Ung thư vòm họng là gì? nguyên nhân, cách phòng tránh
1. Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng (tên tiếng Anh là nasopharyngeal cancer hoặc nasopharyngeal carcinoma (NPC) là một loại ung thư đầu cổ hiếm gặp xảy ra ở phần trên của họng phía sau mũi (gọi ngắn gọn là vòm họng). Khi thở, không khí sẽ đi qua mũi vào cổ họng và vòm họng, và cuối cùng vào phổi.
Theo nhiều thống kê trên thế giới cho thấy, khu vực có số người mắc ung thư vòm họng chủ yếu ở khu vực Châu Á, đặc biệt là miền Nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
2. Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng
Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư vòm họng vẫn chưa được khoa học khẳng định chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao. Theo đó, vật liệu di truyền (DNA) từ virus ảnh hưởng đến DNA trong các tế bào của vòm họng và chính sự thay đổi trong DNA khiến các tế bào phát triển và di căn bất thường gây ra ung thư.
Nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn khi bạn ăn chế độ ăn nhiều cá và thịt muối, hút thuốc, uống rượu, bia. Một số nhà khoa học tin rằng hóa chất trong những thứ này gây hại cho DNA trong các tế bào.
3. Đối tượng nào dễ mặc ung thư vòm họng?
Đối tượng dễ mắc ung thư vòm họng là:
- Nam giới
- Người có chế độ ăn nhiều cá và thịt muối
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư vòm họng
- Người có một số gen liên quan đến sự phát triển ung thư
- Người đã tiếp xúc với virus EBV
- Người hút thuốc lá, uống nhiều rượu
- Người làm việc ở môi trường nhiều bụi gỗ hoặc hóa chất formaldehyd
4. Triệu chứng và dấu hiệu ung thư vòm họng sớm
Khi bị ung thư vòm họng, tế bào ung thư sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan xung quang vòm họng như hộp sọ, tai, mũi, họng. Do vậy, nếu cảm thấy mình có một số dấu hiệu sau thì bạn tốt nhất nên đến bác sỹ kiểm tra ngay vì rất có thể là bạn đang có nguy cơ bị mắc ung thư vòm họng:
- Có khối hạch ở cổ, đau rát cổ họng, chảy máu
- Tê, đau mặt, khó mở miệng
- Suy giảm thị lực
- Nghẹt mũi, chảy máu cam
- Khó nghe, ù tai, nhiễm trùng tai
- Đau, nhức đầu
Trên thị trường, Địa long đang được đồn thổi rất nhiều về công dụng vượt trội đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn hãy tìm hiểu về Địa long là gì để xem thực sự địa long có công dụng như thế không.
5. Chẩn đoán bệnh ung thư vòm họng bằng cách nào?
Nếu muốn biết chính xác mình có mắc ung thư vòm họng hay không, bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng ngay. Tại đây, các bác sỹ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàn bằng cách hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến các triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và tiến hành kiểm tra cơ thể.
Bác sỹ hầu như sẽ tiến hành kiểm tra cổ của bệnh nhân vì hầu hết bệnh nhân bị ung thư vòm họng đều có một khối u ở cổ. Đây là một dấu hiệu cho thấy ung thư đang lan đến các hạch bạch huyết. Hơn nữa, bác sỹ sẽ tiến hành nội soi cổ họng để nhìn rõ hơn vòm họng và yêu cầu kiểm tra sinh thiết cơ thể để xác định các vấn đề bất thường ở khu vực này.
Để giúp phát hiện ung thư vòm họng hoặc xác định xem các tế bào ung thư có lan rộng không với kết quả chính xác nhất, bác sỹ sẽ kiểm tra thêm bằng các cách sau:
- Chụp X-quang ngực
- Chụp CT
- MRI
- Siêu âm cổ
- Công thức máu toàn bộ (CBC) và các xét nghiệm máu khác
- Xét nghiệm EBV
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng thì bệnh sẽ phát triển theo 4 giai đoạn được sắp xếp dựa theo mức độ di căn của tế bào ung thư sang các bộ phận khác của cơ thể:
- Giai đoạn I (ung thư vòm họng giai đoạn đầu): các tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận xa của cơ thể.
- Giai đoạn II (Ung thư vòm họng giai đoạn 2): các tế bào ung thư đã lan sang các mô và hạch bạch huyết gần đó nhưng chưa lan đến các phần xa của cơ thể.
- Giai đoạn III & IV (ung thư vòm họng giai đoạn cuối): kích thước khối u, mức độ lan rộng đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận xa của cơ thể.
6. Ung thư vòm họng có chữa được không?
Ai cũng nghĩ rằng ung thư là căn bệnh nan y không chữa được nên thường thắc mắc ung thư vòm họng sống được bao lâu. Câu trả lời là bệnh ung thư vòm họng có thể chữa trị hoặc kéo dài sự sống cho bệnh nhân nếu như bênh nhân phát hiện bệnh sớm. Tuy vậy, điều trị theo cách nào thì còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Vị trí của khổi u
- Giai đoạn của bệnh
- Tình trạng sức khoẻ hiện tại của bệnh nhân
Theo đó, một số cách điều trị phổ biến hiện nay đối với ung thư vòm họng là:
- Xạ trị: Đây là phương pháp sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Bác sỹ có thể sẽ tiến hành xạ trị IMRT (xạ trị điều biến liều). Theo đó, các tia bức xạ liều cao sẽ được chiếu trực tiếp đến khối u đồng thời giảm thiểu được tổn thương cho các mô lành gần đó. Phương pháp này có thể gây ra ít tác dụng phụ hoặc biến chứng đến vòm họng hơn so với điều trị bức xạ thông thường.
- Hoá trị: Phương pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy có thể sẽ không trị dứt điểm được bệnh nhưng nếu kết hợp với xạ trị hoặc các thuốc sinh học thì bệnh nhân có thể duy trì sự sống lâu hơn.
- Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ xem xét vị trí và giai đoạn của khối u trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u hay không bởi vì không phải tất cả những người bị ung thư vòm họng đều có thể phẫu thuật. Nếu khối u gần các dây thần kinh và mạch máu, người bệnh không nên phẫu thuật vì nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho mắt và các bộ phận khác gần đó.
- Thuốc sinh học: Các thuốc sinh học tác động lên hệ miễn dịch giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật. Chúng bao gồm các kháng thể đơn dòng như cetuximab (Erbitux), pembrolizumab (Keytruda) và nivolumab (Opdivo). Khác với các thuốc hóa trị, thuốc sinh học có thể được sử dụng trong trường hợp ung thư vòm họng tiến triển hoặc tái phát.
- Trị liệu giảm nhẹ: Mục tiêu của điều trị giảm nhẹ là kiểm soát các triệu chứng liên quan đến ung thư vòm họng và điều trị ung thư giúp bệnh nhân thoải mái nhất có thể.
7. Phòng bệnh ung thư vòm họng bằng cách nào?
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vòm họng, bạn nên tạo cho mình thói quen sống và ăn uống một cách lành mạnh bằng cách như:
- Hạn chế ăn cá và thịt muối
- Không hút thuốc
- Không uống nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn
- Tiến hành kiểm tra sức khoẻ định kỳ để có thể phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời
Các bạn tham khảo thêm về cách nhận biết các triệu chứng của bệnh Thoát vị đĩa đệm tại đây để có những cách điều trị kịp thời.