1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và nghệ thuật của tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Giá trị hiện thực:
a, Tái hiện bức tranh hiện thực về cuộc sống của những người nông dân bị áp bức, bóc lột:
- Nhân vật Mị:
+ Bị bắt về làm dâu gạt nợ.
+ Bị tước đi quyền tự do, quyền hạnh phúc.
+ Bị bóc lột sức lao động.
- Nhân vật A Phủ:
+ Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị coi như một món hàng để trao đổi.
+ Vì nghèo, không quyền không thế mà bị chèn ép, trở thành người ở không công cho nhà thống lí.
b, Tố cáo, vạch trần bộ mặt tàn bạo, gian ác của bọn cường hào ác bá miền núi:
- Hình ảnh chơi bời của cha con thống lí cùng bọn tay sai.
- Sự độc ác, vô nhân tính của A Sử.
2.2. Giá trị nhân đạo:
a, Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người:
- Tô Hoài trân trọng vẻ đẹp của con người:
+ Hình ảnh bà con nhân dân miền núi với những phong tục, tập quán đáng trân trọng.
+ Mị xinh đẹp, trẻ trung, có tài thổi sáo.
+ A Phủ chăm chỉ, khỏe mạnh, tích cực làm lụng để kiếm sống.
- Tô Hoài trân trọng sức sống mãnh liệt của con người:
+ Mị tưởng như đã vô cảm, cam chịu số phận thì trong đêm tình mùa xuân, tâm hồn cô lại được sống dậy.
+ Mị vượt thoát, cởi trói cho A Phủ -> Hành động phản kháng mãnh liệt.
+ A Phủ được cởi trói, tuy đã kiệt sức nhưng vẫn vùng thoát, chạy khỏi chốn địa ngục trần gian.
b, Niềm tin vào tương lai tương sáng, vào sức sống và sức phản kháng mạnh mẽ của con người:
- Thể hiện niềm tin vào sức sống mãnh liệt, sức phản kháng tiềm tàng trong những con người luôn chịu chèn ép, áp bức.
- Mạnh mẽ cổ vũ bà con đồng bào đứng dậy đấu tranh, giành lại tự do và hạnh phúc cho cuộc sống của chính mình.
- Chỉ ra làm cách mạng là con đường đúng đắn nhất, cũng là con đường duy nhất để con người tự giải thoát bản thân khỏi ách đô hộ, tự tìm lại hạnh phúc cho chính mình.
2.3. Đánh giá nghệ thuật tác phẩm:
- Thành công miêu tả không gian sống, không gian văn hóa cùng những phong tục tập quán đáng trân trọng của bà con đồng bào miền núi.
- Xây dựng tình huống truyện độc đáo, gay cấn, thú vị.
- Ngôn từ giản dị, mang đậm phong vị miền núi.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
Trong cuộc đời mình, Tô Hoài đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một số lượng lớn các tác phẩm giàu ý nghĩa. Tiêu biểu phải kể đến truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Không chỉ mang giá trị hiện thực sâu sắc, tác phẩm còn đem đến giá trị nhân đạo đáng quý. Đồng thời, thể hiện được phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa của tác giả.
Giá trị hiện thực trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" trước hết được thể hiện qua bức tranh về cuộc sống của những người dân thấp cổ bé họng. Tô Hoài đã xây dựng nên hai hình tượng Mị và A Phủ để phản ánh chân thực sự áp bức, chèn ép mà tầng lớp thống trị gây ra. Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung. Vì trả nợ cho cha, cô đã bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Điều này đã tước đi quyền tự do, quyền được hạnh phúc của cô gái trẻ, đẩy cô vào một cuộc sống bế tắc, quẩn quanh. Không chỉ vậy, mang danh con dâu nhà giàu nhưng Mị bị đối xử chẳng khác gì người ở, thậm chí còn không bằng cả con trâu, con ngựa. Hoàn cảnh bế tắc ấy đã gần như đẩy Mị vào tuyệt vọng, dập tắt sức sống trong tâm hồn trẻ trung của cô. A Phủ xuất hiện với hoàn cảnh cũng éo le không kém. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh bị coi như một món hàng để đem trao đổi. Vì đánh con quan mà anh bị bắt vạ, phải làm người ở không công cho nhà thống lí. Có lúc, còn phải chịu trói đứng vào cột nhà đến mức suýt chết. Chỉ một vài chi tiết nhỏ ấy thôi cũng đủ thấy hoàn cảnh của những người dân lúc đó éo le đến thế nào.
