mùa xuân đầy thơ mộng:

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"

Bức tranh xuân hiện lên rõ nét với sắc trắng tinh khiết của hoa mơ. Nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện dấu hiệu chuyển mùa một cách linh hoạt từ sắc xanh sang sắc trắng. Màu trắng tinh khiết, nhẹ nhàng của mùa xuân khiến cho không khí trở nên nhộn nhịp hơn. Hai từ "mơ nở" gợi sự sống như đang nảy nở, sinh sôi. Giữa khung cảnh mùa xuân, hình ảnh con người xuất hiện với công việc "đan nón". Con người Việt Bắc khéo léo "chuốt từng sợi giang" để đan lên những vành nón nghĩa tình dành tặng cho bộ đội. Chỉ bằng vài nét bút tác giả đã làm nổi bật sự hài hòa giữa cảnh thiên nhiên và con người trong bức tranh xuân đầy sức sống.

Qua xuân, hè đến với âm thanh tiếng ve quen thuộc:

"Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình"

Nếu mùa đông nổi bật với sắc xanh căng tràn sức sống, mùa xuân với màu trắng tinh khiết thì mùa hè lại nổi bật với màu vàng đặc trưng. Hè về với âm thanh của tiếng ve. Tiếng ca quen thuộc đó vang lên làm cho "rừng phách đổ vàng". Lúc này, khắp nơi tràn ngập trong sắc vàng rực rỡ. Cái hay của nhà thơ Tố Hữu đó là lấy âm thanh gọi dậy sắc màu, lấy không gian để tả thời gian. Chữ "đổ" giống như con mắt thơ đã diễn tả tốc độ mau lẹ và sự đột ngột chuyển màu trên thảo mộc. Khác với phong cảnh núi rừng, con người trong bức tranh hè hiện lên khá trầm lặng với công việc "hái măng một mình". Mặc dù một mình nhưng cô gái không hề cô đơn mà vẫn miệt mài trong công việc của mình. Họ chăm chỉ lao động để góp sức vào công cuộc kháng chiến.

Khép lại cảnh thiên nhiên Việt Bắc đó là bức tranh mùa thu:

"Ngày thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

Thu trong thơ xưa thường buồn: khí thu lạnh lẽo, sắc thu phai tàn, hơi thu hiu hắt. Nhưng cảnh thu trong Việt Bắc mang vẻ đẹp bình yên trong sáng, thơ mộng không gọi một chút buồn. Hình ảnh vầng trăng sáng viên mãn, tròn đầy gợi lên niềm hi vọng về độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh con người một lần nữa xuất hiện gián tiếp qua "tiếng hát ân tình thủy chung". Đó là tiếng hát ngợi ca nghĩa tình cách mạng không gì có thể thay đổi. Ngòi bút tài hoa, tinh tế của thi nhân thể hiện ở chỗ khép lại bức tranh không phải là một nét vẽ mà là bằng một âm thanh. 

Chỉ với một đoạn thơ ngắn, người đọc có thể cảm nhận được cảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc trong bốn mùa. Mỗi mùa đều mang một nét đặc trưng riêng nhưng nhìn chung đều hài hòa giữa cảnh và người. Việc xây dựng các hình ảnh thơ gần gũi, tạo nhiều sự liên tưởng, cách gieo vần, ngắt nhịp tinh tế, tạo sự nhịp nhàng cho từng lời thơ là những yếu tố nghệ thuật giúp cho bài thơ có được thành công vang dội.

