"Vợ nhặt" là một trong số những truyện ngắn tiêu biểu nhất của Kim Lân. Tác phẩm không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn để lại ấn tượng sâu sắc về bút pháp nghệ thuật tài hoa, khéo léo. Đầu tiên phải kể đến cách xây dựng tình huống truyện vô cùng độc đáo. Việc Tràng tự nhiên "nhặt" được vợ trong cái hoàn cảnh éo le của nạn đói đã gây sự tò mò, thu hút độc giả khám phá hành trình của nhân vật. Từ đó, cũng đồng thời làm nổi bật sự đối lập giữa thực tại khắc nghiệt và vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của con những người dân nghèo. Tiếp đó, cách sử dụng giọng văn trần thuật tự nhiên, hấp dẫn cũng mang đến thành công không nhỏ cho tác phẩm. Kim Lân dùng ngôn từ gần với khẩu ngữ, nhưng đã được chắt lọc kĩ càng để tạo phong vị và sức lôi cuốn riêng cho đứa con tinh thần "Vợ nhặt". Và thành công lớn nhất phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng chân thực, sâu sắc. Độc giả được thấy hình ảnh anh Tràng tuy thô kệch nhưng chất phác, bà cụ Tứ giàu tình yêu thương hay cả người vợ nhặt với những nét đẹp bị che mờ bởi cái đói, cái khổ. Tất cả đã tạo nên một "Vợ nhặt" độc đáo, thú vị trong kho tàng văn học Việt Nam.
Với truyện ngắn "Vợ nhặt", Kim Lân đã thành công chứng minh tài năng nghệ thuật độc đáo của mình. Tác phẩm nổi bật bởi tình huống truyện độc đáo, lối trần thuật tự nhiên, hấp dẫn và cả cách xây dựng nhân vật chân thực, sâu sắc. Tình huống truyện xuất hiện ngay từ nhan đề "Vợ nhặt". Lấy vợ, yên bề gia thất là việc hệ trọng của cả đời người. Vậy mà anh nông dân Tràng xấu xí, thô kệch, nghèo khổ lại tự nhiên "nhặt" được vợ về một cách dễ dàng. Điều này đã góp phần thể hiện rõ nét tư tưởng chủ đề của tác phẩm: sự xót thương với người dân khổ cực và lên án sâu sắc tội ác của bọn thống trị lúc bấy giờ. Đồng thời, làm nổi bật sự đối lập giữa thực tại nghiệt ngã với những phẩm chất tốt đẹp luôn tiềm ẩn trong con người. Không chỉ có vậy, Kim Lân đã sử dụng ngôn ngữ một cách vô cùng tinh tế, khéo léo. Từ việc kể, dẫn dắt đến cả các đoạn hội thoại đều rất sinh động, giàu sức gợi. Đặc biệt, các hình ảnh trong truyện đều được khắc họa hết sức chân thật, sâu sắc. Độc giả được thấy bối cảnh nạn đói với "những gia đình … đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ", "Người chết như ngả rạ", "Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Những nét phác họa chân thực đến rợn người ấy đã mang đến một không gian tang thương, phản ánh chân thực tình cảnh đau đớn mà nhân dân ta phải chịu trong nạn đói. Hay như hình ảnh các nhân vật: anh nông dân Tràng xấu xí, nghèo khổ nhưng chất phác, thật thà, giàu lòng thương người; cô vợ "nhặt" lúc đầu chua ngoa nhưng sau lại sáng lên với vẻ đẹp tâm hồn đáng quý; bà cụ Tứ có cuộc đời bất hạnh, thiếu thốn nhưng nhất mực yêu thương con trai. Tất cả đã góp phần nâng tầm giá trị của tác phẩm. Từ đó, khẳng định tài năng của ngòi bút Kim Lân trong dòng chảy không ngừng của văn học.
-----------------------HẾT----------------------
Khi phân tích đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn "Vợ nhặt", em hãy chú ý đến cách dẫn dắt trong văn bản để thấy được dụng ý nhà văn muốn gửi gắm nhé. Trên đây là một vài gợi ý phân tích Nghệ thuật đặc sắc của Vợ Nhặt hay, chi tiết nhất. Ngoài ra, để tìm hiểu rõ hơn về giá trị tư tưởng, đặc điểm tính cách, tâm lý của từng nhân vật, các em có thể tìm hiểu bài viết Ngọn lửa tình người thắp lên giữa đêm đen cuộc sống cảm nhận Vợ nhặt, Hãy phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để làm nổi bật giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, Những điểm chú ý khi phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt, Phân tích bối cảnh nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt,..., mà Taimienphi.vn biên tập, tổng hợp trước đó.