Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt
1. Mở bài:
- Kim Lân là nhà văn nổi tiếng của văn học Việt.
- "Vợ nhặt" là truyện ngắn tiêu biểu của ông, viết người nông dân trong nạn đói 1945, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.
2. Thân bài:
a. Khái niệm giá trị nhân đạo:
- Là giá trị cơ bản của văn học chân chính.
- Biểu hiện qua lòng cảm thông sâu sắc của tác giả với con người và cuộc đời:
+ Thể hiện qua sự đồng cảm, xót thương dành cho những số phận bất hạnh.
+ Là sự trân trọng, nâng niu với những phẩm chất tốt đẹp, nghị lực vươn lên,... của con người.
+ Tố cáo những thế lực gây ra nỗi đau khổ của con người và chỉ ra lối thoát cho họ.
b. Giá trị nhân đạo của "Vợ nhặt":
* Đồng cảm, xót thương cho cuộc sống khổ cực của người dân nghèo trong nạn đói:
- Nạn đói tàn phá làng quê: những gia đình "lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ", "người chết như ngả rạ", "thây nằm còng queo bên đường", "không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người".
- Sự khủng khiếp của cái đói được thể hiện qua nhân vật người đàn bà:
+ Hiện lên với vẻ tiều tuỵ, đói rách "quần áo như tổ đỉa", "gầy sọp đi",...
+ Vì đói mà thị trở nên "chao chát, chỏng lỏn":
+ Thị đồng ý "theo không" Tràng về nhà với mong muốn được bấu víu để thoát khỏi cái chết.
=> Nỗi xót xa của tác giả khi chứng kiến cảnh con người bị cái đói đẩy vào đường cùng.
* Phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp phẩm chất và khát khao của họ:
- Nhân vật Tràng: tấm lòng nhân ái và khao khát hạnh phúc gia đình.
+ Chấp nhận chia sẻ sự sống cho người đồng cảnh ngộ với mình: Mời thị ăn dù mình cũng chẳng dư giả gì.
+ Khao khát có được hạnh phúc gia đình: Ngỏ ý bảo thị theo về cùng, hạnh phúc khi có vợ.
+ Thay đổi rõ rệt sau khi có gia đình: thấy mọi vật xung quanh đều mới mẻ, ý thức được trách nhiệm của mình, tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn.
- Nhân vật người đàn bà: sức sống mãnh liệt và tính tình hiền dịu đằng sau vẻ "chao chát chỏng lỏn".
+ Sức sống mãnh liệt của thị: thể hiện ở chỗ thị dám vứt bỏ tự trọng, nhân cách để được sống; chấp nhận kiếp "vợ nhặt" để có thể bấu víu vào tia hi vọng sống cuối cùng.
+ Hiền lành, đảm đang khi trở thành vợ Tràng: quét tước, dọn dẹp nhà cửa; điềm nhiên trong bữa cơm gia đình "thảm hại".
- Nhân vật bà cụ Tứ: giàu lòng nhân ái, thương con.
+ Khi thấy Tràng mang về một người xa lạ, trong hoàn cảnh phải sẻ chia sự sống nhưng bà cụ vẫn chấp nhận.
+ Bà thậm chí còn mang ơn thị bởi bà nghĩ "người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình".
+ Bà luôn yêu thương con mình: mừng cho con trai và hết sức vun vén cho hạnh phúc của con mình.
+ Bà cụ giấu nỗi buồn tủi trong lòng và luôn nói về một tương lai tươi sáng, lạc quan "may ra ông giời cho khá", "mua đôi gà".
+ Khi nồi cháo "hết nhẵn", bà "lật đật", "lễ mễ" mang lên nồi "chè khoán" bằng cám với giọng điệu vui vẻ.
* Tìm ra con đường, lối thoát thay đổi cuộc sống của những người dân nghèo - con đường cách mạng:
- Qua câu chuyện mà người đàn bà kể "người ta đi phá kho thóc Nhật chia cho người đói" và "không chịu đóng thuế nữa".
- Tâm trạng của Tràng "ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu": những chuyển biến trong tâm trạng của Tràng dù còn rất nhỏ.
- Những chuyển biến này khi gặp ánh sáng cách mạng sẽ trở thành điểm tựa thay đổi cuộc đời nghèo khó của họ.
- Đây là con đường mà Kim Lân muốn chỉ ra cho những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm và tấm lòng nhân đạo của Kim Lân.
Kim Lân là một nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Ông viết không nhiều nhưng tác phẩm nào cũng có những giá trị để lại cho đời sau. Trước hay sau Cách mạng, Kim Lân cũng đều trung thành với mảng đề tài về nông thôn Việt Nam với những người nông dân cần cù mà ông yêu quý. Tác phẩm "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Truyện phản ánh hiện thực xã hội trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 của Việt Nam, đồng thời gửi gắm những giá trị nhân đạo sâu sắc.
Giá trị nhân đạo được coi là một trong những giá trị cơ bản của các tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của người tác giả với con người. Đó là sự đồng cảm, xót thương của tác giả dành cho những số phận bất hạnh; sự trân trọng, nâng niu đối với những phẩm chất tốt đẹp, nghị lực vươn lên và khát khao chính đáng của con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giá trị nhân đạo của một tác phẩm còn được thể hiện qua việc tố cáo những thế lực gây ra nỗi đau khổ cho con người đồng thời chỉ ra con đường, lối thoát cho những số phận.
Truyện ngắn "Vợ nhặt" được nhà văn Kim Lân lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp của đất nước ta vào những năm 1945 khiến cho hai triệu đồng bào ta chết đói. Giữa giai đoạn đau thương ấy, "anh cu Tràng" - một người đàn ông sống cùng mẹ ở xóm ngụ cư nghèo nàn lại bỗng dưng "dắt" về một cô vợ "nhặt". Số phận bi thảm cùng cái đói đã kéo những con người nghèo khổ ấy lại sát gần nhau. Truyện không chỉ phản ánh chính xác những năm tháng đau thương tột cùng của dân tộc mà còn ca ngợi sức sống mạnh mẽ của những con người lao động, dù có ở hoàn cảnh nào cũng luôn vươn lên, hướng về sự sống, yêu thương và đùm bọc nhau. Giá trị nhân đạo của "Vợ nhặt" được Kim Lân thể hiện qua từng câu chữ, từng tình huống trong truyện ngắn của mình. Đọc tác phẩm ta có thể thấy được sự đồng cảm, thương xót vô bờ của ông dành cho những người dân nghèo. Ông cũng tinh tế khi phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp phẩm chất và nỗi khao khát của từng nhân vật. Và hơn thế, Kim Lân đã chỉ ra cho họ con đường, lối thoát giúp họ thay đổi số phận mình.
Đầu tiên, khi đọc "Vợ nhặt", ta cảm nhận được một sự đồng cảm, xót thương trước cuộc sống cực khổ của người dân nghèo trong nạn đói. Nạn đói ập đến bất ngờ, "người chết như ngả rạ", còn người sống thì "xanh xám như những bóng ma", "thây nằm còng queo bên đường", "không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Trên nền cảnh thê lương ấy, người đàn bà hiện ra với vẻ tiều tuỵ khiến Tràng - người đã từng gặp thị trước đây không thể nào nhận ra. Nếu trước cơn đói, người đàn bà vẫn còn đon đả, sẵn sàng đẩy xe thóc cùng Tràng qua dốc, sẵn sàng giúp đỡ Tràng lúc khốn khó thì giờ đây, cái đói đã khiến thị thay đổi hoàn toàn. Trước tiên là hình dáng bên ngoài "thị gầy sọp hẳn đi, quần áo tả tơi như tổ đỉa" và "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt" chỉ còn thấy hai con mắt "trũng hoáy" trên đó. Cái đói đã vắt kiệt thị, vắt kiệt người đàn bà vốn đầy sức sống. Và hơn thế, nó còn biến đổi nhân cách con người bên trong thị. Một người đàn bà nhân hậu, hiền lành lần trước khi Tràng gặp giờ đây lại đanh đá, chua ngoa, trâng tráo đến trơ trẽn. Thị "sầm sập" chạy tới trước mặt Tràng, cong cớn mắng Tràng "điêu" khi thấy Tràng đang ngồi uống nước bên hàng chợ tỉnh. Rõ ràng ta thấy, thị đang cố tình tức giận để Tràng mời ăn. Trong lúc khốn cùng, thị đã biến một hành động vô tư trở thành vụ nợ. Thị đã bán rẻ nhân cách của mình để đổi lấy miếng ăn. Và khi Tràng nhận lời, thị đã "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền mà chẳng chuyện trò gì". Nhìn cách ăn ngấu nghiến của thị, ta biết rằng thị đã đói lâu ngày. Nhưng nhìn cái cử chỉ ăn như giành giật, tranh cướp, không kịp thở, chẳng chuyện trò gì của thị, ta lại thấy trong đó là sự xót xa của tác giả. Đến khi thị chấp nhận "theo không" anh cu Tràng về nhà, ta mới thấy được sự khốn cùng của cái đói. Khi con gái kết hôn, lấy chồng đáng ra là phải có lễ vật hỏi cưới long trọng, có hồi môn và gia đình đưa rước, vậy mà thị lại chỉ nhận lễ vật là "bốn bát bánh đúc" để "theo không" Tràng. Hẳn là bởi thị nghĩ rằng Tràng là tia ánh sáng cuối cùng của thị, có thể cứu vớt thị khỏi cái chết đang tới gần kề. Thế nhưng, khi thị về đến nhà Tràng, nhìn "căn nhà lụp xụp" xiêu vẹo, ta lại cảm thấy hạnh phúc, hi vọng mà thị mới gieo ki thật mong manh quá! Cái chết có thể kéo đến mái ấm vừa mới có này của thị bất cứ lúc nào.
Những dòng văn chân thực và sống động của Kim Lân đã khiến cho ta có thể hiểu sâu sắc nỗi khốn khổ của những kiếp người đàn bà như thị khi bị đẩy vào bước đường cùng, khi cái chết kề cận gần bên. Để từ đó, ta cảm nhận được nỗi xót thương đến vô cùng mà ông dành đến cho những thân phận nghèo khổ vào những năm tháng đau thương tột cùng của đất nước.
Không chỉ đồng cảm, xót thương cho số phận của họ, Kim lân còn đặc biệt tinh tế khi phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp phẩm chất cũng như những khao khát của con người. Đó là Tràng - một người đàn ông nghèo ở xóm ngụ cư nhưng lại có một tâm hồn tràn đầy sức sống và một trái tim nhân hậu. Khi thấy người đàn bà từ đâu chạy tới, mắng mình "điêu", đáp lại Tràng chỉ cười hiền lành. Tràng nhìn người đàn bà bằng con mắt của tình thương, của lòng trắc ẩn khi nhận thấy rằng đằng sau bộ quần áo "rách như tổ đỉa" và "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt" kia là một nỗi khốn cùng khi bị cơn đói giày vò. Vậy nên Tràng chỉ "toét miệng cười" chứ chẳng hề giận dữ. Và đến khi lời mời trầu của Tràng bị từ chối một cách dứt khoát thì Tràng đã vui vẻ đồng ý mời thị ăn, thậm chí còn vỗ túi mà khoe "rích-bố-cu". Hẳn là Tràng muốn người đàn bà có thể cảm thấy thoải mái mà ăn uống chứ không phải là cách tăng sức mạnh chinh phục như thói thường vẫn thế! Điều đó đã chứng tỏ tấm lòng thành của chàng trai nghèo chứ không phải là hành động ban ơn, bố thí. Và tới khi thấy thị "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc", Tràng cũng chẳng hề tỏ ra khó chịu hay ngăn cản dù rằng nhà Tràng cũng chỉ còn cháo loãng cầm hơi. Hơn thế nữa, Tràng chấp nhận thị về làm vợ mình mà biết rõ rằng trong hoàn cảnh đói khát như hiện nay, lấy vợ về là một sự liều lĩnh, là "đèo bòng". Chấp nhận thị không chỉ là thoả mãn khao khát về ước mơ gia đình mà còn là cả tình thương dành cho người đồng cảnh ngộ. Tất cả những điều đó đại diện cho một trái tim lương thiện, một tâm hồn tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, sẻ chia miếng ăn, sự sống với một người xa lạ dù trong hoàn cảnh đói khát, cái chết cận kề.
Ở Tràng, ta không chỉ thấy một tấm lòng nhân hậu mà còn là một sức sống mãnh liệt vươn lên trên mọi hoàn cảnh. Làm nên điều đó trước hết là niềm khao khát hạnh phúc mái ấm gia đình. Bao lâu nay sống trong nghèo khó, Tràng chẳng thể lấy nổi vợ nhưng chưa bao giờ anh bỏ quên niềm khao khát ấy. Và nạn đói đã tạo cho anh có một cơ hội và anh đã chớp lấy thời cơ ấy. Sau phút giây sợ hãi, Tràng "tặc lưỡi": "Chậc! kệ!", cái "tặc lưỡi" này không chỉ là sự liều lĩnh mà còn là lòng dũng cảm bởi anh đang đánh cược sự sống cho khát khao bấy lâu nay của mình. Đó là bản lĩnh sống bất khuất, vươn lên số phận, hướng về tương lai của Tràng. Không ai nghĩ rằng việc chia sẻ sự sống cho một người xa lạ lại mang tới nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho Tràng. Nếu hôm trước anh còn bước những "bước chân mệt mỏi", đôi mắt "gà gà đắm vào bóng chiều buồn",... thì hôm nay Tràng như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới: khuôn mặt "phớn phở khác thường", "mắt sáng lên lấp lánh", "tủm tỉm cười nụ một mình". Niềm hạnh phúc giành giật từ tay số phận đã khiến anh trở nên tràn trề sức sống.
Và làm nên sức sống mãnh liệt ở Tràng còn là niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Tất cả những điều đó thể hiện ở sự thay đổi của Tràng sau hôm anh có vợ. Sống giữa cảnh đói khát, tưởng như Tràng sẽ buồn rầu, sẽ lo nghĩ, nhưng khi "mặt trời lên bằng con sào", Tràng tỉnh dậy trong niềm vui sướng vô bờ bến. Niềm hạnh phúc trong tay đến bất ngờ và đột ngột quá khiến anh tưởng mình còn trong "giấc mơ đi ra". Niềm hạnh phúc ấy khiến cho anh cảm thấy thế giới quanh mình "đổi thay mới mẻ, khác lạ". Sân vườn hôm qua còn "lổn nhổn những búi cỏ dại", nay đã được thu dọn "sạch sẽ, gọn gàng". Lắng nghe tiếng chổi "sàn sạt trên mặt đất" mà Tràng cảm thấy xúc động vô cùng. Bởi đó là âm thanh của sự sống, của hạnh phúc đang được gieo mầm trong căn nhà nhỏ. Tràng vui vì hạnh phúc nay đã mỉm cười với anh và anh "sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy". Tương lai đầy lạc quan, hạnh phúc là niềm động lực cho anh chiến thắng cái chết đang bủa vây.
Người đàn bà cũng là một nhân vật là nhà văn Kim Lân gửi gắm trong đó niềm trân trọng vô bờ, thị là minh chứng cho những con người trong đói khát vẫn vươn lên và hướng về sự sống. Khi cái đói đã hút cạn sinh lực, bị đẩy vào bước đường cùng những tưởng chỉ nằm chờ chết, thế nhưng, người đàn bà ấy vẫn không chịu đầu hàng. Để có cái ăn, để giành lấy sự sống, thị đã vứt bỏ nhân cách và lòng tự trọng của mình, cố tình ăn vạ Tràng, kiếm cớ để Tràng cho ăn. Và hơn thế, thị cũng chấp nhận kiếp "vợ nhặt" chỉ để bám víu lấy tia ánh sáng cuối cùng của cuộc đời mình. Hành động "ăn một chặp bốn bát bánh đúc" nghe có vẻ xấu xa nhưng thực chất đó là lúc thị ăn trong niềm hi vọng, ăn để được sống. Khát vọng sống đã chiếm lĩnh tất cả tâm trí của thị. Và khát vọng ấy còn thể hiện ở việc thị luôn tin tưởng, hướng tới tương lai dù trong đói khát và chết chóc. Chị được Tràng, được bà cụ Tứ cưu mang, điều đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần giúp thị đứng vững trong hoàn cảnh bi thảm của cuộc sống. Để rồi sáng hôm sau, thị như biến trở thành một con người mới, hoàn toàn khác. Một người đàn bà "chao chát, chỏng lỏn" lại trở thành một cô vợ hiền, đảm đang, "đúng mực". Thị dậy sớm, "quét tước" sân nhà "quang quẻ" đúng bổn phận của một nàng dâu. Nếu hôm qua thị chỉ nghĩ cho hiện tại thì hôm nay thị đã có ý thức cho tương lai, cho sự sống sau này của mình. Bữa cơm sau ngày cưới thật "thảm hại" chỉ có "lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo" cũng món "chè khoán" đắng chát thế nhưng thị vẫn "điềm nhiên và vào miệng". Thái độ đó ở thị là bản lĩnh mà không phải ai cũng có, bản lĩnh coi khó khăn là điều tất yếu, đương niên.
Nhân vật thứ ba mà Kim Lân muốn gửi gắm những giá trị nhân đạo của mình là bà cụ Tứ - người phụ nữ nông dân điển hình trong xã hội xưa, một con người giàu lòng nhân ái và có tình thương con vô vờ bến. Trong hoàn cảnh đói khát mà "người chết như ngả rạ" ấy, hai mẹ con bà phải sống ở xóm ngụ cư, trong một căn nhà "vắng teo đúng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại". Bữa ăn hàng ngày phải chạy từng bữa, vậy mà con trai bà lại dẫn từ đâu về một người đàn bà xa lạ. Đặt trong hoàn cảnh ấy, khi có thêm miệng ăn ở trong nhà là có thêm "gánh nặng", có thêm người sẻ chia sự sống vốn đã ít ỏi, nếu như bà cụ Tứ xua đuổi thị cũng là điều có thể hiểu được. Thế nhưng, bà cụ lại không hề làm thế! Bà nhận lấy thị và yêu thương thị, coi thị như là con dâu của bà, thậm chí bà còn mang ơn thị "người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình". Tấm lòng của người mẹ dành cho con mình luôn luôn to lớn. Chứng kiến con mình lấy vợ, "hiểu được cơ sự", bà mừng cho con trai. Thế nhưng trước niềm vui ấy, bà cụ lại cảm thấy đau lòng, xót xa. Bà "ai oán cho số kiếp đứa con của mình" phải lấy vợ trong lúc đói kém nhất "chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi...". Cùng với đó là nỗi lo âu rằng "liệu chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không?". Thế nhưng không để đôi trẻ vướng bận âu lo, bà hướng hai vợ chồng con trai mình tới tương lai, tới những điều lạc quan. Bà giấu đi những nỗi buồn của mình, nói với con toàn những điều tốt đẹp, gieo những niềm hi vọng "rồi may sau ông giời cho khá. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời" hay "khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá.". Vì lòng nhân ái, vì tình thương con, và cụ Tứ sẵn sàng chia sẻ sự sống của mình để con trai có thể thỏa khao khát mái ấm gia đình. Bữa cơm ngày đói "thảm hại" nhưng người mẹ ấy vẫn không quên truyền cho những đứa con của mình niềm hi vọng. Khi nồi cháo loãng đã "hết nhẵn", bà vui vẻ "lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng lên nồi "chè khoán" trong giọng vui cười "chè đây! Chè khoán đây! Ngon đáo để cơ!". Thứ cháo "đắng chát và nghẹn bứ" làm từ cám ấy không chỉ là món ăn cứu đói mà còn chứa đựng cả tình yêu thương chân thật của bà cụ Tứ.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn thể hiện ở chỗ nhà văn Kim Lân đã chỉ ra một con đường, một lối thoát để thay đổi số phận cho những kiếp người khốn khổ ấy - con đường cách mạng. Hình ảnh "lá cờ đỏ bay phấp phới" chỉ xuất hiện ngắn ngủi nhưng lại lưu lại sâu đậm trong lòng chúng ta về lối thoát cho những người dân nghèo. Đó là câu chuyện của người đàn bà kể về đoàn người đói đi cướp kho thóc Nhật "chia cho người đói", rằng "trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa đâu". Câu chuyện đã thổi vào ngôi nhà nhỏ bé một luồng sinh khí mới lạ, rọi ánh sáng tâm hồn những con người trong ngôi nhà đó, làm dấy lên trong họ niềm hi vọng về một tương lai, vào cách mạng. Nó khiến Tràng "ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu". Điều này đã chứng tỏ những thay đổi trong tâm trạng của Tràng và chắc chắn rằng nó sẽ thay đổi mạnh mẽ khi bắt gặp lý tưởng cách mạng. Tuy kết thúc còn mở, thế nhưng Kim Lân đã vẽ lên một con đường, một lối thoát mới cho người nông dân nghèo và sự đổi đời của họ sẽ còn xa nữa khi họ vùng lên quật khởi dưới ánh sáng cách mạng chiếu rọi.
Cùng với bút pháp miêu tả hết sức chân thật và sinh động, Kim Lân đã dựng lên bức tranh hiện thực xã hội Việt Nam vào nạn đói khủng khiếp năm 1945, qua đó gửi gắm những giá trị nhân đạo sâu sắc. "Vợ nhặt" xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.
-----------------HẾT----------------
"Vợ nhặt" còn khắc sâu thành ấn tượng trong lòng người đọc chúng ta về những cảnh đói khát trong nạn đói của dân tộc. Trong đó, hình ảnh về bữa cơm ngày đói khiến cho ta không khỏi nhói lòng. Bài viết: Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt, Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt sẽ giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.