1. Nhan đề cho biết thông tin gì?
Trả lời:
Nhan đề cho biết vấn đề nghiên cứu.
2. Đoạn tóm tắt này có nhiệm vụ như thế nào?
Trả lời:
Đoạn tóm tắt này có nhiệm vụ tóm lược lại toàn bộ công trình nghiên cứu: đối tượng, phương pháp, kết quả, khuyến nghị.
3. Nội dung chính nêu trong đoạn giới thiệu ở đây là gì?
Trả lời:
Nội dung chính nêu trong đoạn giới thiệu ở đây là tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc trong việc nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
4. Đoạn này trích dẫn những gì và cách trích dẫn như thế nào?
Trả lời:
- Đoạn này trích dẫn các định nghĩa về văn hóa đọc của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau.
- Các khái niệm này được trích dẫn theo hai cách:
+ Trực tiếp: đoạn trích dẫn được trích nguyên văn và đưa vào trong dấu ngoặc kép.
+ Gián tiếp: Tác giả diễn giải lại kết quả, hoặc một ý nào đó của công trình nghiên cứu trước nhưng vẫn phải đảm bảo sự chính xác theo văn bản gốc.
5. Phương pháp nghiên cứu ở đây là gì?
Trả lời:
Phương pháp nghiên cứu ở đây là phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp điều tra, khảo sát.
6. Chú ý các tiêu đề nhỏ để biết kết quả chính của báo cáo.
Trả lời:
- Kết quả chính của báo cáo:
+ Nhu cầu đọc bao gồm: thói quen đọc, nguồn tài liệu, nhu cầu và hứng thú đọc.
+ Kĩ năng đọc.
7. Phương tiện hỗ trợ ở đây có phù hợp không?
Trả lời:
Phương tiện hỗ trợ ở đây rất phù hợp.
8. Tên các tài liệu tham khảo được xếp theo thứ tự nào?
Trả lời:
Tên các tài liệu tham khảo được sắp xếp theo thứ tự:
- Tài liệu được sắp xếp theo thứ tự alphabet của tên tác giả.
- Tài liệu không có tên tác giả thì xếp thứ tự alphabet từ đầu của tên cơ quan ban hành báo hay ấn phẩm.
- Thông tin về tài liệu được viết theo thứ tự: họ và tên tác giả hoặc cơ quan ban hành, năm xuất bản, tên bài báo, tên tạp chí, số trang.
9. Những tài liệu tham khảo này có liên quan đến nội dung báo cáo như thế nào?
Trả lời:
Những tài liệu tham khảo này liên quan đến nội dung báo cáo:
+ Những thông tin được tham khảo hoặc trích dẫn trong công trình nghiên cứu, thể hiện sự thừa nhận của người viết đối với các tác giả nghiên cứu.
+ Cơ sở cho những lập luận của người viết về vấn đề nghiên cứu.
+ So sánh và tìm ra điểm khác biệt của bản thân đối với các tài liệu đã được công bố.
1. Dàn ý
a) Mở đầu:
+ Giới thiệu chung về thơ Đường luật trung đại và ý nghĩa của việc tìm hiểu hình thức thơ Đường luật.
+ Nêu cách thức tiến hành nghiên cứu.
b) Nội dung:
+ Giới thiệu các bài thơ Đường luật đã học và cách phân loại chúng.
+ Phân tích bố cục chung của một bài Đường luật thất ngôn bát cú, các câu đề, thực, luận, kết và vai trò của chúng trong bài thơ. Từ đó, giới thiệu thêm về thơ tứ tuyệt. Ví dụ: Bài thơ "Bánh trôi nước" (Hồ Xuân Hương).
+ Giới thiệu vần, đối, niêm, luật trong thơ Đường luật (có thể lập bảng niêm, luật của thơ Đường luật); nêu tác dụng của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung.
+ Phân tích sự sáng tạo về hình thức của thơ Nôm Đường luật.
c) Kết luận:
+ Khái quát, tổng hợp lại vấn đề đã được trình bày.
