Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Đề bài: Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
 

I. Dàn ý Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi


1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thi, tác phẩm và nội dung tác phẩm


2. Thân bài

Cảm nhận tác phẩm theo tuyến tính các nhân vật

a. Khái quát về nét đặc sắc truyện
- "Những đứa con trong gia đình" mang kết cấu truyện ngắn hiện đại với mạch hồi ức của anh chiến sĩ trẻ Việt.
- Truyện tập trung xoay quanh 2 nhân vật chính là chị em Chiến và Việt nhưng vẫn có hệ thống nhân vật ruột thịt, gắn bó, liên quan đến nhau.
- Theo dòng hồi ức về thời ấu thơ của Việt, các nhân vật trong gia đình hiện lên với hình ảnh thân thương gần gũi.
- Những thành viên trong gia đình Việt gắn với hồi ức thiêng liêng và cảm động, gắn với tình yêu thương và căm thù. Họ là những thế hệ của gia đình cách mạng.

b. Cảm nhận các nhân vật
* Nhân vật Việt
- Việt hăng hái xung phong tham gia chiến đấu để trả thù nhà, bảo vệ quê hương.
- Anh gan dạ, dũng cảm, bị thương vẫn bình tĩnh, sẵn sàng chiến
- Nội tâm lại khá trẻ con, tinh nghịch "đá trái dừa rụng xuống mương" khi chị không cho đi tòng quân, và lớn rồi vẫn sợ câu chuyện "con ma cụt đầu" mà chị hay kể.
- Việt thừa hưởng tính cách được tạo nên từ truyền thống gia đình, từ hoàn cảnh đặc trưng, yêu thương cha mẹ, giàu tình nghĩa với quê hương, giàu tinh thần cách mạng.

* Nhân vật Chiến
- Chiến là cô gái trẻ có cá tính riêng, thừa hưởng nhiều nét từ mẹ, đảm đang tháo vát, gan góc và chăm chỉ.
- Mất mát đau thương chồng chất đã khiến Chiến trưởng thành sớm, kiên cường mạnh mẽ
- Tâm hồn giàu nữ tính, lúc nào cũng mang cái gương nhỏ, rất thích làm duyên.

* Mẹ của Việt và Chiến
- Bà là phiên bản hội tụ đầy đủ nhất phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Nam Bộ trung hậu, đảm đang, anh hùng chiến đấu.
- Bà gan góc, dũng cảm, dù phải trải qua đau đớn vì chồng bị kẻ thù chặt đầu bà vẫn kiên cường cố gắng kiên trì để nuôi con khôn lớn.
- Bà là hiện thân cho vẻ đẹp gan góc được rèn giũa sắc sảo trong chiến tranh, là người phụ nữ với đức hy sinh thầm lặng vô bờ, sẵn sàng đánh đổi mạng sống vì cách mạng.

* Nhân vật chú Năm
- Chú là đại diện tiêu biểu cho người nông dân Nam Bộ hiền lành, chất phác nhưng nội tâm giàu cảm xúc.
- Đặc biệt chú Năm chính là người lưu giữ cuốn sổ gia đình, vạch trần tội ác của kẻ thù, chiến công của gia đình.
- Những lời chú răn dạy hai chị em Việt và hình ảnh chú trao cuốn sổ tay chính là sự truyền nối giữa hai thế hệ, gửi gắm niềm tin cũng như hi vọng của thế hệ trước với thế hệ sau.

* Đánh giá nghệ thuật
- Sử dụng lối kể chuyện độc đáo, trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình, tạo nên tính trung thực, khách quan.
- Đặc biệt thành công xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật.
- Ngôn ngữ truyện là sự vận dụng sáng tạo ngôn ngữ của người dân Nam Bộ để miêu tả và khắc họa chân dung nhân vật, giản dị trong sáng.


3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của truyện và tư tưởng tác giả gửi gắm


II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

Gia đình là một trong những đề tài tiêu biểu của văn học Việt Nam, là cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Nhắc tới tác phẩm văn học viết về gia đình, không thể không nhắc truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi. Ra đời trong những tháng năm chống Mỹ ác liệt, tác phẩm là câu chuyện về những thế hệ trưởng thành trong gia đình cách mạng, mang trong mình những vẻ đẹp truyền thống tốt đẹp.

