Đề bài: Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Giới thiệu về Hoàng Phủ Ngọc Tường và "Ai đã đặt tên cho dòng sông", giới thiệu cái tôi trữ tình của tác giả trong tác phẩm
a. Giải thích cái tôi trữ tình và khái quát cái tôi trữ tình của nhà văn
- Cái tôi trữ tình là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực Lý luận Văn học, chỉ tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận của tác giả, là tâm hồn của riêng tác giả trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi trữ tình, người đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tư tưởng và quan niệm...của tác giả trước cuộc đời.
- Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là cái tôi mê đắm, tài hoa, uyên bác và có tình yêu say đắm quê hương, xứ sở, đặc biệt với Huế và Hương giang.
b. Cái tôi mê đắm và tài hoa
- Miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Hương từ góc nhìn địa lý
+ Cẩn trọng và kì công đúc kết từng câu từng chữ tinh tế và ngập tràn ưu ái, miêu tả dòng chảy của Hương giang từ thượng nguồn đến khi về đồng bằng
+ Dẫn chứng: "bản trường ca của rừng già", "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức", "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế"...
=> Tất cả những câu văn miêu tả sông Hương đều đẹp đến lạ lùng.
- Góc nhìn lịch sử về dòng sông.
+ Trong cái nhìn của nhà văn, sông Hương là "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc".
+ Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng chảy địa lý của thiên nhiên, nó từ lâu đã trở thành một sinh thể có tâm trạng, biết yêu nước trong những tháng ngày gian khổ hào hùng của dân tộc.
- Cái tôi tài hoa, mê đắm của ông cảm nhận được không chỉ một vẻ thuần nhất của dòng sông mà còn rất nhiều vẻ đẹp phong phú khác. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận riêng cho người đọc.
- Tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật.
+ Đoạn văn miêu tả sông Hương ở thượng lưu : "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".
+ Lối hành văn uyển chuyển với ngôn từ đa dạng và hình ảnh phong phú.
+ Đặc biệt, sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa, so sánh, gợi hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc "rầm rộ" và "mãnh liệt", lúc "dịu dàng" và "say đắm"; khi lại "vui tươi hẳn lên".
=> Trí tưởng tượng phong phú cùng những liên tưởng táo bạo đã giúp tác giả nêu bật những cảm nhận đa dạng về sông Hương. Cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" trở nên đầy say mê và hào hứng.
c. Cái tôi uyên bác và giàu vốn hiểu biết
- Miêu tả sông Hương, nhà văn dường như thông thuộc từng bước đi, ngã rẽ, dòng chảy. Không chỉ biết chỗ nào cuộn xoáy, chỗ nào yên ả...
- Ông thậm chí phát hiện được những điều mà ngay cả người Huế cũng không nghĩ đến: sông Hương giống như "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".
- Cái tôi uyên bác của nhà văn đã khám phá và phát hiện những đặc điểm văn hóa thú vị của sông Hương.
+ Vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn... Hay còn là dòng sông thi ca, cội nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ.
+ Giai thoại tuyệt đẹp về nguồn gốc tên gọi của sông Hương: "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi".
=> Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ đó đã mang đến cho người đọc nhiều tri thức về sông Hương nói riêng và Huế nói chung.
d. Cái tôi yêu tha thiết quê hương, xứ sở, Huế và sông Hương
- Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông, của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế.
- Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt
- Tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn để rồi tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác.
- Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang thực ra chính là tình yêu tha thiết, mãnh liệt dành cho đất nước.
- Đánh giá lại cái tôi trữ tình và phong cách tác giả, giá trị tác phẩm
1.1. Dàn ý Phân tích cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
1.1.2. Thân bài:
a) Cái tôi mê đắm, tài hoa:
- Nhìn sông Hương như là một nhân vật:
+ Ở góc độ khoa học, đây là dòng sông chỉ thuộc về một thành phố duy nhất đó là thành phố Huế.
+ Ở góc nhìn thi ca, với đôi mắt tài hoa lãng mạn của một tâm hồn nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn sông Hương như một người con gái đẹp.
- Miêu tả vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn địa lí:
+ Sông Hương - "Cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại".
+ Sông Hương - "Người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".
+ Dòng sông mang một vẻ đẹp vừa hoang dại, bản năng, vừa dịu dàng, trí tuệ.
- Khi về đến đồng bằng sông Hương như một người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại.
- Sông Hương chuyển dòng một cách liên tục vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm.
=> Với cái nhìn mê đắm, tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương đẹp đến lạ lùng.
- Miêu tả vẻ đẹp của dòng sông từ góc nhìn lịch sử:
+ Sông Hương trong lịch sử là dòng sông hùng tráng với những chiến công hiển hách nhưng cũng là dòng sông đau thương với nhiều mất mát, hi sinh.
+ Dòng sông mang số phận chung của con người Việt Nam qua các thời kì lịch sử.
- Cái tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc sử dụng vô số những liên tưởng, so sánh thú vị:
+ Miêu tả sông Hương ở thượng nguồn "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".
=> Bằng so sánh thú vị, tác giả đã gợi ra hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc thì "rầm rộ", lúc thì "dịu dàng", "say đắm".
+ Trong khoảnh khắc trùng lại của sông nước, sông Hương hiện lên như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.
=> Phép so sánh liên tưởng đã nâng sông Hương thành đích thực một tâm hồn.
b) Một cái tôi uyên bác về nhiều lĩnh vực:
- Am hiểu về âm nhạc Huế và sành sỏi về âm nhạc.
- Khẳng định sông Hương chính là môi trường sản sinh, là cội nguồn văn hóa của toàn bộ nền âm nhạc cổ điển.
c) Cái tôi tha thiết với quê hương, xứ sở:
- Phải yêu, phải mến con sông của quê hương xứ sở thì tác giả mới có thể miêu tả vẻ đẹp của dòng sông quê hương chân thực đến như vậy.
1.1.3. Kết bài:
- Đánh giá lại về cái tôi trữ tình của tác giả.
1.2. Bài văn Phân tích cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa của ông phải kể đến bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Tác phẩm đã làm nổi bật cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Với cái tôi mê đắm, tài hoa, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn sông Hương như là một nhân vật. Ở góc độ khoa học, sông Hương là một dòng chảy địa lí vô cùng đặc biệt. Đây là dòng sông chỉ thuộc về một thành phố duy nhất đó là thành phố Huế. Còn ở góc nhìn thi ca, với đôi mắt tài hoa lãng mạn của một tâm hồn nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn sông Hương như một người con gái đẹp. Nhà văn còn nhìn sông Hương từ góc nhìn địa lí để thấy được nó như "Cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại". Không chỉ vậy, sông Hương còn là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Từ ngàn đời nay sông Hương đã lặng thầm bồi đắp phù sa để góp phần hình thành một vùng văn hóa thẩm mĩ dọc hai bên bờ, sông Hương là cội nguồn của không gian văn hóa Huế. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm gương mặt kinh thành của dòng sông thì ta chỉ biết dòng sông ấy với vẻ đẹp "dịu dàng pha lẫn trầm tư" mà vĩnh viễn không bao giờ biết được ở nơi thượng nguồn, nó đã mang một vẻ đẹp vừa hoang dại, bản năng, vừa dịu dàng, trí tuệ đến như vậy. Khi về đến đồng bằng, "sông Hương như một người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại". Người con gái đẹp sông Hương được đánh thức bằng tình yêu. Sau đó, dòng sông bắt đầu dấn thân vào một hành trình "tìm kiếm có ý thức" để đi tới nơi gặp gỡ với người tình mong đợi. Trong hành trình ấy, "Sông Hương chuyển dòng một cách liên tục vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm". Với cái nhìn mê đắm, tài hoa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương ở nhiều góc độ và đẹp đến lạ lùng.