2. Viết bài
BÀI LÀM THAM KHẢO
Đặc điểm hình thức thơ Đường luật
I. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Thể thơ Đường luật ra đời vào thời nhà Đường tại Trung Quốc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nền văn học khác trong khu vực Đông Á thời trung đại (bao gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam). Thể thơ này đạt đến sự phát triển rực rỡ ngay tại chính quê hương sản sinh ra nó. Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, đến nay thơ Đường luật đã trở thành đối tượng nghiên cứu của những nhà khoa học nghiên cứu về văn chương trên toàn thế giới. Việc tìm hiểu hình thức thơ Đường luật đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và phân tích những nét đặc sắc về mặt nội dung trong mỗi tác phẩm.
2. Cách thức tiến hành nghiên cứu
Để tìm hiểu đặc điểm hình thức thơ Đường luật, tôi sẽ vận dụng phương pháp phân tích và tổng hợp lí thuyết.
II. NỘI DUNG
1. Phân loại
Trong chương trình Ngữ văn, số lượng các sáng tác thơ Đường luật khá nhiều, bao gồm: "Sông núi nước Nam" (chưa rõ tác giả), "Phò giá về kinh" (Trần Quang Khải), "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" (Trần Nhân Tông), "Bánh trôi nước" (Hồ Xuân Hương), "Bạn đến chơi nhà" (Nguyễn Khuyến), "Rằm tháng giêng" (Hồ Chí Minh), "Nguyên tiêu" (Hồ Chí Minh), "Cảm xúc mùa thu" (Đỗ Phủ), "Qua Đèo Ngang", (Bà Huyện Thanh Quan),...
Các sáng tác chủ yếu thuộc ba thể loại: thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt. Cụ thể:
- Những bài thơ thuộc thể thất ngôn bát cú: "Bạn đến chơi nhà" (Nguyễn Khuyến), "Cảm xúc mùa thu" (Đỗ Phủ), "Qua Đèo Ngang" (Bà Huyện Thanh Quan), "Câu cá mùa thu" (Nguyễn Khuyến),...
- Những bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt: "Sông núi nước Nam" (chưa rõ tác giả), "Rằm tháng giêng" (Hồ Chí Minh), "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" (Trần Nhân Tông), "Bánh trôi nước" (Hồ Xuân Hương),...
- Những bài thơ thuộc thể ngũ ngôn tứ tuyệt: "Phò giá về kinh" (Trần Quang Khải), "Tĩnh dạ tứ" (Lí Bạch).
Các bài thơ nêu trên được phân loại theo thể thơ, dựa trên số câu và số tiếng: Thất ngôn bát cú (tám câu, mỗi câu 7 tiếng), thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu 7 tiếng), ngũ ngôn tứ tuyệt (bốn câu, mỗi câu 5 tiếng).
2. Bố cục của bài thơ
Việc tìm hiểu bố cục bài thơ sẽ giúp người đọc có thể tiếp cận với nội dung của tác phẩm. Bố cục của một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật truyền thống bao gồm bốn phần: đề (câu 1, 2), thực (câu 3, 4), luận (câu 5, 6), kết (7, 8). Trong bài thơ "Cảm xúc mùa thu" của Đỗ Phủ cũng tuân thủ nghiêm ngặt bố cục của một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu đề, tác giả tập trung miêu tả khung cảnh mùa thu ở trên cao, hai câu thực là khung cảnh mùa thu ở dưới thấp. Tiếp đến hai câu luận thể hiện tâm trạng cô đơn của con người trước cảnh vật. Cuối cùng hai câu kết bộc lộ nỗi nhớ thương quê nhà trước khung cảnh sinh hoạt của con người.
Đối với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, bố cục cũng được triển khai bốn phần: khai, thừa, chuyển hợp tương ứng lần lượt với câu 1, 2, 3, 4. Một trong những bài thơ được viết theo thể thơ này là "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương.
3. Cách gieo vần
Trong thơ Đường luật, thể thơ sẽ quy định cách gieo vần. Đối với thể thơ tứ tuyệt hay còn gọi là tuyệt cú, thông thường chỉ gieo một vần là vần bằng ở các câu 1, 2, 4. Ví dụ trong bài thơ "Sông núi nước nam" (chưa rõ tác giả) cũng được gieo vần "ư" ở cuối các câu 1, 2, 4 ("cư", "thư", "hư") hay vần "on" ("tròn", "non", "son" ở cuối các câu 1, 2, 4 trong bài "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương.