Thiên truyện "Những đứa con trong gia đình" mang kết cấu truyện ngắn hiện đại với mạch hồi ức của anh chiến sĩ trẻ Việt. Đó là dòng hồi tưởng đan xen giữa quá khứ và hiện đại, là sự nối kết tình cảm gia đình - quê hương - cách mạng. Sự đan xen của những câu chuyện kể không theo trình tự thời gian nhưng được sắp xếp hợp lí, tạo liên tưởng đa chiều. Truyện tập trung xoay quanh 2 nhân vật chính là chị em Chiến và Việt nhưng vẫn có hệ thống nhân vật ruột thịt, gắn bó, liên quan đến nhau. Dù chảy chung một dòng máu nhưng mỗi người đều có nét đặc sắc cá tính và phẩm chất khác nhau, đại diện cho con người Nam Bộ kiên cường bất khuất, giàu tình yêu quê hương, đất nước gia đình và trung thành với Cách mạng.

Theo dòng hồi ức về thời ấu thơ dữ dội của Việt, các nhân vật trong gia đình hiện lên với hình ảnh thân thương gần gũi. Trong cơn mê chập chờn giữa chiến trường, bị thương nặng, gia đình chính là cội nguồn sức mạnh giúp anh vượt qua đau đớn, tìm về với sự sống. Những thành viên trong gia đình Việt gắn với hồi ức thiêng liêng và cảm động, gắn với tình yêu thương và căm thù. Họ là chú Năm, mẹ, chị Chiến - những thế hệ của gia đình lớn: gia đình cách mạng.

Nhân vật đầu tiên gây ấn tượng chính là nhân vật trung tâm của tác phẩm - Việt, đứa con tiêu biểu của gia đình. Việt sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng, những người thân yêu nhất đều hi sinh dưới tay giặc. Việt hăng hái xung phong tham gia chiến đấu để trả thù nhà, bảo vệ quê hương. Anh gan dạ, dũng cảm, lúc ở chiến trường kiên cường bất khuất, dùng thủ pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của địch. Bị thương vẫn bình tĩnh, sẵn sàng chiến đấu "đạn đã lên nòng" song thực chất nội tâm lại khá trẻ con, tinh nghịch. Anh hay tranh giành với chị gái chuyện bắn tàu giặc Mĩ trên sông Định Thủy, "đá trái dừa rụng xuống mương" khi chị không cho đi tòng quân, và lớn rồi vẫn sợ câu chuyện "con ma cụt đầu" mà chị hay kể. dưới ngòi bút của Nguyễn Thi, Việt hiện lên với tính cách đáng yêu, dễ mến vô tư mà vô cùng gan dạ trong chiến đấu.

Việt thừa hưởng tính cách được tạo nên từ truyền thống gia đình, từ hoàn cảnh đặc trưng, yêu thương cha mẹ, giàu tình nghĩa với quê hương, giàu tinh thần cách mạng. Việt xung phong tham gia tòng quân, nói dối về tuổi của mình để đủ điều kiện đi bộ đội không chỉ để trả thù cho thân nhân mà còn bởi lòng yêu nước cùng khát khao bảo vệ quê hương.

