Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ

Đề bài: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm vợ nhặt (Kim Lân) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ


I. Dàn ý Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ ngắn gọn


1. Mở bài

- Giới thiệu về hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ


2. Thân bài

a. Số phận của người phụ nữ Việt Nam qua tác phẩm Vợ nhặt (hình ảnh của thị và bà cụ Tứ):
- Thị: là người phụ nữ không có tên, không ai biết tuổi, không gia đình, người thân thích, chỉ có một cái danh xưng "thị" để gọi chung.
+Ngoại hình xấu xí, dáng vẻ rách rưới, thê thảm => thị cũng giống như bao kẻ đói khát khác, vật vờ trong cơn đói, xám xít, khốn cùng.
+ Trong nạn đói, thị phải một mình bươn chải, và cuối cùng nhận lời làm vợ, trở thành "vợ nhặt" của một kẻ chỉ mới gặp mặt hai lần, xa lạ, với lễ vật là bốn bát bánh đúc =>cái giá quá rẻ mạt cho một người phụ nữ.
=> Số phận người phụ nữ trong những năm nạn đói thị vô cùng khốn khổ, đau thương.

- Hình ảnh của bà cụ Tứ: đại diện cho lớp người phụ nữ đi trước, bổ sung hoàn chỉnh cho hình ảnh của thị, hoàn chỉnh bức tranh về người phụ nữ trong những năm tháng của nạn đói:
+ Bà là người mẹ già, góa bụa, sống với con trai trong căn nhà lụp xụp ở xóm ngụ cư. Cuộc sống của bà rất đáng thương.
+ Là người mẹ vô cùng yêu thương con cái và là người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu.
+ Luôn lạc quan, hi vọng vào tương lai dù tương lai ấy có mù mịt " Rồi may ra ...cho khá", và món "chè khoán" bằng cám đãi con dâu mới.
=> Người phụ nữ ấy đáng thương nhưng cũng đáng quý vô cùng.

b. Số phận của Mị trong Vợ chồng A Phủ:
- Bối cảnh: Trên một bản vùng cao ở Tây Bắc, nơi bị thống trị bởi bọn chúa đất và thực dân Pháp. Cuộc sống của con người nơi đây xoay quanh cuộc sống nô lệ cho nhà thống lý và Mị - người phụ nữ của tác phẩm của những biến cố đầy sóng gió.
- Mị: là một cô gái xinh đẹp, bị bắt làm vợ của A Sử - con trai thống lý Pá Tra.
=> Cuộc sống của nàng dâu "gạt nợ" đã cướp đi của Mị tất cả tự do, hạnh phúc, cướp đi tương lai và linh hồn của cô.
+ Mị phải chịu hành hạ về thể xác: làm quần quật quanh năm, bị đối xử như con trâu, con ngựa.
+ Mị bị áp bức về tinh thần: Không năm nào Mị có thể đi chơi tết; khi Mị muốn đi chơi, A Sử đã trói Mị vào cột cả đêm, bỏ mặc Mị trong những đau đớn về thể chất lẫn tinh thần.
=> Mị thờ ơ với cuộc sống, cảm tưởng rằng mình sẽ vĩnh viễn đau khổ tủi nhục như thế cho đến khi chết đi.
+ Cho đến khi Mị cứu sống A Phủ cùng A Phủ trốn tới Phiềng Sa, bắt đầu một cuộc sống mới.
=> Người phụ nữ ở vùng cao trong chế độ thực dân thống trị bị coi thường, bị rẻ rúng, làm vợ làm dâu mà giống như kẻ ở, nô lệ, bị tước đoạt mọi quyền tự do, quyền hạnh phúc.
=> Số phận người phụ nữ trong hai tác phẩm này đều bị coi thường, bị rẻ rúng. Họ không được hưởng những quyền lợi cơ bản của con người.

c. Phụ nữ ngày nay:
- Ngày nay phụ nữ được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được bình đẳng hơn với đàn ông.
- Tuy rằng vẫn còn một số người có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhưng đa số người phụ nữ đã có quyền chứng minh tài năng của mình với các chức vị quan trọng trong chính trị, kinh tế, ngoại giao.
- Người phụ nữ đã có thể làm chủ cuộc đời mình, phấn đấu vì sự phát triển của bản thân (liên hệ Đào trong tác phẩm Mùa lạc).
- Những người phụ nữ tài bà đã được thế giới công nhận như nữ thủ tướng Đức Angela Merkel, các nhà ngoại giao xuất sắc như bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Hồi, ...


3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề


II. Bài văn mẫu Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ hay nhất

 

1. Bài văn Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ hay ngắn số 1

1.1. Dàn ý Số phận phụ nữ xưa và nay qua Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về hai tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân và "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. 
- Khái quát về số phận của người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm đó.
1.1.2. Thân bài:
a) Số phận của người phụ nữ xưa thông qua tác phẩm "Vợ nhặt":
- Bối cảnh của tác phẩm: Những năm có nạn đói ở miền xuôi. Nhân dân bị thực dân Pháp và phát xít Nhật bóc lột ghê rợn, con người phải sống trong cảnh lay lắt, đói khổ, lầm than. 
* Nhân vật Thị:
- Lai lịch, thân phận: 
+ Không được giới thiệu gì về quê quán, xuất thân hay tên tuổi. Tất cả những gì người đọc biết là một cái tên "thị" được dùng để chỉ người phụ nữ nói chung.
+ Không có việc làm, được anh cu Tràng "nhặt" về làm vợ -> Số phận rẻ mạt của con người trong nạn đói.
=> Một con người nhỏ bé trong rất nhiều người sống trong nạn đói, không đáng nhắc đến.
- Ngoại hình của thị: 
+ "Người gầy sọp, quần áo tả tơi như tổ đỉa".
+ "Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt".
=> Ngoại hình ốm yếu, bi thảm, đáng thương, là hiện thân của sự nghèo đói. 
- Tính cách của thị:
+ Hai lần đầu gặp anh cu Tràng, thị thể hiện mình là người đanh đá, "chao chát", "chỏng lỏn", sẵn sàng vì miếng ăn mà đánh đổi cuộc đời, trao thân cho người mình mới gặp vài lần. 
+ Lúc theo Tràng về nhà và ra mắt bà cụ Tứ: thị e thẹn, rón rén, ngượng nghịu.
+ Sáng hôm sau, thị đã trở thành người vợ hiền đúng mực, chăm chỉ, ngoan ngoãn cùng mẹ chồng dọn dẹp lại căn nhà.
- Thị kể lại chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang cho mọi người nghe -> Thị tin vào tương lai tươi sáng, gieo hi vọng cho mọi người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
=> Thị là bị cái đói, cái nghèo làm cho tha hóa, trở thành mụ đàn bà đanh đá, ghê gớm để có thể chống chọi với cơn đói, với cuộc sống khổ cực vất vả. Thế nhưng ẩn chứa trong cô vẫn là người phụ nữ hiền thục, mẫu mực, người tràn đầy hi vọng vào tương lai độc lập, hạnh phúc. 
* Nhân vật bà cụ Tứ:
- Hoàn cảnh, lai lịch: Người mẹ góa bụa sống cùng con trai ở xóm ngụ cư. Tuy đã già nhưng không được hưởng cuộc sống ấm no, an vui mà vẫn phải đi ra ngoài mưu sinh, chạy ăn từng bữa -> Người phụ nữ tần tảo, truyền thống. 
- Tính cách:
+ Là người vô cùng yêu thương con cái và có tấm lòng nhân hậu: "vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình", "các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…", "Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót".
+ Là người lạc quan, có niềm tin vào tương lai tươi sáng. Bà động viên các con "ai giàu ba họ, ai khó ba đời?".
=> Bà cụ Tứ là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam khi xưa: tần tảo, đảm đang, giàu lòng nhân hậu và hi vọng. 
b) Số phận của người phụ nữ xưa thông qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ":
- Bối cảnh của tác phẩm: Miền núi Tây Bắc, trong bản làng của người Mông, khi mà chế độ phong kiến miền núi còn hành hạ, đày đọa con người. 
- Đã từng là người con gái xinh đẹp nhất vùng, tự do, hạnh phúc nhưng Mị bị A Sử bắt, bị ép cúng trình ma và làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí.
- Tuy đã từng muốn phản kháng bằng cách ăn lá ngón tự vẫn nhưng không thành công -> Mị không thể tự giải thoát cho mình, đành phải chấp nhận cuộc sống trong nhà thống lí.
- Bị bóc lột sức lao động, cô làm việc không kể ngày đêm "đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày".
- Phải sống trong một cuộc hôn không tình yêu, bị chồng đánh đập, đối xử tàn nhẫn.
- Không được thực hiện quyền cơ bản của con người, không được đi chơi trong đêm mùa xuân trai gái gọi nhau mà bị trói đứng vào cột nhà đầy đau đớn.
=> Cuộc sống như địa ngục trần gian, bị bóc lột, bị đánh đập, không được đối xử công bằng.
- Thế nhưng trong Mị vẫn có sức sống tiềm tàng luôn ủ sẵn chờ ngày bùng lên, đó là khát vọng về cuộc sống tự do, hạnh phúc. 
c) Số phận của người phụ nữ ngày nay:
- Người phụ nữ đã có quyền tự quyết định cuộc sống của bản thân mình, không còn bị đối xử bất công nữa.
- Vị thế của người phụ nữ đã được nâng cao, nhiều người đã trở thành trụ cột gia đình, rường cột quốc gia. Rất nhiều người có cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, không phải phụ thuộc, dựa dẫm vào bất cứ ai. 
- Liên hệ:
+ Nhân vật "em" trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh đã được thể hiện nỗi khát vọng tình yêu, mưu cầu hạnh phúc một cách trực tiếp mà không cần giấu giếm.
+ Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ hoạt động cách mạng sôi nổi, đã từng tham gia kí hiệp định Pa-ri lịch sử, trở thành người lãnh đạo bộ máy nhà nước ta trong thời kì đổi mới. Bà chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với bốn chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".
+ Hoa hậu H’Hen Niê: Người con gái dân tộc thiểu số, lớn lên trong gia cảnh nghèo khó nhưng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ. 
1.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại về số phận của người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ". 

1.2. Bài mẫu Số phận người phụ nữ xưa và nay qua tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ:

Từ xưa đến nay, con người vẫn luôn là đề tài được khai thác chính trong văn học, nhất là người phụ nữ. Phái yếu luôn được mô tả là những người có số phận lênh đênh, trôi nổi, hẩm hiu. Nhất là người phụ nữ trong xã hội phong kiến như Thúy Kiều, Vũ Nương,... Tuy không phải là tác phẩm hoàn toàn bóc trần cuộc sống của một người phụ nữ nhưng trong "Vợ nhặt" của Kim Lân và "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, ta cũng thấy hình bóng của người con gái bị dòng đời xô đẩy, bị hoàn cảnh trói buộc, khác hẳn với những người phụ nữ hiện đại ngày nay. 

Đầu tiên, xét về số phận hai người phụ nữ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân. Tác giả đã chọn bối cảnh chính là những năm xảy ra nạn đói. Nhân dân ta bị thực dân Pháp và phát xít Nhật bóc lột vô cùng dã man. Con người phải sống trong cảnh lay lắt, đói khổ lầm than. Nhân vật thị là một con người lạc giữa bức tranh đầy hỗn loạn đó. Thị không được nhà văn giới thiệu gì về quê quán, xuất thân hay tên tuổi. Tất cả những gì người đọc biết là một danh xưng "thị" dùng để chỉ người phụ nữ nói chung. Cô không có việc làm, chỉ sống lay lắt qua ngày cho đến khi được anh cu Tràng "nhặt" về làm vợ. Từ "nhặt" đã gợi cho ta số phận rẻ rúng, giống như cọng rơm, mảnh rác bị vứt bừa ngoài đường, được người khác nhặt về. Tuy có phần nghiệt ngã, nhưng đó chính là cuộc sống của thị. Cái đói ám cả vào ngoại hình thị, khiến người cô "gầy sọp, quần áo tả tơi như tổ đỉa", "Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt". Chỉ qua một vài nét tả, người đọc cũng thấy được ngoại hình đầy ốm yếu, bi thảm, đáng thương của thị. Cái nghèo đói còn đeo bám cả vào trong tính cách của thị, nó khiến cô trở nên đanh đá, "chao chát", "chỏng lỏn". Thậm chí, chỉ vì bốn bát bánh đúc mà mà cô sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời, lấy người mình mới gặp hai lần. Thế nhưng, sâu trong con người thị, cô vẫn là một người phụ nữ hiền dịu, mẫu mực. Điều đó được bộc lộ khi cô theo Tràng về nhà. Lúc ra mắt mẹ chồng, cô trở nên e thẹn, rón rén, ngượng nghịu. Đến sáng hôm sau, thị đã dậy sớm cùng bà cụ Tứ quét tước dọn dẹp nhà cửa. Bản chất chăm chỉ, ngoan hiền của cô đã được thể hiện ra trong khung cảnh gia đình nghèo khó nhưng ấm áp. Thậm chí, khi biết gia cảnh nhà Tràng túng thiếu, nhìn thấy nồi cháo cám đắng ngắt, thị cũng chẳng than thở điều gì. Tuy có buồn nhưng cô vẫn chấp nhận cuộc sống đó, chỉ cần có người đèo bòng, cùng mình vượt qua khó khăn là được. Trong bữa ăn, thị còn kể lại chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang cho mọi người nghe. Điều này thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thị trong "Vợ nhặt" là người con gái bị tha hóa trở thành mụ đàn bà đanh đá, ghê gớm để có thể chống chọi với cơn đói, với cuộc sống khổ cực vất vả. Thế nhưng ẩn chứa trong cô vẫn là người phụ nữ hiền thục, mẫu mực, người tràn đầy hi vọng vào tương lai độc lập, hạnh phúc. 

Ngoài nhân vật thị thì trong "Vợ nhặt" còn có hình ảnh của một người phụ nữ khác. Đó chính là bà cụ Tứ - mẹ của Tràng. Bà là người mẹ góa bụa sống cùng con trai ở xóm ngụ cư. Tuy đã già nhưng bà không được hưởng cuộc sống ấm no, an vui mà vẫn phải đi ra ngoài mưu sinh, chạy ăn từng bữa. Mặc dù sống trong cảnh nghèo khó, người phụ nữ này vẫn ánh lên những phẩm chất đáng quý. Bà cụ là người vô cùng yêu thương con cái và có tấm lòng nhân hậu. Điều đó được thể hiện ở những chi tiết như: "vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình", "các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…", "Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót". Người phụ nữ này còn có tinh thần lạc quan, có niềm tin vào tương lai tươi sáng. Bà động viên các con "ai giàu ba họ, ai khó ba đời?". Nhìn chung, bà cụ Tứ là  đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam khi xưa: tuy nghèo khó nhưng tần tảo, đảm đang, giàu lòng nhân hậu và luôn giữ hi vọng về tương lai hạnh phúc. 

Sang đến tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, bối cảnh đã thay đổi đôi chút. Nhà văn đã chọn khung cảnh miền núi Tây Bắc, trong bản làng của người Mông để làm nền cho câu chuyện của mình, khi mà chế độ phong kiến miền núi còn hành hạ, đày đọa những người dân tộc Mèo, Mông, Thái. Mị là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Cô đã từng là người con gái xinh đẹp nhất vùng, có cuộc sống tự do, hạnh phúc bên cha mẹ. Nhưng vì đời cha vẫn còn nợ bạc nhà giàu nên Mị bị bắt về làm dâu cho nhà thống lí. Họ bắt cô một cách đột ngột rồi làm lễ cúng "trình ma" ngay khi cô còn chưa hiểu chuyện gì. Tuy đã từng muốn phản kháng bằng cách ăn lá ngón tự vẫn nhưng vì thương cha, Mị đành phải chấp nhận sống tại nhà thống lí. Trong những năm tháng làm dâu, cô bị bóc lột sức lao động còn hơn cả con trâu, con ngựa. Cô làm việc không ngơi nghỉ, "đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày". Cô thường xuyên bị A Sử đánh đập, đối xử tàn nhẫn. Không những thế, Mị còn không được thực hiện những quyền lợi cơ bản của con người, không được đi chơi đêm mùa xuân mà bị trói đứng vào cột nhà đầy đau đớn. Suốt những năm ở nhà thống lí, cuộc sống của Mị giống như địa ngục trần gian. Tuy đã bị hoàn cảnh làm cho chai lì nhưng trong cô vẫn có sức sống tiềm tàng luôn ủ sẵn chờ ngày bùng lên. Đó là khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, được ở bên cạnh người mình yêu thương.

Đọc những dòng văn trên, ta không khỏi thương cảm cho số phận của người phụ nữ trong xã hội khi xưa. Họ không có bất cứ ai giúp đỡ, bị dòng đời xô đẩy, trói buộc. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại, con người đều được đối xử bình đẳng như nhau, bất cứ ai đều được pháp luật bảo hộ. Người phụ nữ cũng vậy. Họ không còn bị đối xử bất công nữa mà đã có quyền tự quyết định cuộc sống của mình. Vị thế của người phụ nữ đã được nâng cao. Rất nhiều người có cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, không phải phụ thuộc, dựa dẫm vào bất cứ ai. Ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó thông qua nghệ thuật và đời sống. Trong các tác phẩm văn học, người con gái đã có thể nói lên tiếng nói cá nhân của mình. Như nhân vật "em" trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh đã được thể hiện nỗi khát vọng tình yêu, mưu cầu hạnh phúc một cách trực tiếp mà không cần giấu giếm, e ngại bất cứ điều gì. Hay trong thực tế, có rất nhiều người phụ nữ đã trở thành trụ cột gia đình, rường cột quốc gia. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ hoạt động cách mạng sôi nổi, đã từng tham gia kí hiệp định Pa-ri lịch sử, trở thành người lãnh đạo bộ máy nhà nước ta trong thời kì đổi mới. Bà chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam với bốn chữ vàng "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang". Hay gần đây, chúng ta có hoa hậu H’Hen Niê. Cũng là một cô gái dân tộc thiểu số xuất thân từ miền đất cằn cỗi, nghèo khó nhưng cô không còn bị những hủ tục, bị cường quyền thần quyền trói buộc như Mị nữa. H’Hen Niê cũng được đi học như tất cả mọi người và bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cô đã lọt vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ. 

Những người phụ nữ ở thời kì trước như thị, bà cụ Tứ trong "Vợ nhặt" hay Mị trong "Vợ chồng A Phủ" tuy phải sống trong cuộc đời nghèo khó, tăm tối nhưng trong họ đều có cho mình niềm tin, hi vọng về tương lai tươi sáng. Ta có thể nhận thấy rằng, số phận của người phụ nữ trong các thời kì có sự khác biệt rất rõ rệt nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn luôn giữ gìn những bản chất tốt đẹp từ ngàn đời: nhân hậu, chăm chỉ, giỏi giang.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Thông qua hai tác phẩm "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ", người đọc thấy được số phận đầy tủi nhục của người phụ nữ trước Cách mạng. Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nam nữ đều bình đẳng. Người phụ nữ có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn trước rất nhiều. Cùng tìm hiểu thêm các bài viết khác để hiểu rõ hơn về người phụ nữ cũng như các nhân vật khác trong hai tác phẩm này qua các bài viết Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động hay bài văn mẫu Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, Cảm nhận về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt.

 

2. Bài văn Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ hay ngắn số 2

Viết về đề tài con người trước Cách mạng tháng Tám, đã có rất nhiều tác phẩm thành công khi ghi lại cuộc sống và số phận của con người, trong số đó có tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Hai tác phẩm đều vẽ lên bức tranh con người dưới ách thống trị đang "hấp hối" của thực dân Pháp trước cuộc chuyển biến to lớn của Cách mạng. Cả hai đều viết về những con người khốn cùng trong xã hội ấy, dù rằng một tác phẩm viết về người dân miền xuôi, một tác phẩm viết về người dân trên vùng cao Tây Bắc. Và hơn thế, hai nhà văn còn miêu tả cực kì rõ nét số phận của những người phụ nữ - những con người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội ấy qua hình ảnh của Mị - cô dâu gạt nợ, thị - cô vợ nhặt và bà cụ Tứ. So sánh số phận của họ với số phận của phụ nữ ngày nay thật có nhiều sự biến đổi!

Phụ nữ xưa nay vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, vậy nên có rất nhiều nhà văn nhà thơ đã đem hình ảnh người phụ nữ vào trong tác phẩm của mình để lên tiếng cho số phận của họ. Với hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ, hình ảnh người phụ nữ lại càng hiện lên rõ ràng bởi tài năng, cũng như sự ưu ái mà các nhà văn dành cho họ.

Với tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã lấy bối cảnh ở một vùng quê trong nạn đói năm 1945.Nạn đói khủng khiếp ấy đã cướp đi của dân tộc ta hai triệu đồng bào, một quá khứ kinh hoàng, đau đớn khi mà mỗi lần ra đường đều thấy "người chết như ngả rạ". Đó là hậu quả dưới sự cai trị của bọn phát xít Nhật.

Chính trong lúc ấy, tình cảnh của những người phụ nữ lại càng thê thảm hơn bao giờ hết mà ở đây, điển hình là thị. Thị - đây chẳng phải là tên gọi của thị, mà chỉ là một cái danh xưng, bởi đến một cái tên thị cũng chẳng có, chẳng ai biết tuổi tác hay người thân của thị. Thị hiện lên trong tác phẩm như một con người vô danh giữa xã hội, giữa nạn đói ấy. Và nếu như không có cái nạn đói kia, hẳn chẳng có ai quan tâm tới một người như thị trong cuộc đời cả.

Hơn thế, thị lại chẳng được cuộc đời ưu ái cho một nhan sắc, lại sống giữa những năm tháng đói khát, biến thị trở thành một kẻ thảm thương của số phận "Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày chỉ còn thấy hai con mắt". Nếu như nạn đói không xảy đến, hẳn thị đã chẳng khốn cùng đến thế! Thị là hiện thân của vô số những nông dân, những con người đang bần cùng tha phương cầu thực, đang đứng trước ranh giới của cái chết bủa vây.

Nếu không có nạn đói ấy, có lẽ thị còn có thể tự bươn chải, như lúc thị còn ngồi nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi, mà nuôi lấy thân mình. Nhưng khi cái nạn đói khủng khiếp ấy đến, nó đã biến thị trở thành một con người rẻ rúng, trở thành một người đàn bà khốn cùng. Bởi thị đã nhận lời mà làm vợ một người đàn ông xa lạ, mới chỉ gặp mặt có hai lần, và lần thứ hai ấy, cũng là lần thị sỗ sàng đòi hỏi người ta đãi mình bánh đúc - thứ đồ ăn xa xỉ với thị khi ấy. "Bốn bát bánh đúc" là cái giá, là lễ vật mà thị dùng để đánh đổi bản thân mình lấy một anh chàng vừa xấu xí, vừa thô kệch lại còn nghèo rớt mồng tơi, sống ở xóm ngụ cư. Cái giá ấy, có thể nói nó quá rẻ rúng với thân phận của người con gái!

Về đến nhà, thị nhìn gian nhà bé tẹo, vắng teo, rúm ró mà "nén một tiếng thở dài". Đời người phụ nữ mong muốn có được người chồng để có thể được hạnh phúc, được an yên cả đời, vậy mà với căn nhà này, người đàn ông này, liệu thị có được hạnh phúc không? Có lẽ, thị đã tự hỏi chính mình như thế khi bước chân vào nhà và ngồi lên cái chõng tre ọp ẹp. Thị đi làm dâu, làm vợ mà sao chỉ thấy lo lắng, chỉ thấy những nỗi buồn thảm hại thế này? Lấy chồng là chuyện hạnh phúc, ấy vậy mà thị có thể được hạnh phúc hay không khi mà đến cả lễ vật để thị theo chồng cũng không có. Chắc hẳn thị tủi buồn lắm nhưng ngày vui của mình có ai lại khóc cơ chứ? Và tiếng khóc ấy đã được nén lại trong cái thở dài não nề của thị!

Cái số phận của người phụ nữ trong hoàn cảnh này thật sự quá rẻ rúng, quá đỗi tầm thường và hạnh phúc của họ dường như là một cái gì đó xa xôi, không thể với tới! Nếu như ngày xưa lễ vật cưới vợ của đàn ông phải ba bò chín trâu thì nay, nó chỉ còn lại là một bữa ăn đủ no cho người đàn bà. Cái số phận ấy thật đau đớn biết bao, người phụ nữ thậm chí chẳng có quyền mà lựa chọn, bởi ranh giới giữa cái chết và sự sống kia chỉ mỏng manh như một sợi chỉ. Kim Lân đã viết về số phận người phụ nữ bằng tất cả tình cảm xót thương vô cùng.Và ở đây, Kim Lân không hề đặt cho thị một cái tên, phải chăng ông muốn thị là người đại diện cho hàng trăm hàng nghìn người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh tối tăm ấy? Khi mà họ đành phải ngậm ngùi biến mình trở thành một thứ đồ rẻ rúng để có thể được sống?

Hình ảnh người phụ nữ thứ hai trong tác phẩm Vợ nhặt, đó là hình ảnh của bà cụ Tứ. Bà là mảnh ghép bổ sung hoàn chỉnh cho bức tranh về số phận người phụ nữ trước Cách mạng. Bà là người phụ nữ nông dân điển hình của nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc, hiền lành, chất phác và rất thương người.

Bà cụ Tứ hiện lên là hình ảnh của người mẹ già, góa bụa, sống với đứa con trai trong căn nhà rách nát. Có thể với nhiều người ngày nay, ở cái tuổi ấy, bà nên được sống vui vầy cùng cháu con, an hưởng tuổi già, nhưng với hoàn cảnh khi ấy, bà chẳng thể có lựa chọn nào khi phải đối mặt với cái đói, cái chết bủa vây từng giờ. Cái số phận của bà có lẽ nghiệt ngã từ khi bà mất đi người chồng, chịu cảnh góa bụa mà nuôi đứa con trai trưởng thành. Số phận ấy thật vất vả, khó nhọc, như thân cò lặn lội bờ sông:

"Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non"

Thế nhưng, số phận có cay đắng là thế, bà vẫn là một người mẹ yêu thương con vô cùng, là một người phụ nữ hồn hậu và chất phác. Khi bắt gặp thị ở nhà mình và được con trai giới thiệu "nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!", bà đã chợt "nín lặng". Bà buồn bởi không thể lo nổi cho con trai một đám cưới, lo cho con dâu được một lễ cưới đàng hoàng. Thế nên, khi đối xử với thị, bà đối xử bằng sự chân tình, thân thiết, bằng sự yêu thương và cảm thông. Trong cái nạn đói ấy, tất cả mọi số phận đều như nhau, thế nhưng, bà cụ Tứ lại cho rằng, con trai bà không hề xứng với thị chứ không phải điều ngược lại, bà nghĩ rằng: "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ được". Mấy ai trong hoàn cảnh cái chết cận kề lại có thể nhân hậu, giàu yêu thương được nhường ấy?

Đó là số phận những người phụ nữ trong tác phẩm Vợ nhặt, họ là nạn nhân của cái đói, cái nghèo, đôi khi còn là sự rẻ rúng, tầm thường của một số phận khi cái chết cứ rình rập, bủa vây lấy họ. Còn ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ, với Mị, số phận của cô lại ở một khía cạnh khác.

Lấy bối cảnh là ở một vùng cao của Tây Bắc, nơi có bản làng của người Mông, Tô Hoài dựng lên bức tranh về cuộc sống của những con người nơi đây dưới ách thống trị của bọn chúa đất, của bè lũ thực dân. Đặc biệt, nó khắc họa cuộc sống của Mị, một cuộc sống đầy những biến cố thăng trầm.

Mị là người con gái xinh đẹp nhất bản làng người Mông. Cô sống với cha mẹ và có một tình yêu đẹp với một thanh niên trong bản. Thế nhưng, đuổi theo cuộc sống của cô là cái khổ, cái nghèo. Bố mẹ cô lấy nhau không có tiền phải đi vay thống lý Pá Tra, rồi đến khi mẹ cô mất, cô thay mẹ cùng cha làm rẫy, làm nương, chăm chỉ cũng không trả nổi món nợ ấy. Thế rồi, biến cố ập đến, biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Mị, mà tất cả đều do cái hủ tục bắt vợ của người Mông.

Cuộc sống của những người phụ nữ vùng cao còn khó khăn, còn gian nan hơn nhiều những người phụ nữ dưới xuôi. Ở đây, người phụ nữ phải tuân theo những luật lệ của bản làng, những hủ tục lạc hậu, đôi khi cướp đi của họ cả một tương lai, cả một cuộc đời. Và Mị chính là nạn nhân của hủ tục ấy, bởi vào đêm chơi tết năm ấy, trong tiếng sáo vi vu, Mị bị bắt về nhà thống lý Pá Tra, trở thành vợ của A Sử, trở thành một "cô dâu trừ nợ", và cũng từ đó, trở thành một con người vô hồn. Cuộc hôn nhân với con trai kẻ giàu nhất bản, nhưng lại chẳng hề có tình yêu, Mị vật vờ sống qua ngày, không tương lai, không hạnh phúc "đêm nào Mị cũng khóc".

Ở trong cái cuộc sống ấy, Mị muốn chết đi, để được giải thoát, để được làm lại cuộc đời ở bên kia thế giới, ở một cuộc đời khác. Thế nhưng, với Mị, cái chết cũng nào đâu dễ dàng khi cha Mị còn đó, món nợ còn đó "mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt trả nợ. mày chết rồi, không có ai làm nương ngô, trả được nợ, tao thì ốm yếu quá rồi". Lời nói động đến tâm can của Mị, không đành lòng, Mị lại lần lần trở về nhà thống lý sống cuộc sống của một bóng ma vật vờ.

Về ở nhà thống lý, danh là con dâu, nhưng thực chất Mị chỉ là kiếp nô lệ, là kẻ đầy tớ hết đời cho cái nhà đó. Suốt năm suốt tháng, Mị quần quật làm lụng, "Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế". Tô Hoài đã làm nổi bật nên cái nỗi cực nhọc của Mị chỉ với một câu so sánh "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Rõ ràng ở đây, người ta nhận thấy số phận của Mị hay của những cô gái ở gia đình thống lý đều bị khinh thường, đều trở thành những kẻ mạt hạng, không bằng những con vật nuôi trong nhà. Đây là tư tưởng trọng nam khinh nữ, cái tư tưởng đã ăn sâu, làm khổ bao nhiêu người phụ nữ từ xưa đến nay.

Không chỉ bị đày đọa về thể xác, tinh thần Mị cũng chịu những khổ ải vô cùng. Đáng ra một người con gái xinh đẹp, nết na, hiền dịu như cô phải nên có một cuộc sống hạnh phúc với người mình thương yêu, thế nhưng không, cuộc đời của cô là chuỗi những ngày tháng "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Mị không hề còn biết đến tình yêu, không hề được nếm mùi hạnh phúc. Ai đọc tác phẩm mà không ấn tượng với hình ảnh "ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra, thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Cái hình ảnh ấy khắc vào tâm can người đọc, khiến người ta cũng phải đau đáu cái nỗi buồn sâu kín trong tâm hồn Mị.

Ở nhà giàu mà Mị tưởng mình là con trâu, cái ngựa, làm suốt năm suốt tháng, cái buồng nằm thì "kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Bao giờ chết thì thôi". Cô muốn chết nhưng lại chẳng thể chết, Mị bị tước đoạt tự do bằng hủ tục, cái sự mê tín rằng "ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi". Chính Mị còn cảm thấy thân đàn bà của mình chẳng có ý nghĩa nữa, thì liệu còn ai trong cái nhà ấy coi trọng Mị?

