Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi

Đề bài: Câu lạc bộ Văn học của trường bạn tổ chức cuộc thi viết với chủ đề Những góc nhìn cuộc sống. Hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm để gửi tham gia cuộc thi.

Dàn ý, bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề trong đời sống

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

 

A. Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi chung

I. Mở bài: Xác định và giới thiệu về vấn đề cần nghị luận.

II. Thân bài:
- Giải thích vấn đề.
- Lần lượt trình bày những tri thức, hiểu biết, quan điểm của bản thân về vấn đề.
- Đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để làm rõ luận điểm (có thể trích dẫn danh ngôn, lấy ví dụ thực tế để tăng sức thuyết phục).
- Trao đổi thêm về các ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề đã chọn.
- Đưa ra giải pháp, bài học nhận thức và hành động.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề cần bàn luận.

 

B. Bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi:

 

I. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi - mẫu số 1:

1. Dàn ý nghị luận về vấn đề Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?
1.1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?
1.2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Thành công:
+ Là sự đủ đầy về tài chính, công việc, học tập,...
+ Là đích đến mà con người ai cũng mong có được.
+ Được nhìn nhận tùy theo quan điểm của từng cá nhân.
- Việc học đại học:
+ Cho con người bằng cấp, kinh nghiệm, kiến thức.
+ Là bước đệm để con người chuẩn bị hành trang bước vào đời.
+ Là việc không bắt buộc.
=> Học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
b, Phân tích và bàn luận:
- Mỗi người đều có thể tự lựa chọn con đường của riêng mình:
+ Học hết cấp ba rồi đi làm, đi học nghề.
+ Học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ,...
+ Đi du học.
- Thành công hay không phụ thuộc vào góc nhìn, quan điểm của từng người khác nhau:
+ Mỗi người có một ưu tiên khác nhau: công việc, tiền bạc, gia đình,...
+ Sự thành công được chia ra làm nhiều giai đoạn, thứ bậc.
- Mối quan hệ giữa việc học đại học và sự thành công:
+ Học đại học là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công.
+ Tấm bằng đại học chỉ là một yếu tố nhỏ giúp con người mở rộng cơ hội trong cuộc sống.
+ Đã có rất nhiều người không học đại học nhưng vẫn thành công vẻ vang: Bill Gates, Sheldon Adelson, Lawrence Ellison,...
c, Phản đề:
- Có những người dù học đại học nhưng vẫn loay hoay trong cuộc sống:
+ Do không tập trung tích lũy kiến thức.
+ Do chưa có đủ trải nghiệm thực tế.
- Một số ngành có cơ cấu đào tạo xa rời thực tiễn, dẫn đến tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".
d, Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người cần không ngừng nỗ lực rèn luyện, phát triển bản thân sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
- Không nên lấy vấn đề bằng cấp để đánh giá, hạ thấp người khác.
- Cần học cách áp dụng lí thuyết vào thực tiễn để phục vụ cho việc phát triển bản thân, sự nghiệp.
- Cần rèn luyện sự dũng cảm, dám đương đầu và trải nghiệm những điều mới.
- Chính cuộc sống cũng là một "ngôi trường" để con người học hỏi thông qua các trải nghiệm.
1.3. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ mở rộng.

2. Bài văn mẫu nghị luận về vấn đề Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

Trong cuộc sống, có rất nhiều đích đến mà con người muốn chinh phục. Và để làm được điều này, ai cũng cần chuẩn bị cho mình hành trang thật đầy đủ, vững chắc. Trong đó, tri thức là một yếu tố bắt buộc. Vậy nên đã có ý kiến cho rằng: "Học đại học là con đường duy nhất để thành công". Nhưng liệu điều ấy có thật sự đúng?

Thành công được hiểu đơn giản là sự đủ đầy về tài chính, có những thành tựu đáng kể trong học tập, công việc, đời sống. Đây là đích đến mà ai ai cũng mong muốn đạt được. Còn việc học đại học là cách thức để con người có được bằng cấp, kinh nghiệm, kiến thức. Tuy không bắt buộc nhưng đó là bước đệm quan trọng để mỗi cá nhân tự tin bước vào đời. Trên thực tế, học đại học không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công.

Quả thật, mỗi cá nhân khi trưởng thành đều có những hướng đi cho riêng mình. Sau khi hoàn thành ba bậc giáo dục phổ thông, đa số sẽ đều chọn học lên đại học. Một số khác đi học nghề, đi làm, ra nước ngoài du học,... Có những người còn chọn học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ,... Với mỗi hướng đi, kết quả đạt được sẽ đều khác nhau. Vậy nên việc định nghĩa sự thành công của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng là sinh viên xuất sắc tại trường Luật Đại học Harvard. Tỉ phú Warren Buffett tốt nghiệp cử nhân Đại học Nebraska và tiếp tục học cao học tại đại học Columbia. Nếu chúng ta nhìn vào những tấm gương đó, có thể thấy việc học đại học mang đến rất nhiều cơ hội. Thành công đối với họ là sự giàu có, quyền lực, địa vị. Nhưng nếu nhìn vào những người khuyết tật, kém may mắn thì ta sẽ có góc nhìn, quan điểm khác. Được sống một cuộc sống đầy đủ, bình thường đã là thành công đối với những người như vậy rồi. Vậy nên có thể khẳng định, việc học đại học chỉ là một yếu tố nhỏ giúp con người mở rộng cơ hội phát triển trong tương lai. Rất nhiều người từ bỏ đại học nhưng vẫn có được sự nghiệp vẻ vang phải kể đến Bill Gates, Sheldon Adelson, Lawrence Ellison,... Họ chính là minh chứng phản biện lại ý kiến "Học đại học là con đường duy nhất để thành công".