Qua hồi ức của Việt, nhà văn lia ống kính của mình đến nhân vật chính thứ hai - chị Chiến, chị gái Việt. Chiến là cô gái trẻ có cá tính riêng, thừa hưởng nhiều nét từ mẹ, đảm đang tháo vát, gan góc và chăm chỉ. Dù hơn em không bao nhiêu tuổi nhưng mỗi lúc cãi vã, chị luôn là người nhường em. Với công việc cách mạng, Chiến thể hiện chín chắn hơn Việt rất nhiều. Mất mát đau thương chồng chất đã khiến cô gái ấy trưởng thành sớm, kiên cường mạnh mẽ nhưng chưa hề làm mất đi tâm hồn nữ tính, lúc nào cũng mang cái gương nhỏ, rất thích làm duyên. Vào đêm trước khi lên đường tòng quân, Chiến đã chứng tỏ khả năng chăm lo mọi việc, qua con mắt của Việt, chị giống y như mẹ nên ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của chị.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể lãng quên một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn với hai chị em, người ấy chính là mẹ của Việt và Chiến. Bà là phiên bản hội tụ đầy đủ nhất phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Nam Bộ trung hậu, đảm đang, anh hùng chiến đấu. Bà gan góc, dũng cảm, dù phải trải qua đau đớn vì chồng bị kẻ thù chặt đầu bà vẫn kiên cường cố gắng kiên trì để nuôi con khôn lớn. Bà là hiện thân cho vẻ đẹp gan góc được rèn giũa trong chiến tranh, là người phụ nữ với đức hy sinh thầm lặng vô bờ, lam lũ tần tảo, bất khuất kiên cường, sẵn sàng đánh đổi mạng sống vì cách mạng.

Một nhân vật vô cùng quan trọng được ví như khúc sông ý nghĩa nhất trong dòng sông truyền thống gia đình chính là chú Năm. Chú là đại diện tiêu biểu cho người nông dân Nam Bộ hiền lành, chất phác nhưng nội tâm giàu cảm xúc. Chú là người trực tiếp trải qua nhiều đắng cay cuộc đời, nếm trải nhiều đau thương hằn sâu nên gương mặt lúc nào cũng ẩn hiện sự đa cảm.

Đặc biệt chú Năm chính là người lưu giữ cuốn sổ gia đình, ghi chép đầy đủ câu chuyện của nhiều thế hệ, vạch trần tội ác của kẻ thù, chiến công của gia đình. Những lời chú răn dạy hai chị em Việt và hình ảnh chú trao cuốn sổ tay chính là sự truyền nối giữa hai thế hệ, gửi gắm niềm tin cũng như hi vọng của thế hệ trước với thế hệ sau, góp phần làm nên dòng sông truyền thống gia đình.

Mỗi nhân vật mỗi cá tính khác nhau nhưng tất cả những con người ấy đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, giàu tình nghĩa, yêu quê hương và trung thành với cách mạng.

Truyện ngắn sử dụng lối kể chuyện độc đáo, trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình, tạo nên tính trung thực, khách quan. Đặc biệt thành công xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật. Đồng thời ngôn ngữ truyện là sự vận dụng sáng tạo ngôn ngữ của người dân Nam Bộ để miêu tả và khắc họa chân dung nhân vật, giản dị trong sáng. Qua đó, tác giả đem lại cho độc giả sự hình dung chân thực về mảnh đất Nam Bộ anh hùng với nhiều đau thương, mất mát. Với tấm lòng thấu hiểu sâu sắc bản chất người dân Nam Bộ, Nguyễn Thi xây dựng thành công những con người bình thường giản dị nhưng lại có bản lĩnh phi thường.

Với những giá trị đó, "Những đứa con trong gia đình" xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu của phong cách Nguyễn Thi. Qua bức chân dung những anh hùng giàu lòng yêu nước và căm thù giặc, tác giả đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về hiện thực gia đình trong chiến tranh, khẳng định và ngợi ca sự gắn bó, hòa quyện giữa tình cảm gia đình với tình yêu đất nước, truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc.

-----------------------------HẾT------------------------------

Trên đây là bài Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, để hiểu sâu sắc hơn về nội dung tác phẩm và giá trị tư tưởng của tác giả, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình, Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Những đứa con trong gia đình.

"Những đứa con trong gia đình" là truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam. Với phong cách nghệ thuật độc đáo và cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu, Nguyễn Thi đã khám phá được nhiều giá trị nhân văn nhân đạo sâu sắc, thể hiện rõ nét trong truyện. Bài Cảm nghĩ về tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi sẽ giúp em cảm nhận rõ hơn về truyền thống gia đình cảm động trong tác phẩm này.
Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình
Kết bài truyện Những đứa con trong gia đình
Dàn ý phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình
Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình
Ý nghĩa cuốn sổ gia đình trong Những đứa con trong gia đình

ĐỌC NHIỀU