Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến

Đề bài: Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến.

Dàn ý và bài văn mẫu Cảm nhận về nỗi nhớ trong bài thơ Tây Tiến hay nhất

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.


I. Dàn ý Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến ngắn gọn

1. Mở bài:
- Giới thiệu về nội dung bài thơ "Tây Tiến" và tác giả Quang Dũng.
- Giới thiệu về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc.
2. Thân bài:
a) Nỗi nhớ là cảm hứng chung của cả bài thơ:

- Quang Dũng đã làm đại đội trưởng ở binh đoàn Tây Tiến trong khoảng một năm, có rất nhiều kỉ niệm gắn bó với thiên nhiên, con người miền Tây, có tình đồng đội đồng chí thân thiết như tri kỉ.
- Sau đó, ông được chuyển về đơn vị khác, nỗi nhớ Tây Tiến vẫn thường trực trong lòng ông => Bài thơ được viết nên từ nỗi nhớ.
b) Tâm trạng của tác giả khi nhớ về thiên nhiên miền Tây:
- Hai câu thơ đầu:
+  Diễn tả nỗi nhớ một cách trực tiếp "Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi".
+ Vần "ơi" ở cuối câu khiến cho nỗi nhớ âm hưởng tha thiết, trầm buồn nhưng cũng cực kì hào hùng.
- Những câu thơ tiếp theo miêu tả thiên nhiên:
+ Thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí, sức mạnh kiên cường của những người lính. Họ vẫn vững vàng trên những bước hành quân mặc cho khó khăn luôn rình rập.
+ Thể hiện sự tận hưởng khung cảnh thiên nhiên yên bình, thơ mộng, ấm áp của những người lính.
=> Tác giả muốn ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Từ đó thể hiện niềm tự hào dành cho người lính Tây Tiến anh dũng, kiên cường, bất khuất.
c) Tâm trạng của tác giả khi nhớ về con người và cuộc sống sinh hoạt miền Tây:
- Tâm trạng vui vẻ, hân hoan, tạm quên đi nỗi khó khăn vất vả trong chiến tranh khi hòa nhịp cùng người dân trong đêm liên hoan lửa trại. Những người lính say đắm, bất ngờ trước vẻ đẹp, điệu múa của các cô thôn nữ.
=> Tuy khoảnh khắc ấy chỉ còn là kỉ niệm nhưng tiếng khèn, điệu múa đã làm sống dậy những kí ức trong lòng Quang Dũng, thôi thúc ông viết ra những vần thơ mang đầy chân thức, sống động.
- Nỗi nhớ càng trở nên bâng khuâng, da diết trong chiều sương mờ ảo:
+ "Có thấy", "có nhớ": Vừa là câu hỏi, vừa là lời tự vấn của tác giả về những kỉ niệm ngày xưa.
+ Khung cảnh huyền hoặc trong chiều hoàng hôn càng làm cho tác giả cảm thấy nhớ nhung nhưng càng nhớ càng thấy hư ảo, mông lung. 
3. Kết bài:
- Khái quát lại về tâm trạng của tác giả Quang Dũng khi nhớ về miền Tây.


II. Bài mẫu Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc hay nhất: 

 

1. Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến hay nhất, ngắn gọn số 1

Quang Dũng là một nhà thơ, một người họa sĩ, nhạc sĩ và cũng là một chiến sĩ cách mạng. Trong cuộc đời sáng tác văn học của mình, ông đã có một tác phẩm để đời. Đó chính là bài thơ "Tây Tiến". Với mạch cảm xúc xuyên suốt là là nỗi nhớ, tác phẩm đã thành công thể hiện tâm trạng, thái độ của nhà thơ về miền Tây Bắc cùng kí ức trên những chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến. 

