I. Mở đầu:
- Nêu tên tác phẩm được giới thiệu và lí do chọn giới thiệu tác phẩm đó.
II. Triển khai:
- Miêu tả đặc điểm của tác phẩm:
+ Thể loại
+ Dung lượng
- Nêu nhận xét đánh giá về giá trị nội dung hoặc giá trị nghệ thuật.
III. Kết thúc:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
1. Dàn ý giới thiệu truyện ngắn "Chiếc lược ngà":
1.1. Mở đầu:
- Lời chào.
- Giới thiệu khái quát về tên tác phẩm nghệ thuật: truyện ngắn "Chiếc lược ngà".
1.2. Triển khai:
- Thể loại: Truyện ngắn.
- Dung lượng của tác phẩm không phải quá dài dễ để người đọc tìm hiểu.
- Lí do yêu thích: Một câu chuyện ý nghĩa về tình cha con trong chiến tranh.
- Kể tóm tắt lại nội dung câu chuyện:
+ Ông Sáu tham gia cách mạng từ khi đứa con gái chưa đầy một tuổi.
+ Ở nơi chiến trường ông luôn nhớ con và mong muốn được gặp con.
+ Ngày được về gặp con ông háo hức vô cùng.
+ Nhưng bé Thu lại không chịu nhận cha.
+ Những ngày nghỉ phép ở nhà, ông Sáu không dám đi đâu mà chỉ muốn bên con nhiều hơn.
+ Sau khi được bà ngoại giải thích, bé Thu cũng đã hiểu mọi chuyện.
+ Giây phút hai cha con chia tay nhau vô cùng cảm động.
+ Ở nơi chiến trường, ông Sáu luôn nhớ con và tỉ mỉ làm cho con chiếc lược ngà.
+ Chưa kịp trao tận tay cho con thì ông hi sinh.
- Điều ấn tượng trong tác phẩm: Giây phút bé Thu nhận ra cha cũng là lúc phải chia xa.
- Thông điệp: Tình cha con trong cuộc sống.
1.3. Kết thúc:
- Khẳng định lại ý nghĩa của tác phẩm.
- Lời cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.
2. Bài mẫu giới thiệu truyện ngắn "Chiếc lược ngà":
Xin chào cô và các bạn. Mình là Phương Thảo. Sau đây mình sẽ giới thiệu với tất cả mọi người một tác phẩm văn học mà bản thân tâm đắc. Đó là truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Câu chuyện kể về tình cha con cảm động giữa ông Sáu và bé Thu. Ông Sáu tham gia cách mạng từ khi đứa con gái chưa đầy một tuổi. Ở nơi chiến trường, ông luôn nhớ con và mong muốn được gặp con. Ngày được về nghỉ phép, anh được nghỉ phép ba ngày. Ngày trở về, ông háo hức vô cùng. Nhưng trái ngược với sự mong chờ của ông, bé Thu khi nghe tiếng gọi lại giật mình và bỏ chạy. Điều đó khiến cho người cha vô cùng buồn và thất vọng. Những ngày nghỉ phép ở nhà, ông Sáu không dám đi đâu mà chỉ muốn bên con nhiều hơn. Trước tình cảm của ông, bé Thu vẫn không chịu cất tiếng gọi cha. Bởi vì ông Sáu không giống với người cha mà bé Thu thấy trong tấm hình. Nhưng sau khi được bà ngoại giải thích, bé Thu cũng đã hiểu mọi chuyện. Ngày mà nó nhận ra cha cũng là ngày chia li. Ở nơi chiến trường, ông Sáu luôn nhớ con, dồn hết tâm sức tỉ mỉ làm cho con chiếc lược ngà. Nhưng chưa kịp trao tận tay cho con thì ông đã hi sinh.
Chi tiết cảm động nhất trong tác phẩm có lẽ là cảnh hai cha con phải chia xa. Giây phút bé Thu "hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa" đã thể hiện tình yêu cha tha thiết. Nó hôn lên vết thẹo dài trên má như một sự chuộc lỗi với cha. Chứng kiến tình cảm của hai cha con khiến cho ai nấy cũng có thể rưng rưng xúc động.
Điều mình muốn nói với tất cả mọi người không chỉ là tình cha con trong tác phẩm mà đó còn là tình cảm gia đình trong cuộc sống ngày hôm nay. Đây là một điều thiêng liêng không gì có thể so sánh được. Vậy nên mỗi chúng ta cần biết yêu thương, trân trọng gia đình. Bởi lẽ có những thứ một khi mất đi rồi sẽ không bao giờ lấy lại được.
Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Mình rất mong nhận được những góp ý từ mọi người.
-----------------------
Mời các em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 11 liên quan trên Taimienphi.vn như: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Ngữ văn 11 KNTT; Dàn ý cho bài thuyết trình về một tác phẩm nghệ thuật tự chọn....
1. Dàn ý giới thiệu truyện ngắn "Vợ nhặt":
1.1. Mở đầu:
- Lời chào.
- Giới thiệu khái quát về tên tác phẩm nghệ thuật: Vợ nhặt
1.2. Triển khai:
- Điều mà tác giả mang đến cho độc giả:
+ Bức tranh nạn đói khủng khiếp năm 1945.
+ Cuộc sống khốn cùng của con người.
+ Vẻ đẹp tâm hồn của người lao động: Luôn yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau.
+ Niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
1.3. Kết thúc:
- Khẳng định lại ý nghĩa của tác phẩm.
- Lời cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.
2. Bài mẫu giới thiệu truyện ngắn "Vợ nhặt":
Lời đầu tiên, em xin phép được gửi lời chào đến cô và các bạn. Mình là Vũ Yến. Trong tiết học ngày hôm nay, mình muốn giới thiệu với mọi người về một tác phẩm rất ý nghĩa. Đó là truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân.
Có lẽ mọi người sẽ không còn xa lạ với tác phẩm này nữa. Chúng ta đã được tìm hiểu khá kĩ về truyện rồi. Mình chọn một tác phẩm đã học để giới thiệu với mọi người để nói về những thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.
Kim Lân tái hiện lại bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết vì đói. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh đó, con người vẫn vươn lên để hướng tới cuộc sống có ý nghĩa. Tràng là một gã trai nghèo, dân ngụ cư, tính tình ngờ nghệch. Tình cờ vì lời hò đùa mà anh ta có được vợ. Nhưng không phải vì hạnh phúc đến dễ dàng mà anh rẻ rúng, coi thường. Tràng đưa thị về nhà để giới thiệu với mẹ. Bà cụ Tứ không chỉ chấp thuận mà còn chúc phúc cho hai con. Trong hoàn cảnh đó, đến bản thân mình còn khó lo nổi. Vậy mà họ vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Điều ý nghĩa mà Kim Lân mang đến cho người đọc đó là vẻ đẹp của con người trong nghịch cảnh. Không chỉ vậy, nhà văn còn muốn làm nổi bật sức mạnh của tình yêu thương. Đến đây khiến mình nhớ đến câu nói của Nguyễn Khải: "Sự sống nảy mầm từ cái chết. Hạnh phúc nảy mầm từ những gian khổ, hi sinh. Trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là ta có biết vượt qua những ranh giới đó". Tác phẩm "Vợ nhặt" đã mang đến nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật, các em cần trình bày được quan điểm cá nhân về giá trị của tác phẩm.