Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt

Đề bài: Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt


I. Dàn ý Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về kết thúc truyện Vợ nhặt

2. Thân bài

- Tóm tắt ngắn gọn kết thúc truyện:
+ Trong bữa cơm ngày đói, người vợ nhặt kể về việc phá kho thóc Nhật của người dân miền ngược.
+ Hiện lên trong tâm trí anh Tràng là hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ
→ Kết thúc mở, gợi nhiều liên tưởng

- Ý nghĩa của kết thúc truyện:
+ Hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ gợi mở về một tương lai tươi sáng cho tất cả các nhân vật.
+ Đánh thức một điều gì đó thật mới mẻ bên trong Tràng. Anh đã bắt đầu bước gần hơn với con đường cách mạng, bắt đầu có những nhận thức về hành động của bản thân.
→ Chỉ có đi theo cách mạng, đứng lên đấu tranh chống lại cái bạo tàn, áp bức mới có thể bảo vệ được hạnh phúc và sự bình yên của những người thân yêu.
+ Cách kết thúc truyện cũng thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Kim Lân khi tin tưởng, trân trọng sức sống mạnh mẽ bên trong con người.
+ Thể hiện được niềm tin vào cách mạng, tin rằng đây chính là con đường sáng có thể giúp con người giải thoát khỏi những đói nghèo, bất công, áp bức.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung


II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt (Chuẩn)

Kim Lân là nhà văn có tấm lòng gắn bó sâu sắc với làng quê, con người, đồng ruộng mà theo nhận xét của Nguyên Hồng thì ông "một lòng đi về với đất, với người với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn". Trong những trang văn của ông, hình ảnh làng quê bình dị và những con người lam lũ, vất vả nhưng yêu nước, giàu nghị lực sống hiện lên vô cùng sống động. Vợ nhặt là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Kim Lân viết về những người dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Viết về cái đói, cái nghèo và cả những mất mát về người và của thế nhưng điều Kim Lân hướng đến trong tác phẩm này không phải gieo vào lòng người đọc ám ảnh đói khát mà thắp lên ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin bởi trong cái đói, cái chết con người ta vẫn dành cho nhau tình thương chân thành và hướng đến những điều đẹp đẽ, tốt đẹp tốt đẹp trong tương lai. Điều này được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt rõ nét qua kết thúc của truyện.

Trong bữa cơm ngày đói, khi không khí bỗng trùng xuống vì miếng cháo cám "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ", bên ngoài tiếng trống thúc thuế vang lên từng hồi, người vợ nhặt đã chủ động trò chuyện để quên đi những ám ảnh đói khát. Thị kể về câu chuyện người dân miền ngược phá kho thóc Nhật để chia cho dân đói: "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc giang... người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy". Thông tin mà thị chia sẻ thành công làm cho không khí gia đình như được giãn ra, mọi người bị thu hút vào câu chuyện, đặc biệt là anh Tràng. Nghe câu chuyện của vợ, trong đầu anh hiện lên cảnh "những người đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp" và hình ảnh "đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới". Câu chuyện khép lại trong những hình ảnh đầy gợi mở ấy. Không ai biết rằng sau những suy nghĩ ấy, anh Tràng sẽ làm gì để thay đổi cuộc sống, có hòa mình vào dòng người đói để đấu tranh bảo vệ cuộc sống bản thân, gia đình hay không nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào điều đó.

Hình ảnh đám người đói xuất hiện trong tâm trí Tràng không gợi ra những ám ảnh đói khát mà ngược lại nó đánh thức một điều gì đó thật mới mẻ bên trong Tràng. Anh đã bắt đầu bước gần hơn với con đường cách mạng, bắt đầu có những nhận thức về hành động của bản thân. Chỉ có đi theo cách mạng, đứng lên đấu tranh chống lại cái bạo tàn, áp bức mới có thể bảo vệ được hạnh phúc và sự bình yên của những người thân yêu. Truyện được kết thúc mở nên gợi nhiều suy ngẫm, liên tưởng cho người đọc. Dù không ai biết rằng tương lai gia đình của anh Tràng sẽ ra sao nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho tất cả các nhân vật. Hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ gợi liên tưởng về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng, không còn những ám ảnh của chết chóc, đói khát.

Cách kết thúc truyện cũng thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Kim Lân khi tin tưởng, trân trọng sức sống mạnh mẽ bên trong con người. Dẫu trong cảnh khốn cùng nhất, khi phải đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết thì con người ta cũng không tuyệt vọng, buông bỏ mà luôn hướng về những điều tươi sáng trong tương lai. Nhà văn cũng thể hiện được niềm tin vào cách mạng, tin rằng đây chính là con đường sáng có thể giúp con người giải thoát khỏi những đói nghèo, bất công, áp bức. Tư tưởng thời đại này cũng chính là một nét tiến bộ của Kim Lân so với các nhà văn trước đó. Nếu Chí Phèo chỉ còn cách tự kết liễu sinh mạng trong tuyệt vọng, đau đớn thì anh Tràng có thể đi theo cách mạng để tự thay đổi cuộc sống của chính mình. Đây là con đường sáng mà thời đại đã mở ra cho những người nông dân khốn cùng, tội nghiệp.

Cách kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt thật độc đáo và gợi nhiều liên tưởng, chỉ qua hai hình ảnh thoáng hiện trong tâm trí anh Tràng thôi cũng đã làm cho bức tranh ngày đói trở nên tươi sáng, lạc quan. Số phận của nhân vật vẫn là một dấu hỏi lớn nhưng lại gieo vào lòng người đọc những hi vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai, đây là tài năng và cũng là thành công lớn nhất mà Kim Lân thể hiện được trong tác phẩm của mình.

---------------HẾT---------------

Viết về chủ đề nạn đói nhưng cái đọng lại trong tâm trí, trái tim độc giả không phải ám ảnh đói khát, chết chóc mà là tình thương, ánh sáng của hi vọng ngay trên ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Khám phá những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn, bên cạnh bài Suy nghĩ về kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt, Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt, Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt.

Kết thúc mở của truyện Vợ nhặt đã gợi ra nhiều liên tưởng thú vị nơi người đọc. Bài Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt dưới đây sẽ cùng các em tìm hiểu và lí giải những ý nghĩa sâu sắc đằng sau kết thúc của truyện ngắn Vợ nhặt.
Cảm nghĩ về cái kết truyện Cô bé bán diêm
Suy nghĩ về câu nói: Ta có thể nhặt được một gói tiền...
Dàn ý suy nghĩ về kết thúc của Chuyện người con gái Nam Xương
Kết bài truyện Vợ nhặt của Kim Lân
Cảm nhận về tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích bối cảnh nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt

ĐỌC NHIỀU