1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát nội dung bài thơ "Đất Nước".
2. Thân bài:
a) Bức tranh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm:
- Thời gian: Sáng chớm lạnh.
- Không gian: Lòng Hà Nội.
- "Hương cốm xưa": Nét quen thuộc của mùa thu Hà Nội.
- "Tôi Nhớ": Nỗi nhớ thiết tha của tác giả khi nghĩ về mùa thu.
- "Ngày thu đã xa": Tất cả giờ chỉ còn là hoài niệm trong lòng tác giả.
- "Chớm lạnh": Mùa thu với gió hơi se se lạnh.
- "Phố dài xao xác hơi may": Những con phố như chìm vào với không khí thu.
- "Người ra đi": Những người con Hà Nội tạm xa Hà Nội để tham gia kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước.
- "Đầu không ngoảnh lại": Thể hiện ý chí quyết tâm, bước đi không một chút lưu luyến, bịn rịn.
b) Hình ảnh mùa thu nơi chiến khu:
- "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi": Không gian thu lúc này mở ra khoáng đạt hơn.
=> Đây là mùa thu nơi chiến trường.
- "Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha": Mùa thu mang sắc màu vui tươi hơn bởi con người lắng nghe được âm hưởng vui mừng của độc lập, tự do.
c) Lời khẳng định về lãnh thổ dân tộc:
- "Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta": Nhấn mạnh những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.
- Quan hệ từ "của": Như một lời khẳng định đinh ninh về lãnh thổ đất nước.
- Đất nước ta có: "Núi rừng, nẻo đường, cánh rừng".
- "Nước những người chưa bao giờ khuất": Ý chí chiến đấu của cả dân tộc.
d) Hình tượng đất nước đau thương:
- "Ôi những cánh đồng quê chảy máu": Tô đậm ấn tượng về những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra.
+ "Dây thép gai đâm nát trời chiều": Tội ác dã man của giặc Pháp mà trời không thể dung tha.
- Sống trong hoàn cảnh đó, người dân gặp phải tình cảnh đáng thương: "Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta".
e) Hình tượng đất nước quật khởi, anh hùng:
- "Xiềng xích chúng bay không khóa được", "Súng đạn chúng bay không bắn được": Khẳng định tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường.
+ "Người lên như nước vỡ bờ": Tất cả những gì được tích tụ từ căm hờn, đau thương dồn nén vào tiếng "lên", tạo thành tư thế "rũ bùn" đầy hào hùng, mạnh mẽ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Mùa thu trong hoài niệm của tác giả và hình ảnh Đất Nước đau thương nhưng anh hùng.
+ Giá trị nghệ thuật: Hình ảnh thơ sáng tạo, ngôn ngữ thơ lắng đọng, cô đúc, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ linh hoạt.
Nguyễn Đình Thi làm thơ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với phong cách thơ độc đáo và hiện đại. Tiêu biểu trong những sáng tác của ông phải kể đến "Đất Nước" - một áng thi ca đặc sắc viết về vẻ đẹp của quê hương. Tác phẩm đã làm nổi bật bức tranh mùa thu trong hoài niệm và hình ảnh Đất Nước đau thương nhưng anh hùng.
Mở đầu bài thơ đó là bức tranh mùa thu trong hoài niệm của tác giả:
"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
...
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu mang nét đặc trưng của Hà Nội với cái se se lạnh và hương cốm. Chắc hẳn, nhà thơ phải là người tinh tế, nhạy cảm mới có thể miêu tả được bức tranh thu nên thơ đến vậy. Cụm từ "trong lòng Hà Nội" gợi ra trước mắt người đọc nỗi nhớ của tác giả về mùa thu đẹp nhưng giờ đây đã xa vời. Ở khổ thơ, ông còn gợi ra hình ảnh "con phố dài" nét đặc trưng của Hà Nội. Những cơn gió xao xác kết hợp với hình ảnh con phố dài như tô đậm cảnh thu đẹp nhưng buồn. Đứng trước bức tranh thu đẹp, người lính ra đi "đầu không ngoảnh lại". Hình ảnh đó thể hiện ý chí, quyết tâm chiến đấu của những người lính cách mạng. Họ ra đi bỏ lại phía sau là mùa thu Hà Nội, là gia đình, là những người thân yêu nhất để chiến đấu và giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Đoạn thơ tiếp theo là bức tranh thu của hiện tại rực rỡ hơn:
"Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha"
Ý thơ "Mùa thu nay khác rồi" như một lời khẳng định chắc nịch và đầy tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Bức tranh thu hiện lên rực rỡ, tươi tắn hơn. Có lẽ, đó là bởi lòng người bây giờ cũng vui tươi hơn trước. Đoạn thơ đã thể hiện được sự phấn khởi trong lòng thi nhân. Ở đây, người đọc thấy được một mùa thu mới mẻ hơn - mùa thu của quê hương đất nước.
