1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân và bài kí "Người lái đò sông Đà".
- Giới thiệu về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông.
2. Thân bài:
a) Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông Đà:
* Từ trên cao nhìn xuống:
- So sánh: sông Đà như "cái dây thừng ngoằn ngoèo".
- Nhân hóa: "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình..."
=> Dáng vẻ mềm mại, huyền ảo, gợi cảm, quyến rũ của dòng sông.
- Màu nước sông Đà biến đổi theo mùa với vẻ đẹp rất riêng:
+ Mùa xuân xanh ngọc bích.
+ Mùa thu lừ lừ chín đỏ.
=> Mỗi mùa sông Đà đều mang một vẻ đẹp riêng, đầy tình tứ.
+ Thế nhưng, chưa bao giờ dòng sông có màu Đen như người Pháp gọi.
* Bờ bãi sông Đà:
- Nước sông Đà gợi nhớ trò chơi con trẻ -> Vẻ đẹp hồn nhiên và trong sáng.
- Nắng sông Đà gợi nhớ đến thế giới của Đường thi -> Vẻ đẹp nên thơ, thi vị.
- Vẻ đẹp của bờ bãi gợi nhớ khu vườn cổ tích thuở xưa.
- Hình ảnh so sánh:
+ "Vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm"
+ "Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng"
=> Sông Đà như người bạn thân thiết, gắn bó tri kỉ => Dòng sông mang vẻ đẹp của một cố nhân.
* Cảnh ven sông Đà:
- Cảnh ven sông lặng tờ.
- Vẻ đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống:
+ "nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa".
+ "cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non".
+ "đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm".
- Vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa".
=> Sông chảy chậm, thuyền trôi nhẹ. Bờ bãi sông Đà dịu dàng, thơ mộng và nguyên sơ, gợi cảm xúc trong lành đến thánh thiện.
=> Nhịp điệu êm ả, gợi vẻ đẹp mềm mại. Câu văn đẫm chất thơ, làm nên sức hấp dẫn riêng cho dòng sông.
b) Nghệ thuật:
- Giọng văn trữ tình, câu văn mềm mại gợi nhiều liên tưởng
- Những so sánh, nhân hóa độc đáo.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông Đà.
Bài bút kí "Người lái đò sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân là một tác phẩm khá nổi tiếng. Trong đó, ông đã miêu tả rất tỉ mỉ về hình tượng con sông Đà. Dòng sông có hai nét tính cách trái ngược hẳn nhau: khi ở thượng lưu thì sóng gió cuồn cuộn, dữ dội, mạnh mẽ nhưng khi về hạ lưu, dòng sông mềm mại, dịu dàng hơn rất nhiều. Chính nét thơ mộng, trữ tình ấy khiến con người phải mê đắm, ngắm nhìn mãi không thôi.
Xuôi theo dòng hồi tưởng khi nhớ lại cảnh sông Đà từ trên cao nhìn xuống, Nguyễn Tuân so sánh dòng sông như "cái dây thừng ngoằn ngoèo", rồi lại nhân hóa dòng sông bằng những câu từ mĩ lệ "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình...". Sông Đà lúc này ẩn hiện trong làn khói cùng màu hoa của núi rừng đại ngàn. Nó không còn vẻ hung bạo như trước nữa mà cực kì mềm mại, huyền ảo dưới góc nhìn của nhà văn. Cũng theo sự quan sát của tác giả, nước sông Đà thay đổi theo từng mùa. "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích". Đó là màu xanh sáng, trong giống màu viên ngọc bích chứ không "xanh màu xanh canh hến" thường thấy của những dòng sông khác. Mùa thu, "nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ". Tác giả đã so sánh màu nước với "da mặt một người bầm đi vì rượu bữa". Lối so sánh cực kì gợi cảm, gợi tả đã cho người đọc thấy rõ màu nước đỏ ngầu phù sa sau những trận lũ mùa hè. Vậy là, mỗi một mùa, nước sông Đà lại mang những vẻ đẹp riêng rất tình tứ, khác biệt. Ngoài sông Đà, rất nhiều dòng sông cũng có màu nước thay đổi theo mùa. Ví dụ như sông Thương trong bài thơ "Chiều sông Thương" của Hữu Thỉnh:
"ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắc gặt
bồi cho mùa phôi phai"
Hay dòng Hương giang có màu nước thay đổi theo từng buổi trong ngày "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím". Tuy nhiên, nước sông Đà cũng rất đặc biệt vì có hai gam màu chủ đạo là màu xanh ngọc rất trong và sắc đỏ lừ - những màu sắc rất đặc trưng và rõ ràng, không bị trộn lẫn.