Không chỉ tái hiện hoàn cảnh sống như chốn địa ngục trần gian của con người lương thiện, Tô Hoài còn tố cáo, vạch trần bộ mặt gian ác, bạo tàn của bọn cường hào ác bá miền núi. Chúng chẳng mảy may quan tâm đến đời sống nhân dân mà chỉ suốt ngày lao đầu vào những cuộc chơi, vào thuốc phiện. Điều này được thể hiện rất rõ qua hình ảnh hai cha con nhà thống lí Pá Tra. Lợi dụng quyền lực của mình, chúng hành hạ, chèn ép, coi thường người khác. Chúng cấu kết với giặc Pháp, được cho muối về bán, lại còn ăn của dân nhiều. Chưa kể, nhà thống lí còn cho người dân vay nặng lãi, không trả được thì bắt con gái nhà người ta đi. Tất cả đã tái hiện một cách chân thực nhất bộ mặt xấu xa, bạo tàn của tầng lớp thống trị trong chế độ thực dân nửa phong kiến.
Bên cạnh đó, truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" cũng mang lại giá trị nhân đạo sâu sắc. Đó là sự trân trọng, ngợi ca mà Tô Hoài dành cho những người dân lương thiện. Tuy phải chịu áp bức, bóc lột nhưng bà con ở Hồng Ngài vẫn vui tươi, lạc quan với những phong tục, tập quán đáng trân trọng. Nào là những đêm tình mùa xuân ngập tràn màu sắc, âm thanh. Nào là cô Mị trẻ trung, xinh đẹp, có tài thổi sáo. Hay cả anh chàng A Phủ khỏe mạnh, chăm chỉ, luôn tích cực làm lụng để nuôi sống bản thân. Tất cả bọn họ đều cố gắng, nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vẻ đẹp ấy đã làm mờ đi nỗi đau mà bọn cường hào, ác bá gây ra.
Tô Hoài còn đồng thời thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng, vào sức sống và sức phản kháng mãnh liệt luôn tiềm tàng trong những con người bé nhỏ. Mị sống lâu trong khổ cực, tưởng như tâm hồn đã bị chai sạn, mất hết hi vọng. Thế nhưng nhờ sự xúc tác của rượu, của tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân, cô đã một lần nữa được sống lại. Cũng nhờ sự thức tỉnh đêm đó, khi thấy dòng nước mắt lăn trên má A Phủ, Mị không khỏi xót xa, đồng cảm. Từ đó, cô quyết liệt hành động, cắt dây trói cho A Phủ rồi cả hai cùng bỏ trốn. Đây chính là sự phản kháng mà Tô Hoài nhất mực cổ vũ, ngợi ca. Chỉ có như vậy, con người mới vượt thoát khỏi cái chốn đau khổ để tìm đến tự do, hạnh phúc. Ông cũng khẳng định con đường đúng đắn nhất chính là con đường cách mạng. Chỉ có cách mạng mới giải thoát hoàn toàn cho nhân dân ta, giúp họ gỡ bỏ xiềng xích đô hộ và phong kiến.
Thành công của tác phẩm không chỉ có ở mặt nội dung mà còn ở cả nghệ thuật. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Tô Hoài đã tái hiện vô cùng chân thực không gian sống, không gian văn hóa cùng rất nhiều phong tục, tập quán đáng trân trọng của bà con đồng bào miền núi. Đó chính là tục cúng ma, là những đêm tình mùa xuân ngập tràn thanh âm, màu sắc. Các tình huống truyện được nhà văn xây dựng khéo léo, thú vị, khơi gợi được sự tò mò ở độc giả. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có ngôn từ giản dị, mang đậm phong vị miền núi, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc vô cùng.