Những dòng thơ tiếp theo là lời khẳng định của tác giả về chủ quyền, lãnh thổ dân tộc:
"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
...
Những buổi ngày xưa vọng nói về"
Đoạn thơ như lời tỏ bày của tác giả với mọi người về vẻ đẹp quê hương. Trời xanh, núi rừng, những cánh đồng tất cả đều thuộc về "ta". Tất cả như đang phơi bày vẻ đẹp vốn có và như mời gọi thi nhân đến để thưởng thức. Hay nói đúng hơn, đây là niềm tự hào, hãnh diện của Nguyễn Đình Thi về vẻ đẹp của đất nước. Ở đây tác giả sử dụng đại từ nhân xưng là "chúng ta" như muốn khẳng định quyền chủ quyền dân tộc. Vậy qua đây, người đọc có thể thấy rằng Nguyễn Đình Thi không chỉ cất tiếng nói của riêng mình mà còn nói lên tiếng lòng chung của cả dân tộc với sự tự hào.
Những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã tái hiện lên hình ảnh một đất nước đau thương:
"Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da"
Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã mở ra trước mắt người đọc những đau thương mà cả dân tộc ta phải gánh chịu dưới ách đô hộ. Hình ảnh những cánh đồng quê đang "chảy máu", dây thép gai đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt gợi nỗi đau đớn vô cùng. Ở đây, tác giả trực tiếp phơi bày một hiện thực tàn nhẫn đến đau thương. Trong chiến tranh, nhân dân ta phải gánh chịu vô vàn xiềng xích. Những câu thơ đã nhấn mạnh tội ác ghê gớm của quân thù. Và nỗi đau càng lớn, niềm căm thù giặc của nhân dân ta càng sâu sắc.
Đau thương, mất mát nhiều là như vậy nhưng nhân dân ta không bao giờ lùi bước, bỏ cuộc. Những câu thơ tiếp theo đã thể hiện ý chí chiến đấu mạnh mẽ của cả dân tộc:
"Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà"
Những vần thơ cảm xúc của tác giả giúp ta hình dung cảnh những con người bước ra từ đau thương mất mát. Chữ "ngời" và "bật" thể hiện sức sống, sự hồi sinh của cả dân tộc. Xiềng xích của kẻ thù không thể nào ngăn cản được bước chân nát đá của những người dân yêu nước. Đọc đến đây khiến độc giả nhớ đến những vần thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu "Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu mũ bạn cùng mũ nan". Rõ ràng, súng đạn kẻ thù không thể nào chiến thắng được lòng yêu nước tha thiết của cả dân tộc ta.
Những câu thơ cuối là lời khẳng định về sức mạnh của cả dân tộc:
"Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
...
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"
Cả dân tộc ta dù khó khăn, vất vả nhưng luôn đoàn kết để đứng lên chống lại súng đạn kẻ thù. Ngay cả những người nông dân cũng có thể trở thành anh hùng. Tiếng nói của Nguyễn Đình Thi cũng như tiếng nói của cả dân tộc đang hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Đại dân tộc ra đứng dậy đấu tranh không chỉ bằng sức mạnh, ý chí mà còn bằng ánh sáng cách mạng của Đảng soi tỏ. Tác giả đã tạo nên hình tượng thơ đẹp đẽ, chân thực. Từ trong máu lửa, bùn lầy, chiến sĩ ta ào ạt xông lên như nước vỡ bờ. Hình ảnh những người lính nổi lên đấu tranh như một tượng đài kì vĩ của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng.
Bài thơ "Đất nước" đã góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Với những xúc cảm chân thành, nhịp điệu thơ biến đổi linh hoạt, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh một đất nước đau thương nhưng anh hùng. Qua đây, nhà thơ bày tỏ niềm tự hào về một dân tộc giàu lòng yêu nước. Từ đó, nhắc nhở mỗi người cần có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Cảm nhận bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi giúp ta thêm yêu, thêm tự hào về một dân tộc anh hùng. Mời em ghé xem các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn để hiểu sâu hơn toàn bộ bài thơ nhé: Đoạn văn bàn về giá trị nghệ thuật của bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.