 

2. Bài văn Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc ngắn nhất siêu hay số 2

Tố Hữu là nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam, mỗi một chặng đường thơ của ông đều luôn gắn bó mật thiết với các chặng đường cách mạng dân tộc. Các tác phẩm của ông luôn gắn liền với phong cách thơ mang khuynh hướng trữ tình chính trị kết hợp với tính dân tộc đậm đà bản sắc, góp phần to lớn trong việc cổ vũ và ủng hộ Cách mạng thành công. Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao của nền thơ kháng chiến chống Pháp, tác phẩm vinh dự được xem là bản tổng kết bằng thơ của cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của dân tộc đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc, nghĩa tình đối với nhân dân Việt Bắc, núi rừng Việt Bắc xa xôi. Trong suốt tác phẩm có độ dài khá lớn, hình ảnh con người và thiên nhiên Việt Bắc đã hiện lên thật đẹp đẽ và nhiều ý nghĩa. Dẫu rằng hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc được thể hiện kéo dài xuyên suốt cả tác phẩm, thế nhưng cô đọng và hàm súc nhất vẫn là bức tranh thiên nhiên con người gói gọn trong mười câu thơ từ câu số 43 đến câu 52. Mà người ta vẫn thường yên mến gọi đó là bức tranh tứ bình, ở đó cảnh sắc thiên nhiên và con người trong lao động, trong kháng chiến hiện lên theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với những nét đẹp vô cùng đặc sắc, ấn tượng.

"Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

­Bức tranh mùa đông được gợi lên thật ngắn gọn qua hai câu thơ "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng", nhưng đã tái hiện được toàn vẹn vẻ đẹp của cả thiên nhiên và của cả con người. Vẻ đẹp của thiên nhiên rừng đông nằm ở sự hòa sắc tuyệt vời giữa hai màu xanh và đỏ, bằng bút pháp chấm phá chỉ gợi chứ không tả cụ thể với gam màu chủ là màu xanh. Màu xanh của rừng mùa đông không phải là màu xanh non mỡ màng của mùa xuân mà đó là màu xanh thẫm, một gam màu lạnh trải dài bát ngát, tạo nên cho núi rừng Tây Bắc một cảm giác âm u, trầm mặc. Nổi bật trên gam màu xanh ấy là màu đỏ tươi của hoa chuối, khiến người ta liên tưởng đến những ngọn đuốc đang cháy rừng rực giữa một vùng rừng xanh âm u trầm mặc, và người ta còn thấy thấp thoáng một vài đốm nắng nhàn nhạt. Chính sự hiện diện của hai gam màu nóng trên nền xanh lạnh lẽo đã đem lại cho cả núi rừng Tây Bắc một chút ấm áp, xua tan đi bớt những cái giá rét cắt da cắt thịt của mùa đông. Như vậy điều Tố Hữu mong muốn là đưa vào thơ một thiên nhiên Việt Bắc bớt đi sự khắc nghiệt, những thứ đã từng là trở ngại, khiến bộ đội chùn bước trong kháng chiến, để đem đến cho núi rừng Việt Bắc một vẻ đẹp khác biệt, ấn tượng bên cạnh cái khắc nghiệt của thời tiết của địa hình. Bên cạnh vẻ đẹp chấm phá của thiên nhiên, con người Việt Bắc cũng hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động "Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng", lưỡi dao mà tác giả nhắc đến là lưỡi dao chuyên biệt để đi rừng của dân tộc nơi đây, để mở đường vào rừng. Tư thế của con người thể hiện qua từ miêu tả địa hình "đèo cao", một dạng địa hình đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, chập chùng, gập ghềnh muôn kiểu, gợi ra vẻ đẹp mạnh mẽ hiên ngang, với tâm thế làm chủ thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Bức tranh thứ hai chính là bức tranh mùa xuân, thiên nhiên tái hiện qua cây "Ngày xuân mơ nở trắng rừng", tác giả đã có sự chuyển đổi màu sắc rất linh hoạt, chuyển từ một màu xanh thẫm lạnh lẽo sang sắc trắng dịu dàng, khỏe khoắn. Thiên nhiên nổi bật lên với màu trắng của hoa mơ, đó là màu trắng tinh khôi, thanh khiết, trải dài mang sức sống rất mãnh liệt, bức tranh thiên nhiên dường như bừng sáng hẳn lên. Trên nền thiên nhiên ấy ta thấy nổi bật lên vẻ đẹp của con người đang trong công việc lao động nhẹ nhàng, với phẩm chất dồn tụ lại trong hai từ "chuốt từng", cho thấy sự cần mẫn, chăm chỉ, sự cẩn trọng và đặc biệt là phẩm chất tài hoa trong lao động của con người Việt Bắc.