Tuy nhiên, việc học đại học cũng chưa chắc đã là cách thức đem lại được thành công cho con người. Một số cá nhân trong quá trình học không tập trung tích lũy kiến thức, chưa có đủ trải nghiệm thực tế. Điều đó dẫn đến việc họ có tấm bằng đại học nhưng vẫn loay hoay trong cuộc sống. Mặt khác, có nhiều ngành chưa chú trọng đặt cơ cấu đào tạo sát với thực tiễn, khiến cho tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" ngày một nghiêm trọng. Chính bởi vậy, sự thành công chưa thể đến được với họ.

Để khắc phục tình trạng nói trên, mỗi người cần tự cố gắn rèn luyện, phát triển bản thân mình sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, của thời đại. Ngoài học lí thuyết, ta cũng nên biết cách áp dụng những lí thuyết đó vào thực tiễn. Đặc biệt, hãy tập cho mình lòng dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, dám trải nghiệm những điều mới để có thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không nên quá đặt nặng vấn đề bằng cấp lên con cái, càng không nên đem vấn đề ấy ra để so sánh, tạo áp lực. Đó không phải là tiêu chí để đánh giá sự thành công hay thất bại của một người.

Tựu chung lại, có thể khẳng định việc học đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Để chinh phục đỉnh vinh quang còn cần rất nhiều các yếu tố khác nữa. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần biết tự cố gắng, nỗ lực phát triển, hoàn thiện bản thân. Từ đó, vững bước đi trên con đường mình đã chọn.

-------------------

Mời em tham khảo các bài văn mẫu lớp 11 tương tự trên Taimienphi.vn như: Từ bài viết, hãy chuẩn bị nội dung bài nói tham gia buổi tọa đàm; Viết đoạn văn trình bày một mục tiêu trong tương lai.

Bài văn hay về nghị luận về một vấn đề trong đời sống

 

II. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi - mẫu số 2:

1. Dàn ý nghị luận về vấn đề Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?
1.1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?
1.2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Đam mê:
+ Điều mà bản thân yêu thích.
+ Là cảm giác mong muốn, khát khao có được, làm được một điều gì đó.
- Việc theo đuổi đam mê:
+ Là quá trình nỗ lực làm việc bản thân yêu thích.
+ Có thể phải đánh đổi bằng nhiều thứ khác trong cuộc sống.
+ Có thể bị cấm cản bởi gia đình, hoàn cảnh.
b, Phân tích và bàn luận:
- Đam mê là thứ đem lại cho con người niềm yêu thích, vui vẻ khi làm việc:
+ Tư tưởng, tâm trạng thoải mái hơn.
+ Không phải làm việc trong sự chống đối, ép buộc.
- Đam mê thúc đẩy sự phát triển của con người:
+ Khi học tập, làm việc với đam mê, con người có xu hướng làm nhiều hơn.
+ Niềm đam mê kích thích ham muốn tìm tòi, khám phá và học tập của con người.
+ Tư duy sáng tạo của con người được nâng cao, phát huy tối đa để mang lại hiệu quả.
- Khi làm việc hết mình với đam mê, con người có khả năng tiến đến thành công nhanh chóng hơn:
+ Đặt được ra mục tiêu, mục đích rõ ràng để cố gắng.
+ Có động lực rèn luyện, phát triển bản thân.
c, Phản đề:
- Đam mê bị vùi lấp bởi cơm - áo - gạo - tiền.
- Có người mãi không thể tìm ra điều mình thực sự đam mê.
- Có người chạy theo đam mê một cách mù quáng, thiếu thực tế.
d, Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người cần tự tìm ra đam mê cho bản thân.
- Việc theo đuổi đam mê cần có nhiều quyết tâm, nỗ lực.
- Đam mê phải phù hợp với thực tế bản thân, hoàn cảnh.
1.3. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ mở rộng.

2. Bài văn mẫu nghị luận về vấn đề Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

"Người ta hiếm khi thành công nếu không làm điều mình thấy vui thích" - Dale Carnegie. Quả thật, đam mê chính là thứ tạo động lực, thúc đẩy con người không ngừng vươn lên và tiến bộ. Thế nhưng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Một trong số đó chính là liệu con người có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê.

