Đề văn: Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Bài làm
Một tác phẩm tự sự thành công cần có sự góp mặt của rất nhiều yếu tố như cốt truyện, tình huống, sự kiện, chi tiết, ... và một yếu tố không thể thiếu đó chính là nhân vật. Trong truyện ngắn "Chí Phèo", Nam Cao đã khắc họa nên nhân vật thị Nở, một nhân vật xuất hiện bên cạnh Chí để đánh thức lương tâm, nhân tính của con qủy dữ. Đây cũng là nhân vật gây được nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc.
Bằng bút pháp tả thực, nhà văn Nam Cao đã miêu tả thị là một người phụ nữ xấu ma chê quỷ hờn với cái mặt "ngắn đến nỗi mà bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn". Cái mũi thị "vừa to, vừa ngắn, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra". Thị lại "ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách". "Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu". Đó quả là "một sự mỉa mai của hóa công". Nam Cao không dùng biện pháp nói giảm, nói tránh mà ông luôn miêu tả đối tượng với cái nhìn hiện thực, chân thật nhất.
Không chỉ xấu xí về ngoại hình, thị Nở còn là một người đà bà ngẩn ngơ, ế chồng, gia đình có nguồn gốc mả hủi. Thị sống cùng với bà cô cũng ế chồng bởi "con người ấy năm mươi tuổi rồi, năm mươi tuổi còn ai lấy chồng". Vì tính hay quên mà thị Nở đã ngủ quên trong tư thế hai tay trần buông xuôi, cái mồm "há hốc lên trăng mà ngủ", "đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch" khi đi ra sông kín nước. Đêm ấy, thị và Chí Phèo "ăn nằm với nhau rồi cùng ngủ say dưới trăng". Thiên nhiên thơ mộng đã chắp cánh cho một mối tình đôi lứa xứng đôi, có một không hai trong lịch sử văn học.
Ngỡ tưởng, thị đã xấu xí về ngoại hình, tâm hồn bị bóp méo nhưng ở con người ấy vẫn ngời sáng một tình thương dành cho Chí Phèo. Điều ấy được thể hiện qua chi tiết: "Đến nửa đêm, Chí Phèo đau bụng, nôn mửa. Thị Nở dìu hắn vào trong lều, đặt lên chõng, đắp chiếu cho hắn rồi ra về". Sau đó, thị nấu cho Chí bát cháo hành để giải cảm. Thị thấy Chí đáng thương, "còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình". Thị đã nghĩ rằng: "Mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc" vì hai người đã ăn nằm với nhau.
Thị Nở nhận thấy dường như mình yêu Chí Phèo, "đó là cái lòng yêu của một người làm ơn". Người đàn bà dở hơi đó lại biết yêu, yêu một cách đúng nghĩa. Thị đến với Chí Phèo mà không bận tâm chuyện hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn đã rạch mặt mà đâm chém biết bao nhiêu người. Thị thấy hắn hiền, khác hẳn với những hung dữ thường ngày. Dường như trong xã hội ấy chỉ có thị Nở công nhận Chí Phèo là con người. Thị hết lòng chăm sóc khi hắn ốm và ở nhà hắn năm ngày chẵn. Chí Phèo và thị Nở sẽ là một cặp rất xứng đôi.
Nhờ bát cháo hành của thị mà Chí có khao khát trở về làm người lương thiện. Thị là cái phao cứu sinh cho cuộc đời Chí khi hắn đang ngấp ngoải, vùng vẫy giữa dòng xoáy nước. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn làm hòa với tất cả mọi người. Tình thương, tình yêu và tình người của thị Nở khiến Chí Phèo cảm động, "mắt ươn ướt" bởi chưa bao giờ "hắn được một người đàn bà cho" và "muốn làm nũng với thị như với mẹ". Hai người sẽ lấy nhau để Chí có thể thực hiện ước mơ nho nhỏ với cuộc sống chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải của mình.
Nhưng vì định kiến xã hội, thị Nở không thể lấy Chí Phèo. Lời nói của bà cô đã khiến thị từ chối và cự tuyệt tình yêu của Chí một cách thẳng thừng: "Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ". Vì những lí do đó mà thị "dớn cái môi vĩ đại lên", trút vào mặt Chí Phèo lời của bà cô rồi "ngoay ngoáy cái mông đít đi ra về". Thị thương Chí Phèo là thật, thị yêu Chí và muốn về chung một nhà với Chí để gọi tiếng "vợ chồng" cũng là thật. Con người ngớ ngẩn ấy cũng có khát khao hạnh phúc như bao người bình thường khác. Thị biết quan tâm Chí, biết dùng tình thương để cảm hóa con quỷ dữ thức tỉnh. Đây là điều mà bao người dân Làng Vũ Đại không ai làm được. Họ chỉ thấy Chí lưu manh, tha hóa, mất hết nhân hình và nhân tính. Thị Nở như một luồng gió mới thổi sự sống vào cuộc đời Chí, vào tâm hồn của con người tưởng như đã chai sạn đi vì những lần rạch mặt ăn vạ, làm tay sai cho bá Kiến. Khi ở bên cạnh thị Nở, Chí Phèo là một người lương thiện.
Ngòi bút hiện thực sắc sảo của Nam Cao đã khắc họa nhân vật thị Nở với ngoại hình và những nét tính cách chân thật nhất. Con người bị người ta tránh như tránh "một con vật rất tởm" ấy lại có tình người, tình yêu với Chí Phèo. Giọng điệu của nhà văn Nam Cao hết sức lạnh lùng nhưng ẩn sâu trong đó là những trang văn thấm nhuần tư tưởng nhân đạo.
Thị Nở là nhân vật góp phần làm ngời sáng tư tưởng nhân đạo của nhà văn hiện thực chủ nghĩa, gây được ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả. Ngoại hình dù có xấu xí, thô kệch nhưng hình ảnh của thị đã in dấu trong chúng ta bởi vẻ đẹp của lòng thương, vẻ đẹp của tình người. Phải chăng xây dựng nhân vật thị Nở là dụng ý của nhà văn trong việc khắc họa bi kịch bị lưu manh, tha hóa của anh canh điền lương thiện?
Ai đã từng đọc qua trang văn Chí Phèo của tác giả Nam Cao chắc chắn sẽ không thể quên được giây phút Chí Phèo gặp Thị Nở, tuy chỉ là khoảnh khắc rất ngắn ngủi nhưng vô cùng đẹp đã ghi lại giây phút bản tính lương thiện vốn đã không còn trong “con quỷ dữ làng Vũ Đại” được trỗi dậy, cùng tham khảo bài phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở để thấy được nỗi khao khát hạnh phúc rất đỗi bình dị, rất đỗi con người của Chí.