Quang Dũng đã từng được học bổ túc trung cấp quân sự ở Sơn Tây. Ngay sau đó, ông được giao chức Đại đội trưởng tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông chỉ gắn bó với binh đoàn Tây Tiến và núi rừng tây Bắc trong khoảng một năm. Thế nhưng những kỉ niệm với con người, thiên nhiên nơi đây cùng tình đồng chí đồng đội thân thiết khiến ông ghi nhớ mãi. Sau này, Quang Dũng được chuyển về đơn vị khác nhưng nỗi nhớ Tây Tiến vẫn cứ khắc khoải trong lòng. Nhân dịp đại hội toàn quân, ông đã viết nên tác phẩm "Nhớ Tây Tiến", sau này được đổi tên thành "Tây Tiến" để bày tỏ nỗi niềm của mình. Chính vì thế, tất cả cảm xúc của bài thơ đều được gợi lên từ nỗi nhớ, từ những kỉ niệm cũ.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã bộc bạch trực tiếp:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Trong cuộc hành hương về quá khứ, tác giả đã bắt gặp dòng sông Mã đầu tiên. Đây là dòng sông chạy dọc theo biên giới Việt Nam, cũng là người bạn thân quen, gắn bó với bước đường hành quân của những người lính. Con sông này đã chứng kiến biết bao kỉ niệm vui buồn, là nhân chứng cho cả một thời kì lịch sử. Hai cụm từ "xa rồi" và "Tây Tiến ơi" như gợi lên nỗi tiếc nuối, khắc khoải của một người lính đã phải rời xa đơn vị, rời xa đồng đội gắn bó thân thiết để chuyển đến một nơi khác. Nhà thơ đã bộc lộ trực tiếp nỗi lòng của mình bằng điệp từ "nhớ": "Nhớ về rừng núi", "nhớ chơi vơi". Vần "ơi" ở hai câu thơ đem đến cho người đọc cảm giác mênh mang, khiến cho âm hưởng của nỗi nhớ như vang vọng khắp không gian Tây Bắc rộng lớn. 

Trong những câu thơ miêu tả thiên nhiên, tác giả đã thể hiện sự hiểm trở, cheo leo của núi rừng và cả khung cảnh yên bình, thơ mộng dưới thung lũng, ở các bản làng. Chặng đường hành quân của những người chiến sĩ không hề bằng phẳng mà rất nguy hiểm. Họ phải đối mặt với "dốc khúc khuỷu", "dốc thăm thẳm", cái "heo hút" đến đáng sợ của cảnh vật, địa thế thay đổi đột ngột "ngàn thước lên cao" rồi lại "ngàn thước xuống". Thiên nhiên vùng Tây Bắc không chỉ hùng vĩ mà còn mang nét trữ tình, nên thơ. "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Đây là những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, thân thuộc mà nếu không có trái tim và tâm hồn lãng mạn, hào hoa thì không thể cảm nhận được. Từ việc ca ngợi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ nhưng cũng rất trữ tình lãng mạn, nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện niềm tự hào dành cho những người lính Tây Tiến luôn vững vàng trên những bước hành quân mặc cho khó khăn luôn rình rập.

Sau những chặng đường hành quân đầy vất vả, người lính lại hòa mình vào cuộc sống của người dân ở vùng núi Tây Bắc. Cả doanh trại bỗng sáng "bừng lên" nhờ những ngọn đuốc. Đêm hội bắt đầu, các cô thôn nữ xuất hiện trong bộ quần áo lộng lẫy. Người chiến sĩ tạm quên đi những khó khăn, nguy hiểm để thả hồn vào điệu múa đầy say đắm. Âm thanh vui tươi, rộn ràng của tiếng khèn càng làng cho không gian thêm phần nhộn nhịp. Tuy những khoảnh khắc ấy chỉ còn là kỉ niệm nhưng tiếng khèn, điệu múa đã làm sống dậy những kí ức trong lòng Quang Dũng, thôi thúc ông viết ra những vẫn thơ đầy chân thực, sống động. 

Thoát ra khỏi khung cảnh rộn ràng, vui tươi của đêm liên hoan, nhà thơ chợt nhớ về chiều sương trên sông:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc 

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

"Người đi" ở đây có thể là một người bạn nào đó của tác giả, cũng có thể là chính ông đang tự quay về Châu Mộc trong tiềm thức. "Chiều sương ấy" cũng là một buổi chiều có thật nhưng đã trôi xa về phía quá khứ. Chỉ còn tác giả ngồi ở làng Phù Lưu Chanh nhớ lại chiều sương mờ ảo, huyền hoặc trong tâm tưởng. "Có thấy", "có nhớ" vừa là câu hỏi cho "người đi", vừa là lời tự vấn của tác giả về những kỉ niệm xưa. Thế nhưng dường như những hình ảnh trong trí óc ông cũng đang dần mờ nhòe, nhạt nhòa trong chiều sương. Ông nhớ về rừng cỏ lau đung đưa đón gió hai bên bờ sông, về dáng người ngồi trên con thuyền độc mộc trôi giữa dòng, về những khi nước lũ mùa hạ, có những bông hoa rụng xuống trôi theo dòng. Khung cảnh huyền hoặc trong chiều hoàng hôn càng làm cho nhà thơ cảm thấy như càng nhớ lại càng hư ảo, mông lung. Những kí ức đó tuy rời rạc nhưng cũng đủ cho ta thấy vẻ thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên miền Tây. 

Với hai khổ thơ đầu tiên, Quang Dũng đã miêu tả lại thiên nhiên và con người miền Tây từ trong kí ức của mình. Từ đó, người đọc thấy được thái độ tự hào, yêu quý những người đồng đội trong đoàn binh Tây Tiến của tác giả. Ông ca ngợi những chiến binh luôn lạc quan, vững bước mặc cho phía trước có nhiều hiểm nguy khó khăn. Ta cũng thấy được cuộc sống sinh hoạt đầy vui tươi của con người cùng thiên nhiên thơ mộng, trữ tình miền Tây hiện về rất rõ nét trong nỗi nhớ của tác giả. 

 

2. Bài văn Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến ngắn nhất siêu hay số 2

Ai đã từng là người lính, ai đã từng đi qua một thời trận mạc trong lòng thường lưu giữ những kỉ niệm khó quên. Kỉ niệm ấy thao thức và sống dậy mỗi khi nhắc nhớ. Quang Dũng cũng vậy. Những năm tháng gắn bó với binh đoàn Tây Tiến anh hùng của người lính - nhà thơ này đã thôi thúc ông viết Tây Tiến - một bài thơ với những vần thơ đậm chất anh hùng ca bay lên từ hiện thực khốc liệt. Đoạn đầu bài thơ chính là đoạn ghi lại những kỉ niệm những kỉ niệm đầy ắp và nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng gắn bó cùng binh đoàn:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!...
..,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Hai câu thơ mở đầu đã tạo ngay ấn tượng về nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Thì ra đã có một khoảng lùi xa thời gian để thành ám ảnh, đê thành nỗi nhớ và tiếc nữa. Những tiếng "xa rồi Tây Tiến ơi" thốt lên từ trong lòng nhà thơ như một niềm nuối tiếc.Tiếng lòng đó cất lên sao mà tha thiết đến thế, đồng thời như có tiếng vọng đáp lại vào vách núi, ngân nga không dứt trong không gian bởi Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi.". Những hình ảnh thiên nhiên như đột ngột hiện lên trong không gian. Đó là con sông Mã kì vĩ và kiêu hãnh chảy từ thượng Lào về đất Việt, đó là rừng, là núi điệp trùng, những nơi đã in dấu chân của binh đoàn Tây Tiến một thời trận mạc, thế mà giờ đây đã xa rồi thì làm sao tránh khỏi nỗi nhớ dâng lên trong lòng người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa. Nỗi nhớ ấy có địa chỉ, địa danh như đã bắt rễ trong lòng người, nỗi nhớ ấy lại trong một trạng thái thật chơi vơi, mơ hồ như một thoáng buồn xa xôi... Có lẽ nhà thơ đã đạt được cái tài cái tình ấy trong câu thơ "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi!".

Từ hai câu thơ khơi nguồn ấy, mạch chảy dòng tâm sự hoài niệm của nhà thơ mở ra lan toả như một chuỗi kỉ niệm giờ đây thức dậy, lay động và xôn xao trong lòng. Và đây, hình ảnh đoàn quân mỏi giữa Sài Khao sương lấp - rất ấn tượng. Sự chân thực sinh động của hình ảnh thơ khiến ta như hình dung thấy tư thế, dáng vẻ của đoàn quân trong gian lao, cơ cực của những ngày phải đương đầu với trận mạc, đối đầu với thiếu thốn, khó khăn. Chân thực song cũng rất lãng mạn khi hình ảnh đoàn quân mỏi lại được miêu tả trong một khung cảnh đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Những tiếng sương lấp, đêm hơi... khiến cho toàn bộ cảnh thực chợt nhoà đi, gây được ấn tượng nhiều chiều trong tâm trí người đọc. Cũng với hình ảnh đoàn quân cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu lại mở ra một trường liên tưởng khác:

Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Thiên nhiên như cùng hát lên, cùng âm điệu với khúc quân hành của người lính ra trận.

