Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa
Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa
a. Giải thích ý nghĩa nội dung câu nói
- Giải thích các ý nghĩa biểu tượng của các khái niệm: "nghèo nàn", "vật chất", "tâm hồn"
- Giải thích ý nghĩa nội dung câu nói: nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi đắp, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn.
b. Bàn luận về vấn đề nghị luận
- Khi thiếu thốn của cải, con người hoàn toàn có thể khắc phục bằng ý chí, nghị lực quyết tâm và sự kiên trì.
- Đời sống tâm hồn, tình cảm luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị tồn tại và ý nghĩa cuộc sống của con người.
- Sự chai sạn về tâm hồn khiến con người đánh mất cảm xúc về vạn vật, hình thành lối sống ích kỉ, vô tâm.
- Giữa đời sống vật chất và đời sống tâm hồn luôn có mối quan hệ gắn bó và tương quan.
- Lên án, phê phán những con người tham lam, chạy theo, coi trọng những giá trị vật chất và xem nhẹ đời sống tâm hồn, tình cảm.
c. Bài học nhận thức và hành động
- Con người cần trau dồi vun đắp đời sống tâm hồn.
- Biết quan tâm, sẻ chia, đồng cảm trước những nỗi đau của người khác, làm giàu đời sống tâm hồn bằng việc vun đắp các giá trị chân - thiện - mỹ đích thực.
- Cân bằng và kết hợp giữa hai nền tảng này, không quá coi trọng vật chất, cũng không đặt nặng vấn đề tinh thần.
Khái quát vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
"Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng, cả tâm hồn cũng cần phải được ăn uống". Câu nói nổi tiếng của nhà văn người Nga đã thể hiện sự trân trọng, đề cao giá trị tâm hồn đối với cuộc sống của con người. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa". Câu nói trên đã nhấn mạnh vai trò của tâm hồn và để lại bài học sâu sắc về việc bồi đắp, nuôi dưỡng đời sống nội tâm, tinh thần, tình cảm của con người.
Như chúng ta đã biết, "vật chất" là phạm trù bao gồm tất cả các yếu tố phục vụ đời sống hiện thực của con người nhằm đáp ứng các nhu cầu về ăn uống, mua bán,.... Như vậy, "nghèo nàn về vật chất" là cách nói hình ảnh thể hiện sự thiếu thốn của con người về đời sống vật chất như tiền bạc, của cải,...; còn "nghèo nàn về tâm hồn" chỉ sự khô khan trong đời sống tinh thần, tình cảm của con người, thể hiện qua việc thờ ơ, vô cảm, sống vô tâm trước những nỗi đau của người khác. Câu nói đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi đắp, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, cảm xúc và tình cảm.
Trong câu nói trên, nhà văn Misen Êken Môngtenlơ đã ngầm so sánh ý nghĩa giữa giá trị vật chất và đời sống tâm hồn đối với mỗi một con người. Khi thiếu thốn của cải, con người hoàn toàn có thể khắc phục, vượt qua và làm đầy vốn tài sản của bản thân bằng ý chí, nghị lực quyết tâm và sự kiên trì trên con đường lao động. Điều này đã được thể hiện qua câu nói nổi tiếng: "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Thực tế cuộc sống đã chứng minh, có rất nhiều vị danh nhân trẻ vượt qua mọi khó khăn đạt được sự thành công trên con đường lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Họ là những tấm gương điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo, tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh và trở thành những "triệu phú nông dân" làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Như vậy, con người hoàn toàn có thể khắc phục sự thiếu thốn về của cải vật chất dựa vào ý chí, nỗ lực cùng sự cố gắng không ngừng.
Câu nói của nhà văn Misen Êken Môngtenlơ còn là sự khẳng định, đề cao các giá trị tâm hồn đối với cuộc sống của con người. Như chúng ta đã biết, cuộc sống là bức tranh muôn màu sắc chứa đựng hạnh phúc lẫn khổ đau, thành công xen thất bại. Để tìm kiếm được niềm vui, niềm hạnh phúc giữa dòng đời xô bồ, tấp nập, con người cần có một đời sống tinh thần phong phú, đa dạng, bởi "Tình thương là hạnh phúc của con người", hay "tình thương là ngọn lửa hồng trong mùa đông giá lạnh". Đời sống tâm hồn, tình cảm luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị tồn tại và ý nghĩa cuộc sống của con người. Thực tế đã chứng minh, cuộc sống của con người luôn tràn ngập những câu chuyện cảm động về tinh thần nhân ái. Với tâm hồn biết đồng cảm, sẻ chia, biết bao con người đã tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, sẵn sàng dang tay đón nhận, chăm sóc những em bé bị bỏ rơi, hay những tấm lòng thơm thảo không ngừng ủng hộ, quyên góp quỹ vì người nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong cuộc sống vẫn còn tồn tại những người sống thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Trước sức hút của tiền tài, danh vọng và vòng xoáy của thời gian, họ dần đánh mất đi cảm xúc, trở nên lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Đây là một thực trạng đáng báo động, bởi "nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa". Sự chai sạn về tâm hồn khiến con người đánh mất cảm xúc về vạn vật, hình thành lối sống ích kỉ, vô tâm. Đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra những vụ thảm án chấn động. Thời gian vừa qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc người anh trai đã nhẫn tâm sát hại cả gia đình em trai ruột chỉ vì mâu thuẫn về đất đai. Vụ án đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị đích thực của tình thân, tình máu mủ so với những giá trị vật chất. Khi mất đi tình cảm, con người sẽ có những hành động man rợ, đáng sợ, sẵn sàng "xuống tay" với chính những người thân yêu.
Như vậy, con người cần trau dồi vun đắp đời sống tâm hồn, bởi đó là của cải tinh thần vô giá của mỗi một con người. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này khi biết quan tâm, sẻ chia, đồng cảm trước những nỗi đau của người khác, làm giàu đời sống tâm hồn bằng việc vun đắp các giá trị chân - thiện - mỹ đích thực. Đồng thời, lên án, phê phán những con người quá coi trọng đời sống vật chất, bị cuốn theo vòng xoáy của danh lợi, bất chấp mọi thủ đoạn để vun vén lợi ích của bản thân. Đó là những quan chức lạm dùng chức quyền để tham nhũng, là những con người sẵn sàng tước đoạt lợi ích của người khác để thỏa mãn lòng tham vô đáy của chính mình,.... Đặc biệt, giữa đời sống vật chất và đời sống tâm hồn luôn có mối quan hệ gắn bó và tương quan. Bởi vậy, chúng ta cần cân bằng và kết hợp giữa hai nền tảng này, không quá coi trọng vật chất, cũng không đặt nặng vấn đề tinh thần.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa giáo dục sâu sắc mà câu nói của Misen Êken Môngtenlơ chứa đựng. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần bồi đắp, nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú, đa dạng bằng tình yêu thương chân thành, biết quan tâm, sẻ chia đối với bạn bè xung quanh.
Sau khi tìm hiểu xong nội dung bài Suy nghĩ về câu nói: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 12 khác như: Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khoá mở cửa trái tim người khác, Suy nghĩ về ý kiến: Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu ..., Suy nghĩ về câu nói: Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được..., Suy nghĩ về câu nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình.