Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Buổi học cuối cùng
I. Đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Nhà văn Alphonse Daudet
- Alphonse Daudet hay còn gọi An-phông-xơ Đô-đê là nhà văn đại tài của Pháp thế kỉ XIX.
- Vài nét về cuộc đời tác giả: Sau khi gia đình phá sản, ông cùng cha mẹ đến Lyons, tại đây ông nhận được học bổng nhờ vậy được tiếp tục học Trung học. Tuy nhiên, con đường học vấn của ông cũng đành dở dang bởi cha mẹ li hôn. Ông theo cha đến thành phố Paris, làm công việc đầu tiên là ký giả tại tờ báo Figaro (năm 12 tuổi). Đến năm 14 tuổi, ông bắt đầu viết văn và năm 18 tuổi cho ra đời tập thơ đầu tay, rồi sau đó là các tiểu thuyết,...
- Sự nghiệp sáng tác: Ở bất kì thể loại nào, An-phông-xơ Đô-đê cũng đều thành công.
+ Tiểu thuyết tiêu biểu: Thằng nhóc con (thiên hồi kí thấm đẫm nước mắt của chính tác giả về tuổi niên thiếu cơ cực); Những vị vua lưu vong, Le Nabab (tiểu thuyết viết về đề tài xã hội Pháp lúc bấy giờ với những tay triệu phú mới của thế hệ); đặc sắc hơn cả là trường thiên tiểu thuyết Tartarin vùng Tarascon gồm ba quyển.
+ Thơ ca: Tập thơ Những người đàn bà đang yêu; Những lá thư từ cối xay của tôi,... là những thi tập được đông đảo bạn đọc nước Pháp đón nhận và vô cùng yêu thích.
2. Tác phẩm
- Xuất xứ: Truyện ngắn Buổi học cuối cùng trích trong tập truyện ngắn Truyện kể ngày thứ hai, nội dung nói về lòng yêu nước và tình yêu dành cho ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Hoàn cảnh sáng tác: Câu chuyện được diễn ra trong hoàn cảnh nước Pháp thua trận trong cuộc chiến Pháp - Phổ diễn ra vào năm 1870 - 1871. Khi đó, người Pháp phải cắt hai vùng An-dát và Lo-ren cho quân Đức, chính bởi vậy, các trường học ở nơi đây buộc phải thôi học tiếng Pháp và học tiếng Đức thay vì.
- Tóm tắt: Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là cậu bé Phrăng, một cậu bé lười học và rất ham chơi. Một buổi sáng, vì dậy muộn và chưa thuộc bài nên cậu có ý định bỏ học và chạy đi chơi. Tuy vậy, cậu đã nghĩ lại và ba chân bốn cẳng chạy đến lớp. Khi đến lớp, Phrăng nhận thấy những điều lạ diễn ra ngay trong lớp học của mình, thầy Ha-men ăn mặc trang trọng hơn mọi hôm, tất cả dân làng đều có mặt ở đó và ngồi rất trật tự, lạ lùng hơn cả là gương mặt ai nấy đều buồn bã. Khi thầy kiểm tra Phrăng, mặc dù cậu bé chưa thuộc bài nhưng khác với mọi hôm, thầy không hề trách phạt mà lại vô cùng dịu dàng với cậu. Thầy thông báo với tất cả mọi người hôm nay sẽ là buổi học tiếng Pháp cuối cùng, từ mai sẽ chỉ học tiếng Đức, điều này khiến Phrăng vô cùng bàng hoàng và ân hận, tự dằn vặt bản thân bởi trước đó đã không chăm chỉ học tiếng Pháp. Trong suốt buổi học, cậu cố gắng tập trung vào bài giảng của thầy Ha-men và kinh ngạc vì mình hiểu bài đến thế. Trên bục giảng, thầy Ha-men giảng bài say sưa, thầy ca ngợi về ý nghĩa và vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ. Tiếng chuông báo giờ học kết thúc vang lên, thầy tái mặt, nghẹn ngào không nói nên lời, dằn mạnh hết sức câu "Nước Pháp muôn năm!" và ra hiệu cho mọi người buổi học kết thúc.
II. Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Buổi học cuối cùng
1. Giá trị nội dung
- Ca ngợi tiếng mẹ đẻ, đề cao lòng yêu nước.
- Khẳng định chân lí bất diệt: "Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình, thì chẳng khác gì nắm được cái chìa khóa chốn lao tù".
2. Giá trị nghệ thuật
- Ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", người kể chuyện là cậu bé Phrăng giúp cho câu chuyện tự nhiên và góp phần diễn tả một cách chân thực, sinh động tâm trạng, cảm xúc của nhân vật.
- Tình huống truyện hấp dẫn, thu hút người đọc.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, nhân vật hiện lên sinh động qua ngoại hình, trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động, tâm trạng.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu bài Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Buổi học cuối cùng, các em đã trau dồi thêm cho bản thân những kiến thức cần thiết về tác phẩm này. Bên cạnh đó, em cũng có thể tham khảo thêm các bài mẫu khác trong tuyển tập Văn lớp 6 như: Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài thơ Lượm; Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Đêm nay Bác không ngủ; Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Vượt thác; Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc bài Bức tranh của em gái tôi.