Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

Đề bài: Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2

2 bài văn mẫu Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm
 

I. Dàn ý Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm  (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về Ngô Thì Nhậm và tác phẩm "Chiếu cầu hiền"

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh ra đời của Chiếu cầu hiền:
- Viết vào khoảng năm 1788-1789
- Theo lệnh của Vua Quang Trung, nhằm kêu gọi những người hiền tài ra cộng sự, giúp vua xây dựng nước nhà

b. Vai trò, vị trí của người hiền tài:
- Người tài như sao sáng trên trời, tài năng phải được dùng giúp đời, hiền tài phải phò trợ cho thiên tử.
- Các bậc hiền sĩ lại ở ẩn khi thời thế suy vi, đất nước nhiều biến cố
- Có người ra làm quan thì cũng không dám lên tiếng, sợ hãi, họ như những người " chết đuối trên cạn" để mà lẩn tránh việc đời...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm 


1.  Bài văn mẫu Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, mẫu số 1 (Chuẩn):

Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746, là người Thanh Trì, Hà Nội. Sinh thời, ông từng làm Đông đốc trấn Kinh Bắc dưới thời chúa Trịnh, sau khi  nhà nhà Lê- Trịnh bị suy vong, ông tiếp tục ra làm quan và có nhiều công lao lớn với triều đại Tây Sơn. Được Nguyễn Huệ giao phó nhiều trọng trách lớn. Những văn kiện có tính quan trọng đều do một tay Ngô Thì Nhậm soạn thảo, một trong số đó có thể nhắc đến "Chiếu cầu hiền".

Chiếu cầu hiền được Ngô Thì Nhậm viết vào khoảng năm 1788-1789, theo lệnh của Vua Quang Trung, mục đích của nó là nhằm kêu gọi những người hiền tài ra cộng sự, giúp vua xây dựng triều đại, đặc biệt là các tầng lớp trí thức sĩ phu Bắc Hà.

Mở đầu bài chiếu, tác giả khẳng định vai trò và sứ mệnh của những người hiền tài với quốc gia, dân tộc. Ngô thì Nhậm ví hiền tài như "ngôi sao sáng trên trời cao, mà sao sáng thì ắt chầu về Bắc thần", cũng như những người tài phải phò trợ cho thiên tử mình. Những người hiền mà không được đời dùng, dấu đi tài năng cũng như sao bị che đi vẻ lấp lánh,  không như ý trời đã định.

Tiếp theo, tác giả nhấn mạnh về những bậc hiền sĩ ở ẩn khi thời thế suy vi, đất nước nhiều biến cố. Có người ra làm quan thì cũng không dám lên tiếng, sợ hãi, họ như những kẻ "gõ mõ canh cửa", "chết đuối trên cạn" để mà lẩn tránh việc đời. Tác giả đã đề cập đến vấn đề ấy một cách đầy tinh tế, sử dụng các thành ngữ, từ ngữ có tính tượng trưng để nói mà không xâm phạm đến những người tri thức coi trọng lòng tự tôn. Những lời viết ra khiến cho người nghe, người đọc không khỏi không suy ngẫm, để người hiền tự nhìn lại bản thân, tác giả tin rằng với những người sáng suốt, họ sẽ hiểu những điều mà con chữ phản ánh.

Những lời cầu hiền thiết tha, chân thành lại vừa khiêm tốn, thể hiện được tấm lòng của một vị vua anh minh được tác giả viết đầy xúc động: "Này trẫm đang ghé chiếu lắng nghệ, ngày đêm mong mỏi......Hay đang thời đổ nát chưa thể phụng sự chăng?". 

Để thuyết phục những tri thức xưa, Ngô Thì Nhậm nêu lên thực trạng đất nước lúc bấy giờ còn nhiều điều đáng lo ngại. Triều đại lúc này đang buổi đầu chập chững, luật pháp, kỷ cương còn mắc nhiều khiếm khuyết, chốn biên ải còn trăm điều lo toan, trăn trở, một mình vừa sao có thể vẹn tròn nếu không được sự giúp sức, phò trợ từ những vị đức độ, tài năng. Ngặt nỗi, nhân dân còn chưa lấy lại sức, vua cũng vừa mới lên ngôi lòng dân khắp nơi chưa thấu rõ bởi vậy mà ngày đêm lo lắng, những khó khăn cứ chồng chất ngày một thêm. Mọi người đều hiểu được rằng: "Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình". Mà trong trời đất, bốn phương nơi đâu chắc hẳn cũng có người tài, dù nước lúc hưng, lúc suy những nhân tài thì đâu thể thiếu "...trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này há lại không có một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi bẩn đầu như trầm hay sao?". 