Tác giả tiếp tục dòng hồi tưởng về những ngày đi rừng vất vả, vô tình bắt gặp sông Đà như gặp một người cố nhân. Nước sông Đà lung linh lóe lên tia sáng làm ông nhớ đến trò chơi con trẻ đầy trong sáng, hồn nhiên. Nắng sông Đà lại gợi lên vẻ đẹp nên thơ, thi vị của thế giới Đường thi. Từ xa nhìn xuống, lòng sông tựa như đang phát sáng dưới ánh nắng lấp lánh. Bên bờ bãi hai bên sông, chuồn chuồn, bươm bướm bay khiến cho tác giả cảm thấy như mình đang lạc vào khu vườn cổ tích. Hình ảnh so sánh "vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm", "vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" đã diễn tả cảm xúc sung sướng, hạnh phúc khi bắt gặp khung cảnh diệu kì hiếm gặp của tác giả. Lúc này, Nguyễn Tuân đã xem sông Đà như người bạn thân thiết, gắn bó tri kỉ. Dù cho đã hiểu khá rõ về dòng sông nhưng cũng có lúc nó khiến ông bất ngờ vì những vẻ đẹp huyền hoặc, đầy thi vị, cổ tích.
Kết thúc những suy ngẫm, hồi tưởng của mình. Nguyễn Tuân quay về hiện tại, trong con thuyền trôi chầm chậm, lặng lẽ ngắm nhìn cảnh ven sông. Khung cảnh vắng lặng như tờ, như đã có từ lâu. Thế nhưng vắng lặng không có nghĩa là ảm đạm, đìu hiu. Hai bên bờ sông vẫn có những sự vật mang vẻ đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống: "nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa", "cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non", "đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm". Bờ bãi sông Đà lúc này dịu dàng, thơ mộng và nguyên sơ đến bất ngờ. Vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính này được nhà văn miêu tả "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử.", "Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Những cảm xúc, tưởng tượng của Nguyễn Tuân lúc này thật trong sáng, thánh thiện, giống như chính ông cũng đã quay về với khu vườn cổ tích ngày bé. Những câu văn trong đoạn này cũng mang nhịp điệu êm ả, mềm mại y hệt như cách mà con thuyền, dòng sông chảy trôi lững lờ.
Dòng sông im lặng đến nỗi, tác giả thèm nghe một tiếng còi. Đó là tiếng còi của chuyến xe lửa đường sắt đầu tiên về miền Tây Bắc. Tiếng còi mang theo sự gắn kết, mở rộng, giao lưu giữa miền xuôi và miền ngược. Sớm thôi, tiếng còi ấy sẽ được xuất hiện tại nơi đây. Tiếng cá dầm xanh quẫy nước như chợt kéo tác giả ra khỏi dòng suy nghĩ, cũng đuổi mất đàn hươu bên bờ sông. Chỉ còn lại một "Dải Sông Đà bọt nước lênh đênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình".
Vậy là, ngoài sự dữ dội, hung bạo muốn nuốt chửng bất cứ ai đi qua ở thượng nguồn, dòng sông Đà cũng có đoạn đầy dịu dàng, tình tứ. Đó là khi nó được nhìn từ góc độ trên cao, là khi đã về hạ lưu, dòng sông mềm mại, thơ mộng với hai bên bờ đẹp như cổ tích. Giọng văn trữ tình cùng lối so sánh, nhân hóa độc đáo của Nguyễn Tuân đã chạm khắc lên bức tranh một dòng sông tươi đẹp, tràn đầy ánh sáng và sức sống.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hi vọng qua bài mẫu Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, em có thêm ấn tượng về dòng sông dịu dàng, mềm mại, cổ tích. Em có thể tham khảo thêm các bài mẫu khác như: Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà; Chứng minh rằng con người trong Người lái đò sông Đà là Ông lái đò tài hoa; Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà.