Đề bài: Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên
Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên
- Giới thiệu nhà thơ Chế Lan Viên.
- Giới thiệu bài thơ Tiếng hát con tàu.
a. Nhan đề và lời đề từ:
- Nhan đề “Tiếng hát con tàu”:
+ Biểu tượng cho phong trào nhân dân miền xuôi lên miền núi để xây dựng đất nước với tinh thần say mê, háo hức.
+ Biểu tượng cho phong trào thâm nhập vào thực tế cuộc sống để sáng tác của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.
+ “tiếng hát” ở đây là biểu hiện cho sự say mê, hứng khởi, là minh chứng cho sự tự nguyện của nhân dân ta trên “con tàu” lên vùng Tây Bắc xây dựng kinh tế mới.
b. Lời đề từ:
- “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” mở ra đối tượng và chủ thể chính trong bài thơ là hướng về vùng đất Tây Bắc.
- “Khi lòng ta đã hoá những con tàu/Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát” đã nêu ra hai điều kiện để có thể thực hiện được những hành trình lên đường.
- “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”, là kết quả ta có thể hòa nhập với Tây Bắc, ta có thể góp phần xây dựng Tây Bắc trở nên giàu đẹp hơn và ngược lại Tây Bắc cũng sẽ mang lại những cảm hứng sáng tác rộng mở cho nhiều văn nhân nghệ sĩ.
c. Hai khổ thơ đầu tiên là nỗi trăn trở và lời mời gọi lên đường tha thiết:
- Mở ra hai không gian hoàn toàn đối lập nhau là Tây Bắc và Hà Nội.
+ Tây Bắc hiện lên với những từ “đi xa”, “gió ngàn rú gọi”, “ngoài cửa ô” , “đất nước mênh mông”, “trên kia”, gợi ra một không gian rộng lớn, không gian chung của nhân dân của cộng đồng, đầy tự do.
+ Hà Nội lại được tái hiện thông qua những từ ngữ như “giữ trời Hà Nội”, “đời anh nhỏ hẹp”, “lòng đóng khép”, gợi ra sự chật chội, tù túng, bó hẹp, trong xa hoa, sung túc.
- Các câu hỏi Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?”, “Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi/Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng”, “Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?” được sắp xếp theo mức độ tăng tiến dần, yêu cầu người nghệ sĩ phải lựa chọn một cách dứt khoát và nhanh chóng giữa mảnh đất Hà Nội và Tây Bắc.
- “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”, quyết định ra đi.
d. Chín khổ thơ tiếp theo tác giả đã thể hiện sự khát khao được quay trở về với mảnh đất kháng chiến, khát khao được quay trở về với nhân dân.
- Khổ thơ thứ 3 chính là nhận thức của tác giả về mảnh đất Tây Bắc..
- Khổ thơ thứ tư lại chính là ý thức của tác giả về cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong suốt 9 năm ròng.
- Khổ thơ thứ 5 tác giả đã bộc lộ niềm hân hoan sung sướng khi gặp lại nhân dân.
- Cụ thể hóa hình ảnh của nhân dân thông qua các khổ thơ 6, 7, 8. Nhân dân không còn là khái niệm chung chung trừu tượng nữa mà đã được cụ thể thông qua hình ảnh những con người gần gũi thân mến, được tác giả xưng gọi một cách thân tình “anh-con”, “em-con”, “mế”, như là những người ruột thịt của mình.
- Từ nhớ người tác giả chuyển sang nhớ cảnh thể hiện ở khổ thơ thứ 9, nỗi nhớ của Chế Lan Viên lại được định hình một cách rõ ràng và sâu sắc.
- Từ nỗi nhớ về nhân dân, sau đó là nỗi nhớ về cảnh vật Tây Bắc tác giả đã chuyển sang sự suy ngẫm về tình yêu và đất lạ.
+ Nỗi nhớ bất chợt về người yêu. Nỗi nhớ ấy được diễn tả bằng một hình ảnh rất độc đáo “như đông về nhớ rét”, tình yêu đôi ta được so với “cánh kiến hoa vàng”, như “Xuân đến chim rừng lông trở biếc”. => Triết lý “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.
+ Trong nỗi nhớ về em, tác giả gợi về những kỷ niệm đôi lứa trong những tháng ngày kháng chiến..
e. Bốn khổ thơ cuối bài chính là khúc hát lên đường của nhà thơ:
- Khổ thơ thứ 13 mở ra là một câu hỏi tu từ “Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?”, khẳng định sự lên đường là do cả đất nước vẫy gọi là quan trọng hơn là do lòng ta vẫy gọi, thôi thúc.
- Sau những lời giục giã, thôi thúc thì nhà thơ đã chính thức lên đường với khí thế được thể hiện trong khổ thơ thứ 13.
- Trong khí thế lên Tây Bắc, trở về với nhân dân, tác giả lại chợt nhớ về quá khứ và có sự so sánh với hiện tại trong khổ thơ thứ 14.
Nêu tổng kết nội dung và nghệ thuật.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có một nhận định rất hay về phong trào thơ Mới giaI đoạn 1932 -1941 rằng: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu…” Và người đã nhắc đến một đặc điểm thơ độc đáo của Chế Lan viên ấy là những vần thơ rất đỗi đau đớn buồn thảm, là những xúc cảm điên loạn trước thực cảnh hoang tàn, loạn lạc. Để rồi trong một tác phẩm của mình ông đã viết “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”. Chỉ đến khi cách mạng tháng tám đã thành công, thì hồn thơ Chế Lan Viên mới có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, để nhà thơ hướng về cuộc đời với một tâm hồn nồng nàn sôi nổi. Tất cả những đặc điểm đổi mới ấy ta sẽ gặp nhiều trong tập Ánh sáng và phù sa, và một trong những bài thơ hay và tiêu biểu nhất phải kể đến Tiếng hát con tàu với hai câu thơ có lẽ đã đi vào ký ức của nhiều người “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Ánh sáng và phù sa (1960) được xem là tập thơ đánh dấu bước trưởng thành của hồn thơ Chế Lan Viên sau cách mạng thành công. Tiếng hát con tàu được viết dựa vào cảm hứng từ một sự kiện kinh tế chính trị xã hội quan trọng của đất nước, phong trào vận động nhân dân miền xuôi ngược lên vùng Tây Bắc xây dựng kinh tế mới những năm 1958-1960, biến chiến trường xưa trở thành một nông trường trù phú.
Với nhan đề “Tiếng hát con tàu”, thì hình ảnh “con tàu” là một sáng tạo nghệ thuật, được nâng lên thành một biểu tượng cho phong trào nhân dân miền xuôi lên miền núi để xây dựng đất nước với tinh thần say mê, háo hức, sôi nổi. Không chỉ vậy, hình ảnh “con tàu” còn là biểu tượng cho hành trình tư tưởng của nhà thơ, hành trình bước ra từ những đau thương buồn khổ sang sự vui tươi hứng khởi, bước từ cái tôi cá nhân chuyển sang cái tôi chung hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó hình ảnh “con tàu” còn là biểu tượng cho phong trào thâm nhập vào thực tế cuộc sống để sáng tác của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Gắn liền với hình ảnh “con tàu” là hai từ “tiếng hát” ở đây là biểu hiện cho sự say mê, hứng khởi, là minh chứng cho sự tự nguyện của nhân dân ta trên “con tàu” lên vùng Tây Bắc xây dựng kinh tế mới.
Với phần lời đề từ, tác giả đã mở ra những định hướng cho nội dung bài thơ.
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” chỉ trong một câu thơ thôi mà có đến hai từ “Tây bắc” không chỉ vậy nó lại còn là một địa danh rõ ràng, hoàn toàn phạm vào điều cấm kỵ trong thơ ca, thế nhưng ở đây việc lặp lại ấy là do sự cố ý của tác giả, bộc lộ tầm quan trọng của địa danh này trong tâm hồn của tác giả, đồng thời cũng dần mở ra đối tượng và chủ thể chính trong bài thơ là hướng về vùng đất Tây Bắc. Vùng cực tây của xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc, là cái nôi bảo bọc kháng chiến chống Pháp trong suốt 9 năm trời đằng đẵng của dân tộc ta. Trong hiện tại Tây Bắc đã không còn là chiến trường ác liệt mà lại trở về là một mảnh đất nghèo nàn, nhiều khó khăn đàn rất cần những bàn tay chung sức xây dựng và phát triển. Kết cấu hỏi đáp trong câu thơ đầu của lời đề từ ““Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc, còn nhằm gợi ra không chỉ riêng mình Tây Bắc mà còn rất nhiều nơi xa xôi hẻo lánh khác trên khắp mảnh đất hình chữ S đang rất cần những bàn tay kiến thiết, xây dựng. Và cũng không chỉ riêng mảnh đất Tây Bắc mới khơi nguồn cho người nghệ sĩ sáng tạo, mà tất cả những dải đất trên đất nước nước Việt Nam đều có thể trở thành niềm cảm hứng trong thi ca của giới văn nghệ sĩ trong đó có cả Chế Lan Viên. Sau khi đã khẳng định một điều rằng cần phải đến với Tây Bắc cần phải đến những nơi xa xôi của Tổ quốc, thì hai câu “Khi lòng ta đã hoá những con tàu/Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát” đã nêu ra hai điều kiện để có thể thực hiện được những hành trình lên đường ấy, điều kiện chủ quan là bản thân mỗi chúng ta có khát vọng lên đường, điều kiện khách quan là Tổ quốc đã lên tiếng gọi, có những chủ trương chính sách khuyến khích con người lên đường làm kinh tế mới, góp phần xây dựng đất nước. Từ hai điều kiện ấy, đã đến đến kết quả “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”, ta có thể hòa nhập với Tây Bắc, ta có thể góp phần xây dựng Tây Bắc trở nên giàu đẹp hơn và ngược lại Tây Bắc cũng sẽ mang lại những cảm hứng sáng tác rộng mở cho nhiều văn nhân nghệ sĩ, Tây Bắc là cộng đồng chung của mọi nhà để ta có thể phá cô đơn hòa nhập với cộng đồng.
Ở hai khổ thơ đầu tiên Chế Lan Viên đã viết về nỗi trăn trở và lời mời gọi lên đường tha thiết.
“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”
Nhà thơ đã lần lượt mở ra hai không gian hoàn toàn đối lập nhau là Tây Bắc và Hà Nội. Nếu không gian Tây Bắc hiện lên với những từ “đi xa”, “gió ngàn rú gọi”, “ngoài cửa ô”, “đất nước mênh mông”, “trên kia”, gợi ra một không gian rộng lớn, không gian chung của nhân dân của cộng đồng, đầy tự do dẫu rằng có nhiều thiếu thốn, nghèo nàn. thì không gian Hà Nội lại được tái hiện thông qua những từ ngữ như “giữ trời Hà Nội”, “đời anh nhỏ hẹp”, “lòng đóng khép”, gợi ra sự chật chội, tù túng, bó hẹp, trong xa hoa, sung túc. Từ đó tác giả đưa ra một loạt các câu hỏi Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?”, “Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi/Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng”, “Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?” được sắp xếp theo mức độ tăng tiến dần, đầu tiên chỉ là một lời ướm hỏi, mời mọc nhẹ nhàng, sau đó là lời “rú gọi” đầy hối thúc khẩn trương, giục giã lên đường. Rồi cuối cùng là đỉnh điểm với sự dồn ép, yêu cầu người nghệ sĩ phải lựa chọn một cách dứt khoát và nhanh chóng giữa mảnh đất Hà Nội và Tây Bắc. Việc tác giả dùng đại từ “anh”, để tự chất vấn mình, thể hiện nỗi trăn trở suy tư của tác giả giữa việc lên đường tìm cảm hứng mới, xây dựng đất nước hay ở lại với bầu trời Hà Nội chật hẹp, bắt buộc bản thân phải lựa chọn. Và cuối cùng tác giả cũng đưa một lựa chọn “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép/Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”, sử dụng lập luận phủ định chẳng có nghệ thuật nào được sản sinh ra từ cuộc đời bó hẹp, làm nền cho việc khẳng định quyết định ra đi tìm cảm hứng sáng tác để hồi sinh hồn thơ của mình, gặp lại chính mình với tư cách của một người nghệ sĩ chân chính. Từ đó khái quát lên mối quan hệ giữa thơ ca và cuộc sống, hiện thực cuộc sống sẽ là ngọn nguồn của thi ca, như Nam Cao đã viết rằng “Sống đã rồi hãy viết”.
Sau sự trăn trở và lời mời gọi lên đường tha thiết mà tác giả tự nói với mình thì chín khổ thơ tiếp theo tác giả đã thể hiện sự khát khao được quay trở về với mảnh đất kháng chiến, khát khao được quay trở về với nhân dân.
“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân”
Trong khổ thơ thứ 3 chính là nhận thức của tác giả về mảnh đất Tây Bắc, việc lặp lại hai lần liền từ “Tây Bắc” trong câu thơ đầu thể đã thể hiện những tình cảm dâng trào, thắm thiết của nhà thơ đối với mảnh đất Tây Bắc, mảnh đất mà gần mười năm qua đã diễn ra cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trong quá khứ Tây Bắc là “xứ thiêng liêng”, bởi nó đã góp công góp sức, lập nên những chiến công “anh hùng” như Tố Hữu từng viết trong Việt Bắc “núi giăng thành lũy sắt dày/Rừng che bộ đội rừng vây quân thù,...”, thể hiện niềm tự hào sâu sắc về một mảnh đất Tây Bắc anh hùng. Không chỉ vậy mảnh đất Tây Bắc ấy còn là nơi “máu rỏ” nơi đã chứng kiến những sự hy sinh, mất mát, những nỗi đau của dân tộc. Từ quá khứ tác giả bắt đầu nhìn đến hiện tại, “Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân”, từ sự hy sinh thầm lặng, kéo dài của của bao nhiêu thế hệ con người, thì hôm nay Tây Bắc đã hồi sinh với những vụ mùa bội thu, đạt được những thành quả đáng quý “dạt dào” thể hiện sức sống sôi trào, là những thành quả vô cùng to lớn.
Đến khổ thơ thứ tư lại chính là ý thức của tác giả về cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong suốt 9 năm ròng.
“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương”
Tác giả gọi kháng chiến như gọi một người thân thiết của mình, sắc thái trìu mến thiết tha, không chỉ là nỗi đau mà còn là niềm tự hào, vinh dự trước thành công của dân tộc. Trong quá khứ, cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc được so sánh “như ngọn lửa” mang ý nghĩa biểu tượng, mang trong đó nhiệt thành cách mạng, gắn liền với những chiến công rực rỡ, và là ngọn lửa của lí tưởng soi đường để các thế hệ thanh niên đang bế tắc. Đồng thời “ngọn lửa” ấy còn là ánh sáng soi đường cho các thế hệ thanh niên của nghìn năm sau nữa, trở thành một định hướng về lý tưởng, khát vọng cách mạng cho người dân Việt Nam các thế hệ nối tiếp. Từ đó tác giả xác định nhiệm vụ cho các thế hệ tương lai “Con đã đi nhưng con cần vượt nữa”, nhắc lại quá khứ “con đã đi”, nhắc về cuộc lột xác của các trí thức sau cách mạng tháng tám. Rồi từ quá khứ ấy tác giả đặt ra nhiệm vụ cho chính mình và các thế hệ mai sau “con cần vượt nữa”, cần có những cuộc lột xác khác, mạnh mẽ và quyết liệt hơn hôm qua, cần biết từ bỏ khung trời cá nhân chật hẹp, tù túng để đi đến với khung trời của nhân dân rộng lớn, chung tay góp sức xây dựng đất nước, kiến thiết kinh tế. Mà cụ thể là “Cho con về gặp Mẹ yêu thương”, đến với một hành trình vui sướng, an toàn và ấm áp, được về với tổ ấm của mình, gặp lại “mẹ yêu thương”. Cách gọi “Mẹ” đầy trìu mến yêu thương, chính là để chỉ nhân dân, nguồn nuôi dưỡng cho kháng chiến đã qua, nguồn nuôi dưỡng cho cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ.
Sau những nhận thức về kháng chiến và nhiệm vụ tiếp theo của mỗi con người, thì khổ thơ thứ 5 tác giả đã bộc lộ niềm hân hoan sung sướng khi gặp lại nhân dân.
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
Tác giả dùng biện pháp so sánh mở rộng trùng điệp, “con gặp lại nhân dân” được ví như “nai về suối cũ”, như “cỏ đón giêng hai” , “như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa”, như “chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”. Tác giả sử dụng những hình ảnh nhỏ bé, dung dị đời thường và đều có một điểm chung là cạn kiệt sức sống, rồi đem gắn với những hình ảnh to lớn, dồi dào sức sống tựa như nguồn nuôi dưỡng vô tận. Ứng với hình ảnh một cái “tôi” chật chội giam mình trong khung trời chật chội và hình ảnh nhân dân vĩ đại. Khi trở về với nhân dân cái tôi nghệ sĩ đã hồi sinh trở lại, lại tràn trề dạt dào sức sống, với tâm trạng náo nức sung sướng và mê say. Từ đó khái quát được một chân lý hạnh phúc lớn lao nhất là khi được trở về với cuộc đời rộng mở của nhân dân.
Từ đó đi vào cụ thể hóa hình ảnh của nhân dân thông qua các khổ thơ 6, 7, 8.
“Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”
Nhân dân không còn là khái niệm chung chung trừu tượng nữa mà đã được cụ thể thông qua hình ảnh những con người gần gũi thân mến, được tác giả xưng gọi một cách thân tình “anh-con”, “em-con”, “mế”, như là những người ruột thịt của mình. Nhân dân chính là hình ảnh “người anh du kích” được tái hiện tập trung qua chi tiết “chiếc áo nâu”, gắn với hình ảnh “suốt một đời vá rách”, thấy được cuộc sống lam lũ, nghèo khổ, có phần tội nghiệp của người anh du kích, gắn với hình ảnh “đêm công đồn”, hiện lên hình ảnh của một người du kích hết sức dũng cảm, hào hùng, oanh liệt, gắn với hình ảnh “đêm cuối cùng anh gửi lại cho con”, thấy được tình cảm yêu thương vô bờ của người anh du kích dành cho các em của mình, thấy được sự chuyển giao nhiệm vụ cho các thế hệ kế tiếp, trách nhiệm cứu nước và xây dựng kiến thiết đất nước.
Ở khổ thơ tiếp theo chúng ta còn thấy hình ảnh nhân dân hiện lên thông qua “thằng em liên lạc”. Người em liên lạc hiện lên trong bối cảnh không gian “rừng rậm”, “bản Na”, “bản Bắc”, bước chân của em in dấu trên mọi nẻo đường Tây Bắc, hiện lên trong bối cảnh thời gian “sáng-chiều”, “mười năm tròn”, bước chân của em bền bỉ, băng qua suốt cả quãng thời gian trường kỳ kháng chiến để đem đến thắng lợi cho dân tộc. Cuối cùng đạt được kết quả vô cùng xuất sắc “Mười năm tròn chưa mất một phong thư”.
Ở khổ thơ thứ tám, hình ảnh nhân dân lại hiện lên thông qua hình ảnh “mế”, thể hiện mối quan hệ khăng khít bền chặt như ruột thịt. Hình ảnh “mế” tập trung ở cụm từ “lửa hồng soi tóc bạc”, mái tóc in dấu thời gian, sương gió phôi pha của cuộc đời. Mế đã tái sinh cuộc đời con lần nữa qua những “mùa dài” thức trông con ốm bệnh. Để cuối cùng tác giả đi đến một lời khẳng định “Con với mế không phải hòn máu cắt/Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”, bộc lộ tình cảm yêu thương, gắn bó tha thiết vô tận kéo dài mãi không thôi mà tác giả dành cho nhân dân.
Từ nhớ người tác giả chuyển sang nhớ cảnh thể hiện ở khổ thơ thứ 9.
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”
Nếu như Quang Dũng “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ vô định không đầu không cuối, hay Tố Hữu với “Nhớ gì như nhớ người yêu” là một nỗi nhớ không thể gọi tên thì nỗi nhớ của Chế Lan Viên lại được định hình một cách rõ ràng và sâu sắc. Biện pháp điệp từ “nhớ” vừa nhấn mạnh, vừa thể hiện nỗi nhớ trào dâng, nào là “bản sương giăng”, “đèo mây phủ”, vốn là những vẻ đẹp rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Từ những xúc cảm riêng đã được tác giả nâng lên thành quy luật tình cảm của con người, “Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?. Từ quy luật ấy tác giả lại tiếp tục nâng lên thành một triết lý “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”, dựng lên cặp đối lập “khi ta ở-khi ta đi”, lúc ta ở thì đất chỉ là một địa danh vô tri, nhưng khi ta đi thì mảnh đất ấy đã trở thành một phần trong trái tim trong tâm hồn ta, trở nên gắn bó thân thiết lạ kỳ. Giống như cái cách mà nhà thơ Giả Đảo viết trong Độ Tang Càn “Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ/Khước vọng Tinh Châu thị cố hương”, hay như Ba-sô viết “Đất khách mười mùa sương/về thăm quê ngoảnh lại/Ê-đô là cố hương”.
Từ nỗi nhớ về nhân dân, sau đó là nỗi nhớ về cảnh vật Tây Bắc tác giả đã chuyển sang sự suy ngẫm về tình yêu và đất lạ.
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”.
Tiếp tục với mạch cảm xúc nhớ về nhân dân, tác giả chuyển sang nỗi nhớ bất chợt về người yêu. Nỗi nhớ ấy được diễn tả bằng một hình ảnh rất độc đáo “như đông về nhớ rét”, giá rét chính là linh hồn của mùa đông, chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, là nỗi nhớ khắc khoải, bắt buộc phải tồn tại với nhau và làm nên giá trị của nhau. Ừ nỗi nhớ chuyển sang suy ngẫm về tình yêu, được so sánh bằng lối mở rộng tình yêu đôi ta được so với “cánh kiến hoa vàng”, như “Xuân đến chim rừng lông trở biếc”. Cánh kiến cần được sống trên thân cây chủ là hoa vàng, ngược lại cây thân gỗ hoa vàng cũng rất cần cánh kiến để tạo ra được những giá trị quý giá, chúng không thể tách rời nhau, gắn bó cực kỳ khăng khít và bền chặt. Mùa xuân đến vạn vật hồi sinh, trong đó có cả loài chim rừng, bộ lông vốn xác xơ được trở lại với cái vẻ mượt mà, óng ả, bộ lông trở biếc làm cho mùa xuân thêm rực rỡ, diễn tả quan hệ gắn bó của tình yêu đôi lứa. Cuối cùng từ nỗi nhớ, từ tình yêu ấy tác giả đã nâng lên thành triết lý “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Trong nỗi nhớ về em, từ đó tác giả theo mạch nói về tình yêu của đôi ta, thì tác giả gợi về những kỷ niệm đôi lứa trong những tháng ngày kháng chiến. Là cái nắm tay “cuối mùa chiến dịch”, không chỉ thuần túy là cái nắm tay của tình yêu đôi lứa, mà còn là cái nắm tay của tình quân dân, thể hiện sự đoàn kết toàn dân góp phần làm nên vinh quang chiến thắng của dân tộc. Là mùi hương của vắt xôi nuôi quân, nồng nàn lan tỏa cho đến tận bây giờ, thể hiện tình người ấm áp, thể hiện mối quan hệ quân-dân tha thiết, gắn bó.
Đến bốn khổ thơ cuối bài chính là khúc hát lên đường của nhà thơ.
“Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga”
Khổ thơ thứ 13 mở ra là một câu hỏi tu từ “Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?”, khẳng định sự lên đường là do cả đất nước vẫy gọi là quan trọng hơn là do lòng ta vẫy gọi, thôi thúc. Quyết định ấy xuất phát từ những yếu tố “Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ”, là nhân dân Tây Bắc đang tha thiết mong chờ, vẫy gọi, khiến ta không thể chần chừ thêm nữa mà vội hối thúc “Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội/Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga”. Tác giả dùng kiểu câu cầu khiến đã đưa ra mệnh lệnh, thể hiện sự vội vàng, cuống quýt, thúc giục khiến ta không thể chậm trễ. Hình ảnh “vỗ cánh”, khiến chúng ta liên tưởng đến việc nhà thơ đang bay lên vượt ra khỏi khung trời chật chội của đời sống cá nhân để vươn tới khung trời cao rộng của nhân dân, thể hiện khát khao cháy bỏng của nhà thơ, cũng như mục đích “thèm những mái ngói đỏ trăm ga” trên khắp nẻo đường Tây Bắc, tức là hình ảnh đất nước rực rỡ phát triển, nhìn thấy sự hồi sinh, thay da đổi thịt của đất nước. Khao khát được chung tay được góp phần tạo nên sự đổi mới đất nước, tạo dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Sau những lời giục giã, thôi thúc thì nhà thơ đã chính thức lên đường với khí thế được thể hiện trong khổ thơ thứ 13.
“Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao”
Sử dụng cấu trúc điệp, thể hiện khí thế vội vàng, hăng hái, sôi sục nhiệt huyết lên đường trong “Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng/Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến”, tạo nên sức mạnh đoàn kết chung tập thể, trong nhiệm vụ chung, thể hiện thái độ hứng khởi, nhiệt tình, say mê. Vì đích đến phía trước đang mở ra vẫy gọi “Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào”, gợi ra những vụ mùa bội thu, sự vui tươi, náo nhiệt khắp mảnh đất Tây Bắc, “Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao”, gợi ra không khí lao động nhiệt thành, hăng hái, đầy sức sống.
Trong khí thế lên Tây Bắc, trở về với nhân dân, tác giả lại chợt nhớ về quá khứ và có sự so sánh với hiện tại trong khổ thơ thứ 14.
“Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta”.
Đó là những ngày “mười năm nhân dân máu đổ”, mười năm kháng chiến chống Pháp đầy gian lao, đầy mất mát chồng chất, biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã hy sinh, rồi “vàng ta đau trong lửa”, là biểu tượng cho những giá trị quý giá, chỉ vẻ đẹp của Tây Bắc gồm cả thiên nhiên và con người, tiềm năng kinh tế dồi dào, là nguồn cảm hứng sáng tác quý giá. Tất cả những giá trị trân quý ấy đã bị vùi dập hủy diệt trong chiến tranh suốt 10 năm trời. Quay về hiện tại tác giả nhận ra sự tiếp nối trong đối lập “nay trở về, ta lấy lại vàng ta”, khôi phục lại vẻ đẹp của Tây Bắc, tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào. Cuối cùng tác giả nhận ra một chân lý “Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ”.
“Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”
Về Tây Bắc lấy lại vàng ta, lấy cả những cơn mơ với những mộng tưởng, lấy cả những niềm tin về tương lai huy hoàng của dân tộc. Từ niềm hứng khởi ấy tác giả tiếp tục tái hiện hình ảnh con tàu đang thụ hưởng “vầng trăng”, đang uống “mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”, biểu trưng cho vẻ đẹp của cuộc đời, vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người Tây Bắc. Và bản thân tác giả cũng đang tận hưởng những vẻ đẹp ấy thông qua động từ rất hay “uống”, khiến cho vẻ đẹp đẹp của cuộc đời kia trở nên hữu hình, thể hiện sự tận hưởng trọn vẹn, đã đầy, no nê.
Tiếng hát con tàu là bài thơ thể hiện niềm khát vọng và hân hoan trong tâm hồn nhà thơ khi được trở về với nhân dân, để tìm lại được nguồn nuôi dưỡng cho sự sáng tạo nghệ thuật và cho hồn thơ của mình. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ thể hiện ở sự sáng tạo hình ảnh gắn với những liên tưởng phong phú bất ngờ, tạo nên một vẻ đẹp tinh tế rực rỡ cho thơ Chế Lan Viên, bên cạnh đó thơ ông còn đặc biệt bởi có sự thống nhất giữa trí tuệ và cảm xúc, đem đến cho người đọc những triết lý suy tưởng sâu xa.
Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Con đường sáng tác của nhà thơ trải qua nhiều thăng trầm với những bước ngoặc trong phong cách nghệ thuật và tư tưởng chủ đạo, không còn là thế giới kinh dị, huyền bí trong Điêu tàn, sau năm 1945, ông đã rẽ hướng tập trung khai thác đề tài con người và đất nước trong kháng chiến. Thơ Chế Lan Viên mang đậm vẻ đẹp trí tuệ và giàu suy tư triết lý với những hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, đầy sức sáng tạo.
Tiếng hát con tàu được rút ra từ tập Ánh sáng và phù sa, bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế - chính trị có ý nghĩa vô cùng lớn lao: Cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế nơi miền núi Tây Bắc. Bài thơ là sự kết tinh xuất sắc giữa tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên trong sự nghiệp thi ca cách mạng của mình.
Những câu thơ trong lời đề từ cất lên thổn thức, lay động lòng người đọc, nó đã thể hiện được tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm:
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”
Câu hỏi tu từ vang lên thật nhẹ nhàng “Tây Bắc ư?” chứa đựng nỗi trăn trở, băn khoăn của nhà thơ trước tình cảnh đất nước lâm nguy. Tiếng gọi của Tổ quốc cứ vang vọng bên tai và tâm hồn Chế Lan Viên giờ đây chỉ còn là Tây Bắc xa xôi kia, ông chẳng còn ngại khó khăn, cũng chẳng sợ hiểm nguy rình rập bởi vì trái tim đã hoà chung nhịp đập Tổ quốc, bởi lòng ông đã “hoá những con tàu”.
Hai khổ thơ mở đầu vang lên những lời thơ như thúc giục, như rộn rã hơn, ngôn từ thật tha thiết, những câu hỏi ngày càng dồn dập đang xoáy sâu trong lòng tác giả nói riêng và thế hệ văn nghệ sĩ nói chung:
“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”
Hình ảnh ẩn dụ “con tàu” mang ý nghĩa biểu trưng cho khát vọng, hoài bão lớn lao đang tuôn chảy trong lòng hàng triệu nhân dân Việt Nam ta khi ấy. Tiếng con tàu vút cao lên như lời kêu gọi mạnh mẽ, nồng nhiệt của Chế Lan Viên. Biện pháp tu từ nhân hoá “Tàu đói những vành trăng” thật biểu cảm, sinh động, “vành trăng” hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình cũng là biểu tượng cho ánh sáng, niềm tin và hy vọng dạt dào về chiến thắng vang dội vào một tương lai không xa. Động từ “đói” gợi cho người đọc bao suy ngẫm, đất nước thật sự đang rất cần sự đồng lòng, sự đoàn kết trong nhân dân, dấn thân sẵn sàng hy sinh để xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Tây Bắc - một địa danh cụ thể xa xôi, hiểm trở cũng là một hình ảnh biểu trưng cho đất nước, Tây Bắc là cội nguồn làm nên linh hồn của bài thơ, của sáng tạo nghệ thuật dạt dào. “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp”, nghệ thuật đối lập tương phản gợi sự trăn trở, day dứt trong lòng mỗi độc giả. Ta sống dưới sự che chở của thiên nhiên, sự bao bọc của Tổ quốc nhưng có khi nào ta giật mình nhìn lại mình đã làm được gì cho đất nước hay chỉ sống một cuộc đời vô nghĩa “lòng đóng khép” với thế sự ngoài kia.
Niềm hạnh phúc dâng trào, niềm vui sướng khi trở về với vòng tay quê hương được nhà thơ tái hiện thật chân thành, mộc mạc trong chín khổ thơ tiếp theo, qua đó gợi lại về những kỷ niệm tươi đẹp, gắn bó thuở kháng chiến:
“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân
… Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.”
Con người khung cảnh nay đã đổi thay, mười năm kháng chiến đi qua “như ngọn lửa” rạo rực, vẫn đang bùng cháy trong lòng tác giả. Có lẽ lúc này, tâm hồn cần sự nghỉ ngơi, cần sự an ủi bởi bàn tay gia đình cho nguôi đi nhớ thương chất chứa trong lòng bao năm, “Cho con về gặp lại mẹ yêu thương”. “Mẹ” ở đây ngoài là người mang nặng đẻ đau, thì cũng có thể là mẹ thiên nhiên, mẹ Tổ quốc thân thương. Biết bao kỷ niệm vùng Tây Bắc vẫn in đậm trong tâm trí tác giả, hình ảnh “người anh du kích”, “thằng em liên lạc”, người mẹ tóc bạc, nhớ “bản sương giăng”, nhớ cả “đèo mây phủ”, những hình ảnh thật cụ thể, giàu liên tưởng sâu sắc. Tình yêu thương sâu nặng, sự che chở, đùm bọc của đồng bào nơi đây như tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Chế Lan Viên bằng sự nhạy cảm của mình cũng đã khám phá ra quy luật rất đặc biệt trong suy nghĩ con người: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Thuở đầu đặt chân đến vùng đất mới, mọi thứ trong ta hoàn toàn xa lạ, đất chỉ đơn giản là nơi ta sinh sống, tồn tại. Nhưng thời gian thấm thoát thoi đưa, lâu dần mảnh đất ấy trở nên thân thuộc, từng cái cây ngọn cỏ, từng dáng vẻ con người hằn sâu trong trái tim ta thật sâu sắc, khó phai nhoà, trở thành một phần trong mảnh ghép “tâm hồn” những con người xa quê. Sự chuyển hoá lạ kỳ ấy không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ tình yêu thương, gắn bó, sự đồng cảm của tâm hồn, nó biến vùng đất lạ lẫm trở thành quê hương thứ hai của mọi người.
Tình yêu trong thơ Chế Lan Viên chẳng phải là tình cảm lứa đôi đơn lẻ mà nó còn hoà mình cùng tình yêu thương đất nước, quê hương. Anh nhớ em! Nỗi nhớ dạt dào, da diết “như đông về nhớ rét”, gắn bó keo sơn, đẹp đẽ, thơ mộng “như cánh kiến hoa vàng”. Tình anh và em nồng nàn, cháy bỏng trong sự chứng kiến của núi rừng Tây Bắc, chỉ cần nắm tay nhau đi qua biết bao mùa chiến dịch. Tình yêu ta đã hoá miền đất xa lạ trở thành thân quen, gần gũi như quê hương máu thịt, tâm hồn. Bằng ngòi bút tài hoa đậm chất nghệ sĩ lãng mạn của mình, Chế Lan Viên không ngần ngại diễn tả tình yêu với sự hóm hỉnh sâu lắng, sự khăng khít, thuỷ chung với những hình ảnh rực rỡ sắc màu, mang đậm dư vị của núi rừng vùng cao Tây Bắc.
Tiếng gọi của Tổ quốc lại vang lên mạnh mẽ, người chiến sĩ lên đường ra chiến trường không một giây đắn đo suy nghĩ, anh đi mang theo gánh nặng trọng trách trên vai “Đất nước gọi hay lòng ta gọi?”, cả niềm tin yêu nơi hậu phương đang mong chờ “Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ”. Tác giả mượn hình ảnh trong ca dao để miêu tả vẻ đẹp thanh cao, trong sáng trong tâm hồn, “vàng” vừa cao quý, vừa sắt son kiên cường trước ngọn lửa hung tàn, không hề nao núng, giữ nguyên ý chí thuở ban sơ của mình.
Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên là bài thơ đặc sắc để lại giá trị to lớn cho nền thơ ca Việt Nam. Bài thơ là tiếng lòng trăn trở, tha thiết của tác giả trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, mong muốn được hoà nhập với nhân dân, với cuộc đời. Hình ảnh “con tàu” chở bao hy vọng, khát khao của Chế Lan Viên đến vùng đất Tây Bắc xa xôi, nơi đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chất thơ trong tâm hồn tác giả.
------------------HẾT-------------------
Sau khi đã Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu các em có thể đi vào Soạn bài Tiếng hát con tàu hoặc tham khảo Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập nhằm củng cố kiến thức của mình về những nội dung văn học này.