Giới thiệu vấn đề cần cảm nhận:
a. Khởi đầu cho hành động liều lĩnh của Mị là xuất phát từ số phận đau thương:
- Mị là một người con gái xinh đẹp, biết thổi sáo, thổi sáo rất hay, lại được nhiều trai làng ngấp nghé và Mị cũng có riêng cho mình một tình yêu đẹp đẽ.
- Mị bị ép trở thành con dâu gán nợ, thực tế là trở thành một nô lệ suốt đời làm lụng và phục dịch cho nhà thống lý.
- Ban đầu Mị thấy đau khổ quá, Mị đã nhiều lần muốn ăn lá ngón rồi chết quách đi cho đỡ khổ. Thế nhưng cuối cùng vì chữ "hiếu" vì thương cha, sợ mình chết rồi thì người ta lại bắt tội cha, Mị đành quay về sống tại căn nhà lạnh lẽo, ác độc ấy như một cái xác không hồn.
- Mị làm lụng quanh năm suốt tháng, đầu óc không nghĩ gì ngoài chuyện đi làm.
- Đày đọa về mặt tinh thần khi Mị phải sống với người mình không yêu, Mị hoàn toàn mất hết quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.
=> Cuộc đời của Mị chính là một bản án chung thân không hồi kết.
b. Một sự chuyển biến, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Mị khởi đầu cho sự tự giải thoát khi chạy theo A Phủ:
- Tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân réo rắt, vui nhộn quẩn quanh đã khơi gợi lại trong lòng Mị biết bao nhiêu kỷ niệm, khiến lòng Mị sống lại những xúc cảm ham sống, ham hạnh phúc.
- Đỉnh điểm của sự ý thức và sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị được bộc lộ khi Mị ý thức một cách mạnh mẽ rằng: " Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết".
- A Sử về trói Mị vào cột nhà, Mị nghĩ về chuyện đã từng có một người đàn bà trong nhà này bị trói cho đến chết.
=> Điều đó cho thấy một cách rõ ràng rằng Mị vẫn còn yêu cuộc đời này lắm, vẫn còn những khao khát được sống, được hạnh phúc, được tự do.
c. Giải thoát cho A Phủ và tự giải thoát cho bản thân:
- Tận mắt chứng kiến giọt nước cay đắng, xót xa của một người đàn ông "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen" của A Phủ, Mị thấy căm giận, phẫn nộ trước sự bất công và độc ác của đám người nhà thống lý Pá Tra, thấy thương xót và đồng cảm cho cuộc đời của A Phủ.
- Mị lại quyết tâm giải cứu A Phủ, mở cho anh một con đường mới.
- Sau khi thấy người đàn ông trước mặt dù đã sức cùng lực kiệt, khuỵu xuống vì đói rét, nhưng vẫn gắng gượng đứng dậy, dùng hết sức bình sinh sinh chạy, lăn xuống dưới sườn đồi để mưu cầu sự sống.
=> Trong lòng Mị ý thức được rằng Mị đã giải thoát được cho người khác thì cớ sao không thể tự giải thoát cho mình, và thế là Mị không còn do dự gì nữa, chạy lao theo A Phủ.
- Câu nói "Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất" vừa là lời giải thích với A Phủ, vừa là những ý thức sâu sắc của Mị về cuộc đời đầy bế tắc và đen tối ở nhà thống lý Pá Tra, đồng thời cũng bộc lộ cả sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sự vùng dậy mạnh mẽ của nhân vật này để đi theo tiếng gọi của tự do, của hạnh phúc.
- Hành động bỏ trốn của Mị:
+ Kéo Mị ra khỏi ách thống trị đàn áp tàn ác của cường quyền và thần quyền phong kiến.
+ Trở thành động lực, tấm gương cho nhiều những người phụ nữ có chung số phận với Mị ở Hồng Ngài nói riêng và vùng núi phía Bắc nói riêng.
+ Chứng minh được rằng sự đàn áp của cường quyền và thần quyền không bao giờ có thể giam cầm được những con người có tâm hồn khao khát tự do, có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.
Cảm nhận chung
1.2. Bài văn Cảm nhận về hành động Mị chạy theo A Phủ trong Vợ chồng A Phủ:
Những con người sống trong sự áp bức, bóc lột cũng sẽ có ngày vùng lên đấu tranh, giành lại những điều vốn thuộc về mình. Đây là quy luật tất yếu muôn đời: "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh". Vận dụng quy luật này, nhà văn Tô Hoài đã viết nên "Vợ chồng A Phủ". Đây là câu chuyện về Mị, một cô con dâu bị nhà thống lí bóc lột đến mức trở nên lãnh cảm, mất đi khát vọng sống. Thế nhưng, cuối cùng cô cũng thức tỉnh, tự giải thoát cho chính mình. Điều này được thể hiện qua hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm.
Giới thiệu qua về Mị, thời con con gái, cô rất xinh đẹp, tự do, yêu đời. Thế nhưng chỉ vì đời cha nợ bạc nhà giàu, đến đời cô vẫn không trả hết nên Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Cô phải chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu, làm việc vất vả quanh năm để bù lại số tiền mà cha đã nợ. Không chịu nổi, cô quyết định ăn lá ngón tự tử. Nhưng chỉ vì thương cha, cô lại bỏ đi ý định ấy. Ngày ngày sống trong nhà thống lí, cô quên mất bản thân mình là ai. Mị chỉ biết làm việc quanh năm suốt tháng. Người ta thường thấy cô "ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa". Lúc nào cô cũng "cúi mặt", "buồn rười rượi". Không chỉ đánh mất cảm xúc vốn có của mình, cô cũng đánh mất cả khái niệm thời gian. Trong căn buồng cô ở chỉ có một "ô cửa sổ vuông bé bằng lòng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng thấy trăng trắng" không biết là đêm hay ngày. Cô cũng không biết mình đã ở nhà thống lí được bao lâu. Ở nơi ấy, ước muốn được là một con người thực sự, được mặc đẹp, được đi đánh pao, thổi sáo chỉ vừa mới nhen nhóm thôi đã bị vùi dập. Trong đêm tình mùa xuân, cô bị A Sử đánh, trói đứng vào cột chỉ vì muốn đi chơi. Cuộc sống đầy vất vả, tủi cực đó đã biến Mị từ người con gái tràn đầy sức sống trở thành con người vô cảm, lãnh đạm, thờ ơ với mọi thứ.
Thế nhưng, khi nhìn thấy giọt nước mắt trên má A Phủ, sức sống trong con người Mị đã sống dậy. A Phủ vốn là chàng trai khỏe mạnh. Chỉ vì đánh con quan mà anh bị cả làng bắt vạ vô lí, phải đi ở cho nhà thống lí để trừ nợ. Một lần lơ đễnh, A Phủ lỡ để hổ nuốt mất một con bò, anh bị phạt trói đứng vào cột nhà, phải đợi đến khi bắn được con hổ họ mới thả ra. Anh đã bị trói ở đó đã mấy ngày đêm, không còn sức lực gì nữa. Đến khi A Phủ khóc, Mị bỗng cảm thấy trở nên đồng cảm với anh. Cũng đã từng có đêm, Mị bị trói đứng ở chính nơi ấy, cô cũng đau đớn, cũng tuyệt vọng như A Phủ. Cô thương anh "Người kia việc gì mà phải chết như thế". Tuy cô nghĩ nếu mình cởi trói cho A Phủ, bố con thống lí sẽ bắt cô vào trói thay rồi cô sẽ chết ở đấy nhưng cô không sợ. Lòng đồng cảm, tình yêu thương con người đã giúp cô vượt qua nỗi sợ. Mị quyết định cởi trói cho A Phủ một cách đầy dứt khoát, không hề chần chừ. Cô còn thì thào bên tai anh "Đi ngay".
Nhìn theo bóng dáng A Phủ đang dần xa, Mị đứng yên lặng, trơ trọi trong bóng tối. Nhưng có lẽ, trong lòng cô đang có gió giông nổi lên, nội tâm đang đấu tranh mãnh liệt. Rồi rất nhanh, cô vụt chạy theo A Phủ. Tuy trời tối nhưng Mị vẫn cứ băng đi. Đây giống như một hình ảnh ẩn dụ đầy nghệ thuật. Bầu trời tối đen tượng trưng cho cuộc sống đau khổ của người dân trước chế độ phong kiến miền núi. Thế nhưng con người vẫn cứ băng rừng, vượt núi mà đi. Họ đi tìm kiếm tự do, hạnh phúc dù có phải trải chạy, băng, lăn trên những triền dốc dài đầy nguy hiểm. Ở đây, Mị cũng đã quyết định chạy trốn, tìm kiếm cuộc sống trong mơ. Hai câu nói "A Phủ cho tôi đi", "Ở đây thì chết mất" không chỉ là lời cầu khiến của Mị hướng tới A Phủ mà còn thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ của cô. Ở những lần trước, khi nghĩ đến tự do, Mị chọn cái cách tự vẫn. Đây là hình thức thể hiện khát vọng tự do một cách cực đoan, thể hiện sự bất lực của người dân trước cường quyền, thần quyền. Thế nhưng giờ đây Mị đã tìm được một con đường khác ngoài cái chết. Cô muốn được sống. Điều này cũng chứng tỏ niềm yêu đời, yêu cuộc sống đã thực sự quay trở lại trong con người Mị.
Hành động chạy theo A Phủ của Mị đã thể hiện sức mạnh tiềm tàng, nội lực vùng lên chống trả mạnh mẽ của nhân vật để đi theo tiếng gọi của tự do và hạnh phúc. Nó cũng đại diện cho sự thức tỉnh trong ý thức của một con người. Mị đã nhận ra cuộc sống như địa ngục trần gian trong căn nhà của thống lí nên muốn chạy trốn đi, tìm kiếm một cuộc đời mới. Hành động cắt dây cởi trói và chạy trốn không phải là việc làm bộc phát mà đã được nung nấu từ lâu. Chính Mị đã giải thoát cho mình và A Phủ, tự vùng lên, tự cứu mình khỏi cuộc sống đầy đau khổ. Từ đây, hai nhân vật sẽ cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc.
Chi tiết này đã cho người đọc thấy được tài năng của nhà văn Tô Hoài. Tuy không diễn tả nội tâm của Mị hay A Phủ mà chỉ nhắc đến những lời nói, hành động của hai nhân vật nhưng cũng đủ cho người đọc hiểu được ý nghĩa, giá trị của chi tiết này. Đây là một chi tiết mang tính bước ngoặt, thể hiện sự biến chuyển trong nhận thức, trong cuộc sống của hai nhân vật. Đó chính là cánh cửa mở ra cuộc sống mới tự do, hạnh phúc của người dân miền núi nói chung và vợ chồng A Phủ nói riêng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Mong rằng sau khi đọc xong Cảm nhận của anh chị về hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, em sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chi tiết này. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tìm đọc các bài viết Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài , Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, tóm tắt Vợ chồng A Phủ, cách viết mở bài Vợ chồng A Phủ, Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ.
Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một trong những tác phẩm nổi bật của nền văn học hiện thực nước ta những năm kháng chiến chống Pháp, khi viết về đề tài người phụ nữ dân tộc miền núi và số phận bất hạnh của họ, cũng như những vẻ đẹp tâm hồn tiềm tàng đáng quý, đáng trân trọng. Có thể thấy rõ rằng văn của Tô Hoài không nhằm mục đích chính là phản ánh hiện thực mà chủ yếu là để ca ngợi những vẻ đẹp của con người ở tầng lớp tận cùng đáy của xã hội, chịu sự áp bức của cường quyền và thần quyền phong kiến. Thế nên nhân vật của ông luôn có những sự chuyển biến cảm xúc, tâm trạng tinh tế, cùng những bước ngoặt rất "đắt" thể hiện sự vùng lên mạnh mẽ để tự giải thoát bản thân khỏi số phận đớn đau, mà có lẽ ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là cảnh Mị chạy theo A Phủ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra.
