Suy nghĩ về câu nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài...

Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói : "Tôi và Môda". Bốn mươi tuổi tôi nói : "Môda và tôi". Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Môda".

I. Dàn ý: Suy nghĩ về câu nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Câu nói của nhạc sĩ Pháp S.Gunô thể hiện quan niệm về cách đánh giá bản thân và để lại bài học về sự khiêm tốn của con người.

2. Thân bài

a. Giải thích nội dung câu nói của nhạc sĩ Pháp S.Gunô

- Không chỉ là lời ngợi khen đối với tài năng của Môda.

- Thể hiện rất nhiều ý nghĩa sâu sắc về logic thay đổi, biến chuyển của nhận thức, tư duy. bằng việc đặt thời gian qua tuổi tác của con người: "hai mươi", "ba mươi", "bốn mươi", "bây giờ" trong sự sóng đôi, song hành với cách nói: "Tôi" , "Tôi và Môda", "Môda và tôi", "Môda", - Đồng thời để lại bài học mang ý nghĩa giáo dục về khiêm tốn - một đức tính tốt đẹp mà con người cần có.

b. Bàn luận nội dung câu nói của S.Gunô

- "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài": Tuổi trẻ là giai đoạn mà con người chưa có nhiều trải nghiệm, là độ tuổi của những nhận định bồng bột, dẫn đến việc quá đề cao cái tôi của bản thân.

- Đến "Ba mươi tuổi", chúng ta có thể nhìn thấy tài năng của người khác bên cạnh điểm mạnh của bản thân, không còn nhìn thấy cái "tôi" duy nhất nhưng vẫn cho rằng bản thân mình hơn người khác.

- Bước sang "Bốn mươi tuổi tôi nói : "Môda và tôi" - cách nói thể hiện rằng cái tôi cá nhân đã nhận ra những yếu kém của bản thân trước người khác và chịu lùi bước.

- Cuối cùng, "Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Môda" thể hiện sự chín chắn, trưởng thành, khiêm tốn trong cách suy nghĩ.

→ Quá trình biến chuyển và các giai đoạn thay đổi nhận thức.

c. Bài học nhận thức và hành động

- Để đánh giá đúng giá trị tồn tại của bản thân, con người cần đến yếu tố thời gian, cần đến sự trưởng thành.

- Con người cần có đức tính khiêm tốn để tránh những bồng bột, kiêu căng trong cảm quan nhìn đời và đánh giá bản thân cũng như người khác.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân.

II. Bài mẫu: Suy nghĩ về câu nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài

Cuộc sống của con người luôn vận động theo vòng quay không ngừng nghỉ của thời gian và mọi giá trị đều trải qua sự đổi thay, không có bất cứ điều gì là vĩnh hằng, bất biến. Và nhận thức, hiểu biết của chúng ta cũng nằm trong trục biến chuyển đó. Bàn về vấn đề này, nhạc sĩ người Pháp S.Gunô từng nói: "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói : "Tôi và Môda". Bốn mươi tuổi tôi nói : "Môda và tôi". Còn bây giờ tôi chỉ nói : Môda" để thể hiện quan điểm về quá trình thay đổi trong nhận thức của con người và đề cao đức tính khiêm tốn.

Câu nói của S.Gunô không chỉ là lời ngợi khen đối với tài năng của Môda - một nhạc sĩ vô cùng vĩ đại với những bản nhạc nổi tiếng mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa sâu sắc về quá trình nhận thức của con người. Qua sự độc đáo về cách diễn đạt, đặt thời gian qua tuổi tác của con người: "hai mươi", "ba mươi", "bốn mươi", "bây giờ" trong sự sóng đôi, song hành với cách nói: "Tôi" , "Tôi và Môda", "Môda và tôi", "Môda", tác giả đã làm nổi bật logic thay đổi, biến chuyển của nhận thức, tư duy. Đồng thời để lại bài học mang ý nghĩa giáo dục về khiêm tốn - một đức tính tốt đẹp mà con người cần có.