Tựu chung lại, truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" đã mang rất nhiều giá trị, ý nghĩa đến với độc giả mọi thế hệ. Không chỉ thành công vạch trần tội ác của bè lũ thực dân, phong kiến, truyện còn bày tỏ lòng cảm thông, sự trân trọng sâu sắc đến những con người lương thiện. Tác phẩm chính là một "bảo chứng" cho tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có thể nói, Tô Hoài đã thành công đem lại những giá trị tốt đẹp, đầy tính nhân văn qua tác phẩm của mình. Hãy ghé qua Taimienphi.vn để thường xuyên cập nhật thêm những bài viết liên quan nhé: Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ; Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ.
1. Giá trị hiện thực
- Bọn chúa đất, bọn thống lí cấu kết với giặc Pháp, được bọn Tây đồn cho muối về bán, ăn của dân nhiều, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc nhiều thuốc phiện nhất làng. Pá Tra cho vay nợ lãi, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Tuổi xuân và hạnh phúc bị cướp mất. Mị sống khổ nhục hơn con trâu, con ngựa.
- A Phủ vì tội đánh con quan mà bị làng xử kiện, bị đánh, bị phạt vạ, trở thành kẻ ở nợ cho Pá Tra.
- Cảnh Mị bị A Sử trói đứng. Cảnh A Phủ bị trói cho đến chết vì tội để hổ bắt mất bò.
- Cảnh bọn Tây đồn Bản Pe càn quét khu du kích Phiềng Sa: cướp lợn, giết người, đốt phá vô cùng tàn bạo.
2. Giá trị nhân đạo
Nỗi đau khổ của Mị và sự vùng dậy của Mị toan ăn lá ngón tự tử..., uống rượu, mặc váy áo đi chơi xuân, cắt dây trói cứu A Phủ, cùng chạy trốn.
- Nỗi khổ đau của A Phủ: sống cô độc, bị đánh, bị phạt vạ... vì tội đánh con quan. Bị trói cho đến chết vì tội để hổ bắt mất bò.
- Được Mị cứu thoát. Cùng chạy trốn đến Phiềng Sa. Mị và A Phủ nên vợ nên chồng. Vừa giành được tự do, vừa tìm được hạnh phúc
- A Phủ kết nghĩa anh em với A Châu cán bộ. Trở thành chiến sĩ du kích quyết tâm đánh giặc để giải phóng bản Mèo...
- Mị và A Phủ: từ đau khổ, thân phận nô lệ, bị chà đạp dã man đã vùng dậy tự cứu giành được tự do, hạnh phúc; được giác ngộ cách mạng, đứng lên cầm súng chống lại bọn cướp nước và lũ tay sai.
- Những đêm tình mùa xuân của trai gái Mèo được nói đến như một phong tục chứa chan tinh thần nhân đạo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
* Nghệ thuật
1. Tả cảnh mùa xuân trên rẻo cao: hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ au, đỏ thậm, rồi sang màu tím man mát. Chiếc váy Mèo như con bướm sặc sỡ. Tiếng sáo, tiếng hát tự tình của trai gái Mèo - đầy chất thơ dung dị và hồn nhiên.
2. Kể chuyện với bao chi tiết hiện thực, bao tình tiết cảm động. Dựng người, dựng cảnh sống động: cảnh xử kiện, cảnh Mị cắt dây trói, cảnh ăn thề...
3. Sử dụng các câu dân ca Mèo... tạo nên phong vị miền núi đậm đà: "Anh ném pao, em không bắt - Em không yêu, quả pao rơi rồi..."
Tóm lại, truyện "Vợ chồng A Phủ" khẳng định một bước tiến mới của Tô Hoài, là thành tựu xuất sắc của văn xuôi kháng chiến thời chống Pháp. Câu văn xuôi trong sáng, thanh thoát, nhuần nhị.
Xem thêm các bài văn mẫu hay tác phẩm Vợ chồng A Phủ trên Taimienphi.vn
- Diễn biến tâm trạng của Mị trong "đêm tình mùa xuân" trong Vợ chồng A Phủ
- Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
- Ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