Sau những lý lẽ thấu tình đạt lý ấy, tác giả công tuyên thỉnh nhiều chính sách khác nhau nhưng quy chung một mục đích chiêu mộ kẻ sĩ trong thiên hạ. Mọi người dân không phân biệt nam nữ, thành phần hay tầng lớp nào, nếu có tài năng, học thức đều được quyền ứng cử, một tình thần dân chủ được triển khai rõ rệt trong nhân dân, ai cũng có quyền bình đẳng góp sức mình cho đất nước "Vậy ban chiếu xuống, quan việc lớn nhỏ và dân chúng trăm họ ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư bày tỏ công việc". Những người có nghề giỏi, nghiệp hay, những người có tài năng mà lâu nay bị giấu kín cũng tự tiến cử giúp đời. Tất cả hãy vì nước mà gắng sức mà tụ họp về để cùng nhau mưu lược, kế sách phát triển quốc gia, nước nhà. " Này trời trong sáng, đất thái bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây...cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh".

Bài chiếu tuy ngắn gọn mà chứa đựng cả một tấm lòng thiết tha với dân với nước của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Luôn mong cầu sự ấm êm cho nhân dân, hành động vì sự bình yên, thịnh trị của xã tắc, vương triều. Một vị vua suốt đời mình tâm huyết mọi việc vì cuộc sống phồn vinh cho nhân dân. Từng lời, từng chữ viết ra đều thấm đẫm tinh thần dân tộc, thấm đẫm tình cảm lớn của một người trị vì cánh cánh nỗi lòng phát triển, dựng xây nước nhà.

"Chiếu cầu hiền" có ngôn ngữ trang trọng, lời văn đầy sự cầu thị khoan dung, khi lại thiết tha, mãnh liệt, hệ thống  những lập luận thuyết phục và chặt chẽ. Tác phẩm đã cho thấy trước tầm nhìn xa trông rộng và sự chân thành của một với vua yêu nước coi trọng hào kiệt, nhân tài. Bài chiếu giúp em hiểu và trân trọng hơn giá trị của trí thức, vai trò của người giỏi đối với đất nước. Em sẽ cố gắng trau dồi bản thân, rèn sức luyện tài để sau này làm một công dân có ích cho nước nhà, góp sức tài vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.

 

2.  Bài văn mẫu Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm, mẫu số 2 (Chuẩn)

Cầu hiền vốn là chủ trương, chiến lược của nhiều quốc gia phương Đông cổ đại trong đó có Việt Nam, bởi đây là một trong những phương thức hữu hiệu nhất để kêu gọi hiền tài về phụng sự cho đất nước. Chiếu cầu hiền ra đời khoảng những năm 1788-1789, khi đất nước vừa trải qua một thời kỳ loạn lạc, các nhà trí thức của triều đại cũ mang tâm lý bi quan, chán nản, bất hợp tác, tư tưởng trung quân mù quáng, không hiểu rõ triều đại mới, nên họ chọn cách trốn tránh, ở ẩn. Trong khi đất nước lại đang có nhiều khó khăn, vương triều mới thành lập căn cơ còn chưa vững, rất cần người tài giúp nước, nhận biết được tình hình đó Nguyễn Huệ đã chủ trương ra chiếu cầu hiền nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà vốn là trí thức của triều đại cũ (Lê-Trịnh) ra giúp nước, đồng thời bình ổn chính trị, tránh những cuộc phản loạn đến từ tàn dư của triều đại cũ. Chiếu cầu hiền do Ngô Thì Nhậm cận thần đắc lực của vua Quang Trung chắp bút thay.

Ngô Thì Nhậm (1746-1803), quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, ông đỗ tiến sĩ vào năm 1775, sau đó vào làm quan dưới triều Lê. Đến năm 1778 triều Lê-Trịnh sụp đổ, nhận thức được quy luật chuyển giao triều đại là tất yếu, nên ông nhanh chóng đi theo triều Tây Sơn, ở đây ông rất được tin dùng và có nhiều trọng trách lớn trong triều đình.

Cũng như nhiều văn bản chính luận khác, Chiếu cầu hiền cũng có một bố cục hết sức chặt chẽ, trước tiên ở phần mở đầu tác giả nêu ra một chân lý, và chân lý ở đây chính là đạo ứng xử của người hiền tài. Rằng người hiền tài, trí thức trên đời đã được định sẵn là phải giúp vua giúp nước, nếu làm trái đạo lý muôn đời ấy là trái với thiên đạo sinh ra người hiền. Để củng cố niềm tin cho người đọc, người nghe Ngô Thì Nhậm đã hết sức khéo léo và tinh tế khi sử dụng hai hình ảnh so sánh để trình bày quy luật của mình một cách thuyết phục. Hình ảnh thứ nhất ấy là "Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao", thứ hai ấy là ví thiên tử với "ngôi Bắc Thần", một vì sao nằm ở vị trí trung tâm bầu trời. Từ hai hình ảnh so sánh ấy Ngô Thì Nhậm muốn truyền tải một thông điệp ngầm rằng nếu sao sáng xưa nay luôn chầu về Bắc Thần thì trong mối quan hệ tương quan ấy, tất yếu rằng người hiền tài cũng phải trở thành sứ giả cho thiên tử. Từ đó ta nhận ra được sự thông thái của tác giả khi tinh tế dùng quy luật của tự nhiên của tạo hóa để xây dựng và khẳng định quy luật giữa người hiền tài và quân vương, hướng người đọc và người nghe đến ngụ ý rằng đó đã là đạo trời không thể làm khác được. Một tác dụng thứ hai nữa là hình ảnh sao sáng chầu về Bắc Thần là những hình ảnh nằm trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử, một thánh nhân của giới trí thức xưa, chính vì thế có sức thuyết phục mạnh mẽ với các trí thức Bắc Hà.

Sau khi khẳng định chân lý đạo ứng xử của hiền tài, Ngô Thì đi vào phân tích cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà và nêu lên thực trạng đất nước ta lúc bấy giờ. Đầu tiên về cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm đã dùng rất nhiều những điển tích điển cố và các hình ảnh tượng trưng để nói về cách ứng xử của sĩ phu, trí thức với triều đại mới. Trước hết là "ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời" đó là bỏ đi ở ẩn, ví như Nguyễn Du, có người "kiêng dè không dám lên tiếng", "gõ mõ canh cửa", hành xử tích cực hơn một chút là ra làm quan, nhưng thái độ cầm chừng, giữ chức vụ thấp kém, không đóng góp gì cho đất nước. Nhưng dù có lựa chọn khác nhau nhưng điểm chung của họ cũng tựu lại ở một bi kịch "chết đuối trên cạn mà không biết". Việc dùng nhiều điển tích, điển cố và các hình ảnh tượng trưng này có tác dụng tạo nên sự tế nhị trong phê phán, không khiến người nghe phải xấu hổ, mất lòng, đặc biệt đây lại là giới tri thức có học vấn và lòng tự trọng vô cùng cao. Hơn thế nữa các sĩ phu Bắc Hà này luôn có một tư tưởng coi thường Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải, không đủ chữ nghĩa để họ phải phụng sự, việc Ngô Thì Nhậm viết như vậy thể hiện được tầm kiến thức sâu rộng, thể hiện tài năng uyên bác của vua Quang Trung để thuyết phục các sĩ phu này. Sau khi chỉ ra cách ứng xử và phê phán ngầm các sĩ phu Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm bắt đầu đi vào tìm hiểu nguyên nhân bằng cách đặt ra hai câu hỏi "trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng?" và "Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự chư hầu chăng?". Việc đặt ra hai câu hỏi liên tiếp theo thế lưỡng đao nhằm nhấn mạnh sắc thái phủ định, buộc người đọc phải xem xét lại cách ứng xử của mình mà ra giúp dân giúp nước cho phải đạo.

Không chỉ nêu lên cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm còn tiếp tục nêu lên những hiện trạng của đất nước để lay tỉnh các sĩ phu Bắc Hà, đánh động vào tấm lòng yêu nước thương dân, tấm lòng muốn cống hiến cho đất nước của các trí thức này. Tác giả lần lượt chỉ ra ba cái thực trạng và đất nước đang phải đối mặt, thứ nhất là tính chất của thời đại đó buổi đầu của nền đại định, mới dẹp yên thù trong giặc ngoài, mới bắt tay vào công cuộc xây dựng nghiệp đế vương cho nên còn nhiều thiếu sót (kỷ cương triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan, dân còn mệt nhọc chưa lại sức, đức hóa của Nguyễn Huệ còn chưa kịp nhuần thấm khắp nơi), có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Hiện trạng thứ hai được Ngô Thì Nhậm nêu lên thông qua chân lý tất yếu rằng "một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn", tương quan với đó thì "mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình". Từ đó khai mở cho các trí thức hiểu rằng một mình Nguyễn Huệ không thể đủ sức để đảm đương tất cả những công việc khó khăn, thử thách chồng chất. Và cuối cùng tác giả nêu lên một thực tế rõ ràng thiên hạ có rất nhiều người tài, cũng như lời Nguyễn Trãi trong Đại Cáo Bình Ngô rằng "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có". Và thông qua 3 tiền đề, 3 hiện trạng rõ ràng như thế của đất nước, từ đó đi đến một mục đích duy nhất là lay tỉnh các sĩ phu Bắc Hà, những hiền tài đang trốn tránh, cầm chừng phải thay đổi cách ứng xử của mình, giúp đỡ Nguyễn Huệ để xây dựng đất nước.

Sau những chân lý và hiện trạng của đất nước như thế thì Ngô Thì Nhậm đi đến mở ra đường lối cầu hiền và khơi gợi những viễn cảnh tốt đẹp của đất nước. Nguyễn Huệ đã mở ra những con đường rộng mở cho người hiền tài: Tất cả mọi người từ quan đến dân miễn là là có tài năng, mưu lược đều có quyền dâng sớ để tỏ bày việc nước, đóng góp hợp lý sẽ được cất nhắc, nếu viển vông thì cũng không bắt tội; thứ hai là con đường tiến cử cũng rộng mở, dễ thực hiện, cho phép quan lại tiến cử người có tài, có nghề giỏi, rồi tùy mà sử dụng, cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử. Ngô Thì Nhậm cũng nêu lên những tương lai tốt đẹp đang mở ra, trước hết là viễn cảnh "cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh", để khích lệ động viên hiền tài, thể hiện niềm tin vào tương lai đất nước đang mở ra những cơ hội tốt đẹp cho người hiền "trời trong sáng đất thanh bình, cũng là lúc người hiền gặp hội gió mây".

Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm không chỉ thể hiện hiện chủ trương sáng suốt của nhà Tây Sơn mà còn có vai trò động viên, kêu gọi trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước, từ đó mang đến những nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng đất nước của mỗi một con người, không chỉ riêng gì các bậc hiền tài. Văn bản thành công bởi nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lý lẽ thuyết phục, đặc biệt tuy là văn chính luận nhưng giọng văn rất tha thiết, chân thành có sức lay động mạnh mẽ.

----------------------HẾT-------------------------

Ngoài bài văn mẫu Phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm được giới thiệu trên đây, chúng tôi còn giới thiệu đến các em học sinh các bài văn mẫu khác trong Bài văn hay lớp 11 như: Tìm hiểu tác phẩm Chiếu cầu hiền; Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền; hoặc các em cũng có thể đón đọc thêm Hoàn cảnh ra đời Chiếu cầu hiền; Soạn bài Chiếu cầu hiền để hiểu hơn về giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm này. 

Những bài văn mẫu phân tích bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm dưới đây sẽ giúp các em củng cố kiến thức về tác phẩm, thấy được tầm nhìn chiến lược của nhà Tây Sơn khi thuyết phục người hiền tài tham gia xây dựng triều đại.
Soạn bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm
Dàn ý hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền
Hình tượng vua Quang Trung trong bài Chiếu cầu hiền
Soạn bài Cầu hiền chiếu, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Sơ đồ tư duy Chiếu cầu hiền
Thuyết minh Bình Ngô đại cáo

ĐỌC NHIỀU