Nhạc sĩ S.Gunô đã sử dụng những con số cụ thể để biểu thị một khái niệm trừu tượng, hữu hình trong cuộc sống con người. Trước hết, "hai mươi" không chỉ đơn giản là một con số mà còn là hình ảnh biểu tượng cho tuổi trẻ, sức trẻ của con người. Và lúc này, tác giả tự tin khẳng định "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài". Tuổi trẻ là giai đoạn mà con người chưa có nhiều trải nghiệm, chưa vượt qua nhiều khó khăn và chưa chông chênh trước những thử thách của cuộc đời. Bởi nếu chưa có sự trải nghiệm, chưa vấp ngã thì chúng ta vẫn nhìn cuộc sống với lăng kính màu hồng tươi đẹp. Tuổi trẻ còn là độ tuổi của những nhận định bồng bột, những quyết định thiếu chín chắn. Dường như ở độ tuổi này, các bạn trẻ đánh giá cuộc sống bằng cách nhìn mang tính hời hợt, thậm chí là quá đề cao cái tôi của bản thân giống như cách nhìn nhận của "ếch ngồi đáy giếng".

Giai đoạn phát triển tiếp theo trong nhận thức mà nhạc sĩ S.Gunô đề cập là "Ba mươi tuổi". So với "hai mươi", đây là độ tuổi chín chắn hơn trong suy nghĩ bởi những va chạm, trải nghiệm theo thời gian đã được tích lũy. Lúc này, chúng ta có thể nhìn thấy tài năng của người khác bên cạnh điểm mạnh của bản thân, không còn nhìn thấy cái "tôi" duy nhất nhưng vẫn cho rằng bản thân mình hơn người khác. Nhưng rồi, đến "Bốn mươi tuổi tôi nói : "Môda và tôi" - cách nói thể hiện rằng cái tôi cá nhân đã nhận ra những yếu kém của bản thân trước người khác và chịu lùi bước.

Giai đoạn cuối cùng trong nhận thức là "Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Môda", thể hiện sự chín chắn, trưởng thành trong cách suy nghĩ. Khi đã trải qua nhiều chông gai, thử thách và sống những tháng ngày từng trải, con người sẽ nhận ra mình chỉ là một sinh vật vô cùng nhỏ bé trong thế giới vô tình bao la, rộng lớn. Đối lập với đôi mắt nhìn đời, nhìn người đầy tự mãn, kiêu ngạo khi còn "hai mươi", giờ đây con người đã chín chắn, trưởng thành hơn trong nhận thức và trở nên khiêm tốn.

Qua cách diễn đạt đầy hình ảnh của nhạc sĩ S.Gunô, chúng ta có thể thấy được một bài học sâu sắc: để đánh giá đúng giá trị tồn tại của bản thân, con người cần đến yếu tố thời gian, cần đến sự trưởng thành. Điều này cũng giống như việc khi chúng ta đọc một cuốn sách, ở mỗi độ tuổi khác nhau, ta sẽ hiểu nó với một ý nghĩa khác nhau và lần đọc sau luôn đem đến những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc hơn lần đọc trước đó. Ngoài ra, câu nói trên còn để lại bài học sâu sắc về việc con người cần có đức tính khiêm tốn để tránh những bồng bột, kiêu căng trong cảm quan nhìn đời và đánh giá bản thân cũng như người khác.

Như vậy, là học sinh - những con người đang ở độ tuổi "hai mươi", chúng ta cần nhận thức đúng đắn về quá trình chuyển biến, thay đổi theo thời gian của nhận thức. Đồng thời, phải khiêm tốn trong học tập cũng như lao động để không ngừng tích lũy và nâng cao ý thức học hỏi, rèn luyện.

Nhận thức, suy nghĩ của con người không tồn tại cố hữu mà có sự thay đổi theo từng giai đoạn: khi còn trẻ và khi đã trưởng thành, khác biệt này được quy định bởi sự dày dạn và những trải nghiệm trong thực tế cuộc sống. Cùng làm bài suy nghĩ về câu nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi, tôi đã nói: "Tôi và Mô-da". Bốn mươi tuổi, tôi nói: "Mô-da và tôi" để cùng tìm hiểu về những thay đổi này nhé!

ĐỌC NHIỀU