Còn với Quang Dũng, bối cảnh thiên nhiên hiện ra trong kí ức và tâm trạng là những hình ảnh sóng đôi của sự trái ngược:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Bước hành quân gian lao của người lính vệ quốc mở ra trong không gian nhiều chiều. Ta như nghe thấy bước chân và hơi thở trên đường trường chinh gian lao của người lính qua câu thơ đầy những vần trắc: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thắm". Ta cũng thấy hiển hiện một lộ trình đầy gian lao, đầy bất ngờ, khi Quang Dũng viết: Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Đặc biệt hơn nữa, hình ảnh "Heo hút cồn mây, súng ngửi trời" thì câu thơ không phải chỉ diễn tả bước gian lao trên đường hành quân đánh giặc mà ta còn thấy cả chất của lính, tính của lính qua sự liên tường bất ngờ mà thú vị: súng ngửi trời.

Biết bao nhiêu gian lao thử thách, vừa như muốn quật ngã người lính cách mạng, lại vừa như kích thích họ đi tới, dẫn tới của sự chinh phục. Cảnh rừng núi hiểm trở với dốc lên khúc khuỷu, với hun hút cồn mây, với độ cao thấp đến choáng ngợp của "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống", thế mà hình ảnh của sự sống vẫn chợt hiện ra như tạo nên thế cân bằng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi'. Bên cái hiểm trờ dữ dội của thiên nhiên là sự sống thanh bình của con người khiến cho giọng điệu và tâm tình trong thơ Quang Dũng chợt như mềm lại, tạo nên sự linh hoạt đã thành rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Với những kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến rất khó mờ phai trong tâm trí, lại thêm bút pháp hoài niệm rất đỗi tài hoa, qua hàng loạt những hình ảnh trái ngược mà hài hoà bổ sung cho nhau, Quang Dũng đã làm sống dậy hình ảnh người lính Tây Tiến, rừng núi Tây Tiến trong nỗi nhớ thật chơi vơi về Tây Tiến.

Những chuỗi kỉ niệm về thiên nhiên và con người đó như những thước phim vừa chân thực sinh động vừa rất huyền ảo, tình cảm và tài hoa đã góp phân tạo nên thành công cả về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Có người nhận định rằng với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài bằng thơ về hình tượng ngựời lính đánh Pháp trong cuộc kháng chiến gian lao mà dũng cảm và cũng đầy chất thơ của nhân dân ta.

Đọc đoạn thơ, ta hiểu thêm về người lính Tây Tiến, hiểu thêm những điều ẩn phía sau của "đoàn binh không mọc tóc" và hiểu hơn về nguồn cội của sức mạnh mà người lính đem vào trận chiến. Yêu quý, khâm phục, tự hào là những dư vang tha thiết trong lòng người đọc khi biết về binh đoàn Tây Tiến qua những vần thơ của Quang Dũng.

--------------------------

Bên cạnh Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến hay phần Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Doanh trại bừng lên... hoa đong đưa" nhằm củng cố kiến thức của mình.

"Tây Tiến" là sáng tác nổi bật nhất của Quang Dũng trong vai trò là một nhà thơ. Cảm hứng của bài thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ đoàn binh Tây Tiến và thiên nhiên, khung cảnh Tây Bắc. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của tác phẩm, mời em đọc Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến trên Taimienphi.vn nhé!
Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ sau đây trong bài thơ Tây Tiến: "Doanh trại... đong đưa"
Cảm nhận về hai đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc và Tây Tiến
Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc
Cảm nhận và phân tích đoạn thơ thứ hai trong bài Tây Tiến hay nhất chọn lọc
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh... lên khúc độc hành"
Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến siêu hay của học sinh giỏi

ĐỌC NHIỀU