1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về nhân vật Mị và tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
2. Thân bài:
a, Hoàn cảnh của Mị:
- Vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có tài thổi sáo.
- Vì món nợ của gia đình mà bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
- Cuộc sống làm dâu tù túng, khổ cực khiến Mị dần trở nên chai sạn, vô cảm.
=> Sức sống trong Mị chưa bao giờ hoàn toàn tắt lụi, vẫn chờ đợi dịp để bùng cháy dữ dội.
b, Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân:
* Tác động của bối cảnh bên ngoài:
- Khung cảnh:
+ "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ".
+ "Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy".
- Âm thanh:
+ Âm thanh tiếng chó sủa, tiếng trẻ con "cười ầm trên sân chơi trước nhà", tiếng người ta rủ nhau đi chơi.
+ Âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình -> Mị ngồi nhẩm thầm theo lời bài hát.
+ Âm thanh tiếng chiêng ầm ĩ khi nhà thống lí vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma.
=> Không gian rộn rã, ngập tràn màu sắc, âm thanh.
=> Sức sống của mùa xuân đến với bản làng.
- Chất xúc tác - rượu: "Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát" -> Mị uống rượu để quên đi thực tại, "sống về những ngày trước".
* Sự thức tỉnh của Mị:
- Sự đối lập giữa quá khứ tươi đẹp và thực tại nghiệt ngã:
+ "Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi".
+ "Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị".
+ "Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo".
+ "Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà".
=> Sự đối lập càng làm nổi bật lên tình cảnh đáng thương của Mị ở hiện tại.
- Sự thức tỉnh của Mị:
+ "Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại".
+ "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết".
+ "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra".
=> Sức sống trong Mị được không gian, âm thanh bên ngoài dần đánh thức.
* Sự phản kháng của Mị:
- Mị thực hiện một loạt các hành động:
+ "Bây giờ Mị cũng không nói".
+ "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa cho sáng".
+ "Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách".
- Thái độ, tâm tư của Mị: "Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi".
=> Sức sống trong Mị bùng phát, biến thành hành động. Đến cả khi đã bị trói đứng vào cột, tâm hồn Mị vẫn "nghe tiếng sáo" "đi theo những cuộc chơi, những đám chơi", "vùng bước đi".
c, Đánh giá chung:
- Mị tưởng như đã chai lì về cảm xúc nhưng sâu trong tâm hồn vẫn là khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt.
- Mị có sự thức tỉnh về cảm xúc, về nhận thức.
- Tuy không được giải thoát hoàn toàn nhưng những cảm xúc trong đêm tình mùa xuân chính là cơ sở để Mị thực hiện những hành động mang tính bước ngoặt sau này.
3. Kết bài:
- Khái quát lại tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân và tư tưởng tác giả gửi gắm.
- Liên hệ mở rộng.
"Vợ chồng A Phủ" là bảo chứng cho tài năng của Tô Hoài. Tác phẩm không chỉ thành công đưa đến câu chuyện về cuộc đời, số phận của những bà con đồng bào miền núi mà còn lên án ách đô hộ của chế độ thực dân nửa phong kiến. Trong truyện, chi tiết miêu tả tâm trạng của Mị vào đêm tình mùa xuân đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho nhiều thế hệ độc giả.
Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung và tràn đầy sức sống. Vì để trả nợ cho cha, cô phải về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cuộc sống của con dâu nhà giàu tưởng chừng sẽ ấm êm nhưng thực chất, Mị chẳng khác nào người ở trong gia đình đó. Tô Hoài đã có những chi tiết miêu tả vô cùng đắt giá để nhận xét về hoàn cảnh của Mị: "Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày"; "Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Cuộc sống quẩn quanh đó khiến cho Mị dần trở nên chai sạn, vô cảm. Thế nhưng, đêm tình mùa xuân năm ấy đã thay đổi tất cả. Sức sống trong Mị chưa bao giờ bị dập tắt. Nó chỉ như một tàn lửa đang chờ thời để bùng cháy.
Sự thức tỉnh của Mị chịu tác động rất lớn từ bối cảnh bên ngoài. Khi ấy là mùa xuân ở làng Hồng Ngài. Khung cảnh cuộc sống tràn đầy vui tươi đã đánh vào thị giác của người con gái. Nào là "những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ". Nào là "Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy". Những chi tiết ấy đã phần nào tác động đến Mị. Nó trái ngược hẳn với không gian của cái buồng "kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗi vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng" mà Mị ở.