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Bức tranh tiếp theo trong bộ tranh tứ bình chính là bức tranh mùa hạ, thiên nhiên được gợi lên trong câu thơ "Ve kêu rừng phách đổ vàng", bức tranh thiên nhiên mùa hạ không chỉ được tái hiện bằng thị giác mà còn được tái hiện bằng cả thính giác, vẻ đẹp được kết hợp cả hình ảnh và âm thanh. Câu thơ dù chỉ 6 chữ thế nhưng nó đã gợi ra cả một chuỗi vận động liên hoàn, tiếng ve gọi mùa hè, rồi mùa hè lại nhuộm vàng cả rừng phách. Đặc biệt bước đi của thời gian đã được Tố Hữu hữu hình hóa bằng phong cách dùng từ độc đáo "đổ vàng", nhấn mạnh tốc độ chuyển màu nhanh chóng và đồng loạt. Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên rực rỡ chính là hình ảnh con người trong lao động, cách gọi "cô em gái" thể hiện tình cảm gắn bó, thân thuộc của tác giả với đồng bào Việt Bắc. Cô gái hái măng "một mình", gợi ra vẻ đẹp bình dị, lặng lẽ, sự đóng góp âm thầm trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên đất nước.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

Cuối cùng chính là bức tranh mùa thu, đến đây phải nhắc đến một điều mà Tố Hữu đã cố tình dụng ý trong sự phá lệ của trình tự bốn mùa, bức tranh tứ bình bắt đầu vào mùa đông và kết thúc vào mùa thu, chính là sự song hành với cuộc kháng chiến của quân dân ta, sự khắc nghiệt của mùa đông chính là sự gian khổ trong những năm tháng kháng chiến, mùa thu chính là mùa của thu hoạch, là mùa để thu về những quả ngọt sau bao tháng ngày vất vả, đại diện cho sự thắng lợi của quân dân ta. Đồng thời sự khởi đầu và kết thúc này cũng trùng khớp với thời gian mở đầu và kết thúc chín năm kháng chiến ròng rã ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh thiên nhiên mùa thu mở ra với câu thơ "Rừng thu trăng rọi hòa bình", hình ảnh vầng trăng gợi ra nhiều ý nghĩa, trước hết đó là vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Việt Bắc, đồng thời cũng gợi ra những đêm thao thức không ngủ trong suốt chín năm kháng chiến gian khổ, cuối cùng ánh trăng cũng chính là ánh sáng của ấm no, hạnh phúc. Hình ảnh con người Việt Bắc không còn là hình ảnh trong lao động mà là con người đang say sua cất tiếng hát trong giây phút xúc động, lưu luyến của sự chia ly.

---------------------HẾT-------------------------

Việt Bắc là bài thơ trữ tình chính trị nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Tố Hữu, cùng tìm hiểu về bài thơ, bên cạnh bài Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nghĩ về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc, Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để chứng minh nhận định, Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc

Việt Bắc là bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Tố Hữu. Để hiểu hơn về ý nghĩa của bài thơ, các em có thể tham khảo bài cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc, Ngữ văn 12, học kì I trên Taimienphi.vn nhé!
Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ: Ta về, mình có nhớ ta....
Bình giảng bức tranh tứ bình trong bài Việt Bắc
Phân tích 8 câu thơ đầu Tây Tiến của Quang Dũng hay ngắn gọn chọn lọc
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc: "Ta về mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung:
Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh khuya
Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất chọn lọc

ĐỌC NHIỀU