Cái tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường còn được thể hiện ở việc, nhà văn sử dụng vô số những liên tưởng, so sánh thú vị. Khi miêu tả sông Hương ở thượng nguồn "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Bằng so sánh thú vị, tác giả đã gợi ra hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc thì "rầm rộ", lúc thì "dịu dàng", "say đắm". Trong khoảnh khắc trùng lại của sông nước, sông Hương hiện lên như một tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Với cái nhìn rất mực tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương giống như nàng Kiều dâng cho chàng Kim một bản đàn tuyệt diệu trong đêm tình tự. Phép so sánh liên tưởng đã nâng dòng sông thành đích thực một tâm hồn. Tác giả bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" đã từng tâm sự "Sông Hương và thành phố Huế của nó gợi cho tôi nhớ đến hình tượng một cặp tình nhân trong truyện Kiều. Tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, nó gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở".
Đọc bài bút kí, người đọc còn thấy được Hoàng Phủ Ngọc Tường là người có cái tôi uyên bác, hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Ông am hiểu về âm nhạc Huế và sành sỏi về âm nhạc. Khi nghe tiếng mái chèo khua nước trong đêm mà nhà văn cảm nhận được cả âm thanh, dây cung và sự buông lơi của giọt đàn xưa cũ: "Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới xa nửa vời". Qua đây, tác giả khẳng định sông Hương chính là môi trường sản sinh, là cội nguồn văn hóa của toàn bộ nền âm nhạc cổ điển. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được tinh hoa của nhạc Huế khi nó đã được biểu diễn trên sông Hương và vào lúc đêm khuya. Tác giả còn miêu tả vẻ đẹp của dòng sông từ góc nhìn lịch sử. Sông Hương trong lịch sử là dòng sông hùng tráng với những chiến công hiển hách nhưng cũng là dòng sông đau thương với nhiều mất mát, hi sinh. Dòng sông mang số phận chung của con người Việt Nam qua các thời kì lịch sử.
Đọc tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông", người đọc còn thấy được một cái tôi thiết tha, mê đắm với vẻ đẹp của xứ Huế. Nếu chỉ là những rung động nhất thời thì có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể mang đến cho người đọc một tác phẩm đặc sắc như vậy. Phải yêu, phải thật trân trọng và có vốn hiểu biết sâu rộng về con sông quê hương thì tác giả mới có thể miêu tả vẻ đẹp của dòng sông ở nhiều góc độ. Tình cảm ấy như chảy tràn trong trái tim tác giả, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho ông. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về sông Hương bằng tất cả những cảm xúc chân thành, yêu thương nhất.
Xuyên suốt bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", người đọc có thể cảm nhận được cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Với cái tôi tài hoa, mê đắm, uyên bác, tác giả đã mang đến cho người đọc cảm nhận hình ảnh dòng sông Hương đẹp đến nao lòng. Để rồi dù cho thời gian có trôi qua thì vẻ đẹp của con sông quê Hương vẫn còn mãi trong lòng người muôn đời.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có cái tôi độc đáo. Chính điều đó đã làm nên nét riêng trong sáng tác của ông. Để hiểu hơn về bài bút kí, các em có thể tham khảo các bài khác trên Taimienphi.vn như: Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông; Chất thơ trong Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường...
Văn chương là hành trình đi từ trái tim đến những trái tim qua ngòi bút của người sáng tác. Khi những trang văn khép lại, cái còn đọng lại trong lòng người đọc chính là cái tôi trữ tình của tác giả. Nhắc đến cái tôi trữ tình trong văn học Việt Nam không thể không nhắc Hoàng Phủ Ngọc Tường với bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Cái tôi trữ tình của ông trong bài ký là cái tôi mê đắm lãng mạn, tài hoa, uyên bác và yêu say đắm quê hương, xứ Huế, ghi lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Cái tôi trữ tình là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực Lý luận Văn học, chỉ tâm trạng, cảm xúc, cảm nhận của tác giả. Hay thực chất là thế giới nội tâm, là tâm hồn của riêng tác giả trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi trữ tình, người đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tư tưởng và quan niệm...của tác giả trước cuộc đời. Cái tôi trữ tình từ đó chính là yếu tố quan trọng góp phần hình thành phong cách nghệ thuật của riêng tác giả.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt ở thể kí. Ai đã đặt tên cho dòng sông là tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường nói chung, cho cái tôi trữ tình của ông nói riêng. Qua bài ký, tác giả khéo léo thể hiện cái tôi mê đắm, tài hoa, uyên bác và có tình yêu say đắm quê hương, xứ sở, đặc biệt với Huế và dòng Hương giang.
Đến với "Ai đã đặt tên cho dòng sông", trước tiên gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả là cái tôi Hoàng Phủ tài hoa và mê đắm, tinh tế và vô cùng lãng mạn. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành hết tâm sức, tình cảm và nhiệt huyết văn chương để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Hương từ góc nhìn địa lý. Ngay từ những câu văn đầu miêu tả thủy trình của dòng sông, nhà văn đã cẩn trọng và kì công đúc kết từng câu từng chữ tinh tế và ngập tràn ưu ái. Ở thượng nguồn, sông Hương hiện lên là "bản trường ca của rừng già", là "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Khi rời núi rừng để về với đồng bằng, nó lại hiện lên giống như "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức". Lúc chảy giữa lòng thành phố thân thương, sông Hương lại là "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế", là "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya", để rồi trước khi chia tay "người tình mà nó mong đợi" ở "thị trấn Bao Vinh xưa cổ" sông Hương giống như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để nói một lời thề trước khi đi xa... Tất cả những câu văn miêu tả sông Hương đều đẹp đến lạ lùng. Nó không chỉ miêu tả được vẻ đẹp độc đáo của dòng sông mà còn thể hiện được lối tư duy sắc bén được nuôi dưỡng trong dòng cảm xúc đam mê và cảm hứng nghệ thuật.
Cái tôi mê đắm tài hoa của tác giả còn được thể hiện rõ nét qua góc nhìn lịch sử về dòng sông. Trong cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương là "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc". Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nó "biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công". Khi trở về đời thường, nó lại lặng lẽ, khiêm nhường làm "người con gái dịu dàng của đất nước". Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng chảy địa lý của thiên nhiên, nó từ lâu đã trở thành một sinh thể có tâm trạng, biết yêu nước trong những tháng ngày gian khổ hào hùng của dân tộc.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tinh tế phát hiện ra những vẻ đẹp vô cùng độc đáo của dòng sông Hương. Cái tôi tài hoa, mê đắm của ông cảm nhận được không chỉ một vẻ thuần nhất của dòng sông mà còn rất nhiều vẻ đẹp phong phú khác. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận riêng cho người đọc. Chỉ riêng việc miêu tả sông Hương đẹp như vẻ đẹp người con gái, tác giả đã sử dụng nhiều cách diễn đạt khác biệt. Khi thì là "cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại" khi là "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya"; ở khúc khác lại "giống như nàng Kiều trong đêm tình tự"; "người con gái dịu dàng của đất nước"...
Tài hoa tinh tế trong cách cảm nhận vẻ đẹp sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn vô cùng tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật. Trong bài ký, có bao nhiêu góc nhìn về sông Hương thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được sử dụng. Tiêu biểu như đoạn văn miêu tả sông Hương ở thượng lưu : "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Hay "qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi dần về Huế...".
Chúng ta có thể thấy được lối hành văn uyển chuyển với ngôn từ đa dạng và hình ảnh phong phú. Từng từ từng chữ đều mang đậm hơi thở tài hoa của người nghệ sĩ. Đặc biệt, tác giả còn sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa, so sánh, gợi hình ảnh dòng sông sinh động như con người, lúc "rầm rộ" và "mãnh liệt", lúc "dịu dàng" và "say đắm"; khi lại "vui tươi hẳn lên". Hình ảnh so sánh "đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu" hay "chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non" vô cùng ấn tượng và gợi cảm. Trí tưởng tượng phong phú cùng những liên tưởng táo bạo đã giúp tác giả nêu bật những cảm nhận đa dạng về sông Hương. Cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" trở nên đầy say mê và hào hứng.