Không chỉ thế, đến ngày Tết, khi mà mọi người trong bản làng ùa nhau ra ngoài, cùng nhau thổi sáo, chơi quay, thì Mị lại phải ở nhà bởi "chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi tết". Mị cũng muốn được tham gia vào cuộc vui ấy, nhưng A Sử không cho Mị đi bằng cách "lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa". Một người phụ nữ bị đày ải bởi cả chồng, cả gia đình nhà chồng, tước đoạt hết mọi quyền tự do, quyền được hạnh phúc của cô. A Sử bước đi trong quần áo là lượt, đi bắt thêm vợ về, còn bỏ mặc Mị trong tủi hờn, đau đớn khôn xiết!

Có lẽ khi sống quá lâu trong bóng tối, con người ta thường không nhận ra ánh sáng. Mị cũng vậy, sống trong xiềng xích, trong tù đày quá lâu, mọi phản kháng trong Mị dường như đã lu mờ. Mị chỉ nghĩ cứ thế cho đến khi chết đi, bởi cuộc sống của cô quá rẻ rúng, quá bị khinh thường, cuộc sống không có chút ý nghĩa nào. Cô sống chỉ như một bóng ma tồn tại nơi mặt đất, cho đến cái đêm trong ngọn lửa, cô nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ và nghĩ lại số phận của mình. "Người kia việc gì mà phải chết", Mị đã nghĩ như vậy rồi cắt dây cho A Phủ, cùng anh trốn sang tận Phiềng Sa - nơi có ánh sáng Cách mạng và ở nơi đây, cùng A Phủ, cô đã thực sự được trở thành một con người, một người vợ đúng nghĩa.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ chưa bao giờ được hưởng một chút công bằng, bởi tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Họ luôn phải sống dưới cái bóng của đàn ông, bị rẻ rúng, khinh thường, bị tước đoạt quyền được tự do, được hạnh phúc. Không gian của họ chỉ là gian bếp, là cái nhà nơi mà họ dành trọn cuộc đời cho chồng, cho con. Số phận ấy thật quá ư đau khổ, quá ư mệt mỏi và tủi cùng như Mị, như thị, như nhiều người phụ nữ khác. Nhiều người phụ nữ có tài, muốn đem điều đó cống hiến cho xã hội, nhưng lại bị những tục lệ lạc hậu xua đuổi một cách tàn nhẫn.

Ngày nay, người phụ nữ đã được hưởng quyền bình đẳng so với nam giới, mặc dù vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Thế nhưng, một phần nào đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã và đang dần biến mất, và người phụ nữ được quyền khẳng định tài năng và giá trị của mình như Đào, như Duệ, ... trong tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải. Trong chính trị, những người phụ nữ tài ba như thủ tướng Đức Angela Merkel, nữ ngoại giao Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Hồi, ... đều được cả thế giới công nhận về những đóng góp của họ cho thế giới, cho đất nước Việt Nam. Các nhà kinh doanh cũng thêm nhiều người phụ nữ, những giáo sư, tiến sĩ cũng được gọi tên bởi những người phụ nữ xinh đẹp, tài năng. Không còn ai dám rẻ rúng, khinh thường họ nữa, và những số phận như Mị, như thị, ở cuộc sống này hẳn sẽ khác, sẽ tốt đẹp hơn. Có được điều này, tất cả đều nhờ có sự chỉ đường của Bác, của Đảng, những cuộc giải phóng như Cách mạng tháng tám giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc.

Số phận của những người phụ nữ đang dần biến chuyển từng ngày, khác biệt rõ ràng với những người phụ nữ ở thời kì trước. Họ đang dần khẳng định vị thế của mình trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Với Mị, với thị hay bà cụ Tứ, tất cả những nỗi đau, những rẻ rúng mà họ đã từng gánh chịu giờ đây đã và đang biến mất trong xã hội. Đất nước ta ngày càng tươi đẹp hơn bởi sự đóng góp của những người phụ nữ tài ba.

------------------------HẾT----------------------------

Có thể nói rằng, giờ đây cuộc sống của những người phụ nữ đã có những biến chuyển hết sức tốt đẹp. Họ đang được sống một cuộc sống tươi đẹp hơn cuộc sống của thị trong Vợ nhặt hay của Mị trong Vợ chồng A Phủ khi xưa rất nhiều. 

Trong thời kì phong kiến, cuộc đời người phụ nữ luôn phải chịu nhiều ngang trái, hẩm hiu. Thậm chí đến ngày nay, họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm cổ hủ, lạc hậu. Để hiểu thêm về vấn đề này, mời em tham khảo bài phân tích Số phận người phụ nữ xưa và nay qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động
Cảm nhận về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
Qua hai nhân vật Mị và A Phủ, nên lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
Dàn ý phân tích Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt để thấy được số phận và vẻ đẹp của người lao động
Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ qua Tự Tình II và Thương vợ

ĐỌC NHIỀU