Nói về hành động bỏ trốn của Mị, nếu như không xét đến một hoàn cảnh nào khác thì đó là một sự kiện xấu xa, trắc nết, bởi lẽ trong phong tục truyền thống của các dân tộc miền núi, hay trong nề nếp gia phong của dân tộc Việt Nam, người ta vẫn đề cao sự chung thủy, kiên trinh của người đàn bà. Mị đã cúng trình mà nhà thống lý Pá Tra, thì đã là người của nhà ấy, là vợ của A Sử, chết cũng phải là ma của ngôi nhà này, không thể đổi khác. Thế nhưng khi xét đến toàn bộ câu chuyện, ta lại mới nhận ra hành động bỏ trốn của Mị dường như là một điều tất yếu, là sự kiện nhất định phải xảy ra sau một loạt các chuỗi biến cố trong cuộc đời bất hạnh của Mị. Mị là một người con gái xinh đẹp, biết thổi sáo, thổi sáo rất hay, lại được nhiều trai làng để ý và Mị cũng có riêng cho mình một tình yêu đẹp đẽ, có lẽ sẽ đơm thành trái nếu không có món nợ truyền kiếp của cha Mị. Thêm vào đó Mị cũng là người con gái chăm chỉ, chịu khó, Mị sẵn sàng lên nương trồng bắp, trồng sắn để trả nợ thay cha, chứ không muốn gả vào làm dâu nhà giàu có. Điều đó thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, không tham phú phụ bần của Mị, và đáng lý rằng một người con gái như vậy phải đáng được hưởng một cuộc đời ấm êm, dẫu không giàu sang nhưng hạnh phúc, tự do. Thế nhưng sức mạnh của cường quyền và thần quyền phong kiến đã không cho phép điều đó xảy ra, A Sử đã dùng vũ lực để bắt Mị về cúng trình ma, ép Mị trở thành con dâu gán nợ, thực tế là trở thành một nô lệ suốt đời làm lụng và phục dịch cho nhà nó. Ban đầu Mị thấy đau khổ quá, Mị đã nhiều lần muốn ăn lá ngón rồi chết quách đi cho đỡ khổ, Mị chạy về khóc xin cha,... thế nhưng cuối cùng vì chữ "hiếu" vì thương cha, sợ mình chết rồi thì người ta lại bắt tội cha, Mị đành quay về sống tại căn nhà lạnh lẽo, ác độc ấy như một cái xác không hồn. Bao nhiêu niềm vui sướng, hạnh phúc của tuổi trẻ dường như đã tàn lụi và nguội lạnh như một nắm tro tàn trong tâm hồn của người đàn bà tội nghiệp. Mị làm lụng quanh năm suốt tháng, đầu óc không nghĩ gì ngoài chuyện đi làm, Mị quên cả cách giao tiếp nói chuyện, khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, đầu cúi xuống, sống lầm lũi như một con rùa trong xó cửa. Khổ sở đến độ Mị còn ý thức một cách đau đớn tột cùng rằng: "ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi", "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Không chỉ khổ sở về mặt thể xác mà cuộc đời của Mị còn là những đày đọa về mặt tinh thần, Mị phải sống với người mình không yêu, phải từ bỏ mối tình dang dở của mình, không còn được thổi sáo, thổi lá, chơi xuân cùng chị em như khi còn ở nhà. Mị hoàn toàn mất hết quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, căn buồng Mị ở chẳng khác nào một cái nhà tù khi mà chỉ có một ô cửa bé bằng bàn tay "lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng". Và cuộc đời của Mị chính là một bản án chung thân không hồi kết, Mị sống trong cảnh đau khổ tột cùng ấy sao có thể không chai lì, tuyệt vọng và chết lặng cho được.
Một sự chuyển biến, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Mị khởi đầu cho sự tự giải thoát khi chạy theo A Phủ ấy là nhờ vào âm thanh của sự sống: Tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân réo rắt, vui nhộn quẩn quanh. Nó đã khơi gợi lại trong lòng Mị biết bao nhiêu kỷ niệm, khiến lòng Mị sống lại những xúc cảm ham sống, ham hạnh phúc, Mị nhẩm hát theo tiếng sáo, rồi Mị cũng học theo người ta uống rượu, uống ừng ực từng bát. Đỉnh điểm của sự ý thức và sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị được bộc lộ khi Mị ý thức một cách mạnh mẽ rằng:"Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết". Mị vào buồng mặc váy hoa, vấn lại tóc định đi chơi, thì A Sử về nó trói Mị vào cột nhà, ngay lúc này đây lòng Mị vẫn bay theo những tiếng sáo ngoài đường, rồi khi trở lại thực tại, Mị nghĩ về chuyện đã từng có một người đàn bà trong nhà này bị trói cho đến chết. Một kể vốn trước đây đã không còn thiết tha chuyện chết hay sống gì vậy mà giờ đây lại thấy sợ hãi, "Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau từng mảnh thịt". Điều đó cho thấy một cách rõ ràng rằng Mị vẫn còn yêu cuộc đời này lắm, vẫn còn những khao khát được sống, được hạnh phúc, được tự do, Mị không muốn chết vào lúc này, đời Mị còn dài lắm, dù rằng Mị cũng chưa nghĩ ra được giải pháp giải thoát cho bản thân.
Đến khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng giữa sân vì làm mất một con bò và có thể phải đền mạng vì con bò ấy, Mị thoạt đầu tỏ ra chẳng quan tâm, bởi lẽ Mị lo cho thân mình còn chưa xong, nói gì đến những kẻ khác. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến giọt nước cay đắng, xót xa của một người đàn ông "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen" của A Phủ, lòng Mị đã có những biến đổi lớn. Mị thấy căm giận, phẫn nộ trước sự bất công và độc ác của đám người nhà thống lý Pá Tra, thấy thương xót và đồng cảm cho cuộc đời vừa mới bắt đầu của A Phủ mà nay lại sắp phải chấm dứt chỉ vì cái sự nghèo đói và cách biệt tầng lớp. Từ một người phụ nữ yếu đuối, ấy vậy mà Mị lại quyết tâm giải cứu A Phủ, mở cho anh một con đường mới. Ban đầu có lẽ Mị đã định rằng mình dù gì có chết cũng phải là ma của nhà này, thế nên cô quyết định hy sinh để cắt dây trói cho A Phủ, còn bản thân ở lại chịu tội. Tuy nhiên, sau khi thấy người đàn ông trước mặt dù đã sức cùng lực kiệt, khuỵu xuống vì đói rét, nhưng vẫn gắng gượng đứng dậy, dùng hết sức bình sinh sinh chạy, lăn xuống dưới sườn đồi để mưu cầu sự sống. Trong lòng Mị bỗng nhiên vỡ ra một cái gì đó, phải rồi Mị đã giải thoát được cho người khác thì cớ sao không thể tự giải thoát cho mình, và thế là Mị không còn do dự gì nữa, chạy lao theo A Phủ. Câu nói "Cho tôi theo với, ở đây thì chết mất" vừa là lời giải thích với A Phủ, vừa là những ý thức sâu sắc của Mị về cuộc đời đầy bế tắc và đen tối ở nhà thống lý Pá Tra, đồng thời cũng bộc lộ cả sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sự vùng dậy mạnh mẽ của nhân vật này để đi theo tiếng gọi của tự do, của hạnh phúc, mong muốn khao khát được làm lại một cuộc đời mới, một cuộc đời do chính bản thân mình định đoạt làm chủ. Hành động bỏ trốn của Mị, đã kéo Mị ra khỏi ách thống trị đàn áp tàn ác của cường quyền và thần quyền phong kiến, trở thành động lực, tấm gương cho nhiều những người phụ nữ có chung số phận với Mị ở Hồng Ngài nói riêng và vùng núi phía Bắc nói riêng. Cũng lại chứng minh được rằng sự đàn áp của cường quyền và thần quyền không bao giờ có thể giam cầm được những con người có tâm hồn khao khát tự do, có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, mà chỉ có thể giam cầm được thể xác của họ mà thôi.
Hành động của chạy theo A Phủ của Mị là một hành động mang tính bước ngoặt lớn, minh chứng rằng một con người chỉ cần có tấm lòng khao khát tự do, sự vùng dậy mạnh mẽ, sức sống tiềm tàng mãnh liệt thì họ có thể tự giải thoát cho mình bất cứ lúc nào. Đánh dấu một bước chuyển biến mới trong tư duy của những con người ở miền núi, cường quyền và thần quyền phong kiến đã đến ngày tận thế, suy tàn, không còn phù hợp trong thời đại mới, không còn đủ sức để đàn áp con người thấp cổ bé họng nữa. Mà có thể một mai đây chính nó sẽ bị những con người này lật đổ, để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn công bằng hơn.
------------------ Hết -------------------
Bài Cảm nhận của anh chị về hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ là những cảm nhận về hành động liều lĩnh mang tính bước ngoặt của Mị trong Vợ chồng A Phủ.