Đề bài: Viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
Giới thiệu khái quát về vấn đề: Giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
a. Thực trạng của vấn đề an toàn giao thông ở nước ta hiện nay
- Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên khắp cả nước có 8.385 vụ tai nạn giao thông với 3.810 người chết và 6.358 người bị thương
- Biểu hiện của việc vi phạm an toàn giao thông: những người trẻ tuổi không đội mũ bảo hiểm, vừa tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định,...
b. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng
- Ý thức của những người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế
- Chất lượng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường của ta chưa đảm bảo an toàn và ngày càng xuống cấp, chất lượng phương tiện giao thông còn có những hạn chế .
- Chế tài xử lí còn nhẹ, nhiều khi còn cả nể, chưa xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
- Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là một trong số những đối tượng thường xuyên vi phạm an toàn giao thông, điều này xuất phát từ quản lí, giám sát lỏng lẻo của gia đình và nhà trường
c. Hậu quả
- Những vụ tai nạn giao thông có thể cướp đi tính mạng của nhiều người hoặc nếu như họ không mất đi tính mạng thì cũng để lại những di chứng, những hậu quả về sau.
- Để lại nỗi đau, sự ám ảnh cho người thân hoặc họ có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.
- Tai nạn giao thông còn có thể là nguyên nhân dẫn tới mất trật tự: ùn tắc giao thông, là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, móc túi,...
-Tai nạn giao thông cũng gây ra những thiệt hại về của cải, tài sản
d. Giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
- Tuyên truyền, giáo dục ý thức cho mọi người để họ có những hiểu biết đúng đắn và sâu sắc.
- Cần có chế tài xử lí nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng đường giao thông cũng như các phương tiện giao thông đường bộ.
- Đối với các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường:
+ Cần có sự quản lí, giám sát chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường với các biện pháp khác nhau.
+ Nhà trường cần đưa các quy định về việc tham gia và đảm bảo an toàn giao thông vào nội quy và có các quy định xử lí nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.
+ Tạo ra các sân chơi, các câu lạc bộ, các buổi ngoại khóa về vấn đề an toàn giao thông
Khái quát lại những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông và suy nghĩ của bản thân về vai trò của thế hệ trẻ đối với vấn đề này.
Hằng ngày, trên các tuyến đường và trên các phương tiện truyền thông chúng ta vẫn thường thấy câu khẩu hiệu "An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà" - câu khẩu hiệu có ý nghĩa to lớn, khuyên mọi người phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình và người khác khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông đang ngày càng nhiều và trở thành một vấn đề đáng lo ngại trên đất nước ta. Vậy chúng ta cần phải làm gì để góp phần giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông?
Như chúng ta đã biết, vấn đề giao thông là một trong số những vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm của hầu hết mọi người trong nhiều năm nay bởi số vụ tai nạn giao thông đang ngày càng tăng với con số khủng khiếp. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên khắp cả nước có 8.385 vụ tai nạn giao thông với 3.810 người chết và 6.358 người bị thương. Có thể nói, đó là con số đáng lo ngại và trong những tháng cuối năm, con số ấy chắc hẳn sẽ còn tăng lên. Cùng với con số khổng lồ về tai nạn giao thông, biểu hiện của việc vi phạm an toàn giao thông cũng ngày càng phổ biến và tăng lên. Chắc hẳn, mỗi người chúng ta sẽ không còn lạ lẫm gì với hình ảnh những người tham gia giao thông, đặc biệt là những người trẻ tuổi không đội mũ bảo hiểm, vừa tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định,... Chính những biểu hiện đó đã làm cho bài toán về an toàn giao thông ở nước ta ngày càng trở nên nan giải.
Trước thực trạng đó câu hỏi được đặt ra là nguyên nhân xuất phát từ đâu? Trước hết, thực trạng ấy bắt nguồn từ chính ý thức của những người tham gia giao thông còn có nhiều hạn chế. Lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định, sử dụng chất kích thích, rượu, bia,... khi tham gia giao thông mà không chú ý đến an toàn tính mạng cho mình và cho người khác. Thêm vào đó, chất lượng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường của ta chưa đảm bảo an toàn và ngày càng xuống cấp, chất lượng phương tiện giao thông còn có những hạn chế cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông. Ngoài ra còn do chế tài xử lí còn nhẹ, nhiều khi còn cả nể, chưa xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, điều đáng chú ý hơn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là một trong số những đối tượng thường xuyên vi phạm an toàn giao thông. Điều này xuất phát từ quản lí, giám sát lỏng lẻo của gia đình và nhà trường.
Vấn đề tai nạn giao thông có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng dẫu xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nó vẫn luôn để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Trước hết, tai nạn giao thông gây ra thiệt hại về người. Những vụ tai nạn giao thông có thể cướp đi tính mạng của nhiều người hoặc may mắn hơn, nếu như họ không mất đi tính mạng thì cũng để lại những di chứng, những hậu quả nặng nề về sau. Để rồi, có thể điều đó sẽ trở thành nỗi đau, ám ảnh mãi không thôi cho người thân hoặc họ có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Thêm vào đó, tai nạn giao thông còn có thể là nguyên nhân dẫn tới mất trật tự: ùn tắc giao thông, là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, móc túi,... Cùng với đó, tai nạn giao thông cũng gây ra những thiệt hại về của cải, tài sản - phương tiện giao thông hư hại, chi phí cho việc thăm khám, chữa bệnh,...
Có thể thấy, tai nạn giao thông đang ngày càng phức tạp và để lại nhiều hậu quả nặng nề đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu để góp phần giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông. Trước hết, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho mọi người để họ có những hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về luật an toàn giao thông cũng như hậu quả nặng nề mà tai nạn giao thông để lại. Cùng với đó, cần có chế tài xử lí nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông. Ngoài ra, cần có các biện pháp để nâng cao chất lượng đường giao thông cũng như các phương tiện giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần có sự quản lí, giám sát chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường với các biện pháp khác nhau. Nhà trường cần đưa các quy định về việc tham gia và đảm bảo an toàn giao thông vào nội quy và có các quy định xử lí nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần tạo ra các sân chơi, các câu lạc bộ, các buổi ngoại khóa về vấn đề an toàn giao thông. Thông qua các hoạt động ấy sẽ giúp các em có những nhìn nhận đúng đắn và có ý thức hơn trong quá trình tham gia giao thông.
Tóm lại, an toàn giao thông là một trong số những vấn đề cần được quan tâm đúng mức và cần có những giải pháp phù hợp để hạn chế số vụ tai nạn. Bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức của bản thân để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho chính mình và cho những người xung quanh.
Trên đây là bài tham khảo Viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, bên cạnh đó các em học sinh có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 11 khác như: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay, Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" - một "căn bệnh" gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay, Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?, Theo anh (chị), làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp?