Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề bài: Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt
 

I. Dàn ý Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vở kịch Hồn Trương Ba- da hàng thịt và dẫn dắt đến nhan đề độc đáo của vở kịch.

2. Thân bài

- Giới thiệu ngắn gọn về nguồn gốc của vở kịch:
+ Lấy ý tưởng từ câu chuyện dân gian cùng tên.
+ Nội dung vở kịch được phát triển từ kết thúc của câu chuyện dân gian: Sự kết hợp kì lạ giữa hồn Trương Ba và xác người hàng thịt".

- Ý nghĩa nhan đề:
+ Gợi ra mối quan hệ lạ lùng giữa hồn Trương Ba và xác người hàng thịt.
+ Tạo ra sự đối lập giữa phần hồn thanh cao, trong sạch với phần xác thô kệch, tham lam.
→ Hồn Trương Ba là đại diện cho tâm hồn đẹp đẽ, xác hàng thịt là đại diện cho những vật chất tầm thường.
+ Gợi ra bi kịch sống không được là mình của Trương Ba
+ Thể hiện được mâu thuẫn thuẫn giữa nhu cầu vật chất thiết thực, chính đáng với lí tưởng sống cao đẹp.

- Ý nghĩa nhân sinh được gửi gắm qua nhan đề:
+ Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi hòa hợp được giữa nhu cầu vật chất và mong muốn về tinh thần.
+ Khi bị những vật chất tầm thường chi phối con người sẽ đánh mất đi lí tưởng đẹp đẽ của bản thân, dần tha hóa và đánh mất mình.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của nhan đề "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".


II. Bài văn mẫu Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Chuẩn)

Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài, ông là nhà thơ, nhà văn tài năng và là "ngôi sao sáng" trên bầu trời kịch nghệ. Những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ đều được bắt nguồn cảm hứng từ những sự kiện mang tính thời sự của cuộc sống, để rồi qua mỗi xung đột kịch, nhân vật kịch nhà văn lại gửi gắm vào đó những thông điệp mang triết lí nhân văn. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ có thể kể đến là Hồn Trương Ba- da hàng thịt. Vở kịch gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc ngay từ tên nhan đề.

Hồn Trương Ba- da hàng thịt được Lưu Quang Vũ lấy ý tưởng từ một câu chuyện dân gian. Nếu căn cứ vào cốt truyện gốc của vở kịch, nhan đề "Hồn Trương Ba- da hàng thịt" đơn thuần nói về sự kết hợp giữa phần hồn của Trương Ba- một người làm vườn có đời sống thanh bạch nhưng bị chết oan do sự tắc trách của Nam Tào và xác người hàng thịt - người đồ tể chết trước đó không lâu.

Tuy nhiên, giá trị mà Lưu Quang Vũ mang đến cho vở kịch còn nhiều hơn thế. Vở kịch của ông không kết thúc ở chi tiết Trương Ba sống hạnh phúc bên gia đình trong thân xác người hàng thịt mà mọi bi kịch bắt đầu từ đó. Sự kết hợp khập khiễng giữa hai con người khác nhau cả về sở thích, tính cách và quan điểm sống đã tạo nên bi kịch không dễ gì hóa giải. Ngay từ phần nhan đề "Hồn Trương Ba- da hàng thịt" đã gợi ra sự kết hợp lạ lùng, đặc biệt, nhìn qua tưởng hài hòa, thống nhất nhưng lại ẩn chứa những xung đột và mầm mống của những bi kịch.

Theo quan niệm dân gian, "hồn" và "xác" là hai bộ phận hợp thành để tạo nên một con người hoàn chỉnh. Phần xác là cái hữu hình, có thể nhìn thấy được thì phần hồn lại là cái vô hình, nó là hiện thân của tâm hồn, tình cảm. Sự kết hợp giữa hồn và xác tạo nên một con người có diện mạo, có sự sống, có tình cảm. Thế nhưng trong vở kịch, sự kết hợp giữa phần hồn Trương Ba và xác của người hàng thịt đã tạo nên bao rắc rối, bi kịch.

Trương Ba và người hàng thịt là hai con người có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Trương Ba là người làm vườn chăm chỉ, có đời sống thanh bạch và có tài chơi cờ thì xác người hàng thịt lại là tên đồ tể thô tục, bạo lực, tham lam. Hồn Trương Ba là biểu tượng cho tâm hồn trong sạch, thanh cao, xác người hàng thịt lại là đại diện cho những nhu cầu vật chất tầm thường nhưng cũng rất thiết thực của con người. Sự trái ngược trong tính cách, con người khó có thể dung hòa để tạo nên một con người, đây cũng chính là căn nguyên cho mọi đau khổ, bất lực của Trương Ba, để trong nỗi tuyệt vọng, Trương Ba đã phải thốt lên rằng "Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn".

Có thể nói nhà viết kịch Lưu Quang Vũ rất tinh tế khi lựa chọn nhan đề cho vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Nhan đề không chỉ gợi ra mối quan hệ giữa hai nhân vật trong vở kịch mà còn hé lộ bi kịch khủng khiếp mà Trương Ba phải đối mặt, đó là bi kịch sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo và bi kịch bị tha hóa. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" còn phản ánh được hiện thực trong cuộc sống con người, đó là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu về vật chất và đời sống tinh thần, giữa con người bên trong và con người bên ngoài. Dưới những tác động của cuộc sống, sẽ có những lúc con người cảm thấy đau khổ, dằn vặt khi không thể làm theo những gì mình muốn, đó là khi những lí tưởng sống tốt đẹp của bản thân bị chi phối bởi cuộc sống vật chất cơm-áo-gạo-tiền.

Nhan đề "Hồn Trương Ba-da hàng thịt" không chỉ góp phần định hướng nội dung, tạo sự thu hút, tò mò khám phá của người đọc mà còn chứa đựng những thông điệp nhân sinh sâu sắc về sự thống nhất, toàn vẹn bên trong một con người.

--------------------HẾT---------------------

Sau khi tìm hiểu xong ý nghĩa nhan đề vở kịch, các em hãy cùng khám phá nội dung, thông điệp được gửi gắm trong đoạn trích "Hồn Trương Ba- Da hàng thịt" qua việc tham khảo: Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt, Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba- Da hàng thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Các em hãy cùng tham khảo bài Phân tích nhan đề vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt để thấy được những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật cũng như những triết lí nhân sinh được nhà văn Lưu Quang Vũ phần nào tiết lộ thông qua nhan đề của vở kịch.
Phân tích giá trị nhân văn trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Phân tích và nêu cảm nghĩ truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Phân tích xung đột kịch trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt
Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt
Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Phân tích đoạn kết tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

ĐỌC NHIỀU