Khung cảnh đã tràn ngập màu sắc, nay lại rộn rã âm thanh. Rất nhiều thanh âm trộn lẫn vào với nhau: "tiếng chó sủa", tiếng trẻ con "cười ầm trên sân trước nhà", tiếng chiêng ầm ĩ khi nhà thống lí vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma. Đặc biệt phải kể đến tiếng sáo. Mị được biết đến là một cô gái có tài thổi sáo, "thổi lá cũng hay như thổi sáo". Tiếng sáo đưa Mị về với những kí ức ngày còn xuân. Cảm giác ấy "thiết tha bồi hồi", đưa Mị đi theo những cuộc chơi ngoài kia. Mị còn ngồi nhẩm thầm theo bài hát. Điều này chính là dấu hiệu tích cực cho sự trở lại của sức sống trong tâm hồn Mị.
Một chất xúc tác quan trọng nữa chính là rượu. Đây là thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui chơi, ăn mừng. Việc uống rượu gần như trở thành một truyền thống của người Việt vào dịp Tết đến xuân về. Và ngày này, "Mị cũng uống rượu", "Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát". Chính thứ đồ uống này đã làm lòng Mị "sống về ngày trước" - cái ngày xuân tươi đẹp khi Mị còn được tự do bay nhảy. Có men trong người, những hồi ức cứ thế tràn về không thể kiểm soát.
Nhờ những chất xúc tác kia, Mị nhận ra sự đối lập giữa quá khứ vui vẻ và hiện thực tàn khốc mà bản thân đang ở trong. Nếu như ngày xưa, Mị là cô gái "có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo" thì giờ đây, cũng cái không khí rộn ràng của ngày Tết đó, nhưng Mị "vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà". Sự cô độc, lẻ loi ấy dần khiến Mị thức tỉnh. Cô nhận ra rằng bản thân mình vẫn còn đang phải tồn tại: "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi". Cô dùng cái sự thực "Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết" để nói với chính mình. Chính bởi sự tự nhận thức đó, Mị đau đớn vô cùng. Con người tưởng như đã chai sạn ấy nay lại biết buồn, biết đau khổ. Nếu trước đó, đến cả khi bố mất, "Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa" thì bây giờ, "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra". Ý thức được cái khổ, cái đau của bản thân, Mị không kìm được xót xa.
Sự thức tỉnh của Mị đã dẫn đến một loạt các hành động: "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa cho sáng"; "Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Người con gái ấy như đang sống lại, như đang dùng hành động để phản kháng, vượt thoát ra khỏi không gian tù túng kia. Cô bỏ ngoài tai tất cả những lời của A Sử, trong đầu chỉ nghĩ "Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi". Đến cả khi bị A Sử trói đứng vào cột nhà, Mị vẫn "nghe tiếng sáo" "đi theo những cuộc chơi, những đám chơi", "vùng bước đi" như nỗ lực thoát khỏi chốn địa ngục trần gian này.
Như vậy, có thể thấy sức sống là thứ vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn Mị. Dù cho bị chà đạp, bị coi không bằng con trâu, con ngựa nhưng thứ sức sống ấy vẫn mãnh liệt bám trụ. Ẩn sâu dưới sự cam chịu của người con gái kia chính là khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt. Chỉ qua một đoạn miêu tả ngắn, Tô Hoài đã để nhân vật của mình xuất hiện với sự thức tỉnh cả về nhận thức và cảm xúc. Tuy lần vượt thoát này không thành công, cũng chẳng đem lại được tự do cho Mị nhưng đây chính là bước đệm quan trọng để Mị thực hiện những hành động mang tính bước ngoặt sau này.
Tựu chung lại, Tô Hoài đã rất thành công khi khắc họa diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân. Qua đây, tác giả cũng thể hiện sự trân trọng và niềm tin, niềm hi vọng vào sức sống mãnh liệt của con người trước khó khăn. Từ đó, độc giả lại càng thêm trân trọng và khâm phục tài năng Tô Hoài.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, em hãy chú ý đến các chất xúc tác. Từ đó, tìm ra những thông điệp, giá trị, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm nhé. Taimienphi.vn còn rất nhiều bài viết đợi em tham khảo như: Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông hay ngắn, Phân tích nhân vật A Sử trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ; Tấm lòng của nhà văn Tô Hoài với đồng bào miền núi qua Vợ chồng A Phủ.