Bên cạnh cái tôi mê đắm tài hoa, người đọc còn cảm nhận được cái tôi uyên bác và giàu tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa Huế. Miêu tả sông Hương, nhà văn dường như thông thuộc từng bước đi, ngã rẽ, dòng chảy. Không chỉ biết chỗ nào cuộn xoáy, chỗ nào yên ả... Hoàng Phủ Ngọc Tường còn tường tận cả lịch sử của dòng sông. Ngoài tri thức địa lý, lịch sử đã ghi lại, ông thậm chí phát hiện được những điều mà ngay cả người Huế cũng không nghĩ đến. Đó là vai trò quan trọng của Hương giang - "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Người ta có lẽ chỉ nhìn sông Hương qua vẻ bên ngoài của nó mà không biết được nó là khởi nguồn của cả một không gian địa lý và văn hóa Huế. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại hiểu rõ.
Cái tôi uyên bác của nhà văn đã khám phá và phát hiện những đặc điểm văn hóa thú vị của sông Hương. Đó là cái vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn; là nền âm nhạc cổ điển đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Hay còn là dòng sông thi ca, cội nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Đặc biệt là giai thoại tuyệt đẹp về nguồn gốc tên gọi của sông Hương: "Tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước của trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi". Nếu không có Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều người chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến giai thoại này. Vì vậy, nó trở thành thông tin vô cùng hấp dẫn trong tác phẩm, nhấn mạnh cái tôi uyên bác của nhà văn. Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ đó đã mang đến cho người đọc nhiều tri thức về sông Hương nói riêng và Huế nói chung.
Ai đã đặt tên cho dòng sông ngoài ra còn thể hiện cái tôi trữ tình của nhà văn với tình yêu say đắm và sự gắn bó sâu sắc với quê hương, xứ sở, với Huế và Hương giang. Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông, của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ không thể viết lên được những trang văn mê đắm và rất đỗi tài hoa như thế. Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có được những rung cảm mãnh liệt, sông Hương không đơn thuần là cảnh đẹp mà còn chiếm trọn tâm hồn ông. Chính con sông đã khiến trái tim ông chảy xuôi vô vàn cung bậc cảm xúc. Khi thì băn khoăn, trăn trở, khi lại nhớ đến nao lòng...
Tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn để rồi tạo nên cả cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác. Bởi vì yêu nên say sưa trong vẻ đẹp của dòng sông, cố gắng tìm hiểu và tinh thông tri thức, dành hết tài hoa để miêu tả thành hình trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Hương giang là một phần của Huế, cũng là một dòng chảy trong rất nhiều dòng chảy của non sông. Tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang thực ra chính là tình yêu tha thiết, mãnh liệt dành cho đất nước.
Xuyên suốt bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn dắt người đọc theo dòng cảm chảy ấn tượng. Cái tôi mê đắm, tài hoa, cái tôi uyên bác, tinh tế cùng cái tôi yêu sâu sắc quê hương xứ sở hòa quyện vào nhau kết hợp cùng nghệ thuật ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Từ đó không chỉ vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp về dòng sông Hương cùng xứ Huế mộng mơ mà còn thể hiện phong cách nghệ thuật của riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn cùng "Ai đã đặt tên cho dòng sông" bởi vậy đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học dân tộc. Để rồi thời gian trôi đi, tác giả và tác phẩm vẫn lặng lẽ chảy mãi trong tâm hồn độc giả, giống như dòng chảy Hương giang không bao giờ ngừng lại.
--------------------------
Trên đây là bài Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông, để mở rộng kiến thức về tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phân tích Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương ở vùng đồng bằng và nơi con sông chảy vào thành phố trong đoạn Ai đã đặt tên cho dòng sông, Cảm nghĩ khi đọc bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vẻ đẹp của sông Hương qua Ai đã đặt tên cho dòng sông.