Đối với thể thất ngôn bát cú, bài thơ thông thường cũng chỉ gieo một vần bằng ở các câu 1, 2, 4, 6, 8 (chữ cuối ở câu thứ nhất có thể gieo vần hoặc không). Bài thơ "Câu cá mùa thu" của Nguyễn Khuyến và "Cảm xúc mùa thu" của Đỗ Phủ tuân thủ rất chặt chẽ theo cách gieo vần này. Bài "Cảm xúc mùa thu" gieo vần bằng là vần "âm" ("lâm", "sâm", "âm", "tâm", "châm") còn "Câu cá mùa thu" gieo vần "eo" ("veo", "teo", " vèo", "teo", "bèo").
4. Đối
Thơ Đường luật rất chú trọng đối và phép đối tương đối đa dạng. Trong bài thơ thất ngôn bát cú, hai câu thực và hai câu luận thường đối nhau. Các chữ đối nhau phải giống nhau về mặt từ loại (cùng động từ, danh từ,...). Có khi phép đối xuất hiện giữa hai vế trong một câu; phổ biến là đối về từ, các vế của câu trên với câu dưới; có khi đối giữa hai câu thực và hai câu luận. Căn cứ vào sự tương phản hay thuận chiều về ý và lời, có thể chia thành hai loại: đối tương đồng, đối tương phản.
5. Niêm, luật
Trong thơ bát cú, câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5 và câu 6 niêm với câu 7 nhằm tạo ra âm điệu và sự kết dính giữa các câu với nhau. Còn luật là sự đối nhau về âm thanh bằng - trắc, đối nhau trong cùng một liên. Tiếng thứ nhất, ba, năm không cần quan tâm bằng trắc; tiếng hai, bốn sáu nhất định phải đối về mặt âm thanh.
Đối với thơ tứ tuyệt, tuân thủ quy định niêm, luật như thể thơ bát cú.
Ví dụ: Niêm, luật của bài thơ "Cảm xúc mùa thu" (Đỗ Phủ)
Thơ Đường luật có một mô hình thi luật nghiêm ngặt, chặt chẽ, hướng tới sự đối xứng, hài hòa về mặt cấu trúc của toàn bộ bài thơ. Mô hình thi luật này dựa trên cảm quan của người Trung Quốc về vũ trụ, họ cho rằng vũ trụ là thể thống nhất và giữa các bộ phận của vũ trụ luôn có sự liên thông với nhau. Các yếu tố hình thức trong thơ Đường luật góp phần làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của bài thơ.
6. Sự sáng tạo về hình thức của thơ Nôm Đường luật
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn học Trung Hoa, Việt Nam cũng tiếp nhận và thừa hưởng di sản văn chương phong phú dưới nhiều hình thức khác nhau. Nổi bật là thể thơ Nôm Đường luật được hình thành dựa trên cơ sở của thơ Đường luật và ngôn ngữ dân tộc. Ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm dựa trên chữ Hán để ghi âm và biểu đạt nghĩa tiếng Việt. Thơ Nôm Đường luật mặc dù vẫn tuân thủ những quy định về hình thức của thơ Đường nhưng cũng đã có những thay đổi về nhịp điệp câu thơ, sử dụng nhiều những hình ảnh, từ ngữ gắn liền với đời sống thường ngày. Bài thơ "Tự tình" của Hồ Xuân Hương là bài thơ Nôm có sự phá cách về mặt hình thức khi niêm luật của bài thơ đã có sự thay đổi.
III. KẾT LUẬN
Đặc điểm của hình thức thơ Đường luật được biểu hiện qua: bố cục, vần, đối, niêm, luật,... tạo nên sự chặt chẽ, hài hòa cho cấu trúc của toàn bộ bài thơ. Chúng có tác dụng quan trọng trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm cũng như thể hiện được quan niệm và phong cách sáng tác của nhà thơ.
Để có thể viết báo cáo về một vấn đề, các em cần lựa chọn đề tài có tính cấp thiết, tiến hành nghiên cứu theo một quy trình và xây dựng đề cương chi tiết. Mặc dù, kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức rèn luyện nhưng các em cần cố gắng hơn!
Để học tốt Ngữ văn, các em xem thêm các bài soạn văn mẫu lớp 10 khác:
- Soạn bài Tỏ lòng (Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão), Ngữ văn lớp 10, Cánh Diều
- Soạn bài Hê-ra-clét đi tìm táo vàng (Trích thần thoại Hy Lạp), Ngữ văn lớp 10, Cánh Diều