Trước tiên, có thể hiểu khái niệm "đam mê" là điều bản thân yêu thích. Đó còn là cảm giác mong muốn, khát khao có được hoặc làm được một thứ, một điều gì đó. Việc theo đuổi đam mê cần cả quá trình cố gắng, nỗ lực và có thể phải đánh đổi bằng nhiều yếu tố khác trong cuộc sống. Chính bởi vậy, điều này dễ vấp phải sự ngăn cản từ phía gia đình hoặc hoàn cảnh.

Chạy theo đam mê thực chất mang lại rất nhiều ảnh hưởng tích cực cho con người. Đó là thứ giúp mỗi cá nhân có được tư tưởng, tâm trạng vui vẻ, thoải mái hơn trong học tập, công việc. Điều này trái ngược hoàn toàn với khi ta làm một điều mình không thích trong trạng thái ép buộc, chống đối. Cũng nhờ vậy, sự phát triển của con người được thúc đẩy mạnh mẽ. Với niềm đam mê, ta sẽ có xu hướng làm nhiều hơn, tìm tòi và khám phá sâu hơn để có tri thức, kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Đặc biệt, điều này còn giúp kích thích tư duy sáng tạo của cá nhân, từ đó đem lại hiệu suất tối đa trong công việc. Nó cũng khiến cho việc thành công tiến đến nhanh chóng hơn. Đó là bởi ta sẽ đặt được mục tiêu, định hướng rõ ràng, cụ thể, có cho mình động lực để không ngừng cố gắng. Đa số mọi người sẽ gắn sự đam mê với tuổi trẻ - khoảng thời gian mà con người có nhiều nhiệt huyết nhất. Giống như câu nói "Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ. Nó khiến mọi thứ trở nên sống động và có ý nghĩa" - Ralph Waldo Emerson.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc theo đuổi đam mê còn gặp phải rất nhiều trở ngại. Lấy ví dụ những người yêu thích âm nhạc, hội họa hay một vài ngành liên quan đến nghệ thuật. Khi trước, những ngành đó thường bị coi là "khó kiếm tiền", "mơ mộng" hay thậm chí là "viển vông". Bởi vậy nên các bậc phụ huynh đa số đều không cho con cái đi theo. Họ sẽ hướng trẻ nhỏ đến những ngành "ổn định" hơn như bác sĩ, công an, giáo viên, kinh doanh,... Nhiều người khi trưởng thành rồi cũng nhận thấy được sự khó khăn vì hoàn cảnh, điều kiện tài chính, kinh tế cản bước đam mê. Vậy nên hầu hết mọi người đều chọn phương án "an toàn". Hay có những người mãi không tìm được đam mê, không biết mình thích gì, muốn làm gì. Thậm chí còn có trường hợp đuổi theo đam mê một cách mù quáng, thiếu thực tế, dẫn đến thất bại nặng nề.

Như vậy, chúng ta cần làm gì để khắc phục được những khó khăn, loại bỏ những định kiến bên trên? Điều quan trọng nhất là mỗi người phải tự tìm ra được đam mê cho chính mình, quyết tâm theo đuổi và nỗ lực biến ước mơ thành sự thật. Tuy nhiên, điều đó cũng phải cần nhiều sự suy xét. Hãy đặt đam mê của bản thân vào bối cảnh hiện thực xã hội nơi mình đang sống. Từ đó, điều chỉnh nó sao cho phù hợp nhất với điều kiện của bản thân. Đã có rất nhiều tấm gương thành công nhờ theo đuổi đam mê như anh Lê Minh Châu - người họa sĩ khuyết tật đã vượt lên căn bệnh chất độc màu da cam, dùng miệng để vẽ tranh. Sự nỗ lực và quyết tâm của anh còn được đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh chuyển thể thành bộ phim "Chau beyond the Lines". Hay như một gương mặt quen thuộc hơn với giới trẻ Việt Nam hiện tại - Châu Bùi. Khát vọng chinh phục làng thời trang đã giúp fashionista ấy góp mặt trong hàng loạt các sự kiện thời trang danh giá trong và ngoài nước. Đó đều là nhờ đam mê và sự dũng cảm, dám đối mặt, dám thử thách và nỗ lực không ngừng nghỉ của những con người bé nhỏ.

Nhìn chung, việc theo đuổi đam mê là quyền lựa chọn của cá nhân mỗi người. Nó có thể mang lại thành công, đem đến ánh hào quang nhưng cũng có thể kéo theo những thất bại đáng tiếc. Vậy nên chúng ta hãy cứ không ngừng rèn luyện, phát triển bản thân, tạo nên tiền đề vững chắc để đam mê được nở rộ.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Như vậy, khi làm các bài nghị luận xã hội, em hãy đưa thêm các câu danh ngôn cùng dẫn chứng thực tế để tăng thêm tính thuyết phục nhé. 

Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều vấn đề cần phải được trao đổi, bàn luận. Hãy cùng tìm hiểu thêm về cách làm một bài văn nghị luận xã hội qua Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội để gửi tham gia cuộc thi, Ngữ văn 11, Chân trời sáng tạo, học kì I trên Taimienphi.vn nhé!
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 CTST, KNTT
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng
Nghị luận về Thành lập một câu lạc bộ đọc sách trong nhà trường: nên hay không nên?
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

ĐỌC NHIỀU